Công vận trong những tháng năm lịch sử

Ông Võ Thành Đô và bà Huỳnh Thị Kiều vui mừng gặp lại nhau trong những ngày cả nước mừng kỷ niệm 40 năm thống nhất nước nhà. Ảnh: L.T

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - khi còn là Bí thư Thành ủy TPHCM - nhận xét: “Lúc ta tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh, chính công nhân đã bảo vệ nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, nguyên liệu. Ta giải phóng thành phố nhưng không một giờ nào dòng điện bị tắt, không một giờ nào nước bị mất...”.

Ký ức về vùng đất lửa

Thời ấy, địa bàn huyện Thủ Đức là nơi có những cơ sở trọng điểm như nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy dệt... nên địch ra sức kìm kẹp, người cán bộ hoạt động công vận ở địa bàn này phải cực kỳ khôn khéo và gan dạ. Năm 1972, anh Năm Đô, khi đó 34 tuổi, được Ban Công vận Thành ủy phân công về làm Phó ban Công vận huyện Thủ Đức, cùng với 6 đồng chí làm nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi công nhân dưới danh nghĩa Công đoàn giải phóng và vận động anh chị em công nhân làm cách mạng.

Năm 1973, anh Năm Đô được phân công làm Trưởng ban Công vận huyện Thủ Đức vì đồng chí Trưởng ban Nguyễn Văn Minh hy sinh. “Anh Minh và một đồng chí nữ hy sinh trong lúc đi vào ấp chiến lược làm nhiệm vụ. Xác anh Minh thì còn, xác của đồng chí nữ thì bị giặc kéo đi mất. Đau thương, mất mát, nguy hiểm rình rập từng ngày từng giờ, đặc biệt cùng lúc ban mất đi hai đồng chí khiến chúng tôi thấy thiếu vắng vô cùng, nhớ các đồng chí ấy quay quắt… Càng nhớ, càng thương, chúng tôi càng phải quyết tâm hơn trong những nhiệm vụ của mình” - ông Năm Đô nhớ lại.

Đối với những anh chị emcông nhân đã giác ngộ cách mạng, Ban Công vận đề nghị gia nhập vào các nghiệp đoàn tại các công ty, xí nghiệp. Đây chính là lực lượng đấu tranh công khai với giới chủ để đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ cho công nhân như đề nghị chủ tăng lương, giảm giờ làm… Ông nhớ hồi ấy, Xí nghiệp dệt LiênPhương (Cty dệt Phước Long bây giờ), công nhân rất đông nhưng bị chủ trả lương thấp nên bất mãn. “Công nhân đình công liên tục, mỗi cuộc đình công kéo dài nhiều ngày liền để đòi quyền sống, đòi tăng lương, giảm giờ làm… Cũng nhờ vậy mà Ban Công vận huyện Thủ Đức đã xây dựng được cơ sở rất vững ở đó” - ông Năm Đô kể.

Hỏi ông Năm Đô, ký ức nào đáng nhớ nhất về những nămtháng hoạt động ở Thủ Đức?Ông chau mày, suy nghĩ một lúc rồi bảo: “Nhớ thì nhiều lắm, những năm tháng ấy đã trở thành máu thịt rồi, không quên được nhưng nếu trả lời độtngột thì tôi nhớ nhất là tình cảm của bà con ở Thủ Đức khi ấy. Chúng tôi ngày nghỉ, đêm làm, ở trong hầm ngoài bùng, ngoài bụi tre, bờ rào nhưng không bao giờ thiếu ăn. Bà con không ngại hiểm nguy tiếp tế liên tục. Và nữa là công nhân mình khi đó rất yêu nước, lạc quan, yêu gia đình, luôn mong muốn có được đồng lương tốt, nuôi gia đình nên công tác công vận cũng được thuận lợi, có thêm động lực”.

“Công nhân làm chủnhà máy”

Một trong những cán bộ công vận cơ sở năng nổ, kiên gan của Ban Công vận huyện Thủ Đức khi đó là bà Huỳnh Thị Kiều, công nhân Cty Sicovina (nay là Dệt Phong Phú), khi ấy mới 25 tuổi. “Thời điểm đó, các cán bộ công vận của huyện Thủ Đức rất quan tâm đến cơ sở, các đồng chí hướng dẫn những người như chúng tôi cách thức hoạt động, làm thế nào để không bị lộ. Giai đoạn đó hết sức khó khăn nên người cán bộ công vận phải hết sức khôn khéo” - bà Kiều nhớ lại. Để làm tốt công tác ở cơ sở, bà Kiều phải biết “chọn người tốt” để làm cách mạng với mình. Tại cơ sở, bà trực tiếp tham gia vào nghiệp đoàn tại Sicovina, vận động và cùng anh em đấu tranh đòi yêu sách như tăng lương, giảm giờ làm… Vào những ngày cận kề thời điểm 30.4.1975, để chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử, bà Kiều cùng các công nhân giác ngộ cách mạng đưa truyền đơn đến tận tay công nhân.

Bà kể: “Lúc đó có 2 loại truyền đơn, đó là lời kêu gọi của Liên hiệp Công đoàn Gia Định - Thủ Đức và lời kêu gọi của Tổ chức sinh viên - học sinh Thủ Đức. Chúng tôi phát truyền đơn để anh chị em công nhân hiểu được tình hình. Bên cạnh đó, chúng tôi chia thành các tổ xung kích, từ ngày 27.4, đã chuẩn bị cờ, băngrôn với các nội dung: “Toàn thể công nhân Sicovina nhiệt liệt chào mừng các anh chiến sĩ giải phóng quân”; “Chính quyền về tay nhân dân, công nhân làm chủ nhà máy”… Sáng 30.4.1975, anh chị em công nhân nhà máy đã tiếp quản, treo cờ, chiếm giữ Nhà máy Sicovina, không để bị cướp bóc”.

Trong khi đó, tại Xí nghiệp Liên Phương, gần đến ngày 30.4.1975, chủ xí nghiệp đóng cửa, sa thải hết công nhân, tuy nhiên một số anh em công nhân nòng cốt đã mướn nhà ở gần bên cạnh, chuẩn bị khẩu hiệu, cờ, băngrôn “Chính quyền cách mạng về tay nhân dân”, “Công nhân làm chủ nhà máy”... Khi xe tăng quân giải phóng tiến về Sài Gòn, những anh em này ngay lập tức treo cờ, băngrôn, thu súng của phòng vệ dân sự, tiếp quản nhà máy. Ở Nhà máy nước Thủ Đức, tình hình khó khăn hơn. Ông Năm Đô nhớ lại: Trước đó mấy ngày, địch đưa về một tiểu đoàn bảo an. Cơ sở của Ban Công vận là ông Nguyễn Văn Muốn tức Hai Dây dự trù tình huống căng thẳng, địch ban hành thiết quân luật nên trước đó đã xin với giám đốc nhà máy cho anh em công nhân đưa thân nhân vào nhà máy ở tạm; nhân cơ hội này, đưa lực lượng vào lập tổ khởi nghĩa.

7 giờ ngày 30.4.1975, khi xe tăng quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, anh em treo cờ, chia nhau đi vận động lính địch: “Việt cộng vô nhà máy rồi...”. Thế là địch chạy tán loạn. Suốt ngày 30.4.1975 cũng như sau đó, dòng nước sạch vẫn liên tục được bơm đi, thành phố giải phóng không bị cúp nước một giờ nào. Còn tại Nhà đèn Thủ Đức, sau khi địch tháo chạy, công nhân đã treo cờ và khẩu hiệu trước cổng nhà máy. Đến trưa, Ban Công vận cùng bộ đội vào tiếp quản nhà máy, công nhân tiếp tục sản xuất, giữ vững dòng điện cho thành phố. Tại các nhà máy Vimytex, Ba Son (Bình Thạnh), Vinatexco (Hóc Môn), Nhà đèn Chợ Quán (Sài Gòn) và khắp nơi trong thành phố, công nhân đều nổi dậy trước hoặc ngay khi địch tan rã, bảo vệ nhà máy, kho tàng nguyên vẹn.

Làm công đoàn thì phải thương yêu giai cấp

“Thời điểm đó những công nhân nhà máy điện, nhà máy nước đã bảo vệ nhà máy, đảm bảo dòng điện không bị ngắt một giờ nào, nhiều công ty, xí nghiệp thời kỳ đó bây giờ đã phát triển thành những tổng công ty, tập đoàn lớn… công phần nhiều là ở những người công nhân” - ông Năm Đô nhận xét. Bà Huỳnh Thị Nguyệt - cán bộ công vận cơ sở xuất sắc năm nào, sau khi cùng công nhân tiếp quản tiếp tục ở lại nhà máy, trở thành người cán bộ công đoàn hết lòng với công nhân cho đến khi về hưu. Nếu như ở những tháng năm lịch sử, bà cùng công nhân đấu tranh, bảo vệ nhà máy thì ở thời bình, bà đã cùng những cán bộ công đoàn cơ sở làm tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng cho người lao động, hoạt động công đoàn TCty Phong Phú luôn được công đoàn cấp trên đánh giá cao.

“Vai trò của công đoàn là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người laođộng. Để làm tốt điều đó, người cán bộ công đoàn phải thương công nhân, phải am hiểu, chia sẻ những khó khăn mà công nhân đang gặp phải. Làm công đoàn thì phải thương yêu giai cấp, phải gần gũi, gắn bó với công nhân, có như vậy mới thúc đẩy được phong trào”- ông Đô đúc kết.

Theo LÊ TUYẾT (Lao động)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm