Bầu cử Mỹ: Nỗi sợ và sự phân cực

LTS: Không khí bầu cử ở Mỹ đang rất sôi nổi với cuộc “so găng” giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đang trên đà nước rút về đích. Trong lịch sử nước Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống luôn tác động một cách sâu sắc đến toàn xã hội Mỹ. Để hiểu hơn về điều này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ThS Chu Duy Ly, người vừa tham gia chương trình nghiên cứu “Xây dựng cơ quan nghiên cứu chính sách - ảnh hưởng và hiệu quả” tại Mỹ.

Không khí bầu cử ở Mỹ đang rất sôi nổi. Người Mỹ rất ý thức về sự thay đổi của người đứng đầu quốc gia. Khi một lãnh đạo mới đắc cử, những chính sách trước đây sẽ thay đổi và những thay đổi này tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc sống của chính họ.

Một cuộc tranh cử “dựa trên nỗi sợ”

Nỗi sợ do truyền thông mang lại đóng vai trò rất quan trọng trong bầu cử tổng thống ở Mỹ. Người ta gọi cuộc tranh cử năm nay là một cuộc tranh cử dựa trên nỗi sợ (fear-based election). Rất nhiều cử tri gặp phải những nỗi sợ về các vấn đề trên thế giới và đặc biệt là các vấn đề bên trong nước Mỹ như tình trạng thất nghiệp, tấn công khủng bố, bệnh dịch, môi trường, tội phạm do các kênh truyền thông đưa tin.

Trong giai đoạn đầu của cuộc bầu cử, bằng các chiến dịch truyền thông ông Trump đã đánh mạnh vào tâm lý sợ hãi này và nhận được sự ủng hộ của người dân. Rất nhiều người dân ở Mỹ nghĩ rằng chủ nghĩa khủng bố gắn liền với Hồi giáo. Ông Trump chỉ trích bà Clinton chắc chắn sẽ tiếp tục chính sách này khi đắc cử tổng thống. Ông Trump cũng tuyên bố ông sẽ thắt chặt chính sách nhập cư, đặc biệt đối với những người theo Hồi giáo.

Tuy nhiên, vào giai đoạn sau của cuộc bầu cử, truyền thông lại đưa tin hàng loạt bê bối bình luận tục tĩu về việc sờ soạng phụ nữ, người da màu, không đóng thuế của ông Trump. Đây lại là nỗi sợ của các nhóm cử tri ủng hộ nữ quyền, da màu, trí thức.

Nhóm nghiên cứu trao đổi cùng Phó Trợ lý  ngoại trưởng Mỹ Walter Douglas, đặc trách ngoại giao công chúng và công chúng vụ, Cục Đông Á và Thái Bình Dương tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: DL

Sự phân hóa cử tri bình dân

Các nhóm cử tri ở Mỹ rất đa dạng. Họ thuộc những thành phần xã hội khác nhau, có những lợi ích khác nhau và thuộc các bang có số lượng đại cử tri khác nhau. Đơn cử hai nhóm chính là nhóm ủng hộ ông Trump và nhóm ủng hộ bà Clinton.

Thứ nhất, nhóm cử tri không có kỹ năng. Khoảng cách giữa những cử tri có kỹ năng và không có kỹ năng ngày càng lớn trong xã hội Mỹ. Nhóm những cử tri không có kỹ năng có xu hướng ủng hộ ông Trump người hứa sẽ tạo ra việc làm và phản đối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chẳng hạn bang Ohio, “swing state”, là một bang có khả năng thay đổi.

Câu chuyện bầu cử ở bang Ohio đã thay đổi rất nhiều trong 20 năm qua. Trước đây một số cử tri có thể tốt nghiệp trung học và đi làm cho các nhà máy công nghiệp nặng địa phương ở Ohio. Họ có thể kiếm được 68.000 USD/năm. Tuy nhiên, bối cảnh đó không còn nữa. Những cử tri không có kỹ năng ngày nay không chỉ bị hạn chế về cơ hội làm việc bởi những cử tri có kỹ năng mà còn bị cạnh tranh bởi những lao động nhập cư từ bên ngoài nước Mỹ.

Ngoài ra, việc ủng hộ tham gia vào các khuôn khổ kinh tế thương mại bên ngoài nước Mỹ cũng khiến cho các công ty địa phương có xu hướng đầu tư và xây dựng công ty ở các quốc gia khác do giá nhân công rẻ, các vấn đề xử lý môi trường,… Điều này khiến các công nhân địa phương bị mất việc làm. Đây không chỉ là câu chuyện của Ohio mà còn là câu chuyện chung của Alabama, Mississippi, Georgia,... nơi mà các công ty công nghiệp nặng ở địa phương đã xây dựng chi nhánh ở các quốc gia khác.

Ông Donald Trump đã mang lại những hy vọng cho những cử tri không có kỹ năng này. Ông Trump thậm chí đã tuyên bố sẽ xây một bức tường giữa Mỹ và Mexico để ngăn chặn những người nhập cư lao động giá rẻ từ Mexico. Đây là điều mà nhóm cử tri không có kỹ năng ở những khu vực này quan tâm và muốn nghe.

Thứ hai, nhóm cử tri ủng hộ nữ quyền. Bất kể lập trường về các vấn đề liên quan đến khác biệt giới tính như thế nào thì những người ủng hộ nữ quyền đều nhấn mạnh đến sự phù hợp về kinh nghiệm của phụ nữ và các cống hiến của họ trong tất cả lĩnh vực. Ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo nữ như Margaret Thatcher của Vương quốc Anh, Megawati Sukarnoputri của Indonesia, Golda Meir của Israel, Corazon Aquino của Philippines, Angela Merkel của Đức, Christina Fernandez de Kircher của Argentina hay Michelle Bachelet của Chile là không thể chối bỏ.

Bà Clinton là một hình ảnh mạnh mẽ về người phụ nữ trong chính trường. Vào giai đoạn đầu của cuộc tranh cử nhóm cử tri này phần lớn là những người ủng hộ bà Clinton trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Tuy nhiên, vào giai đoạn sau của cuộc tranh cử nhóm này ngày càng tăng vì những cáo buộc lạm dụng tình dục và coi thường phụ nữ của ông Trump bị lộ.

ThS Chu Duy Ly phát biểu tại East-West Center  (văn phòng tại Washington). Ảnh: DL

Phân cực giới think-tank

Đại diện các think-tank (cơ quan nghiên cứu chính sách) của Mỹ có những quan điểm cá nhân khác nhau về hai ứng viên. Những người tôi gặp tại các cơ quan nghiên cứu chính sách rất ủng hộ bà Clinton. Họ cho rằng bà Clinton có nhiều khả năng chiến thắng hơn ông Trump.

Ông Richard C. Bush III, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Đông Á thuộc Brookings Institution, cho rằng bà Clinton với kinh nghiệm làm chính trị sẽ tiếp tục những chính sách của Tổng thống Obama đối với châu Á. Cùng quan điểm với ông Bush III, TS Sheila A. Smith của Council for Foreign Relations, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Nhật, cho rằng bà Clinton có kinh nghiệm trong các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại, khủng bố, nhập cư,… Trong khi đó, ông Trump là người thiếu kinh nghiệm trong các vấn đề nói trên. Ông Trump chỉ quan tâm đến kinh tế với tư duy tương đối đơn giản.

Ngược lại, ông Clyde Prestowitz, người sáng lập và là chủ tịch của Economic Strategy Institute, nghĩ rằng ông Trump chính là chính trị gia của tương lai. Là một nhà nghiên cứu về chiến lược kinh tế, ông Prestowitz ủng hộ ông Trump chuyển dịch trong chính sách đối ngoại Mỹ-NATO (Mỹ chi khoảng 3/4 ngân sách của NATO, nhiều hơn bất cứ quốc gia thành viên NATO nào).

Tương tự, đối với các đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines. Nhật Bản và Hàn Quốc không còn là những quốc gia nghèo sau Thế chiến II mà hiện tại đều là những quốc gia phát triển và giàu có. Vậy tại sao họ không chia sẻ gánh nặng với Mỹ.

Ông Matthew Carle, đảng viên đảng Cộng hòa, chiến lược gia chính trị kiêm giám đốc New Day for America, cho rằng ông Trump đang thực hiện rất tốt chiến thuật của mình khi ông không thực sự có kiến thức về các vấn đề khác. Ông Trump chỉ tập trung chỉ trích những vấn đề cá nhân, gia đình bà Clinton và đặc biệt là nếu bà Clinton thắng cử thì nước Mỹ sẽ không có gì thay đổi. Và những chính sách của Tổng thống Obama đương nhiệm sẽ tiếp tục như vấn đề y tế, ngân sách cho các đồng minh quá lớn đối với nền kinh tế Mỹ. Mặc dù không thích tính cách của ông Trump nhưng ông Carle vẫn ủng hộ ông Trump vì đó là ứng viên của đảng Cộng hòa.

ThS CHU DUY LY (ĐH KHXH&NV TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm