Bầu cử Myanmar: Cơ hội lịch sử và tương lai chông gai

Câu chuyện cổ tích về một chiến thắng áp đảo cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD), lãnh đạo bởi nữ chính khách nổi tiếng Aung San Suu Kyi, trong cuộc bầu cử Quốc hội (QH) lịch sử của Myanmar đang đứng trước cơ hội rất lớn để trở thành hiện thực. Sau hơn 25 năm đấu tranh, người phụ nữ 70 tuổi từng đoạt giải Nobel Hòa bình sắp giành được một chiến thắng chính trị mang ý nghĩa lịch sử cho đất nước Myanmar.

Chiến thắng trong tầm tay?

Những người ủng hộ đảng của bà Aung San Suu Kyi đã nhảy múa vui mừng trên đường phố. Họ liên tục đón những tin chiến thắng trước đảng Đoàn kết Thống nhất và Phát triển (USDP) cầm quyền trong cuộc đua giành ghế tại Thượng viện và Hạ viện Myanmar. Mặc dù có tổng cộng đến 498 ghế ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện Myanmar, những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi và đảng của bà vẫn có quyền ăn mừng và hy vọng vào một kết quả tốt đẹp khi họ thắng toàn bộ 32 ghế Hạ viện trong hai đợt công bố kết quả kiểm phiếu đầu tiên. Còn ở Thượng viện, đảng NLD cũng thắng được ba trên bốn ghế được công bố với duy nhất một ghế được USDP giữ lại thành công.

Mặc dù tốc độ công bố kiểm phiếu bị chậm trễ ngoài dự kiến, ông Nyan Win - phát ngôn viên của NLD - vẫn tự tin khẳng định với hãng tin AP: “Chúng ta sẽ có một chiến thắng áp đảo”.

Trong bài phát biểu đầu tiên của mình sau thời gian bỏ phiếu bầu, bà Aung San Suu Kyi cho biết kết quả cuối cùng có thể sẽ không được công bố sớm như mọi người kỳ vọng. Tuy nhiên, bà cũng tự tin cho rằng đảng của mình đã chiến thắng khi mỉm cười nói rằng: “Có lẽ tất cả các bạn đều đã biết kết quả sẽ như thế nào”. Trong khi đó, ông Htay Oo - Quyền Chủ tịch của đảng cầm quyền USDP đã thừa nhận rằng đảng của ông đang mất đi quá nhiều ghế trong QH. Ông cho biết: “Chúng tôi có tỉ lệ thua cao hơn là thắng. Vẫn chưa có kết quả chính thức cuối cùng, tuy nhiên chúng tôi sẵn sàng chấp nhận mọi viễn cảnh”. Chủ tịch Thượng viện Myanmar và cựu Chủ tịch đảng USDP - ông Shwe Mann đã chấp nhận thất bại tại khu vực Bago miền Trung Myanmar.

Phía quân đội Myanmar được giữ 25% tổng số ghế theo quy định của hiến pháp nước này. Do đó, để giành được chiến thắng và xây dựng chính phủ mới, NLD phải giành được trên 67% tổng số ghế lưỡng viện Myanmar. Theo ghi nhận của các hãng tin quốc tế, đảng NLD của bà Suu Kyi cũng chiến thắng tại nhiều quận khác trong tổng số 325 quận tổ chức bỏ phiếu, tuy nhiên phần lớn chiến thắng nằm trong các thành phố lớn như Yangon. Các chuyên gia phân tích vẫn hoài nghi những chiến thắng ban đầu này có thể đại diện cho toàn bộ các quận nông thôn của Myanmar.

Cuộc bầu cử QH lần này tại Myanmar được đánh giá là một sự kiện mang tính lịch sử và bước ngoặt của đất nước này. Lần đầu tiên trong vòng 1/4 thế kỷ, người dân Myanmar đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử được cho là đầy đủ, tự do và công bằng nhất. Hơn 6.000 ứng viên từ 92 chính đảng và hơn 300 ứng viên tự do tham gia cuộc đua vào Thượng viện và Hạ viện Myanmar. Quá trình bỏ phiếu diễn ra khá suôn sẻ tại 40.000 phòng phiếu. Theo tờ The Guardian, cuộc bỏ phiếu được theo dõi bởi hơn 10.000 quan sát viên bầu cử với hàng ngàn quan sát viên quốc tế đến từ Liên minh châu Âu và Liên Hiệp Quốc. Những thông tin đầu tiên về cuộc bầu cử được đánh giá là có quy trình mang tính minh bạch cao.


Một quan chức trong ủy ban kiểm phiếu đưa ra một tờ phiếu có đánh dấu bầu cho đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: AFP


Bà Aung San Suu Kyi đến một điểm bỏ phiếu vào sáng sớm 9-11. Ảnh: GETTY IMAGES

Bầu cử Myanmar: Cơ hội lịch sử và tương lai chông gai ảnh 3
Những người ủng hộ đảng của bà Aung San Suu Kyi ăn mừng khi nghe những kết quả đầu tiên. Ảnh: REUTERS

Tương lai nhiều thách thức

Theo tờ Sydney Morning Herald (Úc), các nhà phân tích cũng lên tiếng cảnh báo Myanmar sắp phải đối mặt với một khoảng thời gian “nguy hiểm” trước mắt. Quân đội nước này đã hứa hẹn sẽ tôn trọng kết quả bầu cử và tuyên bố sẽ không ngăn cản đảng của bà Aung San Suu Kyi nắm quyền lãnh đạo chính quyền. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc bà Suu Kyi hợp tác với quân đội có suôn sẻ và tốt đẹp hay không sẽ đóng vai trò quyết định đến tương lai của Myanmar. Theo hiến pháp nước này, phía quân đội nắm trong tay quyền bổ nhiệm bộ trưởng của ba bộ quan trọng là Quốc phòng, Nội vụ và Các vấn đề biên giới cũng như quyền chuẩn thuận việc sửa đổi hiến pháp. Không những thế phía quân đội còn nắm giữ sức ảnh hưởng cực kỳ to lớn lên nền kinh tế Myanmar thông qua mạng lưới khổng lồ của các tập đoàn kinh doanh thuộc quản lý của quân đội.

Theo Carlo Bonura - chuyên gia về Myanmar của ĐH London, dẫu cho đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi có chiến thắng áp đảo đến mấy, phía quân đội vẫn không để cho bà Suu Kyi trở thành tổng thống của nước này. Bà Aung San Suu Kyi cũng bị ngăn cản trở thành tổng thống Myanmar bởi các quy định của hiến pháp nước này, vốn được viết bởi chính quyền do quân đội chi phối. Theo đó, Myanmar cấm những ai có con hoặc vợ chồng là người nước ngoài trở thành tổng thống. Trong khi đó, cả người chồng quá cố và hai người con của bà Suu Kyi đều là người Anh. Mặc dù vậy, có vẻ bà Suu Kyi vẫn quyết tâm giành một chiến thắng toàn diện về mình. Ngay trước thềm bầu cử, người ta đã lo ngại một tương lai đối đầu gay gắt giữa bà Aung San Suu Kyi và phe quân đội khi bà hùng hồn tuyên bố sẽ “đứng trên cả tổng thống” lãnh đạo quốc gia nếu như đảng của bà chiến thắng. Một số nguồn tin cho biết kế hoạch của bà đã chọc tức nhiều tướng lĩnh tại Myanmar. Hiến pháp của quốc gia này quy định không một ai có quyền đứng trên tổng thống để lãnh đạo đất nước.

Đảng cầm quyền đương nhiệm của Myanmar USDP do quân đội hậu thuẫn đã tuyên bố các quan chức của họ sẽ không tuân lệnh của bà Suu Kyi nếu như bà quyết định thiết lập một chính phủ trên quyền tổng thống. Điều này càng làm gia tăng lo sợ rằng các cuộc đàm phán xây dựng chính phủ liên minh sau bầu cử sẽ gặp nhiều trở ngại và thách thức. Tờ Sydney Morning Herald dẫn lại lời ông Nicholas Farrelly, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Myanmar tại ĐH Quốc gia Úc, tất cả các bên trong chính trường Myanmar cần phải nhanh chóng tìm cách thỏa hiệp và tìm ra cách điều chỉnh những khác biệt một cách thực chất để tránh những hậu quả đau thương. Nếu điều này không được thực hiện một cách hiệu quả, ông Farrelly nhận định: “Kịch bản còn lại, như lịch sử của Myanmar đã nhiều lần diễn ra, sẽ là chiến tranh, xung đột và đau thương”.

Năng lực lãnh đạo vẫn là ẩn số

Nữ chính khách 70 tuổi Aung San Suu Kyi đã từng bị chính quyền quân sự Myanmar xem là mối đe dọa nguy hiểm nhất của họ và bị giam tại gia trong suốt gần 15 năm. Bà được chính thức thả tự do vào năm 2010 và bắt đầu quay trở lại chính trường, tạo nên sức ảnh hưởng và mến mộ không chỉ ở Myanmar mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, Vương quốc Anh và châu Âu. Theo tờ Wall Street Journal, nhiều người dân tại Myanmar xem bà như là một nhà lãnh đạo “thiên bẩm” và sẽ dẫn dắt Myanmar bước vào một kỷ nguyên mới.

Tuy nhiên, vẫn có những hoài nghi xoay quanh khả năng bà Suu Kyi lèo lái con thuyền Myanmar tái xây dựng nền kinh tế, hội nhập với quốc tế và xây dựng nền dân chủ một khi đảng NLD của bà chiến thắng. Trong một bài phỏng vấn của tờ Wall Street Journal, một số lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ có quan tâm đến Myanmar đã bày tỏ lo ngại bà Suu Kyi không hiểu biết gì nhiều về kinh tế - yếu tố quan trọng đối với lộ trình cải cách hiện nay của đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm