Hạnh phúc bình dị của cụ bà U90 nói được bốn ngoại ngữ

Trong tác phẩm Một người Hà Nội, nhà văn Nguyễn Khải từng ví cô Hiền (nhân vật trong tác phẩm) như một hạt bụi vàng của Hà Nội, “những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng”.

Xin được mượn những lời này để nói về cụ Ba, hạt bụi vàng của mảnh đất Sài Gòn hoa lệ. 

Cụ Ba kể chuyện

Cụ Ba-hạt bụi vàng của mảnh đất Sài Gòn. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Cụ là Trần Thị Định, tên thường gọi là bà Ba, dì Ba. Năm nay cụ đã 88 tuổi. Nghe giọng nói sang sảng, nhìn cụ nhanh nhẹn lấy nước cho khách, lau dọn bàn ghế, chẳng ai nghĩ cụ đã vào cái tuổi “xưa nay hiếm”.

Con đường đông đúc ngay sát Công viên 23-9 tính ra cả mấy chục người bán nước ngọt, cà phê… ấy vậy mà hỏi thăm cụ Ba “nói được bốn tiếng ngoại ngữ” thì ai cũng rành. Mọi người quý cụ vì tính cụ cởi mở, hiền lành, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ đặc biệt đa dạng. Cụ bảo cụ thể nói được bốn ngoại ngữ: Anh, Pháp, Trung Quốc, Campuchia.

“Ngày trước, hồi chưa giải phóng, bà đi làm đẹp cho mấy bà Đầm (vợ các ông Tây thời chế độ cũ). Nhờ đó, bà học lỏm được nhiều ngoại ngữ. Mà bà biết nói mấy câu thông dụng thôi: như chỉ đường, chào hỏi, giá tiền, đồ vật… chứ chả biết viết đâu. Có nhiều câu người ta hỏi, mình không biết trả lời bằng ngoại ngữ nhưng mình hiểu thì mình dùng tay, miễn sao người ta hiểu là được” - cụ Ba hài hước kể chuyện.

Bộ bàn ghế đã sờn theo năm tháng vẫn được cụ nâng niu cẩn thận. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Chồng cụ mất đã lâu, bàn tay cụ tần tảo sớm hôm nuôi con khôn lớn. Giờ đây khi các con đã trưởng thành, công ăn việc làm ổn định, có gia đình riêng, cụ mới đỡ lo đôi chút. Các con chính là niềm tự hào của cụ. "Con trai lớn của bà hiện là giáo viên, con trai út thì làm quản lý một công ty sách, đứa con gái thì cũng chồng con đề huề, khá giả. Vậy là được rồi!”.

“Mấy đứa có công ăn việc làm ổn định hết rồi, nó bảo ở nhà cho khỏe" mà bà không chịu. Ở nhà không làm gì, ăn xong rồi lại nằm, nằm lại nghĩ linh tinh sinh bệnh. Đi tập thể dục cũng tốn tiền, đi làm thế này vừa được nói chuyện, vừa có tiền, vừa tập thể dục, chẳng sướng hơn à. "Ngày nào còn kiếm được tiền bằng bàn tay lao động của mình là ngày đó mình còn hạnh phúc chán” - cụ cười hồn hậu.

Mặc dù kinh tế gia đình ổn định, con cháu đều thành đạt nhưng ngày ngày cụ Ba vẫn chăm chỉ đi bán nước giải khát ở vỉa hè vừa để kiếm thêm vừa để tìm kiếm niềm vui tuổi già. Đều đặn 5 giờ sáng, người con út sẽ thức dậy cùng cụ sửa soạn hàng, 5 chiều người con trai cả tan ca sẽ qua dọn hàng đón cụ về. Như một vòng quay đều đặn, ngày nắng cũng như ngày mưa, góc đường Phạm Ngũ Lão chẳng bao giờ vắng bóng cụ già tóc đã bạc trắng ung dung bán hàng.

Lúc vui miệng, cụ kể chuyện giờ răng rụng gần hết rồi, còn mỗi ba cái thôi nhưng những lúc thèm xương sụn, cụ vẫn bảo con mua về ninh nhừ để ăn cho đã: “Còn sống ngày nào là phải vui chớ con!” - cụ cười.

Hạt bụi vàng của Sài Gòn hoa lệ

Người đi qua mua nước hỏi đường đi cụ đều nhiệt tình chỉ dẫn, không biết thì cụ hỏi rồi “phiên dịch lại”. Cũng có người đến chỉ để nghe cụ kể về Sài Gòn xưa: Cái thời Sài Gòn còn đơn sơ, nhà cửa chỉ cao 3-5 tầng là hết cỡ và phương tiện giao thông đi lại chủ yếu chỉ là xe đạp, xe ngựa… Cụ kể cho khách hay kể lại cho mình nghe cũng không biết nữa. Như một chứng nhân lịch sử, cụ kể lại như để nhắc nhở chính mình như một món quà dành tặng cho những người yêu Sài Gòn say đắm, cho những ai từng lưu giữ Sài Gòn xưa trong một góc tâm hồn và là cơ hội cho người trẻ có một hành trình thú vị ngược về quá khứ.

Bàn tay tảo tần nuôi các con khôn lớn. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

5 giờ chiều, người đàn ông áo trắng quần tây sơ vin gọn gàng lái xe qua dọn hàng cùng cụ. Cụ cười móm mém bảo: “Đấy, con đi làm về qua dọn hàng cho cụ rồi đấy. Cụ phải về đây, hôm khác qua nói chuyện nhé!”. Người đàn ông cẩn thận, nhẫn nại gom những vỏ chai nước ngọt đã dùng qua, sắp lại từng bộ bàn ghế, rồi hai mẹ con cùng về.

Với những vị khách quen, dường như người ta đến đây không chỉ để uống nước, thưởng thức tách cà phê thơm ngon mà còn để cảm nhận tấm lòng nhân hậu, an nhiên của người phụ nữ đã bước qua xế dốc cuộc đời.

Có mấy ai biết những con người thầm lặng như cụ Ba đã góp phần làm nên nét đẹp riêng ở khu phố Tây, của một Sài Gòn hiếu khách, nghĩa tình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm