Gần tỉ đô chạy đua vào Nhà Trắng

Theo số liệu tháng 2-2016 của Ủy ban Bầu cử Liên bang, tổng số tiền mà các ứng cử viên tổng thống Mỹ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vận động được đã lên đến hơn 917 triệu USD.

Phần lớn chiến dịch tranh cử của Donald Trump là do ông bỏ tiền túi ra. 
Ảnh: Reuters

Mất trăm triệu đô là chuyện nhỏ

Dù có nhiều ứng viên đã tuyên bố rút khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, số tiền “trải thảm” đến chiếc ghế tổng thống Mỹ chắc chắn vẫn chưa dừng lại ở con số hiện tại khi mà cuộc bầu cử sơ bộ của các ứng viên Dân chủ và Cộng hòa vẫn chưa kết thúc. Sau vòng bầu cử sơ bộ, các ứng viên đại diện cho hai đảng vẫn sẽ tiếp tục vận động thêm kinh phí để chạy đua đối đầu trực tiếp vào Nhà Trắng. Số tiền được vận động và chi tiêu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 sẽ còn khả năng đạt đến cột mốc kỷ lục mới.

Bên cạnh kết quả bỏ phiếu tại các cuộc bầu cử sơ bộ ở các bang, cuộc đua vận động tranh cử của các ứng cử viên đảng Dân chủ và Cộng hòa về mặt tài chính cũng đang bước vào giai đoạn gay cấn. Ở phía đảng Dân chủ, tính riêng trong năm 2016, ứng viên Bernie Sanders tiếp tục đuổi sát bà Hillary Clinton về số tiền vận động với 33 triệu USD, chỉ thua bà Clinton khoảng 5 triệu USD. Mức chi tiêu cho cuộc đua vào Nhà Trắng của hai người cũng gần ngang ngửa nhau. Nếu bà Clinton dốc ra 33 triệu USD để tổ chức các sự kiện vận động phiếu bầu thì ông Sanders cũng tỏ ra không hề kém cạnh khi chi ra hơn 32 triệu USD kinh phí. Dẫu thế, cựu nữ ngoại trưởng Mỹ vẫn bỏ xa đối thủ của mình nhờ được các siêu ủy ban hoạt động chính trị (super PAC) tư nhân vận động thêm số tiền lên đến 57,5 triệu USD từ khi bắt đầu tranh cử đến nay.

Ở phía đảng Cộng hòa, ứng viên Jeb Bush - thành viên của gia đình có hai đời làm tổng thống Mỹ từng gây sốc cả nước Mỹ khi bước vào cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với 103 triệu USD trong tay. Số tiền này được vận động bởi siêu ủy ban hoạt động chính trị “Right to Rise” ủng hộ Jeb Bush. Tuy nhiên, sau khi ông Jeb Bush tuyên bố chấm dứt chiến dịch tranh cử của mình, thượng nghị sĩ Ted Cruz đã “soán ngôi” ứng cử viên nhiều tiền nhất đảng Cộng hòa với 104 triệu USD trong quỹ vận động bầu cử. Số tiền khổng lồ mà những ứng cử viên đảng Cộng hòa thu được chủ yếu là từ những người giàu có của nước Mỹ.

Được các gia tộc giàu có chống lưng

Theo điều tra của tờ New York Times, khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng bắt đầu vào năm 2015, hơn một nửa số tiền ủng hộ các ứng viên được chi ra từ chỉ 158 gia đình ở Mỹ. Tờ New York Times chỉ ra đây là những gia đình da trắng, có lịch sử lâu đời và quan trọng là “siêu giàu”. Hơn 50 thành viên của các gia đình trong số họ đã xuất hiện trong danh sách 400 người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes. Chỉ với 158 gia đình này cùng với những công ty và tập đoàn mà họ sở hữu đã chi ra đến 176 triệu USD cho các ứng cử viên trong giai đoạn đầu cuộc tranh cử. Tờ New York Times bình luận, kể từ sau vụ bê bối chính trị Watergate từng khiến Tổng thống Nixon mất ghế, chưa bao giờ có một số tiền khởi đầu mùa tranh cử lớn như thế được ủng hộ bởi chỉ một số ít người dân và doanh nghiệp.

Đại đa số gia đình này có được gia sản khổng lồ nhờ vào kinh doanh trong lĩnh vực tài chính và dầu mỏ. Họ là những gia đình đã thay đổi toàn bộ nền kinh tế Mỹ trong những thập niên qua, đồng thời hưởng lợi khủng từ các chính sách đang ngày một khoét sâu khoảng cách giàu nghèo của nước Mỹ.

Theo dữ kiện của Ủy ban Bầu cử Liên bang, 158 gia đình này trước tháng 7-2015 đã đóng góp vào các quỹ tranh cử những khoản tiền không bao giờ dưới 250.000 USD. Ủy ban này cũng ghi nhận xuất hiện một nhóm 200 gia đình khác ủng hộ cho các quỹ tranh cử không bao giờ dưới 100.000 USD.

Đa số gia đình giàu có của nước Mỹ đều quyết định “đặt cược” vào sự thành công của phe cánh hữu. Họ chấp nhận chi ra hàng chục triệu USD cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa với hy vọng họ sẽ hiện thực hóa các cam kết về cắt giảm thuế thu nhập và tài sản thừa kế. Ngoài bảo vệ sự giàu sang của những gia đình này, những mạnh thường quân này cũng cho rằng các cam kết này sẽ đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo tồn hệ thống vốn đã giúp họ trở nên giàu có như hiện nay.

Không phải nhiều tiền là thắng

Tuy nhiên, không phải hễ được giới nhà giàu chống lưng thì ứng cử viên sẽ giành được chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Cựu thống đốc bang Florida, ông Jeb Bush, mới đây đã phải tuyên bố chấm dứt tranh cử, mặc dù vào thời điểm xuất phát Jeb Bush là ứng cử viên có quỹ tranh cử lớn hơn tất cả ứng viên đảng Cộng hòa gộp lại. Khi tuyên bố chấm dứt chiến dịch tranh cử tại bang Nam Carolina, ông Bush đã “đốt” gần hết số quỹ của mình mà không giành được chiến thắng tại bất kỳ bang nào. Tờ New York Times bình luận, người con trai và em trai của hai đời tổng thống Mỹ có thể trở thành trường hợp sử dụng tiền quỹ tranh cử tổng thống kém hiệu quả nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trong khi đó ứng cử viên của đảng Dân chủ Bernie Sanders lại là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Ông là ứng viên duy nhất trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay không có một siêu ủy ban hoạt động chính trị chống lưng. Từ khi bắt đầu tranh cử đến nay, ứng cử viên của đảng Dân chủ thu được 96,3 triệu USD hoàn toàn nhờ vào vận động quyên góp, với 88% là từ các khoản đóng góp ít hơn 200 USD. Sự thành công này có được là nhờ các cam kết mà ông Sanders đưa ra phù hợp với mong ước của phần lớn cử tri Mỹ.

Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump là trường hợp khác không có sự ủng hộ của các “đại gia” nhưng vẫn có các thành công lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ. Khối tài sản khổng lồ của nhà tỉ phú đã đủ để làm vật “chống lưng” cho chiến dịch tranh cử của ông. Trump đã cho ủy ban tranh cử của mình vay đến 10,8 triệu USD và liên tục khẳng định rằng mình tự lo liệu vấn đề tài chính mà không cần sự đầu tư của người khác. Ông Trump khẳng định việc này sẽ đảm bảo ông không chịu tác động của các mạnh thường quân một khi trở thành tổng thống Mỹ.

 

Bà Hillary Clinton được giới nhà giàu Mỹ ưu ái

Gần tỉ đô chạy đua vào Nhà Trắng ảnh 2
Các ứng viên tổng thống Mỹ đã vận động được số tiền tranh cử khổng lồ gần chạm mức 1 tỉ USD. Ảnh: AFP

Bà Hillary Clinton là ứng viên duy nhất của đảng Dân chủ nhận được sự ủng hộ lớn từ giới nhà giàu của Mỹ vốn chỉ ủng hộ đảng Cộng hòa. Thời gian làm nghị sĩ tại New York trong quá khứ đã giúp bà tạo ra các mối quan hệ tốt với giới tài chính giàu có của phố Wall. Danh tiếng lớn của chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton, cùng mức độ danh giá của dòng họ Clinton cũng góp phần lớn thuyết phục giới nhà giàu của Mỹ đầu tư cho bà. Nổi bật nhất trong danh sách các tỉ phú chống lưng cho bà Clinton chính là “phù thủy” của thị trường chứng khoán thế giới George Soros.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm