Campuchia du ký - bài 2: Dấu ấn nhà sàn

Đi trên một đoạn đường hơn 1.000 km, xuyên ngang đất nước Campuchia, từ quốc lộ cho đến đường xuyên Á, ấn tượng mạnh trong tôi khi quan sát hai bên đường, sau cây thốt nốt là những ngôi nhà sàn.

Gỗ rẻ hơn bê tông

Một ngôi nhà sàn nằm giữa những cây thốt nốt, sau lưng là những ngọn núi xa mờ và một cánh đồng xanh thẫm với những con trâu, bò thơ thẩn là hình ảnh quen thuộc, đặc trưng và đẹp như tranh của nông thôn Campuchia. Càng nhìn ta càng cảm thấy vẻ đẹp của ngôi nhà sàn vì phong cách kiến trúc của nó đậm đà văn hóa Khmer, văn hóa ở châu Á. Đó là những ngôi nhà nằm trên những trụ cột cao trên 3 m. Đa số là cọc gỗ nhưng ngày nay một số người khá giả đã thay thế bằng cột bê tông cốt sắt cho nó bền, chắc hơn.

Ở Campuchia có những chuyện ngược đời như thế, gỗ lại rẻ hơn bê tông. Gỗ thì họ chỉ cần vào rừng đốn là được, còn bê tông thì phải mua. Rừng lấy gỗ ở Campuchia còn rất nhiều, thậm chí khi đi hai bên đường ta vẫn nhìn thấy những cây bằng lăng, dầu to cả mấy ôm người. Ở trong ruộng sen lẫn với thốt nốt ta vẫn nhìn thấy những cây to. Khi xe ghé lại một làng gần tỉnh Xiêm Riệp, thấy cư dân làm đồ mộc gia dụng rất nhiều, tôi đến hỏi thì giá đồ gỗ ở đây rẻ đến ngạc nhiên: Một chiếc ghế toàn gỗ bên (nhóm II) giá chỉ có 300.000 đồng tiền Việt, một cái bàn dày một tấc, đường kính gần 1 m giá chỉ có hơn 4 triệu đồng Việt Nam. Gỗ rẻ như thế nên người dân Campuchia xài gỗ làm nhà vô tư. Một cái nhà bề ngang thường trên 5 m, dài trên 10 m, sàn gỗ thường được làm bằng gỗ dầu đến gỗ bên, thao lao, có những gia đình giàu xưa thì làm sàn bằng gỗ quý nhóm I. Vách, buồng, cột, kèo cũng bằng gỗ cả. Mái thì đa phần lợp bằng ngói vảy rồng. Có những nhà nghèo thì lợp bằng tranh hay lá thốt nốt… mái nhà họ hình tam giác, giống như nhà truyền thống Việt Nam, có những nhà sáu mái, có những nhà tám mái, chạy đều từ trước ra sau. Trong nhà người ta chạm khắc rất cầu kỳ, theo họa tiết văn hóa Ăngkor. Có nhà chạm bốn góc trên mái là bốn nàng Apsara - một đại mỹ nhân của Campuchia thời cổ đại.

Người Campuchia rất chú trọng ngôi nhà, đó không chỉ là tổ ấm mà còn là nơiđể thể hiện danh giá của gia chủ. Ảnh: PTN

Ngôi nhà sàn thể hiện danh giá của gia chủ

Người Campuchia rất chú trọng ngôi nhà, đó không chỉ là tổ ấm mà còn là nơi để thể hiện danh giá của gia chủ. Thế nên bằng bất cứ giá nào họ cũng phải xây cho bằng được ngôi nhà đẹp để rồi có gia đình không có tiền mua sắm vật dụng bên trong nên ngôi nhà trống rỗng.

Có ba lý do để hình thành nếp ở trên nhà sàn và nó được duy trì hàng ngàn năm như sau: Campuchia là một đất nước nằm ở hạ nguồn sông Mêkông, nên vào mùa nước lũ, nước từ Tây Tạng đổ về nhấn chìm phần lớn diện tích đất nước này. Tại biển Hồ, người ta đo được so với mực nước cuối mùa khô đỉnh lũ có thể dâng lên cao đến 15 m cho nên tập quán cư trú trên nhà sàn là để tránh lũ. Thứ hai, từ xa xưa cho đến bây giờ đất nước Campuchia rất nhiều thú dữ và rắn độc. Vào năm 1985 tôi đã có lần sang đây, lúc đi vào một con suối trong rừng nguyên sinh thì thấy cá sấu bò lớp ngớp trên bãi cát. Ngày xưa vào mùa lũ cá sấu từ biển Hồ, rừng nguyên sinh ra đồng bằng rất nhiều. Cùng với cá sấu thì cọp cũng là một mối đe dọa. Đặc biệt là Campuchia có rất nhiều rắn độc. Người Khmer thờ rắn nhưng lại rất sợ rắn. Vào mùa nước nổi rắn không có chỗ trú ngụ phải bò lên chỗ của người ở. Thế nên người Campuchia cất nhà cọc vuông để tránh rắn bò lên cũng như tránh cá sấu và các loài thú dữ khác. Lý do sau cùng là ngôi nhà sàn vẫn còn hữu ích trong điều kiện làm ăn và thời tiết ở Campuchia. Người nông dân ở đây nuôi trâu bò rất nhiều, họ không cần làm chuồng trại, khi chiều xuống là họ lùa trâu bò về cột cho nó nằm trong khoảng không gian rộng rãi dưới sàn nhà. Khoảng không đó cũng là nơi người nông dân nấu ăn, giăng võng nghỉ trưa. Chiều họ mới lên nhà trên sàn để ngủ. Thời tiết ở Campuchia mùa khô rất nóng, có chỗ lên đến 47oC. Thế nên đa phần người nông dân kê giường dưới sàn nhà ngủ, vừa tránh được cái nóng ban trưa (bởi sàn nhà và nóc nhà là hai lớp la phông rồi) vừa lấy được một ít gió mát lành khi đêm đến.

Treo rèm màu hồng: Nhà có gái chưa chồng

Nhìn thấy rất nhiều ngôi nhà sàn treo màn cửa màu hồng, tôi hỏi chị Pô Pha, hướng dẫn viên du lịch của đoàn, chị cười với tôi bằng mắt với nhiều ngụ ý rồi trả lời: “Đó là nếp sinh hoạt truyền thống, những ngôi nhà treo màn cửa màu hồng là những nhà mà gia chủ muốn thông báo với bàn dân thiên hạ rằng nhà tôi có con gái chưa chồng!”. Rồi Pô Pha kể một câu chuyện cười ra nước mắt. Hồi chưa vợ, thấy nhà có rèm màu hồng, người anh của Pô Pha rủ một thằng bạn đến đó rình suốt ba ngày đêm để xem mắt cô gái, đến ngày thứ ba mà chỉ thấy bà già trên 60 tuổi đi ra đi vào cười tủm tỉm, không còn đủ kiên nhẫn, anh của chị Pô Pha đến hỏi: “Thưa dì, cô gái chưa chồng nhà này đi đâu vắng hả?”. Bà già vẫn cười tủm tỉm và bảo: “Người con gái chưa chồng ở nhà này là tôi đây!”. Hóa ra ở đất nước Campuchia người con gái nào chưa chồng, bất luận bao nhiêu tuổi đều có quyền treo màn cửa màu hồng.

Và cũng hãy cẩn trọng hơn khi ta hiểu được tập quán, văn hóa của người Khmer. Nếu ở Trung Quốc người ta xem trọng con trai thì ngược lại, sinh ra được một đứa con gái, người Campuchia gọi là nhà có phúc. Người con gái được xem trọng và tỏ rõ quyền uy trong gia đình. Hiện nay chi phí để cưới một cô vợ ở nông thôn mà nhà trai phải gánh chịu là 1.500 USD. Đó là nói cái giá của một cô dâu nông thôn, còn cô dâu thành thị phải chi đến 10.000 USD. Khi đám cưới diễn ra, nhà trai phải mang tiền bạc, vòng vàng, phẩm vật đến nhà gái để tổ chức đám cưới rình rang ở đó, còn nhà trai thì không có đám cưới.

Chính cái văn hóa tôn trọng phụ nữ như thế nên đàn ông Campuchia nổi tiếng chung tình, thường thì họ ăn ở với vợ nhà đến răng long đầu bạc. Pô Pha nói: “Đại biểu cho những người đàn ông chung tình của đất nước chúng tôi ngày nay là quốc vương Norodom Sihamoni. Lúc học bên Pháp, quốc vương yêu cô gái người Pháp thế nhưng vua cha Sihanouk không bằng lòng, lý do là sợ người kế vị sau này không thuần chủng dòng máu Khmer. Quốc vương Norodom Sihamoni vâng lời vua cha nhưng lại không chịu lấy vợ, đến nay ông đã gần thành một ông già.

Còn tôi thì đứng thần người ra mà lẩm bẩm: Trong ngôi nhà sàn của đất nước Campuchia thật có quá nhiều điều thú vị.

Ruộng ở đâu, nhà ở đó

Không như ở Việt Nam, cư dân lấy lộ làm mặt tiền rồi bố trí nhà cửa quần cư áp sát lộ cho thuận tiện việc mua bán, đi lại, nông dân Campuchia bố trí nhà sàn của họ chỉ chú trọng việc thuận tiện canh tác. Nghĩa là ruộng ở đâu thì họ cất nhà ở đó. Thế cho nên đi trên quốc lộ ta nhìn thấy nhà nông dân ở những bản, sóc xa xa chứ ít khi thấy sự ngay ngắn ven trục lộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm