Chiếc chuông huyền bí đúc từ 2 xu của người ăn mày

Báu vật của làng

Từ TP. Đà Nẵng, chúng tôi vượt chặng đường dài tìm về làng Bích Bắc để tìm hiểu câu chuyện chiếc chuông được xem là “báu vật”. Khi được hỏi về chiếc chuông, dân làng đều im lặng.
Một cụ già nói: “Hỏi người dân chúng tôi ai cũng không nói gì đâu. Đến nhà trưởng thôn trình bày rõ tìm hiểu để làm gì, có khi mới được nghe, được biết!”

 - 1

Ông Nguyễn Xuân Tha (86 tuổi) là nhân chứng lịch sử duy nhất biết về lịch sử chuông làng
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hùng – Trưởng thôn Bích Bắc giải thích: “Cũng có một số người giới thiệu về đây để tìm hiểu nên cảnh giác. Người dân chúng tôi đều coi trọng việc giữ gìn, bảo vệ chiếc chuông quý báu của làng như mạng sống của mình vậy. Là người đứng đầu thôn nên tôi càng phải có trách nhiệm hơn trong việc tìm hiểu kĩ mục đích mà mọi người đến đây.”
Ông Hùng bảo, từ đứa con nít đến người già ở trong làng đều biết về chiếc chuông quý báu tâm linh nhưng để hiểu về lịch sử chiếc chuông thật cặn kẽ, phải gặp người cao tuổi nhất làng.
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Xuân Tha (86 tuổi), là vị cao niên duy nhất trong làng biết sự thật về chiếc chuông làng Bích Bắc.
Ông Tha kể: “Ngày xưa, ở trong làng có ngôi chùa tên Bình An Tự do một ông thầy cúng thờ phụng. Nhờ hương hoả tốt mà đời sống dân làng khấm khá, làm ăn được. Người dân đã tạo điều kiện cắt hai sào đất chung cho ông thầy cúng canh tác để lo hương hoả chùa tốt và nuôi hai người con.
Một ngày, dân làng theo lời thầy cúng tổ chức đúc một chiếc chuông để thờ phụng. Mỗi người dân trong làng phải góp 2 hào tiền xu để nấu chảy ra đúc chuông. Nhưng lạ thay, người thợ được thuê đúc mãi cũng không thành chiếc chuông hoàn chỉnh, bởi càng đúc càng thiếu đồng.
Bỗng một ngày có người ăn mày đi ngang qua chùa liền móc trong túi ra cúng hai đồng xu để đúc. Thế nhưng, người thợ đúc chuông chê đồng tiền xu của người ăn mày là đồng tiền bẩn liền vứt đi.
Vì đúc mãi không thành, dân làng thuê người lên đồng mong chỉ bảo thì được phán tiền người ăn mày là tiền của tấm lòng tốt, phải tìm lại được hai đồng xu của người ăn mày nấu chảy vào mới đúc được nên chiếc chuông. Nghe vậy, người dân chia nhau ra mò khắp nơi, cuối cùng cũng tìm được hai đồng xu đưa cho người thợ đúc thành chuông hoàn chỉnh.”
4 lần "sống chết" giữ chuông
Theo lời ông Tha, khi được đúc xong, mỗi lần khói nhang, chuông chùa được đánh lên, người dân làm ăn được mùa khấm khá.
Tiếng chuông ngân vang xa đến qua đèo Hải Vân, triều đình ở Huế lúc đó nghe thấy liền sai quân lính vào đòi cống nạp chiếc chuông quý. Dân làng sợ mất chuông vì để đúc nên chiếc chuông phải có biết bao công sức đóng góp. Vậy nên mọi người trong làng thuê thợ “lặt” hai chiếc lổ để chuông đánh lên không còn ngân xa.
Đợi mãi không thấy đem chuông cống nạp, triều đình sai quân lính vào thì người dân biết liền đem chuông giấu dưới chiếc ao sau chùa. Khi quân lính ra về, họ lại lấy chiếc chuông lên làm lễ và đưa vào chùa thờ cúng.
“Đó là lần đầu tiên giữ chuông của cả dân làng. Đến khi năm tôi được 10 tuổi, cha tôi làm trong Ty nghe tin thực dân Pháp lúc đó sắp về làng càn quét, tìm chiếc chuông quý vì ai phao tin. Thế là cha tôi đến chùa bàn bạc để đem đi cất giấu.

