Chuyện người và chuyện trời đất ở Nepal

“Tú. Đây là ngôi nhà của tôi”. Tôi nhận được tin nhắn và tấm ảnh của bạn người Nepal, đầu bếp tại Kathmandu mà tôi quen gửi qua Facebook. Một ngôi nhà gạch nhỏ màu trắng hai tầng, xinh xinh. Là trước kia mà thôi. Giờ đây nó thành một đống vỡ nát tan tành bởi trận động đất kinh hoàng ngày 25-4 vừa qua. Tin nhắn kế tiếp của bạn: “Ngôi nhà mơ ước của gia đình tôi đã biến mất”. Nếu bạn là tôi, bạn có thể nào không cay mắt không?

Nhà ai cũng sập nhưng không một tiếng than thở

80 năm rồi Nepal mới có một trận động đất kinh hoàng như vừa qua. Nhà tan cửa nát, gia đình mất mát, tương lai mịt mờ. Vậy mà người Nepal vẫn giữ được sự điềm tĩnh và trách nhiệm với công việc của mình, với những gì mình đã hứa. Cũng như Sài Gòn, Kathmandu là nơi bao nhiêu người ngoại tỉnh đổ về học tập, làm việc và sinh sống.

Bạn đầu bếp của tôi cũng vậy, bạn đến từ một ngôi làng nhỏ ở huyện Dhading và giờ thì làm đầu bếp cho nhà hàng. Tôi đến ở chỗ của bạn và quen với bạn cũng vì trận động đất. Khi trở lại Kathmandu, khách sạn tôi ở trong khu Thamel không còn hoạt động bởi không có nước, không có WiFi và du khách thì vắng bóng. Tôi được anh chị chủ nhà hàng Phở 99 là chị Võ Thị Kim Cương, một người gốc Việt quốc tịch Campuchia và chồng là người Nepal nhắn về đây ở. Nhà hàng của chị bỗng bận bịu hơn bởi thêm những người như tôi đến ăn, ở. Bạn đầu bếp và những người phục vụ thêm phần vất vả. Vậy mà họ luôn luôn mỉm cười, luôn luôn ân cần giúp đỡ chúng tôi không một chút thở than, khó chịu. Họ lẳng lặng làm tròn công việc của mình từ sáng đến tối mịt, chu đáo vẹn toàn. “Mấy bạn làm ở đây họ tốt lắm em, siêng năng nhiệt tình và trung thực nữa”, người quản lý chung, chị Ba nói với tôi. Bạn đầu bếp lúc nào cũng lui cui trong bếp, lúc nào cũng vui vẻ thân thiện khi tôi nhờ hết việc nọ đến việc kia. Tôi bảo bạn lần sau trở lại Nepal bạn dẫn tôi về làng chơi với nhé. Bạn lập tức gật đầu và bảo rất sẵn lòng. Đâu ngờ bạn và gia đình đang chịu những khó khăn, những nỗi buồn, mất mát quá lớn lao như thế. “Nhưng tôi và gia đình vẫn hy vọng và tin vào Thượng đế ở trên cao”, bạn nói trong tin nhắn kế tiếp. Tôi cũng vậy, tôi hy vọng và tin Thượng đế ở trên cao sẽ luôn luôn bên cạnh bạn, gia đình của bạn.


Những khu vô gia cư nghèo nàn như khu ổ chuột mà vẫn trật tự an toàn, những đứa trẻ lễ phép ngoan ngoãn, những người lớn thân thiện.

Những bạn porters của tôi, nhà ai cũng nghèo, nhà ai cũng đổ sập. Vậy mà họ không nói một lời, không một tiếng than thở đừng nói chi sốt ruột hay bỏ về cho tôi phải dở dang chuyến đi. Hay tin dữ nhưng họ vẫn tỏ ra bình thường, vẫn chu đáo hỗ trợ nên chúng tôi yên tâm hoàn thành hết hành trình trekking đã định. Họ cũng có một gia đình, có họ hàng, bạn bè đang hoạn nạn nhưng những nỗi lòng họ giấu vào trong. Sau này xem Facebook bạn, tôi mới hay những ngày đó bạn đã lo lắng như thế nào khi xa nhà trong hoàn cảnh ấy. Vợ của bạn và đứa con trai bé bỏng mới tám tháng tuổi biết xoay xở làm sao với ngôi nhà đổ nát. Xin lỗi bạn vì sự vô tâm của chúng tôi… Cảm phục sự điềm tĩnh và biết ơn bạn vì đã giúp chúng tôi suốt một hành trình dài.

Nghèo xác nghèo xơ nhưng sẵn lòng cưu mang người khác

Nepal rất nghèo. Trận động đất càng đẩy người Nepal vào trăm bề gian khổ. Không đếm xuể có bao nhiêu gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất bởi nhà đã sập đổ tan hoang. Không có đủ lều cho từng nhà, nhiều gia đình phải chen chúc cùng nhau ngày này qua ngày nọ. Nước sạch khan hiếm, lương thực chẳng có họ lây lất sống. Vậy mà ở các khu gọi là vô gia cư ấy, ai cũng ngạc nhiên khi tôi hỏi ở đây có an ninh không, có trộm cắp, giành giật không. Chứng kiến cảnh người ta trật tự nhận đồ tiếp tế, xếp hàng hứng nước, nhà nào lấy xong rồi thì đem vào giúp những người ở xa hơn tôi mới thấy câu hỏi của mình lạc lõng. Họ nghèo xác nghèo xơ nhưng sẵn lòng cưu mang người khác. Anh chàng Tây ba lô nghèo ở tại một khách sạn bị sập, anh vào tá túc túp lều một gia đình chưa từng quen biết. Họ nấu cho anh ăn, chia nước cho anh uống, cho anh ở cùng cái lều nhỏ xíu, chật chội của mình mà không tính toán, đòi hỏi một điều gì.

Ở Kathmandu có một nơi gọi là nhà hàng Phở 99, chúng tôi gọi là nhà chung của người Việt ở Nepal. Ai không có chỗ ở, ai hoạn nạn trở về là ghé về nơi ấy. Anh chị chủ nhà hàng cùng người chị, mà chúng tôi gọi là chị Ba cùng với đứa cháu đối với chúng tôi không khác gì ruột thịt, họ hàng. Thấy tôi không kịp mua SIM điện thoại, chị bảo đứa cháu đưa SIM đang dùng cho tôi mượn. Sáng nào cũng như sáng nào, trong lúc chúng tôi say ngủ, chị Ba thức dậy từ lúc nào, lục tục vào bếp cùng bạn đầu bếp và những người phục vụ vừa lo nấu cho khách hàng, vừa nấu cho chúng tôi. Những buổi ăn ngon lành, những ly cà phê thơm ngon là do họ ân cần làm cho chúng tôi. Mấy hôm ở đó, tôi đi suốt từ sáng sớm đến tối mịt, về cắm đầu làm việc không phụ giúp được gì. Mọi thứ đều có chị và những bạn phục vụ ở nhà hàng đỡ đần. Anh Naveen Sabu, người em rể Nepal của chị hết ngày này qua ngày khác đi đến các ngôi làng nghèo khổ, những khu vô gia cư để tặng gạo, đồ ăn. Chị Cương, vợ của anh Naveen Sabu, trong những ngày ấy thì về Việt Nam để quyên góp, nhận hàng cứu trợ bạn bè, người quen gửi sang giúp đỡ cho Nepal. Cả nhà chị cứ tất bật như con thoi vì lo lắng cho người khác như thế. Nhà hàng của chị đâu có đủ phòng nên mỗi tối chúng tôi trải nệm ra hiên nhà ngủ. Vậy mà ấm áp và thân tình. Ngày về Việt Nam, tôi xin gửi nhà hàng một chút tiền cho những ngày mình ăn ngủ tại đây. Chị Ba cương quyết không nhận, dù chỉ một đồng. Cuối cùng số tiền ấy tôi nhờ chị và gia đình Phở 99 dùng để giúp đỡ những người khó khăn tại Nepal. Như vậy chị mới chịu nhận và ghi rõ ràng trong sổ sách. Những ngày này, gia đình chị lại tiếp tục đến các ngôi làng xa xôi, những nơi cùng khổ để giúp đỡ họ phần nào qua cơn khốn khó.

Khu phố cổ Baktapu nổi tiếng - nơi đông đảo du khách tìm đến giờ thành đống đổ nát.

Những ngôi làng đổ nát tan tành ở Shindupalchowk nơi nhiều người chết nhất ở Nepal.

Nhà hàng phở 99 - “Ngôi nhà chung” của hai vợ chồng tốt bụng.

Những người dân sẵn sàng chia sẻ từng bát nước dù họ phải ở màn trời chiếu đất.

“Bạn bé quá, lo bạn bị lạc...”

Dù Nepal nghèo hay Nepal tan hoang vì động đất thì Nepal vẫn làm tôi cảm kích bởi những con người tử tế. Hari, giám đốc công ty du lịch mà tôi chỉ quen biết qua Facebook nhưng sau lại rong ruổi cùng tôi suốt hai ngày trời vì trận động đất. Ngày gặp ở Kathmandu, chúng tôi gửi Hari chi phí cho tour trekking 10 ngày và thêm 130 USD tiền vé máy bay cho mỗi người. Một người bạn tôi bảo hồi hộp quá bởi giữa Hari và chúng tôi chỉ có một tờ giấy gọi là hợp đồng thôi. Nhưng niềm tin nội tâm qua những lần nói chuyện qua Facebook cho tôi biết Hari không bao giờ là như vậy. Nếu không tử tế, Hari đã chẳng bỏ công chở bạn ấy đi xin giấy phép leo núi dẫu bạn ấy chẳng mua tour của Hari. Hôm sau Hari đến, dẫn theo hai bạn porters, đưa chúng tôi ra bến xe và chúc chuyến đi thành công tốt đẹp.

Cung đường Annapurna Circuit hoàn thành nhưng chuyến bay đã trả tiền cho Hari thì không thực hiện. Chúng tôi đi xe jeep rồi xe buýt hai ngày trời để về lại Kathmandu. “Chắc chắn Hari sẽ đến và trả tiền vé máy bay”- người hướng dẫn viên trấn an khi tôi lo lắng vì mấy ngày rồi không liên lạc được với Hari. Kathmandu đang tan hoang đổ nát thế kia, làm sao biết được có gặp bạn hay không. Nhưng Hari đến. Vẻ mặt không giấu được nỗi buồn, Hari cho hay gia đình bạn may mắn bình an nhưng nhà cửa thì sập hết, văn phòng làm việc của bạn cũng không còn. Tài sản lớn lao nhất cả đời người mất trắng chỉ trong một phút động đất. Hari đợi gặp chúng tôi trả lại tiền vé máy bay xong xuôi hết rồi mới về nhà, nơi cách Kathmandu hơn 60 km, sát bên vùng tâm chấn. Tôi nhận lại tiền mà cảm kích. Nếu Hari về làng để lo liệu chuyện nhà, nếu Hari không thể trả lại số tiền thì chúng tôi cũng không nỡ trách. Thế nhưng bạn đã không để xảy ra việc đó, không than thở một lời. Hai ngày chở tôi đi những đoạn đường khó nhọc, cùng tôi đến các bản làng xa xôi nơi nhiều người chết nhất Nepal, bạn chẳng ngại mệt nhọc, chẳng một lời bàn ra. Ngại làm phiền bạn, tôi bảo Hari ở đó nghỉ, tôi đi theo nhóm cứu hộ một lát sẽ quay về. Vậy mà quay qua lại thấy Hari. “Bạn bé quá, lo bạn bị lạc. Tôi đi theo bạn” - bạn cười. Dễ hiểu tại sao Hari được khách của mình quý mến đến thế nên sau khi về nước đã mời bạn đến Ý, đi Hong Kong và sắp tới là London. Dễ hiểu khi mà tôi cũng nghĩ nếu tôi có thể, tôi nhất định mời Hari qua thăm Việt Nam.

Những điều cảm động cứ ngỡ quá xa xôi

Khi tôi gõ những dòng này, bạn porter của tôi vừa vui mừng báo tin bạn đã có thể xoay xở được cuộc sống sau những ngày sống trong vô định và bất lực. Trận động đất ở Nepal hủy hoại hoàn toàn ngôi nhà mà bạn dành dụm được từ những tháng ngày sang Dubai lao động. Mọi tour du lịch trekking mà bạn làm người mang vác hành lý cũng hủy theo. Không nhà, không việc làm, không tiền. Chính quyền trợ cấp được hai ký gạo và hai bịch bánh quy. Đứa con trai bé nhỏ mới tám tháng tuổi của bạn phải cùng cha mẹ sống cảnh màn trời chiếu đất, nay đau mai ốm. Bạn nói bây giờ thì bạn vui hơn rất nhiều vì bạn đã có thể lo liệu được cho gia đình trong thời gian trước mắt. Tất cả là nhờ 600 USD của những người bạn tôi từ Việt Nam gửi sang. Chỉ bao nhiêu đó thôi mà bạn nói cả gia đình bạn quá đỗi hạnh phúc. Số tiền ấy thật nhỏ nhoi so với bao nhiêu người vậy mà là nguồn sống, nguồn động viên tinh thần cho cả gia đình của bạn.

Bạn nói bạn vô cùng biết ơn tôi và những người bạn của tôi, không bao giờ bạn quên sự giúp đỡ của chúng tôi. Nhưng tôi mới là người cảm ơn bạn và những người Nepal tôi đã gặp. Nhờ họ tôi đã thấy được bao nhiêu điều tốt đẹp, bao nhiêu điều cảm động mà đôi khi tôi cứ ngỡ đã quá xa xôi. Họ đã cho tôi rất nhiều. Nhất là cho tôi những ân tình sâu nặng với Nepal.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm