Hướng thiện nhờ những vòng tay

Sáng 5-8, Công an TP.HCM tổ chức hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù giai đoạn từ 2012 đến 2014.

Ý chí của những người tù “khét tiếng”

Ông Liên Khui Thìn, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý quỹ hòa nhập và phát triển cộng đồng, từng bị tuyên mức án cao nhất là tử hình và được đặc xá vào năm 2009 trong vụ án EPCO-Minh Phụng nổi tiếng một thời. Trong thời gian cải tạo tại trại giam Xuân Lộc, ông đã ấp ủ xây dựng quỹ hoàn lương để giúp đỡ người mãn hạn tù hòa nhập cuộc sống. Sau khi ra tù, ông Thìn đã gặp người có cùng ý tưởng là luật sư Trần Văn Tạo, Quỹ Hòa nhập và phát triển cộng đồng đã ra đời từ đó. Sau bốn năm thành lập, ban đầu chủ yếu là tư vấn pháp luật, xóa mặc cảm bản thân cho những người sau khi chấp hành án phạt tù. đến nay quỹ đã triển khai được nhiều chương trình như xe bánh mì cộng đồng, cửa hàng thực phẩm cộng đồng… để giúp những người mãn hạn tù tích cực cải tạo.

Một điển hình cho những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, tiến bộ vươn lên làm giàu, giúp đỡ người tái hòa nhập được tuyên dương tại hội nghị là anh Lê Thừa Dương Hùng (ngụ huyện Hóc Môn). Hùng “sầu” từng là một tay giang hồ khét tiếng, một thời cầm dao đâm chém, từng gián tiếp làm chết hai người, rồi bị truy nã toàn quốc… Tại hội nghị, nhiều người không khỏi khâm phục ý chí hoàn lương của anh Hùng. Những ngày mới trở về, tất cả mọi người dường như xa lánh, quay lưng. Đến đâu xin việc làm, học nghề anh cũng bị xua đuổi. “Tôi chấp nhận mọi điều sỉ vả, xin vào học nghề điêu khắc gỗ ở Công ty Liên doanh Nhật-Việt. Trong thời gian này, tôi đã ấp ủ mở xưởng điêu khắc để trao cơ hội việc làm cho những người có cùng hoàn cảnh” - anh Hùng nói.

Trung tướng Cao Ngọc Oánh - Tổng cục trưởng Tổng cục VIII Bộ công an trao bằng khen cho các cá nhân được tuyên dương tại hội nghị. Ảnh: TK

Ông Liên Khui Thìn từng bị tuyên án tử hình, hiện là phó chủ tịch Quỹ Hòa nhập và phát triển cộng đồng. Ảnh: TK

Sau khi tích lũy được một số vốn, năm 2005, anh Hùng ra thuê mặt bằng mở xưởng dạy nghề điêu khắc. Đến nay cơ sở đã dạy được cho khoảng 200 người, trong đó có những người được tha tù, cai nghiện và cả những em cơ nhỡ, mồ côi… Nói về yếu tố giúp thành công, anh Hùng cho biết: “Quá trình làm công việc này có rất nhiều khó khăn, vì những con người như chúng tôi rất dễ bị coi thường, kể cả gia đình, người thân. Tuy nhiên, đa số các em đều biết lắng nghe, thật tâm học nghề, điều đó giúp tôi có thêm động lực và thấy mình đã đi đúng hướng”.

Vượt lên quá khứ

Anh Hùng và anh Kiệt vẫn rưng rưng khi nhắc lại lầm lỗi trong quá khứ. Vào năm 1996, trong một lần va quẹt xe, Kiệt đánh nhau gây chết người, phải chịu án chung thân. Sau gần 15 năm cải tạo, nhờ ý thức chấp hành tốt, anh Kiệt được đặc xá về trước thời hạn. “Khi được đặc xá, tôi được gia đình, vợ con, bạn bè, hàng xóm và chính quyền địa phương quan tâm thăm hỏi. Chính nhờ những sự quan tâm, ân nghĩa đó tôi đã có động lực để quyết tâm làm lại cuộc đời”. Hiện nay anh Kiệt còn tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, nhiều lần tham gia bắt cướp tại địa phương.

Gặp anh Trần Ngọc Điền (ngụ quận 8) sau khi nhận bằng khen của giám đốc Công an TP.HCM vì đã có tiến bộ trong việc tái hòa nhập cộng đồng, anh Điền nhớ lại năm 2006, những ngày tháng cùng bạn bè đi cướp giật tài sản và bị bắt. Sau khi ra tù vào năm 2009, bạn bè cũ lại liên tục tới tủ rê đi chơi nhưng nhờ có sự động viên, khuyến khích của gia đình và sự kiên quyết của bản thân, anh Điền đã từ bỏ mọi cám dỗ. “Nghĩ đi chơi với bạn trước sau cũng sẽ lại có xích mích, sai lầm nên tôi kiên quyết từ chối” - anh Điền nói. Những người bạn trước đây lỡ nhúng chàm hiện cũng đang đi làm hướng thiện, cộng thêm sự động viên của bạn gái nên anh Điền đã quyết tâm quên đi quá khứ. Giờ đây, bên cạnh người vợ nhỏ nhắn đang mang bầu năm tháng, anh Điền vui vẻ cho biết vợ chồng đang lấy trái cây từ quê vợ ở Đắk Lắk đem xuống TP.HCM bán. Dù thu nhập hiện còn bấp bênh nhưng Điền vẫn ấp ủ hy vọng mở rộng việc buôn bán, để có đủ điều kiện nuôi vợ và đứa con sắp chào đời.

TUYẾT KHUÊ

Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, nói trong hơn hai năm, từ 2012 đến 2014, công an các cấp đã tham mưu cho UBND TP phân công các tổ chức xã hội, cá nhân quản lý, giáo dục, giúp đỡ 3.571 người tiến bộ, giới thiệu việc làm cho hơn 3.140 người, bố trí việc làm cho 1.524 người, đồng thời cho hàng trăm người vay vốn để làm ăn… Hiện nay có nhiều mô hình, cá nhân giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù như phong trào toàn dân xây dựng khu phố, ấp không có tội phạm ẩn náu hoạt động; mô hình quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; mô hình xe bánh mì cộng đồng của Quỹ Hòa nhập và phát triển cộng đồng; mô hình câu lạc bộ sức sống mới của đoàn phường 3, quận 11, mô hình tổ dân phố nghĩa tình ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm