Hoàng thân đi gánh nước thuê!

Ông Nguyễn Ngọc Đương (89 tuổi) ngụ ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) vừa làm đơn tự nguyện hiến xác cho khoa học. Ông chính là con trai của công chúa Tân Phong, em ruột của vua Thành Thái.

Hoàng thân đi gánh nước thuê

Chúng tôi tìm gặp ông Đương lúc ông đang cắt cỏ cho bò ở ngoài đồng. Lau mồ hôi bằng vạt áo đã sờn, ông chân tình nói: “Tôi già rồi, chẳng làm được việc nặng nữa, chỉ phụ  ba việc lặt vặt, đỡ đần phần nào cho con cái mà thôi”. Trên chiếc xe đạp cũ mèm, ông dẫn chúng tôi về căn nhà 35 m2 nằm trong một con hẻm nhỏ, đất đá gồ ghề.

ông Đương sinh ra và lớn lên tại Thừa-Thiên Huế, thuộc dòng dõi quý tộc. Năm 1946, cùng nhiều sinh viên khác trong trường, ông tạm xếp bút nghiên để lên đường nhập ngũ, tham gia hai cuộc chiến với vai trò công nhân tại công xưởng sản xuất vũ khí trong hang núi ở Nghệ Tĩnh. Năm 1969, ông bị thương ở mắt khi bị đạn bắn trượt qua trán nên rời quân ngũ. Về quê, ông cưới cô gái cùng làng Nguyễn Thị Bé, người đã đợi chờ ông nhiều năm trời ở quê nhà. Sau đó hai ông bà lần lượt đón bốn người con chào đời.

 
Ông Đương và vợ mặc dù cuộc sống bần hàn nhưng vẫn hạnh phúc. Ảnh: TD

Chưa kịp làm thủ tục để hưởng chế độ thương binh thì bất ngờ nhà của ông Đương bị cháy. Toàn bộ giấy tờ liên quan đến việc ông đi bộ đội đều bị lửa thiêu rụi. Cuộc sống lâm vào cảnh bế tắc. Năm 1978, ông quyết định đưa gia đình vào Đồng Nai lập nghiệp. Với hai bàn tay trắng, hằng ngày ông Đương và vợ phải thức dậy từ 2, 3 giờ sáng gánh nước thuê ra các khu chợ gần nhà để kiếm sống. Công việc tuy vất vả nhưng nhờ những đồng tiền đó, ông bà nuôi được bốn người con đến tuổi trưởng thành, dựng vợ gả chồng đâu ra đó.

Đến khi ngoài 70 tuổi, chân tay yếu dần, việc gánh nước thuê buộc phải dừng lại. Bà Bé đi rửa chén thuê cho các quán cơm, phở trong xã, tiền công vài trăm ngàn đồng mỗi tháng. Giờ thì ông đã 89 nhưng sáng 4 giờ vẫn đạp xe đạp đi cắt cỏ cho bò. Bà cũng ngoài 80, ở nhà giữ cháu ngoại cho con gái đi làm.

Cuộc sống của họ nghèo khổ, thiếu thốn đến thế nhưng kỳ diệu là ông bà vẫn luôn vui vẻ. “Con cái cũng nghèo, lo cho cha mẹ được vậy là mừng rồi. cuộc sống tuy có khó khăn nhưng hai vợ chồng tôi khỏe lắm, không tốn đồng bạc mua thuốc nào đâu” - bà Bé chia sẻ.

Và tâm nguyện cống hiến cả khi chết đi rồi

Trong phòng khách đơn sơ, ở vị trí trang trọng, ông bà treo cờ tổ quốc, hai lá đơn tự nguyện hiến xác và hai lá thư cảm ơn. Theo ông, đó chính là những thứ quý giá nhất của mình.

“Đối với ngành y, việc được thực hành trên chính thân thể con người không dễ dàng như những ngành nghề khác. Những trăn trở ấy đã thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó cho khoa học, cho ngành y. Tôi nghĩ mình không chỉ sống cho riêng mình được, còn rất nhiều người cần chúng ta. Chết là hết, là về với cát bụi nhưng phải chết thế nào cho có ý nghĩa, vẫn còn làm được những điều có ích cho xã hội. Tôi luôn mong việc nghiên cứu giải phẫu phát triển hơn. Các y, bác sĩ ở Việt Nam ngày càng giỏi hơn, chữa được các bệnh hiểm nghèo” - ông Đương đã chia sẻ lý do tình nguyện hiến xác như vậy.

Trước hết, ông bà phải nói chuyện với con cái, giải thích cho bốn người con hiểu ý nghĩa của việc hiến xác, có lợi cho ngành y nước nhà thế nào. Con cái ông cũng dần hiểu ra và ủng hộ. Ông nhờ những cán bộ xã tìm hiểu và sau đó, chính những người này đã đưa ông, bà lên Trường ĐH Y dược TP.HCM làm thủ tục. Bà Bé nhớ lại: “Khoảnh khắc vợ chồng tôi nhận được tờ giấy chứng nhận tham gia hiến xác, cảm xúc thật khó tả. Hai vợ chồng tôi vô cùng phấn khởi rồi ôm nhau khóc. Khóc vì ước nguyện đã thành hiện thực”.

Không nói gì về gốc gác quý tộc của mình, vợ chồng người con trai của một nàng công chúa triều Nguyễn giờ chỉ muốn tuyên truyền vận động nhiều người hiến xác như mình. Việc này cũng không dễ dàng gì. “Xưa nay người Việt Nam chúng ta đều tâm niệm chết là phải mồ yên mả đẹp, không được đụng vào người đã chết. Trong khi bộ môn giải phẫu học rất cần đến những con người tình nguyện hiến xác. Số người hiến xác hiện còn rất hiếm vì ai cũng sợ, thậm chí có những người con không đồng tình với ý nguyện đẹp đẽ này của cha mẹ” - ông Đương tâm sự.

Giờ đây, đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, hằng ngày ông Đương vẫn đạp xe đi cắt cỏ cho bò, đạp xe đến gõ cửa từng nhà tuyên truyền vận động bà con hiến xác vì khoa học, bất chấp thực tế là chưa ai trong xã nghe theo lời vợ chồng ông tự nguyện hiến dâng cơ thể mình sau khi chết cho một ý nghĩa cao đẹp.

TIẾN DŨNG - AN AN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm