Đang bán bánh mì bỗng hoá “thần y”

Người dân khắp nơi ồ ạt kéo đến nhà vợ chồng này xin “nước thánh”, “thuốc phép” để chữa các bệnh ung thư, thoái hóa, đau khớp, thậm chí cả vô sinh.

Đang bán bánh mì bỗng hoá “thần y” ảnh 1
Để hành nghề y, cô Bê bán bánh mì cải trang làm nhà sư

KHÁM, CHỮA BỆNH BẰNG... TÂM LINH

Nghe một người vừa đi chữa bệnh về giới thiệu, chúng tôi trong vai bệnh nhân đến nhà vợ chồng “thần y” Lê Hoàng Tuấn và Nguyễn Thị Ngọc Bê (đường Đặng Tất, thôn Lại Thế, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên – Huế). Từ cổng vào trong nhà, hàng chục người tấp nập ngồi đợi chữa bệnh. Sau 30 phút xếp hàng, chúng tôi vào, thầy Tuấn nhẹ nhàng: “Bình thường, thầy không chữa bệnh, nhưng mọi người đến mời, năn nỉ nhiều quá nên cũng thương mà chữa”.

Thầy đưa tôi thẻ hương, bảo ra đứng trước chiếc am thờ khấn vái. Bước vào “chùa”, thầy Bê (khoảng 40 tuổi, đầu cạo trọc, mặc quần áo nhà chùa) bảo tôi ngồi kiểu thiền cách xa 0,5m, nhắm mắt lại. Cô cũng ngồi thiền, nhắm mắt và bắt mạch cho tôi bằng cách... tâm linh (không chạm vào người). Miệng lầm rầm khấn, cộng thêm lời tụng kinh: “Nam mô a di đà Phật” từ chiếc cassette mini để trên bàn thờ Phật, cô phán: “Con bị bệnh tim mạch, đau lưng và u gan. Phải chữa trị gấp kẻo nguy hiểm tính mạng”. Tôi giật mình bởi cách đó một tuần, tôi đi khám ở bệnh viện, sức khỏe vẫn tốt. Tôi và “thầy” Bê lại ngồi lên ghế cách xa 3m, đều nhắm mắt. Một phút sau, thầy bảo tôi tiến lại gần, xoay lưng để chữa bệnh đau lưng. Hai tay thầy quơ qua quơ lại ở gần lưng tôi một lát rồi nói đã chữa xong.

Thầy Tuấn bảo tôi ghi tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, tên bệnh vào mảnh giấy để thầy thắp hương dâng cho thần linh. Bệnh sẽ mau khỏi vì được thần linh chứng giám mà giúp đỡ. Thầy Tuấn cũng lẩm bẩm khấn khoảng 2 phút rồi hỏi: “Có thấy gì không?”. Tôi đáp: “Con thấy nóng nóng, rần rần trong người” (do trời nắng nóng và nơi chữa bệnh rất kín cộng với hương khói nghi ngút). Nhưng thầy nói: “Đó là luồng chân khí, thần linh đã nhập về phù hộ cho con”.

Đang bán bánh mì bỗng hoá “thần y” ảnh 2
“Thuốc thánh” và “nước phép” của hai vị “thần y”

“THUỐC THÁNH” VÀ “NƯỚC PHÉP”

Chữa bệnh xong, chúng tôi hỏi thuốc về uống thì thầy nói không bán, nhưng có thể mua giùm. Cầm 60 ngàn đồng, thầy vào nhà một lát rồi mang ra chai thuốc không có nhãn mác. “Đây là “thuốc phép” được chế rất công phu, uống vào như tiên dược giúp ăn ngon, ngủ ngon, không thể tiết lộ bí quyết được” - thầy khoe. Thuốc là những viên tròn màu đen, có mùi thuốc bắc và vị ngọt của mật ong. Ngoài “thuốc phép”, thầy còn đưa “nước thánh” được lấy từ bình nước uống 20 lít (loại nước sử dụng hàng ngày) cho con bệnh. Bệnh nhân đến đây trước khi thắp hương thì rót nước vào một chai nhựa, đặt lên bàn thờ. Khi hai thầy chữa xong, hương cháy hết thì mọi người uống hoặc rửa mặt. Thầy Tuấn quảng cáo: “Nước này đã được thần linh, bề trên chứng giám nên dùng nó để trị bệnh thì tốt lắm”.

Bên ngoài, có hàng chục người đang chờ để được hai thần y ra tay cứu chữa. Thầy Tuấn cứ ân cần đón tiếp bệnh nhân, thỉnh thoảng lại ngó ra cửa canh chừng cơ quan chức năng. Thầy bảo: “Mình khám bệnh từ thiện nhưng có nhiều người ghen ghét vì làm ảnh hưởng đến kinh doanh thuốc, phòng chữa bệnh Đông, Tây y nên họ báo với công an”. Cô em họ tôi cũng được vào khám bệnh cho người mẹ ở quê. Thầy Bê khẳng định bệnh nhân mắc bệnh bị người âm nhập, phải mang từ Thanh Hóa vào để chữa trị, dùng thuốc cho khỏi. Những bệnh nhân khác cũng thắp hương khấn, vái, được khám, bắt mạch bằng... tâm linh.

Nói về tay nghề, thầy Tuấn khoe: “Thầy chữa bệnh bằng tâm linh và vì tình thương. Mấy con đến đây là cơ duyên, gặp đúng người rồi. Chứ nhiều lúc đi bệnh viện tốn tiền mà bệnh không khỏi. Cô Bê được bề trên, Đức Phật truyền xuống chữa bệnh nên các con cứ yên tâm về tay nghề, hiệu quả khi chữa bệnh ở đây”. Thầy khoe, 2 năm nay chuyên chữa khỏi bệnh ung thư, gan, thoái hóa, vô sinh cho nhiều người rồi. Bệnh nhân được bệnh viện trả về nhưng đến với thầy đều lành hết. Nhiều quan chức cũng đến đây chữa khỏi bệnh”.

VÌ “ĐẮC ĐẠO” NÊN PHẢI... LẤY CHỒNG?

Đem câu chuyện 2 thần y chữa bệnh đến hỏi người dân, nhiều người cười: “Mấy cô cậu còn trẻ, nghe ai đồn bậy bạ mà lại đến đây. Bà con tui biết họ chữa bệnh rất nhảm nhí, không hiệu quả nên chẳng có ai đến. Vợ chồng anh Tuấn có những biểu hiện không bình thường, chỉ khổ cho con cái đang tuổi ăn học”. Phần lớn bệnh nhân của hai “thần y” này ở những nơi xa xôi như Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị... Nhiều người bị bệnh hiểm nghèo không có tiền vào bệnh viện, khi nghe tin đồn thì kéo nhau đến. Một bệnh nhân ở Quảng Trị vào cho biết “Tôi bị bệnh ung thư gan giai đoạn cuối được bệnh viện trả về. Nghe tin thầy giỏi chuyên chữa ung thư nên đến xem sao”.

Đang bán bánh mì bỗng hoá “thần y” ảnh 3

UBND xã Hương Vinh đã nhiều lần xử phạt các “thần y” nhưng họ vẫn hoạt động lén lút

Tiếp chúng tôi, “thần y” Bê liên tục ăn bánh kẹo, trái cây. Khi dâng hương, khám và chữa bệnh, “ni cô” không hề rửa tay. Khen cô còn trẻ quá, cô cười: “Nhờ cái phước của việc tu đó con! “Đứa em họ tôi hỏi ngớ ngẩn: “Sao đi tu mà vẫn lấy chồng, sinh con hả cô? Ngập ngừng một lát, đôi mắt đảo qua đảo lại, cô Bê đáp: “Trước đây cô tu ở Đà Lạt đắc đạo, sau này được bề trên truyền lệnh về Huế chữa bệnh, cứu người nên lấy chồng và sinh con”. Tôi “thử” ni cô này bằng cách đọc một số câu kinh Phật, những lời khấn Phật thông dụng mà bất cứ Phật tử nào cũng biết, “ni cô” Bê nghe cứ như người ngoài hành tinh và cố tình lái sang chuyện khác.

Phó chủ tịch xã Hương Vinh Nguyễn Thành Duy khẳng định: “Vợ chồng ông Tuấn là người ở địa phương, làm nghề bánh mì, đã chữa bệnh 2 năm nay. Cô Bê không phải nhà sư mà tự ý cạo tóc, mặc áo nhà chùa. “Thần y” là họ tự xưng và “thuốc thánh” là họ tự chế. Chúng tôi liên tục kiểm tra và lập biên bản, xử phạt hành chính về hành vi sai trái nhưng họ vẫn lén lút hành nghề”. Cô Bê cắt tóc giả ni cô và xây một căn nhà nhỏ với đầy đủ tượng Phật, lư hương... và gắn biển: “Chùa Liên Sơn – Tổ đình nhân loại Liên Sơn”. Ban đầu, khách đến rất đông. Người dân được tuyên truyền không đến chữa bệnh kỳ quái, mê tín dị đoan và chính quyền đã xử phạt hành chính vợ chồng này. Bà con không nên tin vào những lời đồn đại để tránh tiền mất, tật mang”.
  

Theo HOÀNG QUÂN (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm