“Hiệp sĩ” biên phòng cuối trời Nam

Ông Chau Danh bên “con nuôi” - đại úy Biên phòng Danh Kim Huôl.

    Hiến đất cất cột mốc, đường biên

    “Vô nhà uống nước chờ chút, ổng đi thăm cột mốc rồi” - bà Thị Lui đon đả cáo lỗi cho chồng. Dù đã hẹn trước, nhưng khi chúng tôi đến ông Danh lại vắng nhà. Quá hiểu rõ tính nết chồng, bà Thị Lui cáo lỗi: “Ổng đi thăm cột mốc lúc sáng sớm. Ngày nào cũng vậy, mưa cũng đi mà nắng cũng đi”. Biết chân của chồng bị tật vì tai nạn từ nhỏ, đi đứng cong queo, mà đường ruộng thì trơn trượt, sợ có bề gì nên nhiều lúc bà Thị Lui nói lẫy: “Ông dọn ra cột mốc ở luôn đi”, ông Danh chỉ cười cười rồi chờ cơ hội “nịnh đầm” cho qua chuyện, để rồi sau đó vẫn… tiếp tục niềm vui mỗi ngày đi thăm cột mốc”.

    Bị “mê hoặc” ngay từ lời giới thiệu, tôi liền hỏi đường ra ruộng để mục sở thị. Theo hướng dẫn của bà Thị Lui “ra cột mốc 312 là thấy ổng liền”, tôi dễ dàng nhận đúng ông Chau Danh cao cao, hao gầy với màu da sạm sương gió đang bước đi khấp khểnh dưới ruộng lúa sát cột mốc 312. “Tối hôm qua có mưa trái mùa nên sáng nay ra coi cột mốc có bị ảnh hưởng gì không?”, không kịp lau mồ hôi lấm tấm trên mặt, ông Danh chào khách với phong cách rất nghiệp vụ… biên phòng: “Đất sát đường biên nên ngày nào cũng đi thăm… rồi quen. Không đi buồn lắm”.

    Theo lời ông Danh, mùa lúa thì kết hợp chăm sóc lúa với quan sát đường biên, cột mốc. Hết mùa lúa thì đi để… kiểm tra. Nếu phát hiện chuyện nhỏ như sạt lở bờ đất… thì tự gia cố, đắp lại cho đúng hiện trường. Nếu phát hiện chuyện lớn hơn thì báo với biên phòng tham gia xử lý”. Lúc mưa, đường trơn trượt, lúc nắng thì nóng đổ lửa, nói chung là cực khổ lắm lắm…

    Vậy mà mấy chục năm qua, ngày nào ông Danh cũng đều đặn đi-về với niềm vui mà chỉ riêng ông mới cảm nhận hết. Đó là niềm vui lây từ cái vui của bộ đội biên phòng nhận được thông tin do chính ông cung cấp. Vì thế không có gì lấy làm khó hiểu khi suốt buổi gặp nhau ông chỉ nói, chỉ cười mỗi chủ đề “đường biên, cột mốc” với tình cảm thiêng liêng. Sau nhiều năm tự nguyện tuần tra đường biên, năm 2008, khi đoàn vận động đến nhà thông báo sẽ sử dụng 500m2 đất trên phần ruộng của ông để xây dựng cột mốc 312, ngay lập tức ông Chau Danh đồng ý hiến vô điều kiện.

    Sự việc diễn ra nhanh đến mức đoàn vận động không dám tin ngay… Bởi lẽ, ở vùng ven biên này, đa phần đồng bào Khmer ít đất, đời sống còn khó khăn… Thế nhưng khi nghe ông buông giọng chắc nịch: “Khi nào xây xong, tôi sẽ coi sóc… cột mốc luôn” thì toàn đoàn vận động không ai giấu được niềm vui bất ngờ này.

    Nói là làm. Không chỉ thường xuyên trông coi, phụ giúp trong quá trình xây dựng, mà từ ngày công trình hoàn thành đến nay ông còn đều đặn tham gia chăm sóc, bảo vệ cột mốc với trách nhiệm cao dù không ai giao nhiệm vụ, và cũng chẳng nhận được bất cứ khoản phụ cấp, bồi dưỡng nào… Thậm chí còn gánh chịu không ít lo lắng của vợ con, và nhất là lời ra tiếng vào từ xóm giềng, nhưng ông vẫn gắn bó với cột mốc bằng niềm đam mê hiếm thấy. Không chỉ hiến đất xây cột mốc, ông còn chủ động hiến đất để xây đường tuần tra biên giới. Dù chưa biết và cũng chưa được thông báo khi nào sẽ khởi công đường tuần tra biên giới khu vực cột mốc 312, nhưng ông Danh đã chủ động lên tiếng với lời hứa như “đinh đóng cột”: “Khi xây dựng, đường tuần tra sẽ đi qua đám ruộng tui khoảng 4 công đất, tui hiến luôn”.

    Làm vì… thương“Biên phòng”

    “Gia đình tui không phải đại gia, hay có của chìm của nổi gì đâu, tiện tặn lắm mới đủ ăn qua ngày” - giọng ông Chau Danh chân chất: “Tui thì lo làm 8 công ruộng của ông bà để lại, bả thì chở hàng thuê. Vợ chồng làm lụng quanh năm mới đủ nuôi 3 đứa con. Mấy năm nay, bả bị tai biến quật ngã, chạy chữa dữ lắm mới thoát chết, nhưng đi đứng khó khăn nên chỉ buôn bán quẩn quanh ở nhà với tiệm tạp hóa nhỏ, vì vậy cảnh nhà có hơi chật vật hơn trước”. Hiện hai người con trai của ông Danh tự kiếm sống bằng nghề bốc vác, làm thuê…. Riêng cô con gái có chồng, sống bằng nghề buôn bản lẻ trong phum, sóc… nên cũng chẳng có nhiều điều kiện để lo chăm lo nhiều cho cha mẹ.

    Ông Danh rất hiểu cuộc sống của gia đình tới đây sẽ thêm khó khăn nếu hiến đi 4/8 công đất ruộng, bởi đó chính là “nồi cơm”, là nguồn thu nhập ổn định ở tuổi xế chiều… Nhưng ông Danh vẫn kiên định với lời tâm nguyện cũ: Dù khó đến mấy vẫn cương quyết làm vì thương “bộ đội biên phòng” (BĐBP) và nhất là “thằng con biên phòng” - đại uý Danh Kim Huôl - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. “Không chỉ có tấm lòng với trẻ em cơ nhỡ, điển hình là phát hiện hoàn cảnh mồ côi đặc biệt của 2 cháu Lập và Nghiệp rồi tìm cách đưa về Đồn nuôi dưỡng, cho ăn học đàng hoàng, nó còn hết lòng giúp nhiều bà con trong phum sóc - ông Danh tự hào - Hồi trước đường sá giữa các phum, sóc lầy lội lắm, thấy dân đi lại cực khổ, Huôl cùng cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng đứng ra vận động vật tư rồi kêu gọi bà con hiến đất ven đường để mở rộng và kiên cố hóa lối đi, hay cất nhà cho hộ nghèo…”.

    Từ đó, vợ chồng ông Danh quý và xem tất cả cán bộ chiến sĩ biên phòng như con trong nhà, riêng Huôl được xem như con cả trong gia đình. Vì vậy cái gì cán bộ biên phòng, nhất là Huôl nói, vợ chồng ông Danh tin và làm theo ngay.

    Sau thời gian nghe BĐPB và nhất là Huôl giải thích về tầm quan trọng của đường biên, cột mốc đối với chủ quyền quê hương, đất nước, thấy có lý, có tình, vợ chồng ông Danh đã từng bước nghe, rồi nhen nhóm cảm tình… đường biên cột mốc vào trong người lúc nào không hay. Nhất là những lần tận mắt thấy Huôl cùng các đồng đội đội mưa, lội sình lầy để giải quyết chuyện đường biên cột mốc, vợ chồng ông càng thương và hiểu sâu sắc hơn sự cấp thiết của cây cột mốc. 3 người con của ông cũng noi gương cha… Chính vì lẽ đó, khi đoàn vận động xây dựng cột mốc đến đặt vấn đề là ông hiểu ngay và nhanh chóng đưa ra quyết định hiến đất.

    Tôi hỏi sắp tới, hiến thêm nhiều đất, 3 người con của ông có ý kiến gì không? Ông Danh cười: “Cũng như nhiều bà con Khmer tu theo Phật giáo Nam tông, gia đình tôi ai cũng muốn làm phước để tích công đức. Vì vậy hiến đất mở đường tuần tra biên giới là để giúp cho công việc của bộ đội biên phòng, của Nhà nước, trong đó có sự bình yên của gia đình mình và bà con trong phum, sóc… nên 3 đứa càng ủng hộ”. Tôi tin điều đó sẽ đến tốt đẹp như đã từng diễn ra 3 năm trước khi thấy bà con trong phum, sóc đi lại khó khăn trên đường mòn nhỏ bé, chật chội, vợ chồng ông được 3 người con ủng hộ hiến trên 500m2 đất quanh nhà để mở rộng đường.

    Sau lần hiến đất này, vợ chồng ông Danh cảm thấy cuộc sống ở tuổi xế chiều của mình có thêm ý nghĩa. “Từ ngày làm đường mới rộng hơn, cao ráo hơn, bà con đi lại thuận lợi, ai cũng nói về gia đình tui những lời tốt đẹp mà có lẽ nhiều người có tiền, có đất gấp trăm lần tôi cũng chưa chắc có được. Tui thấy tự hào và hãnh diện lắm”.

    Tôi không thể tìm ra được từ ngữ, chữ nghĩa, hình ảnh đắt giá để có thể diễn đạt, lột tả hết sức mạnh tinh thần nào đã giúp gia đình Khmer ít chữ nghĩa này vượt qua ngọn núi riêng tư thường tình để sẵn sàng hiến đất cho sự nghiệp đường biên cột mốc chung của quê hương, đất nước. Thôi thì xin mượn hai chữ “hiệp sĩ”, vốn dùng để gọi tên những người sẵn sàng xả thân vì lợi ích cộng đồng để tôn vinh cho việc làm của gia đình ông Chau Danh, bà Thị Lui như một lời tri ân và động viên cho những người dân hết lòng vì sự nghiệp biên phòng ở nơi cuối trời Nam của tổ quốc mà chúng tôi chưa có dịp đề cập đến trong bài viết này.

    TheoLÂM ĐIỀN (Lao Động)

    Đừng bỏ lỡ

    Video đang xem nhiều

    Đọc thêm