 - 2

Chiếc chuông đồng được xem là “báu vật” của làng Bích Bắc

Biết thực dân Pháp lợi dụng việc đến bắt bớ người theo cách mạng để tìm kiếm chuông, cha tôi cùng 8 người dân lần này cũng đem chiếc chuông và các tượng phật quý giá đem đi giấu dưới chiếc ao sau chùa.
Trước khi đi, cả 9 người đều thề, nếu chiếc chuông không bị lấy đi thì chỉ khi nào 9 người có mặt đầy đủ mới được tiết lộ cho người khác nơi cất giấu để lấy chuông lên. Sau khi thề, cả 9 người khiêng chiếc chuông cùng tượng phật ra đào đất dưới ao cất giấu.
Một người trong làng lúc đó chỉ điểm nơi giấu chuông, thực dân Pháp đến lùng sục khắp nơi không thấy. Họ lấy nhiều máy móc ra dò tìm cũng không phát hiện vì đã bỏ qua chiếc ao sau chùa.
Tức giận, chúng lôi vô cớ một vài người dân có uy tín, cao tuổi trong làng ra đánh đập bảo khai. Trong những người bị bắt có 3 người trong 9 người đem chuông đi giấu. Mặc dù bị tra tấn dã man nhưng họ một mực khai không biết, cuối cùng họ bị xử bắn vô tội. Đó là lần thứ hai, chiếc chuông của làng không bị cướp đi mất.” – Ông Tha kể.
Sau lần thực dân Pháp càn quét rồi rời khỏi Việt Nam, đế quốc Mỹ nhảy vào thay thế. Nghe tin chiếc chuông quý báu mà thực dân Pháp đã cất công tìm kiếm ở làng Bích Bắc không ra, Mỹ cũng cử một tiểu đoàn đến tìm kiếm lại. Lần này, chúng đem theo nhiều thiết bị hiện đại dò tìm hơn, cử lính lùng sục, bắt bớ các người già cả trong làng tra khảo.
Ông Tha bảo: “Mặc cho những thiết bị hiện đại cũng không dò tìm được vì bỏ sót chiếc ao nhỏ sau chùa được đào sâu cất giấu. 6 người còn lại trong những người giấu chuông cũng hoàn toàn im lặng. Đó là lần thứ 3 mà chiếc chuông không bị mất đi, chính tôi là người chứng kiến và nhớ như in sự việc khi đó.”
Sau ngày đất nước thống nhất, làng Bích Bắc bị tàn phá nghiêm trọng, ngôi chùa Bình An Tự bị ném bom tàn phá không biết được vị trí chuông. Ông Tha đến từng nhà trong làng dò hỏi biết được có 3 người ngày xưa từng đem chôn chiếc chuông còn sống.
“Khi gặp mặt tôi hỏi nơi cất giấu chiếc chuông ngày xưa ở đâu thì họ đều lắc đầu không nói. Vì lời thề ngày xưa chỉ khi nào đủ 9 người cùng khiêng chuông đi giấu mới được tiết lộ. Vậy nên, hi vọng tìm lại được chiếc chuông đã cất giấu không còn vì sợ trái lời thề, quả báo sẽ đến gia đình họ…” – Ông Tha nhớ lại.
Vì nghĩ cho những người thề năm xưa, ông Tha cũng không còn “ép buộc” việc tìm kiếm mà trở lại cuộc sống bình thường.
Năm 1999, người dân đi làm đồng phát hiện ở bãi bồi sau làng có một hố sâu được đào lên, ở giữa có núm cát như chiếc chuông lồng lên. Đoán là chiếc chuông được ai đó phát hiện rồi vận chuyển đi nơi khác, mọi người trong làng hồ hởi đuổi theo.
“Khi đó tôi đang ở nhà, mọi người tới báo rằng đã phát hiện chiếc chuông nhưng có ai đó đào lấy đi sau làng. Đến nơi, quan sát thấy có dấu xe bò kéo đi về hướng bờ sông, tôi cùng mọi người đuổi theo nhưng không thấy thuyền nào.
Hỏi người dân gần bờ thì biết, trước đó có người rà phế liệu dò được chiếc chuông nên gọi thêm hai người cùng tới đào vận chuyển về huyện Đại Lộc.
Nghe vậy, người dân chúng tôi tất tả đi thuyền về Đại Lộc để tìm kiếm nhà người rà phế liệu mong lấy lại chiếc chuông. Đến khi tìm được nhà, thì được biết công an huyện Đại Lộc đã tịch thu chiếc chuông về giam lại vì nghi tài sản nhà nước.
“Chúng tôi tìm lên công an xin được vào xem chuông có phải là chuông làng đã bị thất lạc lâu nay nhưng họ không cho vào. Thế rồi, qua bao lần kiến nghị, làm đơn trình báo lên đến công an tỉnh điều tra mới được xác nhận đúng là của làng. Đó là lần thứ tư mà người dân chúng tôi kiên quyết sống chết giữ vật báu của làng còn cho đến bây giờ.” – Ông Tha nói.

Theo Tùng Lâm/khampha

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm