Chưa có “cường quốc quân sự” Nhật

Nhật đang thay đổi, diễn ra từng bước trong chính sách đối ngoại kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Ngày 15-5-2014, ​​yêu cầu giải thích lại điều 9 của hiến pháp được đưa ra, theo đó “Nhật mãi mãi từ bỏ chiến tranh - (nhưng) cho phép Nhật tham gia vào tự vệ tập thể”. Ngày 1-7, đề nghị này được chính thức thông qua, giống như một tiếng sấm giữa trời quang.

Bỏ quân sự, chuyên tâm làm kinh tế

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai 1945, với tư cách là kẻ thua cuộc, đất nước “mặt trời mọc” không được phép định đoạt số phận của mình. Cuộc tranh luận hiến pháp thời hậu chiến được vận hành với sức ép của phe đồng minh, đứng đầu là Mỹ. Những tội ác của phát xít Nhật với nhân loại nhưng quan trọng hơn những đòi hỏi không tương thích với cán cân lực lượng không cho phép những người lãnh đạo nước Nhật lúc đó có nhiều chọn lựa. Một cách đổi chác thông minh, một hiến pháp “kiểu Mỹ” ra đời, bù lại việc nước Nhật giữ lại ngai vị Nhật hoàng (Tenno) và tìm một lá chắn thuận tiện cho Nhật trước áp lực dồn dập của phe đồng minh. Nước Nhật chỉ có quyền tự vệ cá nhân nhưng Mỹ sẽ bảo vệ Nhật. Từ ô dù an ninh đó, Nhật có thể chú tâm cho kinh tế. 

Việc giải thích lại bản hiến pháp là bước ngoặt lớn trong chính sách an ninh của Tokyo trước các thay đổi trong môi trường an ninh, trong đó có sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Lúc đó nhiều chuyên gia và cả người dân Nhật đã vỗ tay hoan hô vị lãnh đạo của mình, Shigeru Yoshida, một thủ tướng của hòa bình và của sự thực tiễn về chiến lược. Điều 9 mang trong mình rất nhiều hạn chế về quân sự như không có lực lượng tự vệ Nhật ở nước ngoài, không tham gia phòng thủ tập thể, không có khả năng triển khai sức mạnh, không vũ khí hạt nhân, không xuất khẩu vũ khí, không chia sẻ công nghệ, không quá 1% GNP chi tiêu cho quốc phòng và không sử dụng quân sự trên không gian. Chỗ dựa an ninh-quốc phòng từ bên kia bờ Đại Tây Dương đã tạo một cơ sở để Nhật trở thành cường quốc kinh tế. Ngược lại, nó làm Nhật thiếu chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp. Nhật là một quốc gia có chủ quyền nhưng khả năng bảo vệ chủ quyền chủ động lại phụ thuộc. Sự phụ thuộc đó giống như mối quan hệ “thầy-trò” mà điều 9 đã trở thành khúc xương khó nuốt trước áp lực dồn dập từ cán cân quyền lực nghiêng về phía một cường quốc mới nổi xứ Tử Cấm Thành và bên kia biển, người Mỹ đang tranh luận là chúng ta có nên “bỏ chuyện thiên hạ mà quay về nhà” không. 

Nới lỏng các chính sách tự ràng buộc

Đặc biệt trong những năm gần đây, để thích ứng với thay đổi của cơ cấu quốc tế, những chính phủ lên rồi xuống của Tokyo đã dần nới lỏng tất cả chính sách tự ràng buộc. Việc nới lỏng này đã và đang vượt quá những gì điều 9 cho phép. Điều này gây rất nhiều tranh cãi tại Nhật về tính hợp pháp của chính phủ khi giải thích lại hiến pháp. Thực tế là tòa án tối cao Nhật đã chọn việc giải thích chính thức điều 9 của hiến pháp theo cách của giới chính trị.

Khi lên nhậm chức năm 2013, ông Abe đã học được bài học từ nhiệm kỳ thất bại đầu tiên. Ông lên danh sách những ưu tiên và xác quyết thực hiện. Một trong số đó là chương trình tham vọng của cải cách kinh tế Abe, được gọi là Abenomics, cái được xem là nền tảng chính trị. Có được những bước đầu từ thành quả kinh tế, ông Abe “thừa thắng xông lên” và đánh thẳng vào tường thành chắc chắn nhất của chính trị Nhật từ thời hậu chiến. Thêm một sự may mắn thiên thời, việc Trung Quốc hung hăng trên biển Hoa Đông và biển Đông từ năm 2009 trở lại đây đẩy nhanh quá trình. Tuy có bất đồng nhưng trong số các đảng đối lập cũng có lời ủng hộ việc giải thích lại hiến pháp và sự đồng thuận đó đang dần nổi lên. Mọi việc đang diễn tiến từ thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia, dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu vũ khí, làm lại các hướng dẫn quốc phòng để tăng cường hợp tác quân sự Mỹ-Nhật và khả năng tương tác. Và giải thích lại hiến pháp vào 1-7 là đích ngắm cuối cùng.

Việc giải tỏa các rào cản chính trị đối nội, chính sách tự vệ tập thể nhìn ra thế giới chỉ là bước đầu tiên. Ngay cả việc giải thích lại điều 9 cũng không phải là rũ sạch những gánh nặng quá khứ hay rào cản đối nội. Báo chí Nhật trước ngày 1-7 đưa ra những con số thăm dò khác nhau xen lẫn ủng hộ và phản đối với những người chống đối lên quá 50%. Quan trọng hơn, thiếu rõ ràng là khía cạnh trong chương trình nghị sự của Abe mới là vấn đề quan ngại nhất. Tìm kiếm quyền tự trị nhiều hơn trong hoạch định chính sách đối ngoại là phương tiện, không phải là mục đích. Sự phục hồi chính sách ngoại giao độc lập hơn là nền tảng cho chương trình nghị sự của ông Abe mang lại sự tự tôn cho một nước Nhật hùng cường nhưng nó vẫn đang tìm kiếm một mục tiêu lớn hơn của cuộc cách mạng trong chính sách đối ngoại với sự trỗi dậy cả về sức mạnh lẫn xu hướng vũ lực của Bắc Kinh tại các vùng biển Thái Bình Dương.

Một giải pháp quân sự hay đưa quân ra nước ngoài phải đáp ứng ba điều kiện:

- Một đe dọa thực sự với nhà nước Nhật.

- Mối nguy hiểm rõ ràng tới quyền sống, tự do, theo đuổi hạnh phúc người dân Nhật.

- Không còn một giải pháp thay thế nào khác.

Và kịch bản đang được các chuyên gia nói xa nói gần là một đụng chạm giữa Bắc Kinh và Tokyo tại biển Hoa Đông. Một đụng chạm như vậy có được phép xảy ra hay Nhật có thể phủ đầu nếu “quan thầy” Mỹ vẫn chưa cho phép? Trong lịch sử, Nhật hiện đại đã luôn luôn thích nghi với những thay đổi nhận thức trong trật tự quốc tế. Ngày nay, khi các mục tiêu dài hạn của Abe vẫn chưa rõ ràng thì vẫn còn quá sớm để nói về một nước Nhật như một “cường quốc quân sự” tại châu Á-Thái Bình Dương.

VŨ QUỲNH

Điều 9 Hiến pháp Nhật và tranh chấp biển Đông

Việc chuyển giao 10 tàu tuần tra mới cho Philippines đã thể hiện một chiến lược của Nhật nhằm tăng cường sức mạnh hàng hải. Mặc dù nó sẽ không làm nghiêng quá mức cán cân hải quân ở biển Đông nhưng nó sẽ nâng cao nhận thức về biển của Philippines và thúc đẩy các thương lượng chiến lược của Nhật trong khu vực Đông Nam Á.

Lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines có thể giúp Nhật bằng cách giám sát các hoạt động hàng hải của Trung Quốc ở biển Đông. Đối với Nhật, biển Đông là một trường hợp thử nghiệm về cách hành xử của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Hơn nữa, Nhật thấy rằng bằng cách tăng số lượng tàu có sẵn mà Philippines có thể sử dụng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, sự tập trung và nguồn lực của các cơ quan hàng hải Trung Quốc sẽ có khả năng bị phân tán giữa biển Hoa Đông và biển Đông. Ngoài ra, tăng cường năng lực cho các lực lượng biển không được trang bị tốt của Philippines cũng sẽ cho phép nước này đóng góp vào việc bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông, bao gồm cả tuyến đường biển không bị cản trở của Nhật.

Song song với hợp tác an ninh hàng hải với Nhật, Việt Nam và Philippines đang tiến hành những bước đi cần thiết để cùng nhau bảo vệ các nguồn lợi thủy sản và chống lại các hoạt động phi pháp trên biển và sự xâm nhập các vùng lân cận giữa hai nước.

Trong chuyến thăm làm việc của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Philippines và dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2014 (WEF Đông Á 2014), Tổng thống Aquino khẳng định: “Hai nước đã đối mặt với thách thức chung với tư cách là quốc gia biển và thành viên của ASEAN. Việc tăng cường hợp tác giữa Philippines và Việt Nam sẽ cho phép chúng ta bảo vệ tốt hơn các nguồn lợi thủy sản của mình. Chúng ta tiếp tục theo đuổi các chiến lược giúp tăng trưởng và vì lợi ích của người dân và khu vực”.

Việc hai nước đều là thành viên của ASEAN và cùng đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng từ phía Trung Quốc, việc hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trở thành việc cấp bách. Đã có những ý kiến về một liên minh pháp lý trên diễn đàn quốc tế, nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác quân sự thông qua việc cho mượn hoặc mua một số vũ khí đã qua sử dụng hay khả năng đào tạo nhân sự và diễn tập quân sự chung giữa Nhật, Việt Nam và Philippines.

HÀ VĂN LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm