Gạc Ma: Khúc bi tráng từ người trở về

Những ngày này, những cựu binh Trường Sa hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đang chuẩn bị cho ngày giỗ chung những đồng đội đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma 28 năm trước (14-3-1988). Năm nay, ngày tưởng niệm được Ban liên lạc cựu binh Trường Sa ở Phú Yên tổ chức tại xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa (Phú Yên). Đã nhiều năm nay, ngày giỗ chung này cũng là dịp để gần 300 người lính từng cầm súng bảo vệ Trường Sa tìm về nhau.

Quyết giữ đảo

Dù bận rộn thế nào Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh, hiện công tác tại Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân, cũng về với những đồng đội năm xưa của mình. Từ Hà Tĩnh, cựu binh Lê Hữu Thảo cũng dành dụm tiền công làm thuê hằng ngày của mình rồi lặn lội đón xe đò vào Phú Yên. Cựu binh Lê Minh Thoa cũng tạm gác lại công việc sinh kế của mình ở quán phở Trường Sa ở TP Quy Nhơn (Bình Định) để gặp lại những người đã sát cánh với mình trong những giờ phút sinh tử… 

Anh hùng Nguyễn Văn Lanh kể: Sau chuyến hải trình gần hai ngày ba đêm, chiều 13-3-1988 tàu HQ-604 thả neo cách đảo chìm Gạc Ma khoảng 1 km. Lúc này, tàu hộ vệ của hải quân Trung Quốc (TQ) cũng chạy đến khu vực đảo Gạc Ma. Lúc 17 giờ cùng ngày, khi thấy lực lượng công binh của ta bốc dỡ vật liệu xây dựng, hàng hóa từ tàu vận tải HQ-604 xuống đảo chìm Gạc Ma, nhiều tàu hải quân TQ bắt đầu vây ráp đảo, một tàu khác của TQ áp sát tàu HQ-604, dùng loa gọi sang khiêu khích, yêu cầu tàu ta đi nơi khác. Đại úy Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ-604, nhận được lệnh khẩn trương chuyển vật liệu xây dựng lên đảo Gạc Ma để đặt mốc chủ quyền đúng vào lúc 0 giờ ngày 14-3. Thực hiện đúng mệnh lệnh này, cờ Tổ quốc và cột mốc chủ quyền đã được đặt lên đảo. Đến 5 giờ sáng, hải quân TQ đưa năm xuồng nhôm cùng hàng chục lính thủy quây vòng tròn tiến lên đảo. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ ra lệnh sẵn sàng chiến đấu.

Các cựu binh Trường Sa xem bản đồ về trận chiến Gạc Ma 14-3-1988. Ảnh: TẤN LỘC

Vượt hàng ngàn cây số, cựu binh Lê Hữu Thảo (Hà Tĩnh) (trái) tìm gặp đồng đội cùng tàu HQ-604 là cựu binh Lê Minh Thoa (Bình Định). Ảnh: TẤN LỘC

Những cột cờ sống bất tử

Ngay sau nhận lệnh của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Thiếu úy Trần Văn Phương, chiến sĩ Lê Hữu Thảo cùng ba đồng đội khác được lệnh của chỉ huy tàu HQ-604 rời tàu bơi vào bãi đá Gạc Ma để bảo vệ cờ Tổ quốc. Lúc này, ba tàu lớn của TQ ập đến, hạ xuồng mang theo nhiều lính trang bị vũ khí hạng nặng đổ bộ lên Gạc Ma. “Chúng cầm súng hung hãn lao vào giành giật cờ của ta. Khi các chiến sĩ của ta cố ra sức bảo vệ thì chúng nổ súng, bắn thẳng vào các chiến sĩ của ta. Thiếu úy Phương trúng đạn” - ông Thảo hồi tưởng. Thấy lính TQ tiến vào đảo với số lượng lớn, Đại úy Vũ Phi Trừ ra lệnh: “Ai bơi giỏi vào hỗ trợ ngay cho Thiếu úy Phương. Lập tức ông Lanh cùng 10 chiến sĩ nhảy xuống biển bơi vào đảo hỗ trợ Thiếu úy Phương giữ cờ. “Khi tôi vừa vào đảo cũng là lúc anh Phương bị bắn khi đang giữ cờ. Dù bị lính TQ bắn trọng thương, anh Phương vẫn cố ngoi lên mặt nước, tay luôn giữ chặt lá cờ, tự biến mình thành cột cờ sống. Khi bơi đến nơi, tôi bảo Thiếu úy Phương ráng bơi về tàu cứu chữa nhưng anh ấy nói như ra lệnh: “Thà hy sinh chứ không thể để mất đảo”. Trước khi gục xuống, anh Phương còn dặn chúng tôi: “Các đồng chí hãy quyết tâm giữ cờ, giữ đảo”” - ông Lanh nhớ lại.

Người cựu binh Gạc Ma năm nào kể tiếp: Khi anh Phương vừa ngã xuống, tôi lao đến giữ cờ thì một tên mang hàm sĩ quan của TQ cầm súng lục chĩa thẳng vào người tôi. Tôi đá bay khẩu súng trong tay hắn thì liền bị một tên khác đâm lưỡi lê vào xương vai phải tôi; cùng lúc một tên khác chĩa súng vào ngực tôi. Tôi vẫn cố giữ cờ, chỉ hơi né người để tránh thì hắn bóp cò, đạn xuyên qua vai trái tôi... Lập tức nhiều đồng đội bơi tới yểm trợ tôi tiếp tục giữ cờ. Cứ thế, thấy người trước ngã xuống, người sau tiếp tục lao tới tự biến mình thành cột cờ sống trên biển. Lúc ấy trên đảo có khoảng 40 công binh của ta bị súng của lính TQ nã đạn liên tục”.

Theo Đại tá Trần Minh Cảnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân, trong gần một tiếng đồng hồ quần thảo với lính TQ trang bị đầy vũ khí và hung hãn, những người lính Hải quân Việt Nam đã đứng kề vai nhau tạo thành một vòng tròn vây quanh lá cờ đỏ sao vàng đang khẳng định chủ quyền Việt Nam trên đảo Gạc Ma, ngăn chặn chúng tiến sâu vào đảo, quyết không để địch cướp cờ. Đó chính là vòng tròn bất tử!

“Không bao giờ quên”

Cũng theo Đại tá Trần Minh Cảnh, sau khi bắn thẳng vào các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang bảo vệ đảo Gạc Ma, TQ đưa hàng trăm lính vũ trang tràn lên đảo. Tiếp đó, ba tàu chiến TQ liên tục nã pháo hạng nặng vào hai tàu HQ-604, HQ-605 đang vận tải chiến sĩ, vật liệu để xây dựng đảo làm hai tàu này bốc cháy.

Có mặt trên tàu HQ-604 lúc đó, dù bị thương do trúng đạn ở chân và bị bỏng ở lưng nhưng chiến sĩ Lê Minh Thoa vẫn cố tập trung chữa cháy tàu. Thế nhưng tàu HQ-604 tiếp tục hứng chịu hàng loạt đợt đạn của địch, bị thủng nhiều lỗ, hỏng nặng rồi chìm dần xuống biển. “Khi tàu HQ-604 bị bắn chìm, tôi cùng một số anh em thoát được trôi dạt trên biển. Lính TQ vẫn tiếp tục xả đạn vào những người đang trôi dạt trên biển. Chưa dừng lại, chúng dùng cả súng 37 ly vốn chỉ sử dụng cho phòng không, hạ nòng xả thẳng vào các chiến sĩ của ta đang trôi dạt trên biển. Lúc đó, tôi ôm được hai trái bí xanh làm phao bơi ra xa tránh làn đạn. Bọn chúng quá dã man!” - cựu binh Lê Minh Thoa uất hận.

Trước mưa đạn của kẻ thù, chiến sĩ Lê Hữu Thảo phải lặn ngụp xuống biển để tránh. Khi tiếng súng tạm ngớt, ông Thảo cùng một số chiến sĩ đẩy xuồng dùng vận chuyển vật liệu đi tìm đồng đội để cứu vớt. Ông Thảo cũng là người đã vớt được ông Nguyễn Văn Lanh cùng một số chiến sĩ khác bị thương và thi thể Thiếu úy Trần Văn Phương - người được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1989. “Nhiều đồng đội hy sinh ngay trước mắt tôi. Máu loang đỏ sóng nước Gạc Ma. Đến 5 giờ chiều, xuồng của tôi chất đầy thi thể anh em. Chúng tôi đẩy xuồng đưa đồng đội mình đến đảo Cô Lin. Những hình ảnh ấy đã chảy vào máu thịt của tôi, hằn sâu vào ký ức, không bao giờ tôi quên được!” - ông Thảo nghẹn ngào.

Đại tá Trần Minh Cảnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân, cho biết thêm khi tàu của ta làm nhiệm vụ cứu thương, dù đã treo cờ chữ thập đỏ, đi tìm kiếm chiến sĩ, các tàu chiến TQ vẫn liên tục nổ súng ngăn cản. Bất chấp sự vô nhân đạo ấy, lực lượng của ta vẫn vớt được 44 thương binh, tử sĩ rồi đưa về đảo Sinh Tồn.

Tặng nhà cho gia đình thuyền trưởng hy sinh bảo vệ Gạc Ma

Ngày 12-3, UBND TP Đà Nẵng tổ chức trao tặng nhà ở (dự kiến là căn hộ chung cư) cho gia đình liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Phi Trừ. Đây là tình cảm của chính quyền, nhân dân TP Đà Nẵng dành cho người anh hùng đã ngã xuống vì biển, đảo quê hương.

Theo kế hoạch, căn hộ này sẽ được trao cho anh Vũ Xuân Khoa, con trai liệt sĩ Trừ, hiện là nhân viên Công ty Tân Cảng Chi nhánh Đà Nẵng. Anh Khoa chia sẻ anh bất ngờ và xúc động vì được TP quan tâm. Hiện anh và gia đình cũng đang gặp khó khăn về chỗ ở. “Tôi xin cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo UBND TP, Thành ủy đã hỗ trợ chỗ ở cho gia đình tôi” - anh Khoa nói.

Liệt sĩ Vũ Phi Trừ là thuyền trưởng tàu HQ-604, người đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) ngày 14-3-1988 trước sự tấn công của tàu TQ.

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm