NHỮNG ĐỨA CON CHỊ ÚT TỊCH - TRANG SÁCH, TRANG ĐỜI (KỲ 1):

“Hiển ngọng” không còn ngọng

“Hiển ngọng” không còn ngọng ảnh 1Hiển ngọng” và các con với người vợ thứ 5

    Nghề báo bao nhiêu năm qua đưa đẩy chúng tôi đến với rất nhiều nhân vật trong sách. Nhưng hình như chưa có ai cho chúng tôi cảm giác bồi hồi như lúc tìm đường về xã Tam Ngãi (thị trấn Cầu Kè, Trà Vinh) để gặp“thằng Hiển ngọng” trong “Người mẹ cầm súng”. Có lẽ do không thể nhịn được cười mỗi khi nhớ đến miêu tả của nhà văn Nguyễn Thi: “Thằng Hiển, hai tuổi rưỡi, ôm súng của mẹ, ngọng líu hát: Ang em ta như ạn con ùi / Nó có dúng mình có dao găm / Nó éo cò thì mình ảy ô đâm” .

    Cố nhân...

    Vậy nên, vừa thấy nhau trong đêm tối nhập nhoạng, chúng tôi đã ôm chầm, siết chặt như thể người thân bao nhiêu năm xa cách sau khi được xác nhận “anh chính là thằng Hiển ngọng trong truyện của mẹ Út đây”. Vợ con anh trố mắt ngạc nhiên, chắc nghĩ là bạn bè lâu ngày mới gặp, trong khi “Hiển ngọng” bối rối không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Mọi thứ chỉ bình thường khi chúng tôi giải thích: “Giờ mới gặp mặt nhưng cái tên Hiển ngọng thì đã quen từ hơn 20 năm trước, nên cũng có thể gọi là cố nhân”. Nghe vậy, “Hiển ngọng” mời khách vào nhà, hỏi tận đâu đến, đã ăn gì chưa… rồi giục vợ “bắt con gà nấu cháo, em ơi”. Chúng tôi xua tay “cho xin tô mì tôm được rồi”. Vợ anh cười hiền, “khách ở xa đến, ăn mì tôm coi sao được”. Trong lúc chờ cháo gà, “Hiển ngọng” hỏi “mấy em đã bao giờ ăn dừa sáp chưa? Loại này chỉ miền Tây mới có và Cầu Kè thì ngon nhất”. Nghe trả lời chưa, “Hiển ngọng” lại giục cô con gái 9 tuổi có tên rất... ngộ là Lâm Quyên Quyên đi mua mấy trái về đãi khách.

    Không như hình dung khi trước mặt chúng tôi là “thằng Hiển ngọng”, bây giờ là Lâm Thanh Hiển bằng da thịt đã 54 tuổi, gương mặt lạnh, lầm lỳ, đen cháy, đã thế còn ít nói, luôn cân nhắc từng câu chữ và không còn ngọng! Thấy nghi nghi bởi chị vợ sao trẻ quá so với “Hiển ngọng” và hai đứa con thì bé tí. Nhưng chưa kịp hỏi thì anh đã giới thiệu: “Nó tên Thu, sinh 1977, nhỏ hơn tui 17 tuổi, là tập 5 và cũng là tập cuối”. Hỏi anh có tất thảy bao nhiêu con với 5 người vợ? Anh cười: “Tui có tất cả 4 đứa con. Ai hỏi… tui cũng nói vậy!”. Chúng tôi nhắc đến chị Út Tịch, mắt anh bỗng sáng lên, nói năng hoạt bát. Hiển bảo anh thuộc làu “Người mẹ cầm súng”, rồi ngả người ra ghế, mắt lim dim: “Bụi đất tùm lum ở miệng hầm. Con Bé, một tay bồng em, một tay thò ra ngoài hầm, quấy bột. Nó bắc xoong lên ba cục đất, chụm bằng lá dừa. Bốn đứa nhỏ vẫn chổng mông lên trời. Con Thanh giương hai con mắt đen nhánh dòm ra. Thằng Hiển đang chửi, miệng ngọng líu: “ụ ẹ ằng ỹ!”. Đàn con bu lấy mẹ. Tóc chúng hôi mùi khói bom. Út rờ khắp mình các con coi có đứa nào bị thương không. Nhưng không, cả sáu đứa như sáu củ khoai, da thịt vẫn chắc như da anh Tịch”.

    Anh bảo, “hồi đó má tui như mèo tha con đi gởi khắp nơi. Mấy chị em tui cứ sống lăn lóc như củ khoai lang thả dưới đất. Thằng Hùng kế tui cũng được gửi và phải bú nhờ hàng chục bà mẹ khác nhau cho tới lúc biết ăn dặm, ăn độn. Chị em tui không nhớ nổi mình có bao nhiêu bà nội, bà ngoại mà mình từng chịu ơn vì đã cưu mang chị em tui, đến đâu cũng nghe mấy cô chú dặn đây là ba, đây là mẹ, đây là bà ngoại, ông nội… nuôi. Một lần đang ở nhà má Năm tận Kiên Giang, ba tui ghé thăm, bồng ôm một cái, ba khóc rồi đi. Tui hỏi má Năm, tại sao anh bộ đội khóc! Tui không biết đó là ba mình. Về má, tui nhớ nhất lần hai má con ngủ chung đến nửa đêm, má lén dậy hun tui một cái rồi nhẹ nhàng lấy đai thắt lưng, cắp súng nhảy xuống vỏ lãi. Tôi tỉnh dậy, chạy băng băng theo bờ kinh đón đầu. Đến cây cầu khỉ, tui nắm hai tay vào thanh cầu, thả người thòng xuống kinh. Khi vỏ lãi vừa lướt tới tui buông tay rớt cái bịch xuống sàn vỏ lãi. Hai má con ôm nhau khóc, rồi má dỗ dành, năn nỉ, con ngủ để má đi đánh giặc, mấy hôm lại về. Ai ngờ đó cũng là lần cuối cùng, mẹ ra đi vĩnh viễn không bao giờ về nữa…”, mắt của Hiển đỏ hoe.

    Nhà không có một đồng

    Hôm sau chúng tôi mới có dịp quan sát kỹ hơn nơi ở của vợ chồng “Hiển ngọng”. Đó là một căn nhà cấp 4 mới xây một phần trên thửa đất rộng gần 2.000m2bên tỉnh lộ, đối diện cổng nghĩa trang Cầu Kè, nơi có phần mộ của vợ chồng chị Út Tịch. Chúng tôi bất ngờ khi “Hiển ngọng” nói đất này do “chiếm” mà có. Anh hùngLực lượng vũ trang Nguyễn Đình Thiên (Bảy Thiên), người chiến đấu cùng thời với chị Út Tịch, cũng là cha nuôi của “Hiển ngọng” kể về sự “chiếm”: “Sau nhiều năm lang bạt, khoảng năm 1990, lúc đó tui làm trưởng công an huyện, Hiển về Cầu Kè và không có chỗ ở. Hắn nhờ tui kiếm cho miếng đất, tui chỉ đại miếng đất hoang trước nghĩa trang Cầu Kè, bảo mày cứ vào đó khai phá làm nhà, ai hỏi thì nói nhân tiện canh giữ nghĩa trang, nơi có phần mộ của ba má”. “Hiển ngọng” kể: “Đất hoang tui khai phá, nhiều năm liền, tui vác đơn đi khắp nơi xin được cấp giấy đỏ nhưng không ai trả lời. Mãi đến cách đây 3 năm, khi một số cơ quan báo đài lên tiếng, địa phương mới chịu cấp sổ đỏ cho tui, nhưng chỉ cấp… mấy trăm mét. Lý do họ đưa ra là sợ cấp hết tui sẽ rao bán”.

    Và đúng là chính quyền “sợ” không thừa bởi ngay sau khi đất được cấp sổ đỏ, “Hiển ngọng” phân làm hai lô, một lô làm nhà, một lô rao bán với lý do: “Căn nhà mới cất xong đang còn nợ ngân hàng 100 triệu tiền vay và đến thời điểm này đã lên 116 triệu vì mấy tháng rồi không có tiền trả lãi. Thêm nữa, tui cũng đang rất cần tiền để chữa cái chân”- vừa nói “Hiển ngọng” vừa bỏ hai chân ra khỏi dép, đứng lên đi lại và bỗng nhiên trở thành một người… cà thọt. Thảo nào trước đó, chúng tôi để ý thấy dép của anh chiếc bên trái đế cao hơn bên phải mà không hiểu vì sao. Anh kể cách đây 14 năm, anh bị tai nạn xe máy gãy xương đùi, phải bắt vít nên chân anh thành bước thấp bước cao. Giờ hết thời hạn, bệnh viện hối phải đến phẫu thuật tháo vít ra không thì sẽ nguy hiểm nhưng “nói thiệt trong nhà giờ không có một đồng…”.

    Nghe chồng than “không có một đồng”, chị Thu, vợ anh lúc này mới thật thà kể từ ngày lấy nhau, do không có ruộng vườn như người ta nên hai vợ chồng đã kiếm sống bằng đủ thứ nghề từ lập đoàn lôtô, bán càphê, hủ tiếu, kinh doanh phòng trọ… Nhưng nghề nào cũng chỉ năm bữa nửa tháng là sập tiệm vì nhiều lý do. Một dạo vợ chồng anh vay mượn mấy chục triệu để xây mấy phòng trọ phục vụ các cặp đôi qua giờ, qua đêm kết hợp với bán quán nhậu. Nhưng sau một thời gian, thấy khách khứa chẳng bao lăm, nếu có thì quá phức tạp, sợ ảnh hưởng đến hai đứa nhỏ nên quyết định đóng cửa cả nhậu lẫn trọ, nợ giờ vẫn chưa trả hết. “Vợ chồng em đang tính sắp tới sẽ đập ra xây lại chuồng nuôi heo đẻ”, chị Thu nói. Còn “Hiển ngọng” không giấu giếm, thừa nhận mình nghiện rượu và nguyên nhân cũng bắt đầu từ những năm tháng cùng đoàn lôtô đi lang thang kiếm sống, khi bé Quyên Quyên sinh được mấy tháng. “Hồi đó tui không biết uống rượu. Nhưng khi làm trưởng đoàn lôtô, ngày nào trước khi lên sân khấu cũng phải “đổ” mấy xị rượu vào bụng thì mới đủ tự tin để rao “con số gì đây con số gì đây, gì đây con mấy…”. Uống riết vậy 3 năm, khi đoàn lôtô giải tán thì tui vừa nghiện rượu”.

    Chị Thu nói nhiều năm nay, nguồn thu chủ yếu của cả nhà là từ quán bún nước lèo trước nhà “mỗi ngày lãi khoảng 20.000 đồng nhưng được cái cả nhà không phải mất tiền ăn sáng” và “tiền công làm hồ trung bình 120.000 đồng/ngày của ảnh nhưng bữa được bữa mất”. Bởi vậy, chúng tôi muốn khóc khi biết được gà giết thịt nấu cháo hôm đó là con mái duy nhất của nhà anh đang ấp trứng và một trái dừa sáp bé Quyên Quyên mua giá 200.000 đồng, nhiều hơn tiền công làm thợ hồ một ngày của anh Hiển đến 80.000 đồng! Vậy mà cả vợ chồng anh nói “có chút đỉnh hà, nghèo thì cũng đã nghèo lâu lắm rồi, cái tình sống với nhau mới đáng kể”.

    TheoHOÀNG VĂN MINH - HỮU DANH(Lao động)

    Đừng bỏ lỡ

    Video đang xem nhiều

    Đọc thêm