NGHỆ THUẬT GIẢI CỨU CON TIN - BÀI 2

Biết cách ‘lắng nghe’ kẻ thủ ác

Theo báo cáo từ Cục Phát triển cảnh sát quốc gia (National Policing Improving Agency - NPIA) của Anh, hình thức thương thuyết giải cứu con tin đã bắt đầu được các lực lượng an ninh tại Anh áp dụng từ năm 1976. Cùng với lực lượng FBI và Sở Cảnh sát TP New York (Mỹ), sở cảnh sát London - New Scotland Yard là các lực lượng cảnh sát đầu tiên trên thế giới áp dụng phương thức thương thuyết vào hoạt động giải cứu con tin của mình.

Nghệ thuật thương thuyết chuyên nghiệp

Hiện nay cảnh sát Anh đã xây dựng Đơn vị Thương thuyết khủng hoảng và con tin (Crisis and Hostage Negotiation Unit - CHNU). Theo Neil Stapley, nguyên chỉ huy CHNU, một chuyên viên thương thuyết phải đảm bảo được kỹ năng cơ bản và cần thiết nhất là “khả năng lắng nghe chủ động”. Ông cho biết: “Bản chất của việc thương thuyết hết 80% là lắng nghe. Cần phải làm cho đối tượng mình trao đổi hiểu rằng vẫn có người sẵn sàng lắng nghe họ”.

Đa số thành viên mới của đơn vị là những người đã đạt đến cấp bậc thanh tra trở lên. Mỗi năm, sở cảnh sát London tổ chức bốn khóa đào tạo kỹ năng thương thuyết cho các lực lượng cảnh sát quốc gia. Các khóa học này kéo dài hai tuần, tuy nhiên mỗi khóa học chỉ chấp nhận đúng tám học viên đến từ các lực lượng cảnh sát trong nước. Mỗi khóa học sẽ còn có sự tham gia của ba học viên từ các lực lượng cảnh sát và an ninh nước khác, chẳng hạn như các đặc vụ đến từ FBI (Mỹ) hay một số nước đối tác của Anh.

Trong một bài thuyết trình tại Học viện The Chartered Institute of Arbitrators (London), ông Dave Johnston, nguyên Trưởng ban Điều tra án mạng và tội phạm nghiêm trọng, sở cảnh sát London đã đánh giá rất cao phương pháp dùng thương thuyết trong các trường hợp khủng hoảng. Lực lượng cảnh sát thành phố này mỗi năm nhận khoảng 180 cuộc điện thoại yêu cầu hỗ trợ về thương thuyết. Hơn 60% trong tổng số đó, đối tượng là người có tâm lý không ổn định, đe dọa tính mạng của người xung quanh và chính bản thân mình. Tuy nhiên, Johnston nhấn mạnh: “Dưới 20% các trường hợp giải cứu con tin buộc phải sử dụng đến vũ lực. Trong khi đó, các biện pháp bao vây và thương thuyết trong những trường hợp này đều đạt hiệu quả trên 95%, đảm bảo an toàn tính mạng của cả con tin và lực lượng giải cứu con tin”.

Lực lượng cảnh sát vũ trang của TP London. (Ảnh minh họa)

Đặc nhiệm SAS: Vũ khí tối thượng

Nước Anh còn sở hữu trong tay một “vũ khí tối thượng”, nổi tiếng toàn cầu với các phi vụ giải cứu con tin cả trong nước và quốc tế - lực lượng đặc nhiệm SAS.

Quân đội Anh hiện có nhiều lực lượng đặc nhiệm nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Special Air Service (SAS). Thành lập từ năm 1942, phục vụ trong Thế chiến thứ hai, SAS được nhiều chuyên gia quân sự xem là hình mẫu đầu tiên của một đội biệt kích thời hiện đại. Đến nay, một số lực lượng đặc nhiệm trên thế giới vẫn được xây dựng theo mô hình của SAS. Giống như khẩu hiệu của lực lượng này - “Who dares wins” (người thách thức những chiến thắng) - lực lượng này được rèn luyện để nhắm đến những “chiến thắng hoàn hảo”.

Người muốn tham gia vào hàng ngũ của SAS buộc phải vượt qua quá trình sát hạch cực kỳ khắc nghiệt. SAS có hai đợt tuyển chọn thành viên với số lượng ứng cử viên trung bình là 200 quân nhân đến từ tất cả binh chủng của quân đội hoàng gia Anh. Các thí sinh sẽ phải trải qua năm tuần khổ luyện với vô số các bài tập và thử thách.

Trung bình chỉ có 15%-20% các ứng cử viên vượt qua được vòng khảo sát thể lực của SAS. Đa số thất bại khi phải hành quân 64 km đường núi nhiều chướng ngại vật với ba lô nặng 25 kg, leo qua ngọn núi Pen Y Fan (miền Nam xứ Wales) cao 886 m với đầy đủ thiết bị quân dụng và vũ khí trong thời gian dưới 20 giờ.

Các đặc nhiệm tương lai còn được đưa đến các khu rừng già bên ngoài nước Anh để kiểm tra khả năng tác chiến trong điều kiện khí hậu nhiệt đới trước khi được đưa trở lại trung tâm huấn luyện tại Hereford để được đào tạo về chiến thuật, vũ khí và mô phỏng tác chiến. Kết thúc kỳ thi họ còn phải đương đầu với 36 tiếng đồng hồ tra khảo để kiểm tra về sức mạnh tâm lý. Thường chỉ còn lại 30 ứng viên xuất sắc nhất được thuyên chuyển đến doanh trại của SAS để tiếp tục tập luyện và theo dõi.

Chiến công được biết đến nhiều nhất của SAS là chiến dịch Nimrod giúp giải thoát các nhân viên Đại sứ quán Iran tại London sau sáu ngày bị một nhóm khủng bố Ả Rập bắt làm con tin từ ngày 30-4 đến ngày 5-5-1980. Những phần tử dân tộc cực đoan đã bắt giữ toàn bộ 26 nhân viên và khách tham quan tại đại sứ quán làm con tin, đòi chính quyền Iran phải trao trả tự do cho các tù nhân Ả Rập tại tỉnh Khuzestan (Iran), đồng thời yêu sách chính phủ Anh phải đảm bảo cho chúng một đường tẩu thoát an toàn.

Tuy nhiên, các đòi hỏi của nhóm này đều bị từ chối. Đến ngày bao vây thứ sáu, bọn khủng bố đã bắn chết một con tin để thị uy. Đáp lại thái độ hung hăng đó, chính phủ Anh đã lựa chọn biện pháp cứng rắn, lệnh cho lực lượng SAS “càn quét” tòa đại sứ, tiêu diệt lực lượng khủng bố và giải thoát con tin.

Một giờ sau khi lực lượng SAS nhận lệnh rồi tiếp cận hiện trường, trong chưa đầy 17 phút tác chiến, các biệt kích đã bắn hạ năm tên khủng bố, bắt giữ một tên mà hầu như không chịu thương vong nặng nề nào. Thêm một con tin đã bị bọn khủng bố sát hại. Tuy nhiên, 24 người còn lại đều được giải thoát an toàn. Toàn bộ chiến dịch đã được các đài truyền hình quay và phát lại, góp phần đưa SAS trở thành một huyền thoại.

Lực lượng thương thuyết: Không chỉ là giải cứu con tin

Tuy nhiên, không phải lúc nào lực lượng an ninh nước Anh cũng phải gồng mình đối phó với các vụ khủng bố hay bắt cóc con tin. Theo báo cáo của sở cảnh sát London, trong năm 2011, 68% các vụ việc mà đơn vị thương thuyết của cảnh sát Anh phải giải quyết là nhằm ngăn chặn người có ý định tự sát. Rõ ràng công việc thường trực của những nhà thương thuyết không phải là ngồi đấu trí với các kẻ sát nhân hàng loạt hay những kẻ bắt cóc con tin như các bộ phim hành động thường miêu tả.

Theo ông Neil Stapley, mọi người thường nhầm lẫn về vai trò của lực lượng thương thuyết khi cho rằng chỉ có các trường hợp giải cứu con tin mới cần đến vai trò của các chuyên viên này. Tuy nhiên, sự tư vấn và đối thoại từ các chuyên viên này còn có thể hỗ trợ cứu sống nhiều mạng người trong các trường hợp khác, đặc biệt là đối với các đối tượng có ý định tự tử.

Theo ông, điều quan trọng nhất mà lực lượng này hướng đến là cứu sống mạng người thông qua lời nói. Một vụ đe dọa tự sát cũng tương tự như một vụ bắt giữ con tin với nạn nhân và thủ phạm chính là cùng một người. Không những thế, một người có ý nghĩ tự sát là một người có tâm lý không ổn định. Việc tư vấn và dập tắt các ý định này vừa ngăn chặn một án mạng, vừa loại trừ được một mối lo ngại trong tương lai.

Cảnh sát Anh còn xem trọng vấn đề này đến mức các đặc vụ của đơn vị thương thuyết đều phải trải qua các khóa huấn luyện về cách tác nghiệp ở những nơi có độ cao nguy hiểm, như lan can nhà cao tầng hay các cây cầu, những địa điểm thường xảy ra các vụ tự sát.

TRUNG NHÂN

Những thời khắc đặc biệt nguy hiểm đối với con tin

Ông Dave Johnston, nguyên Trưởng ban Điều tra án mạng và tội phạm nghiêm trọng, sở cảnh sát London, cho biết trong một cuộc bắt giữ con tin, có ba thời điểm đặc biệt nguy hiểm đối với các nạn nhân: Thứ nhất là giai đoạn từ 15 đến 45 phút đầu tiên của vụ án. Đây là thời điểm con tin hoảng loạn và sợ hãi nhất, dễ dẫn đến các hành động có nhiều rủi ro.

Giai đoạn nguy hiểm thứ hai là khi kẻ bắt giữ con tin chuẩn bị đầu hàng lực lượng chức năng. Đây là thời điểm rất nhạy cảm trong cuộc bắt giữ do kẻ phạm tội đang sợ hãi và con tin cũng trở nên manh động hơn. Nếu lực lượng chức năng không kiểm soát tốt tình hình, cuộc giải cứu con tin sẽ nhanh chóng chuyển ngược từ thành công sang thất bại.

Và đương nhiên, thời điểm mà các đơn vị chiến thuật ập vào khống chế tội phạm, giải thoát con tin cũng đặt con tin vào vị trí nguy hiểm. Sự thất bại của đàm phán chứng tỏ rằng đối tượng đã sẵn sàng đối đầu với lực lượng chức năng và làm hại con tin nếu cảm thấy bị đe dọa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm