Chuyện bác bảo vệ viết đơn miễn phí cho dân nghèo

Đến trụ sở Công an phường 8, quận 4 vào khoảng 12 giờ trưa đến 6 giờ chiều, người ta thường thấy người đàn ông gầy gầy, nước da sạm đen, mái tóc đã điểm bạc trong trang phục bảo vệ dân phố đang cặm cụi, tỉ mẩn viết đơn thư giúp người dân. 

Những người được ông giúp đa phần là dân nghèo, không biết chữ. Ông làm hoàn toàn miễn phí, xem đó như niềm vui tuổi già.

Ông là Trần Công Tuệ, thuộc ban điều hành khu phố 1, kiêm bảo vệ dân phố phường 8, quận 4. Năm nay, ông đã 55 tuổi.

Bác bảo vệ… dễ thương

Chuyện bác bảo vệ viết đơn miễn phí cho dân nghèo ảnh 1
Ông Trần Công Tuệ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Chiều nay có việc ghé qua quận 4, tôi vào thăm ông. Ba năm gắn bó nơi này, viết cả mấy trăm tờ đơn, thi thoảng có người đi qua ngoắc ngoắc tay chào, ông cũng cười chào theo, chỉ khi nào người ta nhắc tới chuyện ngày xưa ông mới nhớ.

Tôi biết ông từ hồi tháng 3 khi nhận được cuộc gọi từ một người phụ nữ suýt mất đi chiếc xe máy - tài sản lớn nhất trong nhà. Chị Nguyễn Thị Phượng, nhà ở tận Nhà Bè. Chuyện xảy ra khi con rể chị lấy xe đi chơi, bị người bạn thân mang đi cầm cố để có tiền chơi game bắn cá.  

Xe đã được công an lấy về vài ngày nhưng còn ở trong trụ sở vì một số vấn đề liên quan chưa giải quyết, công an cần điều tra làm rõ. Nhà nghèo, vốn chỉ học hết lớp 4, lại không am hiểu pháp luật nên xe còn chưa về nhà ngày nào chị mất ăn mất ngủ ngày đó. Thậm chí để có tiền lên Sài Gòn, chị còn phải cầm đôi bông tai vừa sắm được bữa tết với giá 200.000 đồng. Chị không dám cầm nhiều vì sợ không có tiền chuộc. Chị nhờ ông Tuệ viết đơn gửi công an quận để mong sớm nhận lại chiếc xe.

Chuyện bác bảo vệ viết đơn miễn phí cho dân nghèo ảnh 2
Ông Tuệ và chị Phượng. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Trong quán cà phê ngày hôm ấy, câu nói của ông vẫn làm tôi nhớ mãi: “Mấy lần chị Phượng lên trình báo, trong lúc chờ chị có tâm sự. Nghe chị kể tội quá, chị cũng chẳng biết viết đơn như thế nào, mà lá đơn này nhờ ai viết, viết còn sai chính tả nhiều quá. Tôi kiên nhẫn đọc còn không hiểu nên tôi bảo để tôi chép lại đơn cho. Giúp được gì mình giúp thôi”.

Uống cà phê xong, thương chị nghèo, ông còn đứng dậy gọi chủ quán thanh toán nhưng người phụ nữ đã nhanh tay trả trước.

Rồi ông bảo chị qua Công an quận 4 đợi, còn ông đạp xe đi photo tất cả giấy tờ cần thiết kẹp vào hồ sơ giúp chị. Ông kể chuyện: Chị không biết đường, không biết quán photo ở đâu nên chị có đi xe máy cũng chẳng bằng ông đi xe đạp. Mà quả thật, khi chúng tôi tới Công an quận 4, ông đã đợi sẵn ở đó rồi. Lưng áo ướt đẫm mồ hôi, chiếc xe đạp nằm sát bên vệ đường, giấy tờ được kẹp trong tờ báo phẳng phiu, ông cười hồn hậu trao cho chị: “Xong rồi, cô vào nộp đi nhé!”.

Nhớ lại câu chuyện chị Phượng không khỏi xúc động: “Không có ông ấy tôi cũng không biết phải làm sao. Buôn bán, tính tiền thì tôi biết chứ đơn từ là tôi chịu”.

Ai đến trước, nhờ trước thì ông viết trước, ai đến sau làm sau. Nhưng cũng có những trường hợp biết việc của người nào đơn giản, công an có thể giải quyết luôn trong ngày thì ông sẽ ưu tiên viết trước. Người xong chuyện, biết điều mời ông cốc café đen đá cám ơn, người không biết thì đi thẳng về. Nhưng chẳng bao giờ ông lấy đó làm buồn lòng. Ông xem đó như trách nhiệm của mình.

Ông giáo của người nghèo

Ông vui vẻ kể chuyện việc viết đơn từ ông đã thuộc nằm lòng từ khi còn trong đội Thiếu niên Tiền Phong.

“Học toán thì tôi dốt lắm chứ Văn thì cũng được. Người dân thường nhờ tôi viết đơn bảo lãnh, đơn cam kết, mất chứng minh thư nhân dân, đơn xin nhận lại xe… Ấn tượng về tờ đơn là ấn tượng đầu tiên, viết không đẹp thì cũng cố gắng sao nhìn cho rõ để còn hiểu được. Đơn nhiều người thú thực là đọc không nổi, rồi chỗ điền số hộ khẩu người ta đọc không kỹ điền vô số điện thoại… Tôi làm quen rồi, chữ viết rõ thôi, công an cũng đỡ mệt mà người dân cũng nhanh gọn hơn, đỡ phải chạy đi chạy về”.

Chuyện bác bảo vệ viết đơn miễn phí cho dân nghèo ảnh 3
Ông Tuệ xem công việc này như niềm vui tuổi già. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Hỏi chuyện mới biết ngày xưa tham gia thanh niên xung phong, ông từng dạy lớp bình dân học vụ. Việc viết đơn từ cũng được ông rèn giũa trong những năm tháng này.

“Học trò ngày ấy đủ thành phần: Xì ke, mại dâm, trộm cắp, móc túi… Ban ngày, họ đi làm, ban đêm về học. Học một tiếng thôi, hồi đó tôi dạy vỡ lòng, từ những từ đơn giản nhất như a, b, c, rồi ghép chữ…”.

Ngày đó ông mới 19, học trò có người lớn gấp đôi tuổi “thầy”. Tấm bảng được chọn từ những chiếc bàn bóng bàn chưa bị gãy hư, sơn đen lên rồi viết. “Lúc đó đã có kinh nghiệm gì đâu, nhớ lại ngày trước thầy cô dạy mình sao thì giờ dạy họ vậy. Quan trọng là đánh vào tâm lý, “phải học để cho mình, cho con sau này”.

Người thầy của lớp bình dân học vụ năm xưa giờ đây tóc đã điểm bạc, dấu vết của thời gian hằn rõ trên khuôn mặt. Niềm vui của ông giờ đây là mỗi ngày được làm việc, kiếm ra đồng tiền bằng bàn tay lao động của mình. “Không ai giàu vì vài ba chục bạc. Tối có nhà để về, có vợ con, có mâm cơm vài ba món vậy là vui rồi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm