Cuộc chiến đòi bồi thường chất độc da cam ở Mỹ

Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS) của Mỹ vào tháng 11-2014 từng công bố một báo cáo chi tiết về quá trình đấu tranh đòi quyền lợi của các cựu chiến binh (CCB) Mỹ nhiễm chất độc da cam (bài viết sẽ gọi tắt là CĐDC).

“Tôi đã chết ở Việt Nam”

Bản báo cáo của CRS ghi nhận từ những năm 1970 các CCB Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã bày tỏ lo ngại việc phơi nhiễm CĐDC là nguyên nhân dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, khuyết tật của CCB. Trong đó, đặc biệt đáng lo ngại là hiện tượng dị tật bẩm sinh phát hiện ở con cháu các CCB Mỹ. Vào năm 1977, Bộ CCB Mỹ đã nhận được văn bản đầu tiên cho rằng có mối liên hệ giữa CĐDC và các vấn đề sức khỏe.

Đầu năm 1978, Paul Reutershan - cựu phi công lái trực thăng trong chiến tranh Việt Nam đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia và đưa ra tuyên bố khiến cả nước Mỹ sửng sốt: “Tôi đã chết ở Việt Nam nhưng lại không biết rằng mình đã chết”. Ông cho biết gần như ngày nào cũng bay qua những đám mây hóa chất được phun bởi những chiếc máy bay C-123. Tuy nhiên, ông lại được quân đội trấn an rằng các hóa chất có khả năng xóa sổ những cánh rừng bạt ngàn sẽ không đe dọa sức khỏe của con người và động vật. Đến khi quay trở về Mỹ, ông mới được chẩn đoán đã mắc bệnh ung thư. Cuối năm 1978, khi mới 28 tuổi, Reutershan qua đời vì ung thư đã di căn.

Trong những năm tháng cuối đời, Reutershan đã đệ đơn kiện những công ty sản xuất chất diệt cỏ như Monsanto, Dow và Diamond Shamrock đã đầu độc các quân nhân Mỹ. Tuy nhiên, vụ kiện không thành công và chìm vào quên lãng. Ông cũng đã thành lập tổ chức Nạn nhân CĐDC quốc tế (OAVI) để đấu tranh đòi quyền lợi cho những người bị phơi nhiễm hóa chất độc hại này.

Kể từ đó, thông qua hai kênh lập pháp và tư pháp, các CCB Mỹ đã tiến hành nhiều chiến dịch đấu tranh đòi bồi thường, phúc lợi và dịch vụ y tế. Đáp lại, Quốc hội Mỹ đã đưa ra đạo luật về nghiên cứu tác động sức khỏe dài hạn mà CĐDC gây ra. Đồng thời, Quốc hội nước này cũng thông qua các quy định cung cấp phúc lợi và hỗ trợ y tế cho những CCB Mỹ bị phơi nhiễm loại hóa chất độc hại này. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chính phủ Mỹ vẫn chỉ xem xét bồi thường và phúc lợi cho những cựu binh từng chinh chiến tại Việt Nam chứ không phải toàn bộ những ai từng tiếp xúc với CĐDC.

Mỹ sử dụng máy bay C-123 để thực hiện các chiến dịch phun thuốc diệt cỏ chứa chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: RT

Harold Jackson, cựu chiến binh Mỹ phơi nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam, bị tổn thương thần kinh ngoại biên, ung thư da và ung thư tuyến tiền liệt. Ảnh: JAMES NACHTWEY/OAR

Thừa nhận tác hại của chất độc da cam

Sau nhiều năm chờ đợi, ngày 18-6-2015 chính phủ Mỹ đã chấp thuận trợ cấp tàn tật hàng triệu USD cho 2.100 lính dự bị Lực lượng Không quân và các lực lượng hoạt động công vụ đã tiếp xúc với dư lượng CĐDC trên các máy bay được sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam, tờ Washington Post cho biết. Luật mới này công nhận đối với cả những CCB chưa từng đặt chân đến Việt Nam trong cuộc chiến, qua đó gián tiếp thừa nhận loại thuốc diệt cỏ chứa CĐDC đã đầu độc các quân nhân người Mỹ.

Luật mới này do Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng phê chuẩn, có hiệu lực từ ngày 19-6. “Mở ra những cơ hội cho các CCB Lực lượng Không quân và quân nhân dự bị là điều cần phải làm” - Bộ trưởng Bộ CCB Mỹ, ông Bob McDonald, phát biểu vào tháng 6-2015. Luật mới có hiệu lực với một nhóm mở rộng các quân nhân từng bay hoặc làm việc trên máy bay Fairchild C-123 ở Mỹ, trong thời gian từ năm 1969 đến 1986 và được cho là từng tiếp xúc với CĐDC. Các máy bay C-123 đã từng được Mỹ sử dụng để phun hàng triệu lít chất diệt cỏ độc hại trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Các nhà khoa học Mỹ cũng đưa ra kết luận rằng một số quân nhân dự bị đóng quân ở Ohio, Pennsylvania và Massachusetts đã tiếp xúc với dư lượng CĐDC trên các máy bay và phải chịu những hậu quả về sức khỏe nặng nề. Sau khi đánh giá các hồ sơ quân sự, Bộ CCB Mỹ cho biết họ đã xác định các phi công, nhân viên cơ khí và nhân viên y tế từng phục vụ ở bảy khu vực khác ở Mỹ và nước ngoài cũng có khả năng bị ảnh hưởng, bao gồm Florida, Virginia, Arizona, Đài Loan, Panama, Hàn Quốc và Philippines.

Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện thêm nhiều bằng chứng cho thấy CĐDC là nguyên nhân gây ung thư cho các cựu binh Mỹ từng tiếp xúc với nó trong cuộc chiến tranh Việt Nam. TS Ola Landgren của Trung tâm nghiên cứu ung thư Memorial Sloan-Kettering và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu trên 479 cựu binh từng tham gia vào chiến dịch Ranch Hand (chiến dịch rải chất độc diệt cỏ xuống Việt Nam từ năm 1962 đến 1971 của Mỹ), so với 479 cựu binh khác không tham gia. Kết quả cho thấy các cựu binh này có nguy cơ mắc phải một rối loạn về máu có thể dẫn đến ung thư cao gấp hai lần so với những cựu binh không tiếp xúc với chất độc. Bộ CCB Mỹ xác định CĐDC là nguyên nhân gây ra đa u tủy và nhiều căn bệnh khác như bạch cầu, ung thư, tiểu đường, tim mạch và bệnh Parkinson (một rối loạn thoái hóa của hệ thần kinh trung ương làm suy yếu khả năng vận động, lời nói và các chức năng khác).

Công lý còn dang dở

Hai thành viên của Chiến dịch Trách nhiệm và Hỗ trợ nạn nhân CĐDC Việt Nam là Marjorie Cohn - cựu Chủ tịch Hội Luật sư Quốc gia Mỹ và Jeanne Mirer - Chủ tịch Hiệp hội Các luật sư dân chủ quốc tế cho rằng công lý trong vấn đề CĐDC vẫn còn dang dở. Viết trên tờ Huffington Post, hai luật sư này cho rằng nước Mỹ không hề muốn thừa nhận việc họ sử dụng các chất độc hóa học làm vũ khí chiến tranh tấn công vào dân thường. Bởi điều đó đồng nghĩa với việc thừa nhận đã vi phạm các điều luật về chiến tranh, vốn đòi hỏi phải phân biệt rõ giữa mục tiêu quân sự và tránh các mục tiêu dân sự. Những điều luật này đã được viết trong Công ước Hague và các quy ước Nuremberg, được ghi nhận trong Công ước Geneva năm 1949, cũng như trong các quy định của Tòa án Hình sự Quốc tế.

Hai luật sư này cho biết việc sử dụng CĐDC đã vi phạm các điều luật về chiến tranh, thế nhưng vẫn không có ai buộc phải chịu trách nhiệm. Quỹ CĐDC cho CCB Mỹ, trị giá hơn 1,52 tỉ USD/năm, lại được chi bằng tiền thuế của người dân Mỹ. Trong khi đó, các công ty hóa chất thu lời từ sản xuất CĐDC, đặc biệt là Tập đoàn Monsato, chỉ chi ra một khoản nhỏ để giải quyết các vụ kiện của CCB.

Đạo luật còn “nợ” nạn nhân Việt Nam

Sau nhiều năm tổ chức hoạt động, các CCB Mỹ tham chiến ở Việt Nam cuối cùng đã được hưởng những mức bồi thường hạn chế cho những căn bệnh mắc phải khi phơi nhiễm CĐDC. Nhưng trong khi đó, vẫn còn hơn ba triệu nạn nhân người Việt Nam không nhận được bất kỳ sự bồi thường hay viện trợ nhân đạo nào từ chính phủ Mỹ.

Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm cả về mặt đạo đức lẫn pháp lý, bồi thường cho những tác động kinh hoàng bởi CĐDC đối với người dân Việt Nam, đồng thời hỗ trợ khắc phục các hệ quả của nó. Mỹ đã thừa nhận trách nhiệm này trong Hiệp định Hòa bình Paris ký vào năm 1973. Chính quyền của Tổng thống Nixon đã từng hứa hẹn sẽ đóng góp 3 tỉ USD để hàn gắn các vết thương chiến tranh và tái thiết hậu chiến tại Việt Nam. Tuy nhiên, lời hứa này đã không được thực thi. Sau vụ kiện đòi bồi thường không thành vào năm 2004, một phong trào vận động đòi quyền lợi cho các nạn nhân Việt Nam chịu tác hại của CĐDC đã được phát động tại Mỹ.

Năm 2013, dự thảo Đạo luật Viện trợ các nạn nhân CĐDC đã được trình lên Quốc hội Mỹ. Dự thảo này yêu cầu chính phủ Mỹ hỗ trợ về y tế, các bồi thường về phúc lợi xã hội cho những nạn nhân tại Việt Nam, khử độc các “điểm nóng” phơi nhiễm chất độc dioxin và cung cấp các dịch vụ y tế cho con cháu những CCB Mỹ tham chiến ở Việt Nam, cũng như những người Mỹ gốc Việt được sinh ra mắc phải bệnh tật hay bị dị tật bẩm sinh. Dự luật này đã được đệ trình lên Quốc hội một lần nữa vào năm 2015 bởi Nghị sĩ Barbara Lee. Tuy nhiên, đến nay dự luật này vẫn chưa được Hạ viện thông qua. Một dự thảo chỉ được chính thức trở thành đạo luật khi được cả Hạ viện, Thượng viện và tổng thống Mỹ thông qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm