Cứu hỏa kể chuyện rạch lửa cứu bé 3 tuổi

Trong vụ chữa cháy ở quán karaoke bị cháy ở Hà Nội có hai lính cứu hỏa phải nhập viện vì lửa quá khủng khiếp. Mặc dù các chiến sĩ luôn thuộc nằm lòng cứu người trước khi cứu hỏa và họ đủ quả cảm, nhạy bén, thậm chí liều mạng khi đứng trước các đám cháy để thực hiện việc này. Những vụ cứu người, tự thoát thân của Trung úy Phan Công Hạnh (ảnh), trinh sát Cảnh sát PCCC quận 1, TP.HCM, thành ký ức khó quên của anh.

Cứu bé gái trong vụ cháy kinh hoàng

Theo Trung úy Hạnh, chiều 28-6-2013, khi anh đang chủ trì đại hội chi đoàn cơ quan thì chuông báo cháy khẩn cấp réo vang. Khoác vội trang phục lính chữa cháy anh và đồng đội lên đường.

Khi đến căn nhà 690B Lê Hồng Phong (phường 10, quận 10, TP.HCM) thì căn nhà đã bốc khói ngùn ngụt, lửa đỏ rực phát ra từ tầng ba. Một phụ nữ khóc ngất, kêu gào thảm thiết đòi lao vào biển lửa vì con gái ba tuổi còn kẹt trong đám cháy. Mọi người can ngăn: “Lửa to quá, vào thế nào được”. Lúc này tổ trưởng tổ trinh sát Phan Công Hạnh phân công đồng đội chia làm hai mũi, tìm mọi cách cứu cháu bé và tìm ra gốc lửa. Một mũi theo đường cầu thang bộ, “đánh” trực diện đám cháy, mũi khác theo thang chuyên dụng đi lên.

Khi tiếp cận tầng nhà đang cháy, các trinh sát nghe tiếng khóc của cháu bé nhưng cháu đang ở phòng trong cùng, phòng đang cháy ở giữa. Muốn tiếp cận cháu bé phải vượt qua căn phòng như hỏa lò trước mặt. Không chần chừ, Trung úy Hạnh yêu cầu đồng đội dùng lăng phun nước rạch lửa mở đường. Những tia nước phun vào căn phòng liền thành nước sôi đã rơi vào tai, mặt của trinh sát làm bỏng. “Lúc ở ngoài tôi có nghe tiếng khóc thét rồi sau đó im bặt. Vào tới nơi, đứa bé nằm bất động, úp mặt vào trong. khi đó tôi run tay lật cháu dậy, cháu bỗng mở mắt, tôi sung sướng hét qua bộ đàm: “Đứa bé còn sống!” rồi nhanh chóng quấn cháu vào chăn, ôm chặt trong lòng đưa ra ngoài.

Trinh sát cảnh sát PCCC đeo mặt nạ chống độc cứu người trong một buổi diễn tập phòng, chống cháy nổ tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Lúc này lửa đã ngốn cả căn phòng, vòi nước chữa cháy từ đồng đội bên ngoài dội vào làm sàn đá hoa cương bóng nhẫy. Anh chạy nhanh để thoát khỏi căn phòng trước khi cả hai người thành nạn nhân của bà hỏa. Chạy vội, anh trượt chân trên nền gạch, lăn theo cầu thang xuống tầng dưới. “Lúc đó đầu óc tôi trống rỗng, chỉ biết ôm chặt đứa bé, biến mình thành tấm đệm đỡ cho cháu” - anh kể.

“Rất khó diễn tả cảm giác sung sướng khi giao đứa bé mình vừa cứu khỏi lưỡi hái tử thần cho người mẹ. Cháu bé quá dễ thương. Khi về đơn vị, đồng đội kiểm tra phát hiện từ lưng xuống chân tím xanh! Rất may là bình dưỡng khí phía sau thành vật che chở cho cột sống, nếu không thì tiêu luôn cột sống rồi” - Trung úy Hạnh cười nhớ lại.

Thoát chết trong gang tấc

“Vụ cháy tại khách sạn New World Sài Gòn (phường Bến Thành, quận 1) năm 2011 cũng là một trong các kỷ niệm nhớ đời” - Trung úy Hạnh nói.

Theo đó, khi nhân viên bảo vệ phát hiện khói bốc từ tầng hai, nơi đặt phòng thay quần áo, chứa vật dụng cá nhân của nhân viên và nhà kho thì khói đã tràn kín cầu thang, lực lượng tại chỗ không thể tiếp cận khu vực cháy. Trung úy Hạnh cùng một chiến sĩ trinh sát nhận nhiệm vụ vào tìm gốc lửa.

Theo Trung úy Hạnh, tòa nhà dạng khép kín, bao bọc bằng tường kính nên khói không có đường thoát. Trong tay các anh lại không có bản vẽ tòa nhà nên phải cùng đồng đội lần từng phòng, dùng mu bàn tay sờ vào các lớp cửa để xác định phòng xảy ra cháy. “Mặt nạ phòng độc có tác dụng trong thời gian nhất định nên phải bình tĩnh điều khiển hô hấp sao cho tiêu hao ít nhất lượng khí nhằm kéo dài thời gian tìm kiếm” - Trung úy Hạnh nói.

Anh kể tiếp, khi đó anh cùng đồng đội dùng dây chuyên dụng lần vào hiện trường. Phải mất thời gian rất lâu anh mới phát hiện một cánh cửa nóng bất thường. Khi xác định đúng nơi phát ra đám cháy, anh và đồng đội báo cho chỉ huy. “Đúng lúc này còi, đèn báo hiệu ôxy trong mặt nạ phòng độc sắp cạn nhưng phòng ốc nơi đây bố trí zic-zac, dây chuyên dụng quấn vào đâu đó làm chúng tôi thất lạc trong không gian tối om và phải tự tìm đường ra theo bản năng. Lúc này tín hiệu hết ôxy liên tục báo cùng khói dày đặc, tôi cố nhịn thở, bình tĩnh men theo tường. Đến lúc thấy ánh sáng le lói, tôi cố rướn người lên, vậy là thoát chết” - anh Hạnh bình thản kể.

Gần 10 năm gắn bó với nghiệp PCCC, anh chẳng nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu vụ chữa cháy. Lễ, tết, Valentine, Giáng sinh,… anh và đồng đội vẫn lặng lẽ trực chiến. “Có khi đang cầm bát cơm thì chuông báo động réo vang, anh em tự động buông bát. Chạy! Lính chữa cháy chỉ có vài phút xuất phát vì thời gian chuông báo động trong 10-15 giây, thời gian báo động xuất xe khoảng một phút nên khi nghe báo động, anh em chỉ kịp mặc chiếc quần còn ủng, áo thì mang lên xe mặc tiếp” - anh Hạnh cười tươi cho hay.

 

Trinh sát chữa cháy là ai?

Từ thông tin trinh sát báo qua bộ đàm, chỉ huy sẽ căn cứ vào tình hình đám cháy để triển khai lực lượng, đội hình, chiến thuật chữa cháy.

Tổ trinh sát thường có ba người, có một người chỉ huy, đây là lực lượng tinh nhuệ đã có kinh nghiệm trong chiến đấu với giặc lửa. Khi lửa ngút trời, khói độc dày đặc thì họ là những người đầu tiên xông vào biển lửa làm nhiệm vụ do thám nhằm xác định: Chất cháy là gì, trong đám cháy có người bị nạn hay không, nếu có phải nhanh chóng thông báo cùng các lực lượng nhanh chóng đưa nạn nhân ra ngoài. Khu vực cháy có gần chất nổ, chất độc hay không, nếu gần phải báo cáo ngay để có biện pháp khoanh vùng cách ly… Khi đã dập tắt lửa, họ phải vào kiểm tra lần nữa vì chỉ cần một chất dẫn cháy hay tàn tro nhỏ cũng đủ khiến đám cháy bùng phát trở lại.

Trinh sát là những người được đào tạo bài bản về nghiệp vụ và phải qua thực tế đầy kinh nghiệm, sự nhạy bén mới có thể chọn ra lực lượng này.

Đại tá NGUYỄN VĂN HỮU, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm