Cỗ máy kiếm tiền của tổ chức khủng bố 'Nhà nước Hồi giáo'

Cỗ máy kiếm tiền của tổ chức khủng bố 'Nhà nước Hồi giáo' ảnh 1
Phiến quân IS đang kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria với dân số 8 triệu người - Ảnh: Reuters 

Theo báo Wall Street Journal, tình báo Mỹ cho biết lúc khởi đầu IS dựa chủ yếu vào nguồn tiền quyên góp từ các nhân vật cực đoan trong thế giới Hồi giáo ở các nước Ả Rập.

Tuy nhiên, hiện tại IS đã trở thành một tổ chức tự cung tự cấp theo mô hình mafia. “Tiền quyên góp từ bên ngoài chỉ là móng tay nếu so với nguồn thu từ các hoạt động tội phạm và khủng bố của IS” - một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định.

Đối với các nước phương Tây, cắt đứt nguồn thu tài chính là một trong những biện pháp tối quan trọng mà giới tình báo đề ra để đánh bại IS. “Nhưng chúng ta có thể ngăn chặn IS thu vén tài sản được không? Hoàn toàn không thể, bởi lúc này bọn chúng đã sở hữu trong tay những khối tài sản khổng lồ” - một quan chức chống khủng bố phương Tây giấu tên than thở.

Kiểm soát những giếng dầu

Từ khi trỗi dậy tại Syria hồi năm ngoái và mở chiến dịch tấn công sang Iraq trong năm nay, IS đã kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng hơn nước Anh ở hai quốc gia với dân số lên đến 8 triệu người. “IS đã thiết lập một nền kinh tế tương đối ổn định trên vùng lãnh thổ nhóm này kiểm soát ở Syria và Iraq” - chuyên gia chống khủng bố Hasan Abu Haieh người Jordan đánh giá.

Bloomberg dẫn lời chuyên gia Matthew Levitt thuộc Viện Chính sách Cận Đông Washington (Mỹ) đánh giá IS là tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới, có thể chế tương tự Taliban nhưng kiểm soát những giếng dầu lớn ở cả Syria và Iraq. Hiện IS kiểm soát tám mỏ dầu và khí đốt ở tỉnh Raqqa và Deir Ezzor tại Syria.

Các nhóm quân nổi dậy ở Syria cho biết IS bán dầu cho thương nhân từ Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Libăng... Với mỗi thùng dầu thô nặng, IS thu được 26-35 USD.

Tuy nhiên nhóm này có thể bán dầu thô nhẹ với giá 60 USD/thùng. Ước tính các giếng dầu mà IS kiểm soát ở Syria sản xuất từ 30.000 - 70.000 thùng mỗi ngày. Các nhóm doanh nhân mua lậu dầu, chuyển qua biên giới và bán lại ở nước nhà với mức giá cao hơn, hoặc bán cho chính Chính phủ Syria.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lượng dầu lậu tịch thu ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria đã tăng vọt 300% thời gian qua.

Các nhà nghiên cứu Trung tâm Doha thuộc Viện Brookings xác định tại Iraq, IS kiểm soát bảy mỏ dầu và hai nhà máy lọc dầu với năng lực sản xuất 80.000 thùng mỗi ngày và hiện đang khai thác một nửa số này. Tính ra IS thu được từ 2-3 triệu USD mỗi ngày từ hoạt động bán dầu.

Hiện phiến quân IS vẫn đang giao tranh với quân đội Iraq để giành quyền kiểm soát Nhà máy lọc dầu Baiji ở miền bắc nước này. Đây là nhà máy lọc dầu lớn nhất Iraq, sản xuất 30% sản lượng dầu nước này.

“Nguồn thu từ dầu khí giúp cỗ máy chiến tranh của IS tiếp tục vận hành trong những vùng lãnh thổ nhóm này đã chiếm được từ tay chính quyền Iraq và Syria - nhà nghiên cứu Luay al-Khatteeb thuộc Trung tâm Doha cho biết - Các nguồn thu còn lại được đổ vào hoạt động tuyển quân, đào tạo và huấn luyện lực lượng”.

Bảo kê kiểu mafia

Tình báo phương Tây và cư dân địa phương cho biết ngoài tiền bán dầu, IS còn thiết lập tại vùng lãnh thổ nhóm này kiểm soát một hệ thống bảo kê quy mô kiểu mafia để moi tiền từ các doanh nghiệp, trang trại, phí sử dụng giao thông công cộng... Trong số đó có cả phí “quyền được sinh tồn” từ các nhóm người Thiên Chúa giáo và người thiểu số không muốn di tản.

Nhiều cư dân tháo chạy khỏi miền bắc Syria cho biết các tay súng IS đến từng hộ gia đình trong các thị trấn, thành phố, lập danh sách tài sản các gia đình sở hữu để đòi đóng “thuế”.

Chúng còn lên danh sách các gia đình Thiên Chúa giáo và thiểu số sống trong vùng để đòi lệ phí sinh sống. “Chúng đòi trả phí bằng vàng, bạc hoặc hoa màu mà chúng tôi sắp thu hoạch” - một nông dân cho biết.

Ngoài ra IS còn chiếm được một số ngân hàng lớn, trung tâm mua sắm, cửa hàng vàng bạc... ở các thành phố tại Iraq và Syria, do đó sở hữu thêm khối lượng tiền mặt lớn.

Nguồn thu từ hoạt động bắt cóc con tin để đòi tiền chuộc không thật sự đáng kể nếu so với các nguồn thu trên. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết trong hơn một năm qua, IS kiếm được hơn 10 triệu USD từ đòi tiền chuộc con tin.

Do đó, tình báo phương Tây nhận định rất khó để cắt đứt nguồn thu của IS. “Việc cắt đứt mạng lưới giao thương ở các vùng lãnh thổ IS kiểm soát có thể khiến việc mua bán thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu ở đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều đó sẽ đe dọa sự sống của hàng trăm nghìn người dân” - một quan chức chống khủng bố phương Tây nhấn mạnh.

“Sức mạnh của IS bắt nguồn từ những vùng lãnh thổ và nguồn lực chúng kiểm soát và cộng đồng cư dân chúng đòi tiền bảo kê - nhà nghiên cứu Brian Fishman thuộc Tổ chức New American Foundation nhận định - Do đó sẽ phải mất rất nhiều thời gian để đánh bại chúng”.

Chiếc “laptop ngày tận thế”

Mới đây, truyền thông quốc tế xôn xao với vụ tìm thấy chiếc máy tính xách tay (laptop) của một phiến quân IS ở Syria. Một nhóm quân nổi dậy “ôn hòa” ở miền bắc Syria đã tấn công tòa nhà do quân IS kiểm soát và phát hiện chiếc laptop của tay phiến quân có tên Muhammed S Abu Ali, từng học hóa học và vật lý tại hai trường đại học ở Tunisia.

Cuối tháng 8, hai phóng viên Foreign Policy đã tiếp cận được với chiếc laptop và phát hiện nó chứa tổng cộng 35.347 tập tài liệu. Họ gọi đó là “chiếc laptop của ngày tận thế” khi phát hiện trong laptop có tài liệu dài 19 trang bằng tiếng Ả Rập về cách phát triển vũ khí sinh học. “Lợi thế của vũ khí sinh học là chúng không tốn kém quá nhiều tiền nhưng gây thiệt hại nhân mạng cực lớn” - tập tài liệu viết.

Tài liệu dài 19 trang giải thích rõ cách thử nghiệm vũ khí sinh học, ví dụ như vi khuẩn dịch hạch, trước khi sử dụng để tấn công khủng bố. Theo đó, cách hiệu quả nhất để tấn công bằng vi khuẩn dịch hạch là “dùng lựu đạn cỡ nhỏ chứa bột vi khuẩn, ném vào nơi đặt điều hòa không khí ở các khu vực khép kín như tàu điện ngầm, sân vận động, trung tâm giải trí...”.

Theo HIẾU TRUNG (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm