Cảnh sát lạm dụng nắm đấm: Tù mọt gông!

LTS: Việc VKSND TP Tuy Hòa đề nghị một án tù giam, bốn án treo trong vụ án năm sĩ quan công an ở Phú Yên dùng dùi cui tra tấn nghi can bị còng đến chết đã dấy lên một làn sóng bất bình trong dư luận. Ở các nước tiên tiến, chuyện cảnh sát sử dụng bạo lực ngược đãi nghi phạm được xử lý ra sao và biện pháp nào để hạn chế vi phạm này?

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc cảnh sát dùng bạo lực để khiến nghi phạm khai, nhận tội là hành vi bị cấm. Ngay cả khi truy đuổi các nghi can, nếu trong trường hợp không cần thiết mà làm nghi can bị thương tích, thậm chí dùng lời lẽ thô tục để xúc phạm nghi can thì cảnh sát cũng bị xử lý thật nặng.

Đánh nghi phạm bị thương: 10 năm tù

Khi nghi phạm đã được đưa tới cơ quan công an thì hiếm có trường hợp nào cảnh sát dám sử dụng dùi cui và nắm đấm. Bởi lẽ chỉ cần bị phát hiện, bất kể người bị tra tấn thương tích nặng nhẹ ra sao thì án tù cho cảnh sát điều tra là không thể tránh khỏi.

Cuối tháng 2-2014 vừa qua, báo chí Mỹ đưa tin một cựu sĩ quan cảnh sát tiểu bang Massachusetts ở Mỹ đã bị kết án tại tòa án liên bang vì sử dụng nhục hình đối với một nghi phạm đã bị bắt giữ tại sở cảnh sát. Viên cảnh sát này sau đó còn làm sai lệch báo cáo chính thức để che đậy hành vi phạm tội của mình.

Các công tố viên tại tòa án liên bang cho biết vị cảnh sát 47 tuổi Shawn Coughlin đã đánh vào đầu, dùng đầu gối thúc vào thân thể của một nghi phạm khi người này đang bị còng tay tại một phòng giam ở đồn cảnh sát thuộc Plymouth vào năm 2011. Thêm nữa, Shawn Coughlin còn cố tình làm sai lệch báo cáo chính thức về vụ việc để trốn tội lạm dụng nhục hình của mình.

Trước những bằng chứng thu thập được cùng lời khai của người bị hại, tòa án liên bang đã xác định Coughlin vi phạm hai tội danh là làm giả hồ sơ và sử dụng nhục hình gây thương tích. Kết quả, viên cảnh sát này vừa bị mất việc làm, vừa phải ngồi thêm 30 năm tù. Trong 30 năm tù đó có 10 năm cho tội đánh người vì vi phạm quyền dân sự, 20 năm cho mức án làm sai lệch hồ sơ. Nếu việc hành hung của Shawn Coughlin gây thương tích nặng thì con số 10 năm có thể sẽ nhân lên nhiều lần, có  thể là 30, 40 hoặc thậm chí 50 năm tù.

 
Cảnh sát nếu lạm dụng dùi cui, nắm đấm, dù không gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng lãnh án 10 năm tù. Ảnh minh họa: cravensworld.wordpress

Cấm dùng dùi cui bừa bãi

Việc sử dụng bạo lực đối với nghi phạm chỉ được phép diễn ra khi cảnh sát tiến hành các vụ án truy bắt trên đường phố nhằm đảm bảo an toàn cho những người xung quanh, ngăn chặn tội phạm tẩu thoát hoặc chống người thi hành công vụ. Thế nhưng luật cũng lưu ý rằng ngay cả khi truy đuổi nghi phạm thì cảnh sát cũng phải tuân thủ những quy trình sử dụng giải pháp bạo lực hợp lý.

Ông James Powers, cảnh sát trưởng của Fredericksburg, bang Virginia (Mỹ) và là lãnh đạo của Ủy ban Cưỡng chế thuộc Hiệp hội Cảnh sát trưởng quốc tế IACP, cho biết: Luật pháp quy định cảnh sát phải ứng xử lịch sự với nghi can, đó là yêu cầu trước tiên; sau đó mới được đưa ra các yêu cầu; nếu nghi phạm chống đối thì cảnh sát mới sử dụng hóa chất cần thiết để trấn áp. Trong tình hình cấp thiết để thi hành công vụ và liên quan đến an toàn những người xung quanh, cảnh sát mới dùng các biện pháp vật lý như dùng sức, dùng dùi cui. Cảnh sát chỉ dùng biện pháp “hạ nghi can” trong các trường hợp khủng bố, bắt cóc, hay các vụ nghi can có hành vi đe dọa tính mạng người khác.

Vậy nên trong bất kỳ trường hợp nào, nếu cảnh sát dùng dùi cui sai quy định, gây thương tích không đáng có, ảnh hưởng đến sức khỏe của nghi phạm ngay cả đối với trường hợp truy bắt tội phạm thì điều này đồng nghĩa với việc vi phạm quyền công dân. Theo đó, án tù giam là điều không thể tránh khỏi.

 
Dùi cui là để cảnh sát thi hành công vụ, bảo vệ mọi người xung quanh và bản thân trong trường hợp gặp tội phạm nguy hiểm chứ không phải dùng để đánh nghi phạm trong tư thế bị còng tay và van xin. Ảnh minh họa: elitelawyerproject.com

Gây thương tích: Bị cắt lương, sa thải…

Thực tế, các trường hợp truy bắt nghi can thường đẩy cảnh sát vào tình trạng tâm lý căng thẳng, quá khích, dễ lạm dụng bạo lực.

Bà Alison Collins, người viết báo cáo về tình trạng bạo lực của cảnh sát Mỹ khi truy bắt nghi can cho nhóm Quan sát nhân quyền, cho rằng: “Những cảnh sát kém tay nghề thường sẽ có một cái đầu quá khích, mất bình tĩnh hoặc sợ hãi do đối mặt hiểm nguy nên dễ lạm dụng bạo lực khi thi hành công vụ. Đặc biệt là khi truy đuổi tội phạm”.

Chẳng hạn, tại thành phố Philadelphia thuộc bang Pennsylvania (Mỹ), camera đã ghi hình các cảnh sát sau khi phải cật lực truy đuổi một nghi can đã đánh đập và đá vào người nghi can này như để trút giận. Một đoạn băng ghi hình khác cũng cho thấy cảnh sát ở thành phố Lawrenceville thuộc bang Georgia (Mỹ) đã truy đuổi, bắt giữ rồi đấm đá vào người một kẻ tình nghi là say rượu khi lái xe.

Tuy nhiên, ngay cả khi phải đối diện với các nghi phạm nguy hiểm, nếu lạm dụng bạo lực, dù không gây thương tích nặng hoặc chỉ vô tình sử dụng ngôn ngữ thô tục thì cảnh sát cũng bị xử lý.

Ngày 26-3-2014 vừa qua, tờ báo điện tử Ottawacitizen.com đưa tin Ủy ban Cảnh sát dân sự Ontario (Canada) tiến hành xử lý kỷ luật đối với Const. Kevin Jacobs. Trước đó, Jacobs bị kết tội theo Đạo luật Dịch vụ Công an về việc sử dụng vũ lực quá mức để bắt giữ Mark Krupa khi tên này cố ý tăng tốc mạnh để thoát khỏi sự truy đuổi cảnh sát sau khi vi phạm luật giao thông. Mark Krupa thừa nhận đã lái xe trên đường Queensway với tốc độ 150 km/giờ nhưng Jacobs không cần thiết phải dùng đầu gối thụi vào đầu Krupa gây chảy máu và bầm tím. Lúc đó, Krupa đã chịu dừng lại ở một khu dân cư.

Kết quả là ngoài việc bị mất tín nhiệm của cơ quan, Const. Kevin Jacobs còn bị phạt 12 ngày làm việc không lương.

Đáng lưu ý, nếu so sánh với sĩ quan Trevor Lehman (Mỹ) thì Const. Kevin Jacobs vẫn còn may mắn vì chưa bị đuổi việc. Năm 2013 vừa qua, báo chí thành phố FortMyers, bang Florida (Mỹ) đưa tin một sĩ quan cảnh sát tại đây vướng phải án lạm dụng bạo lực khi truy bắt nghi phạm. Thông tin từ Sở Văn hóa FortMyers nêu sĩ quan Trevor Lehman truy bắt một người đàn ông tên Chaylon McClary khi phát hiện ông này lái xe không có giấy phép (do giấy phép cũ đã bị đình chỉ). Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện McClary có một lịch sử vi phạm hình sự không nhỏ: Bị bắt 12 lần kể từ năm 2004 vì thường xuyên vi phạm luật giao thông, buôn lậu ma túy trong nhà tù và cướp có vũ trang. Thế nhưng “thành tích đen” của McClary kèm chi tiết ông này không bị thương tích nghiêm trọng vẫn không thể giúp Trevor Lehman nhẹ tội hơn. Cơ quan cảnh sát quyết định sa thải viên sĩ quan cảnh sát vì dựa trên băng ghi hình, Trevor Lehman đã phản ứng thái quá, thô tục và sử dụng vũ lực quá mức.

ĐẠI THẮNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm