Cơn ác mộng 47 ngày ở xứ sở “nghìn lẻ một đêm”

“Tưởng chừng không có ngày về!” - chị Hạnh rùng mình bộc bạch trước khi kể lại chuyến phiêu lưu làm “Oshin” trên đất nước có câu chuyện cổ tích “nghìn lẻ một đêm”. Có bốn đứa con hiện đang ăn học, trong khi chồng chạy xe ôm thu nhập bấp bênh nên chị Hạnh có ý định tìm công việc phù hợp là giúp việc nhà, để kiếm thêm tiền trang trải. Đầu tháng 2-2014, chị Hạnh tình cờ đọc mẩu quảng cáo đăng “Tuyển lao động đi giúp việc gia đình tại Ả Rập - Xê Út không tốn phí xuất cảnh”. Thấy điều kiện tuyển chọn không khắt khe, mức thu nhập tương đối (khoảng 7 triệu đồng/tháng), chị tức tốc liên hệ với người phụ trách tên Hương. Người này cho biết đang môi giới cho hai công ty xuất khẩu lao động ở ngoài Bắc lẫn trong Nam. Tuy cả hai cùng cung ứng lao động cho một đối tác, nhưng nếu công ty tại miền Nam đưa đi thì chị nhận mức lương có 7 triệu đồng/tháng, còn ký hợp đồng với công ty ngoài Bắc thì được 8 triệu đồng. Sau 3 tháng thử việc, nếu được chủ nhận thì thời gian làm việc tiếp theo là 21 tháng (tổng cộng 2 năm). Bà Hương cho biết thêm đây chỉ là mức lương khởi điểm, nếu lao động siêng năng gia chủ sẽ tăng lên tính ra gần 20 triệu đồng/tháng. Nghe vậy, chị Hạnh quyết định chọn công ty ngoài Bắc ký hợp đồng. 

Theo hẹn, ngay hôm sau chị được bà Hương đưa đến Bệnh viện Thống Nhất khám sức khỏe. Ngoài chị còn có thêm một phụ nữ tên Hồng, khoảng 43 tuổi. Chờ đợi mấy hôm thì chị Hạnh nhận được điện thoại của bà Hương kêu đến nhà ở gần khu vực Ngã Tư Ga (Q12) để lên máy bay cùng ra Hà Nội. Khi tới Hà thành, bà Hương dẫn chị Hạnh đến gặp Nguyễn Văn Lợi - Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Thương mại VCCI Nghệ An (số 1 đường Lê Nin, thành phố Vinh; đơn vị quản lý lao động trực tiếp theo ủy quyền của Cty TNHH Một thành viên Dịch vụ Thương mại VCCI tại Hà Nội, do ông Đoàn Duy Tiến làm giám đốc). 

Tại đây, chị Hạnh được vợ Lợi tên Dung tiếp tục đưa đi khám sức khỏe, sau đó ký “Hợp đồng dịch vụ đưa người lao động sang làm việc có thời hạn tại Ả Rập - Xê Út”. Trong hợp đồng có ghi: “Nếu trong thời gian thử việc người lao động không đáp ứng được nhu cầu công việc, sức khỏe không đạt (khi khám tại Ả Rập - Xê Út), hoặc vi phạm quy định nơi làm việc, vi phạm pháp luật nước đến làm việc, bị chủ lao động trả về thì phải chịu các chi phí như: lệ phí visa, vé máy bay, phí môi giới nước ngoài...”. Hạn chế chữ nghĩa, chị Hạnh nghe nói nôm na nếu “bể” hợp đồng phải đền 2.000USD. Tự tin vào tính chịu khó của mình, chị Hạnh đã ký.

Chị Hạnh kể lại những ngày tháng hãi hùng xuất phát từ mẩu quảng cáo này 

Ngày 24-3-2014, chị Hạnh được công ty đưa lên máy bay sang xứ người. Trên chuyến bay hôm đó có Hồng, người chị gặp lúc đi khám sức khỏe và khoảng mười phụ nữ khác ở phía Bắc. Sau 14 giờ hành trình, khi xuống phòng chờ, hầu hết những người đi cùng được chủ đến nhận. Riêng chị và hai phụ nữ đứng tuổi còn bơ vơ. Mãi gần 7 giờ tối mới có người dẫn cả ba lên xe buýt đưa tới ngôi nhà giống như trại giam. Tại đây, chị Hạnh thấy có nhiều người nước ngoài, đa số đến từ châu Phi, châu Á và tất cả trông nhếch nhác, tiều tụy. Trong lúc hoảng loạn, chị Hạnh may mắn gặp được một nhóm người đồng hương có mặt ở đây từ trước. Cũng như chị, khi thấy đồng hương, họ vui mừng khôn xiết và đôi bên chạy đến ôm lấy nhau như người thân lâu ngày gặp lại. Khỏe mạnh nhất trong nhóm là chị Mai, những người còn lại đều phờ phạc. 

Qua tâm sự, chị Mai cho biết tất cả chị em sang đây làm nghề giúp việc. Thoạt đầu nghe những người tư vấn nói thấy hấp dẫn, thực tế lao động ở đây rất khắc nghiệt. Chị Mai dẫn chứng từng người: Chị L. bị chủ hãm hiếp, chị T. bị đánh đập, chị S. bị bỏ đói dẫn đến suy nhược... Không chịu đựng nổi, họ phải bỏ trốn và bị gom vào đây, giờ không biết số phận sẽ ra sao. Nghe vậy, chị Hạnh điếng hồn nhưng chẳng còn đường tháo lui. Giữa lúc mọi người đang khóc thút thít thì bỗng có tiếng chuông reo, cả khu trại nhốn nháo chuẩn bị dụng cụ để lấy thức ăn. Khi cánh cửa ngăn giữa khu nhà bếp vừa mở, tất cả ùa vào tranh giành. Chị Mai nhanh tay đem về được một ít cho mọi người lót dạ. 
Bữa ăn đạm bạc vừa xong, chị Hạnh được một người đàn ông đến đón. Đôi bên chia tay trong nước mắt, chỉ biết chúc cho nhau những điều may mắn. Gần nửa giờ ngồi ôtô, người đàn ông này đưa chị đến một trạm xe buýt xung quanh dân cư thưa thớt, để đi tiếp đến nhà chủ. Trong lúc chờ đợi, gã này còn giở trò sàm sỡ.

Vợ chồng gia chủ ở tuổi trung niên, có 5 đứa con và sống xa thành thị. Nghe theo lời bà Hương chỉ dẫn, dù rất mệt nhưng vừa tới nơi chị Hạnh xắn tay ngay vào công việc, làm quần quật từ sáng sớm cho đến tận khuya (vì người dân nơi đây thường thức dậy lúc 9 sáng và đi ngủ khoảng 2 - 3 giờ khuya). Sau năm ngày vất vả liên tục, nhà cửa trở nên tươm tất. Đổi lại, chị Hạnh đã kiệt sức (do không ăn được thức ăn lại không có cơm và riêng chị mỗi ngày chỉ được dùng hai bữa sáng - chiều). Cũng theo lời bà Hương tiết lộ, muốn được chủ thương thì họ ăn gì mình phải ăn nấy, nên chị Hạnh không dám đòi hỏi. Sang ngày thứ sáu, căn bệnh tụt can xi, hen suyễn bắt đầu tái phát. Chị Hạnh ra dấu xin được ăn cơm thì chủ đưa cho ít gạo cùng hai quả trứng. Chị Hạnh nấu cháo ăn cầm chừng và xin đi chữa bệnh, nhưng gia chủ từ chối. Tới khi thấy chị nằm mê man họ mới ra dấu bảo xếp quần áo bỏ vào vali, trả lại điện thoại và cho 200 SAR (1 SAR tương đương 5.600 VNĐ). 

Tưởng được quay về cố hương, chị Hạnh mừng như vừa chết đi sống lại. Chị quỳ xuống tạ ơn nhưng sau đó mới biết ông chủ chỉ đưa đến phòng môi giới (nơi tá túc của những người lao động phổ thông nước ngoài) để nơi đây chữa bệnh. Sau một tuần điều trị, sức khỏe chị Hạnh đỡ hơn nhưng hai căn bệnh vẫn luôn hành hạ vì thiếu dinh dưỡng. Trong túi có 200 SAR, chị nhờ người mua car điện thoại gọi cho ông Lợi, bà Hương cầu xin họ lo thủ tục về nước. Hai người này nói muốn vậy phải kêu gia đình đóng khoản phí 2.800USD. Chị Hạnh nài nỉ xin được nộp 2.000USD nhưng họ không đồng ý. Nghe mẹ cầu cứu, con gái lớn của chị là Ái Linh tháo hết nữ trang đem bán nhưng chẳng được bao nhiêu, chạy vạy mượn thêm người thân cũng không đủ. Gần một tháng trời chồng con chị Hạnh như ngồi trên đống lửa. Biết gia đình bất lực, chị tuyệt vọng chờ ngày “nhắm mắt xuôi tay”. 

Đầu tháng 5-2014, tình cờ thấy một người đồng hương cùng tá túc ở phòng môi giới đang xách hành lý về nước, chị Hạnh hỏi thăm họ nói chỉ đóng phí cho công ty có 25 triệu đồng. Hy vọng nhen nhóm, chị điện thoại hỏi ông Lợi, bà Hương và dọa sẽ tự vẫn nếu không nhận 25 triệu đồng làm thủ tục. Có lẽ vì sợ tai tiếng hay đã bị lật tẩy, cuối cùng họ cũng đồng ý. Sau khi Ái Linh nộp đủ tiền, tối 11-5 chị Hạnh về đến đất mẹ. Gia đình đoàn tụ trong nước mắt đầm đìa. 

Theo Minh Dũng (CATP) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm