Châu Âu: Từ khủng hoảng nhập cư đến ‘thế khó’ chính trị

Làn sóng nhập cư với hơn 200.000 người đã cập vào bờ biển nước Ý và Hy Lạp từ các con tàu buôn người. Hàng trăm ngàn người từ các khu vực lân cận như Trung Đông, Trung Á, Bắc Phi… đang đổ về châu Âu như một vùng đất hứa. Thế nhưng những người đi tìm đất hứa này lại đang đặt châu Âu đứng trước muôn vàn thách thức.

Làn sóng đi tìm đất hứa

Truyền thông phương Tây đã cố gắng lý giải cuộc đổ bộ ồ ạt của làn sóng người nhập cư vào châu Âu là vì họ mong có một cuộc sống sung túc hơn. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond ngày 10-8 cũng mô tả người nhập cư từ châu Phi như “những kẻ hôi của” vì lợi ích kinh tế và sẽ làm sụp đổ nền văn minh phương Tây. Thế nhưng tờ The Guardian lại khẳng định hết 62% những người nhập cư đổ về châu Âu thực tế là những người tị nạn đến từ các quốc gia như Syria, Eritrea và Afghanistan, những vùng đất bị tàn phá và xâu xé bởi chiến tranh. Họ chạy trốn khỏi những cơn ác mộng mà có phần ít nhiều tạo nên bởi chính bàn tay của phương Tây.

Từ đầu năm đến nay đã có hơn 107.000 người tị nạn và người nhập cư đã đến Hy Lạp. Con số này ở nước Ý là 80.000-90.000 người. Hơn một nửa con số này là người Syria chạy trốn khỏi tình hình nội chiến trong nước. Theo tờ The New York Times, lượng người tị nạn đổ về Hy Lạp lên đến gần 1.000 người/ngày. Riêng trong tháng 7-2015, lượng người nhập cư đến Hy Lạp đã là hơn 50.000 người. Với nguồn lực ít ỏi, chính quyền Hy Lạp không thể nào hỗ trợ thức ăn, phúc lợi và kiểm soát an ninh cho lượng người khổng lồ này.

Theo số liệu phân tích của Liên Hiệp Quốc (LHQ), nếu tính thêm cả những người nhập cư đến từ Darfur, Iraq, Somali và Nigeria, tổng số người đủ điều kiện được xem xét cho tị nạn chính trị chiếm đến gần 70% tổng số người nhập cư đổ vào châu Âu hiện nay. Trong năm 2014 vừa qua, các quốc gia châu Âu cũng đã tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn với hơn 10.000 người tại Anh, hơn 97.000 người tại Đức, hơn 68.000 người tại Thụy Điển… Còn riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, số người tị nạn đã đạt đến gần 1,6 triệu người.

Cảnh sát chống bạo động Hy Lạp dùng bình chữa cháy giải tán đám đông tại đảo Kos. Ảnh: AP

Một châu Âu “không thể tự vệ”

Con số khổng lồ người nhập cư này kéo theo đó là các khoản nặng về chi phí trợ cấp cho chính phủ các nước sở tại. Theo Kho dữ liệu Thông tin Người tị nạn, mỗi một người xin tị nạn sẽ được chính quyền Anh hỗ trợ gần 58 USD/tuần, tại Pháp là 89 USD/tuần, còn tại Đức và Thụy Điển là khoảng 55 USD/tuần. Đấy là chưa tính đến những phí tổn phải chi trả trong tương lai khi các quốc gia châu Âu bắt đầu tái định cư người tị nạn hoặc trả họ về nước. Những phương hại về kinh tế đối với châu Âu không phải là không đáng lo ngại.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cũng lên tiếng cảnh báo châu Âu sẽ “không thể tự vệ” nếu như phải tiếp nhận hàng triệu người nhập cư đến từ những nơi có mức sống thấp hơn. Ông lo ngại điều này sẽ làm phá hủy những tiêu chuẩn về mức sống và cơ sở hạ tầng xã hội của châu Âu. Đó là chưa kể đến nguy cơ các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan trà trộn vào làn sóng những người nhập cư và đe dọa an ninh các quốc gia châu Âu.

Mùa hè này đã có gần 5.000 người nhập cư tập trung tại vùng Calais (Pháp), tìm cách nhảy tàu hoặc trốn trên các xe tải để đi đến Anh, Đức và các TP lớn của Pháp. Chính quyền Đức đang dự định đóng cửa biên giới nhằm chặn đứng làn sóng người nhập cư. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng đã bế tắc đến mức thị trưởng Calais phải kêu gọi Tổng thống Pháp Hollande “liều” mở cửa biên giới, giảm sức ép xã hội, trừ khi nào Anh tăng thêm nhân lực giúp kiểm soát tình hình.

Còn tại Hy Lạp, nơi cập bến phổ biến nhất của mọi chuyến tàu vận chuyển người nhập cư qua Địa Trung Hải, tình hình đang ngày một trở nên tồi tệ. Tại đảo Kos ngày 12-8 vừa qua, hơn 1.000 người tị nạn từ các quảng trường và công viên đã bị chính quyền địa phương dồn về một sân vận động để dễ kiểm soát.

Lực lượng cảnh sát chống bạo động từ thủ đô Athens đã được huy động đến đảo Kos để kiểm soát gần 6.000 người nhập cư đang kẹt lại tại hòn đảo này với phần đông không hề có giấy phép di trú hay du lịch tại Hy Lạp. Cảnh sát đã sử dụng đến cả bình xịt chữa cháy, bình hơi cay và gậy đặc dụng để kiểm soát đám đông giận dữ.

Liên minh châu Âu đang “mất tích”

Bà Anastasia Christodoulopoulou, Bộ trưởng Chính sách di trú Hy Lạp, đã bày tỏ hy vọng quốc gia này có thể sớm nhận thêm các khoản viện trợ từ Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai. Thủ tướng Hy Lạp - ông Alexis Tsipras ngày 14-8 cũng yêu cầu EU hỗ trợ vì nước này không thể nào tiếp nhận nổi hơn 1.000 người tị nạn mỗi ngày đến từ các quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh mà chủ yếu là Syria. Tờ The New York Times bình luận, cuộc khủng hoảng người nhập cư hiện nay tại châu Âu đang ngày một trầm trọng với điểm nóng tập trung tại Hy Lạp và Ý là hai điểm đến chủ yếu của người nhập cư bất hợp pháp.

Thế nhưng cuộc khủng hoảng này không thể được giải quyết triệt để nếu như chỉ dựa vào các tình nguyện viên và nguồn lực của hai quốc gia có nền kinh tế bị tổn thương và nợ nần nhiều nhất, nhì châu lục. Sự giúp đỡ của EU là cần thiết hơn bao giờ hết. Phát biểu trong cuộc họp với bộ trưởng các thành viên EU, ông Alexis Tsipras kêu gọi: “Đây là thời điểm để xem liệu EU thật sự đoàn kết hay chỉ gồm những người chỉ chăm chăm bảo vệ biên giới của mình”.

Thế nhưng, theo tờ The Telegraph (Anh), vẫn chưa có một cuộc họp khẩn cấp cấp bộ trưởng nào để đưa ra một chiến lược cụ thể đối phó với cuộc khủng hoảng này. Những bàn bạc trao đổi chủ yếu hiện vẫn tồn tại giữa hai quốc gia Anh và Pháp. Tháng 7-2015 vừa qua, EU cũng hứa hẹn sẽ nhận thêm 40.000 người tị nạn từ Hy Lạp và Ý trong thời gian hai năm tới, một con số chẳng thấm vào đâu so với gần 200.000 người tị nạn đang “ùn ứ” tại hai quốc gia này.

Các quốc gia thành viên EU vẫn chưa thể nào thống nhất với nhau lượng người tị nạn mà họ chấp nhận san sẻ gánh nặng. Ủy ban châu Âu (EC) đã tuyên bố sẽ đốc thúc các thành viên đưa ra kết luận cuối cùng trong năm nay. Tờ The New York Times cũng cho rằng EC nên nhanh chóng xuất nguồn quỹ khẩn cấp của mình hỗ trợ Hy Lạp chăm sóc người tị nạn. Bên cạnh đó, theo tờ The Telegraph, châu Âu cũng cần đưa ra một chiến lược chung chống lại các tổ chức tội phạm buôn người xuyên quốc gia, vốn đang là cầu nối chủ lực đưa người tị nạn từ Bắc Phi, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ bước chân đến các quốc gia châu Âu.

The Guardian bình luận vấn đề người nhập cư tại châu Âu đã không còn đơn thuần là một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà trở thành một cuộc khủng hoảng về chính trị. Ở đó, châu Âu buộc phải đứng trước hai sự lựa chọn khó khăn: Hoặc tiếp tục “quân sự hóa” biên giới của mình và xua đuổi người tị nạn như “chất độc”; hoặc toàn EU cùng chia sẻ trách nhiệm và đưa ra một hệ thống tị nạn công bằng và minh bạch cho cuộc khủng hoảng.

Phương án thứ nhất, về ngắn hạn sẽ “cách ly” được phần đông công dân châu Âu khỏi người tị nạn nhưng sớm muộn cũng gây nên tình trạng hỗn loạn và tội phạm gia tăng. Cách hành xử này, theo The Guardian, chỉ cổ vũ thêm cho tâm lý bài xích người nhập cư, làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt chủng tộc và vượt biên trái phép tại châu Âu.

Phương án thứ hai, dù về dài hạn có thể là giải pháp thích hợp nhưng lại một lần nữa đặt ra bài toán về sự công bằng trong chia sẻ trách nhiệm giữa các quốc gia giàu - nghèo, Đông - Tây tại châu Âu. Đặc biệt khi tư tưởng quốc gia hẹp hòi, mỗi quốc gia muốn tự cứu lấy mình hơn là giúp đỡ kẻ khác đang ngày một tăng cao sau khủng hoảng Eurozone và nợ công Hy Lạp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm