Bức ảnh đánh thức lương tri thế giới

Bức ảnh đã góp phần làm dâng cao làn sóng phản đối cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành tại Việt Nam lúc bấy giờ.

Tác giả bức ảnh chính là Huỳnh Công Út, sinh ngày 29-3-1951 tại huyện Châu Thành - tỉnh Long An, phóng viên ảnh của Hãng thông tấn Associated Press (AP). Tác phẩm ấy đã mang về cho Huỳnh Công Út giải Pulitzer và anh trở thành nhân vật nổi tiếng thế giới với tên gọi quen thuộc là Nick Út...

Bức ảnh đánh thức lương tri thế giới ảnh 1 Giản Thanh Sơn phỏng vấn ký giả Nick Út tại Sài Gòn

 Sau nhiều lần gặp anh tại Sài Gòn, dù rất bận rộn với chương trình tác nghiệp và đi lại thăm hỏi người thân ở quê nhà, anh vẫn tranh thủ dành cho tôi cuộc phỏng vấn đúng hẹn...

Mở đầu cuộc phỏng vấn, Nick Út cho biết hiện anh vẫn làm việc cho Hãng thông tấn Mỹ AP tại Los Angeles. Nhiều bức ảnh các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc, truyền hình xuất hiện tại thành phố này trong thời gian qua phần nhiều là do anh chụp. “Hằng tuần tôi vẫn liên lạc với Kim Phúc (cô bé trong bức ảnh nổi tiếng, từng là đại sứ của Liên hợp quốc, nay sống tại Canada)”, Nick Út cho biết. Nick nói: “Bức ảnh ấy rất thật, cũng như cuộc chiến tại Việt Nam rất kinh khủng. Khoảnh khắc ấy xảy ra cách nay đã hơn 40 năm, nhưng vẫn là khoảnh khắc mà Kim Phúc và tôi không thể nào quên được”.

- Phóng viên: Khi chụp bức ảnh “Em bé napalm” vì sao anh có mặt tại nơi chiến sự xảy ra thời điểm đó?

- Nick Út: Là một phóng viên chiến trường nên tôi luôn có mặt tại những điểm nóng - chiến sự đang giao tranh để chụp ảnh làm tin cho Hãng AP, điển hình như tại Trảng Bàng vào ngày 8-6-1972. Lúc đó, tôi nhìn thấy một em bé đã chết trên tay mẹ. Tôi không muốn thêm một em bé nữa chết vì chiến tranh. Tôi quay lại, bế và cùng với một vài đồng nghiệp tưới nước lên lưng trần của Phúc và cấp tốc đưa Phúc về ngay một bệnh viện gần nhất ở Củ Chi. Rồi tôi vội vã trở về văn phòng AP tại Sài Gòn để tráng và rửa tám cuộn phim Kodak 400ASA trắng đen.

Sau nhiều tranh luận tại văn phòng AP Sài Gòn, cuối cùng bức ảnh bé Kim Phúc cháy bỏng vì napalm đã được truyền từ Sài Gòn tới Tokyo trong thời gian 14 phút. Từ Tokyo, nó lại được truyền tự động qua hệ thống dây liên lạc ngầm dưới biển về New York và London. Sau đó, từ hai văn phòng ấy, nó lại được gửi đến các chi nhánh AP và tòa báo ở khắp thế giới. Từ đó đến bây giờ, tôi vẫn thường xuyên liên lạc với Phúc và hầu như tôi cũng đã trở thành “nhà biên niên sử bằng hình” của cháu. Mỗi lần về Việt Nam tôi đều gọi cho Phúc. Và khi có mặt ở Sài Gòn thì tôi tranh thủ về lại Tây Ninh thăm gia đình Phúc. Với Phúc tôi là chú Út. Tây Ninh nay đã thay đổi quá nhiều, và dường như không còn gì gọi là dấu tích chiến tranh nữa.

Bức ảnh đánh thức lương tri thế giới ảnh 2“Napalm Girl” (Em bé napalm) - bức ảnh đánh thức lương tri thế giới của Nick Út Ảnh: HUỲNH NGỌC DÂN

 - Được biết khi 16 tuổi anh đã được AP nhận vào làm việc, sau khi người anh ruột là ký giả Huỳnh Thanh Mỹ bị tử nạn trong khi tác nghiệp tại một vùng chiến sự ở miền Tây. Và từ đó anh đã thực sự trở thành một phóng viên chiến trường. Đang làm việc cho hãng Mỹ, có bao giờ anh quên mình là người Việt Nam?

- Ồ! Không bao giờ. Tôi vẫn xem mình là một nhà nhiếp ảnh Việt Nam. Tôi làm cho AP khi còn rất trẻ. Hãng đào tạo nghề cho tôi. Hơn 30 năm sống ở Mỹ, để hành nghề, để đứng vững, khẳng định tên tuổi, tôi phải phấn đấu nhiều, phải tư duy theo lối Mỹ, nạp nhiều thông tin của xã hội, văn hóa quốc gia sở tại. Nhưng trong tôi có hai con người tách bạch. Một người Mỹ và một người Việt Nam. Ở Mỹ, tôi trào dâng hãnh diện khi người ta gọi Vietnamese Nick - Thằng Nick người Việt Nam.

Cái tên Nick Út, tôi có thể tự hào không giấu giếm mà nói, có tiếng trong giới truyền thông Mỹ; nhiều khi nó là “thẻ hành nghề” thuận tiện. Ví dụ lúc tòa án Mỹ xét xử vận động viên O.J.Simpson, rất nhiều ký giả không lọt được vào tòa, nhưng người ta lại cho: “Thằng Nick Việt Nam” vào. Và tôi cũng rất hãnh diện khi nghe bạn bè nói “Thằng Nick chỗ nào cũng có mặt”. Về Việt Nam, tôi là người Việt Nam. Chụp phong cảnh đất nước Việt Nam với con mắt người Việt Nam. Nguyên tắc hành nghề của tôi là: “Tôn trọng sự thật”. Đi thỉnh giảng, tôi thường nói với sinh viên: “Phải loại bỏ ra khỏi đầu chuyện lạm dụng kỹ thuật ảnh để cắt ghép, dàn dựng ảnh”. 

- Cảm giác của anh khi lần đầu tiên trở về quê hương?

- Mười bốn năm sau ngày rời quê hương, năm 1989 tôi hân hoan được quay về Việt Nam với tư cách ký giả theo phái đoàn tìm kiếm hài cốt lính Mỹ. Mất người thân, đau đớn nhưng tôi cho rằng, trong vấn đề này, người Mỹ hơi quan trọng hóa vấn đề. Vì hàng trăm nghìn người Việt vẫn còn mất tích... Năm 1992, đến một làng ngoại thành Hà Nội chụp cảnh gia đình mất con vì bom Mỹ còn sót lại trên cánh đồng làng, tôi xúc động rất lâu rồi mới ghi được những bức hình. Về quê nhà, được đi khắp nơi, tôi tự do chụp Việt Nam thanh bình. Khi trở về Mỹ, tôi cũng đã tổ chức triển lãm và bán đấu giá những bức ảnh vừa chụp lấy tiền ủng hộ cho chương trình của AP nhằm giúp phóng viên ảnh trẻ các nước. Năm 2005, kỷ niệm 30 năm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, tại Bảo tàng Getty (Los Angeles - Mỹ) tôi đã tổ chức triển lãm lớn với đề tài Việt Nam: Chiến tranh và hòa bình. Ngoài chuyện ảnh, niềm vui thứ hai của tôi là về thăm quê nhà trong những kỳ nghỉ hiếm hoi. Tôi về quê nhà nghỉ ngơi trong sự yên bình.

- Có lần trả lời phỏng vấn báo giới, anh đã bày tỏ mong ước của mình rằng khi về hưu anh sẽ trở về sinh sống tại Việt Nam. Điều gì thôi thúc anh luôn hướng về quê hương?

- Vâng. Chính vì không thể nào quên được khoảnh khắc ghê sợ của cuộc chiến mà mình góp phần làm nhân chứng, nên tôi đã nhiều lần trở về Việt Nam, tìm cách đóng góp cho quê hương. Nói thật, trước hết tôi đã tự “hy sinh” những ngày phép thường niên ít ỏi của mình để về đây làm giảng viên các khóa huấn luyện kỹ năng nhiếp ảnh cho các phóng viên trẻ của Việt Nam. Đây là chương trình của Indochina Media Memorial Foundation (IMMF), một hiệp hội từ thiện được thành lập bởi một ký giả chuyên về hình ảnh Tim Page, người đã nổi tiếng thế giới với những bức ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam. Mục tiêu chính của IMMF là có những hành động cụ thể để tưởng nhớ những nhà báo, nhiếp ảnh gia và nhà làm phim của cả hai chiến tuyến đã tử nạn hoặc mất tích tại Việt Nam trong thời gian từ năm 1945 đến 1975. Chương trình này đã huấn luyện cho nhiều phóng viên ảnh của Việt Nam trong thời gian qua bởi sự hợp tác của Thông tấn xã Việt Nam và Hãng Canon. Tôi đi đây đi đó nhiều rồi và mình cũng đã nhận ra rằng, không nơi nào bằng quê hương mình anh ạ!...

- Vâng, cảm ơn anh đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này.

Theo GIẢN THANH SƠN (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm