Huyền sử Mẹ

AHLLVT - Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Điểm (Thanh Tùng, Mười Tùng). Ảnh: TRẦM HƯƠNG

    Kỳ tích biệt động

    Mẹ Mười Tùng trở thành người chiến sĩ đầu tiên trong tổ vũ trang đô thị - tiền thân của Đội biệt động Sài Gòn - Gia Định. Đội biệt động ấy đã chiến đấu trong lòng địch trong điều kiện rất khắc nghiệt, đã 5 lần bị mất phiên hiệu vì các chiến sĩ hy sinh gần hết. Dì Mười có đến 11 cái tên, 11 giấy khai sinh để độc lập chiến đấu ngay trong hang ổ kẻ thù. Chúng tôi không ngăn được tò mò, hỏi: “Làm cách nào để mẹ tồn tại chiến đấu ngay trước mắt kẻ thù?”.

    Mẹ trầm ngâm: “Đặc điểm của lực lượng biệt động, tình báo là một người chiến đấu, có hàng trăm người phục vụ. Nhờ dân đùm bọc, che chở mà tồn tại”. Và mẹ kể về lòng dân, sự đùm bọc, che chở của nhân dân… Để có một thế hợp pháp hoạt động trong lòng nội đô, mẹ đã từng phải đi ở, từng bị đánh ghen khi hòa vào quần chúng hoạt động cách mạng. Trong vỏ bọc của một đại úy hải quân, mẹ đã tham gia đội biệt động đánh nhiều trận trong nội thành Sài Gòn, diệt nhiều ác ôn, gây hoang mang cho địch ngay trong hang ổ của chúng. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, mẹ cướp xe địch, lấy vỏ bọc của nhân viên công tác xã hội, mẹ tự lái xe, đem hàng chục chiến thương quân giải phóng đánh vào Đài Phát thanh thành phố bị kẹt lại về tuyến sau chữa trị…

    Chị Nguyễn Thị Trâm - giao liên cho đội vũ trang Thành đoàn, người nữ chiến sĩ kiên trung trong Mậu Thân 1968 đã kiên trì tìm 17 thương binh đưa về giấu ém trong nhà của vợ liệt sĩ Hoàng Lê Kha (Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh - người đầu tiên bị chính quyền Diệm xử bằng máy chém) chính là một cơ sở của mẹ Mười Tùng trong lòng nội đô. Sau ngày hòa bình, chị tha thiết mời mẹ về nhà chị để cùng sống những ngày cuối đời. Chị Trâm kể: “Với nguyên tắc hoạt động ngăn cách, chiến sĩ biệt động phải độc lập tác chiến, rất hiểm nguy, nghiệt ngã nhưng dì Mười Tùng rất kiên trì, chịu khó, xây dựng hàng chục cơ sở, hàng chục nút giao liên, hầm nuôi cán bộ, thuyết phục hàng chục thanh niên bổ sung cho lực lượng biệt động… Thật không dễ dàng làm được những chuyện động trời ấy ngay trong lòng nội đô Sài Gòn!”.

    Huyền sử

    Tháng 11.1960, nữ chiến sĩ biệt động Mười Tùng chỉ huy một tổ 3 người vừa kết hợp đánh địch, vừa gọi loa tuyên truyền, vận động được 27 người ở bốt Trần Văn Châu ra hàng, thu 25 súng. Mẹ Tùng nhớ lại: “Làm được việc ấy rất đơn giản vì biết được lòng dân lòng người. Bản thân mẹ có nỗ lực, mưu trí, sáng tạo, linh hoạt để thoát hiểm nhưng tất cả là nhờ bà con đùm bọc, che chở!”. Trong chiến đấu, mẹ hai lần bị thương, nhiều mảnh đạn vẫn còn trong người, nhiều lần đối mặt với những tình huống thắt tim, sống chết trong gang tấc nhưng thật tài tình, thật kỳ diệu, chưa lần nào mẹ bị bắt…

    Không chỉ là một nữ chiến sĩ dũng cảm, mẹ Mười Tùng còn là một đồng đội nghĩa tình, trung hậu. Trong trận tấn công bót An Nhơn Tây, Thanh Tùng lĩnh một mũi trinh sát vô đồn. Suốt hai đêm tiếp cận đồn, hai chiến sĩ bị thương vong vì mìn địch. Không đành lòng để lại một phần thân thể của đồng chí Nguyễn Văn Đắc (Tư Đắc) hy sinh trong bót địch, đêm thứ 3, Mười Tùng cương quyết đi đầu, lần qua hàng rào, ôm nửa thân mình còn lại của Tư Đắc đưa ra ngoài. Đứng trước đơn vị, Mười Tùng tuyên bố: “Đêm nay, chúng ta đi trả thù cho đồng đội”. Cả đơn vị lặng lẽ đi theo Mười Tùng. Với quyết tâm sắt đá ấy, đúng 2 giờ sáng ngày 20.7.1964, đồn An Nhơn Tây bốc cháy, toàn bộ quân giặc trong đồn bị tiêu diệt…

    Người mẹ nuốt đau thương

    Gang thép, dũng cảm trước kẻ thù là vậy nhưng mẹ vô cùng yếu mềm, rất dễ rơi nước mắt khi nhắc đến chồng, con. Mẹ kể lấy chồng ban đầu là để có bình phong, dễ bề hoạt động trong lòng địch. Mẹ xem “người ấy” như một đồng đội, đồng chí. Nhưng tình yêu dần nảy nở trong chiến đấu. Chồng mẹ là chiến sĩ biệt động Phạm Văn Tám, sinh ra trong một gia đình cách mạng trung kiên, có 11 anh em thì hy sinh hết 6 người. Tập kết ra Bắc, ông vượt Trường Sơn, vào Nam chiến đấu. Mẹ ngậm ngùi kể, vợ chồng cùng hoạt động trong nội thành nhưng chẳng mấy khi được gần nhau. Kết quả những lần gặp ngắn ngủi ấy là hai con trai Phạm Quốc Nam (sinh năm 1956) và Phạm Quốc Trung (sinh năm 1958) ra đời trong địa đạo Phú Thọ Hòa. Khi các con vừa thôi nôi, mẹ đau đớn gởi con cho cơ sở để tiếp tục công tác…

    Cuối năm 1967, chuẩn bị cho Mậu Thân, mẹ Mười Tùng vô cùng hạnh phúc khi bất ngờ được gặp lại chồng. Nhưng đó là lần cuối cùng mẹ gặp chồng. Tháng 10.1968, ông Phạm Văn Tám hy sinh trong một trận đánh ác liệt ở nội thành Sài Gòn. Sau đó mẹ Mười Tùng cũng không còn được gặp lại hai con. Mẹ chỉ biết hai con trai đang gia nhập lực lượng Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 316 đặc công để “trả thù cho cha”, cho đất nước sớm có ngày hòa bình, gia đình sum họp. Mẹ đâu ngờ vào 27 -28.4.1975, trong trận đánh ác liệt ở cầu Rạch Chiếc, do Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 316 đặc công phối hợp, hai người con trai của mẹ đã ngã xuống anh dũng. Hai con mẹ không tìm được xác, cũng không lưu lại một bức ảnh!

    Mẹ nghẹn ngào nói: “Mấy anh giấu hung tin, không cho tôi biết. Nhưng bằng linh cảm người mẹ, rồi tôi cũng biết. “Hai con tôi hy sinh, tôi đứt hai núm ruột, các đồng chí mất hai chiến sĩ kiên trung. Chúng ta phải tiếp tục chiến đấu cho đến ngày cuối cùng. Nói tới đó rồi tôi ngất xỉu, không còn biết gì nữa”. Mấy tiếng sau, mẹ mới tỉnh lại. Tiếng súng từ Long Thành, Biên Hòa vang lên dồn dập, như nhắc nhở mẹ nhiệm vụ còn đó. Trận đánh mẹ cùng đồng đội đã chuẩn bị bao công sức mới bắt đầu. Vậy là mẹ lau nước mắt, đứng lên.

    Ngày 30.4.1975, hòa cùng khí thế ngất trời của đoàn xe tăng ở 5 cánh tiến vào giải phóng thành phố, tại nội đô Sài Gòn, với vai trò Quận đội trưởng Quận 9, mẹ đã chỉ huy các lực lượng vũ trang và quần chúng địa phương đánh chiếm trụ sở quận, chiếm toàn bộ lô cốt, kho tàng, cùng 27 tàu hải quân ngụy đóng ở cảng Thủ Thiêm, trước khi Dương Văn Minh - vị tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng…

    “Sống để chăm sóc mẹ già, dìu dắt trẻ thơ”

    Những ngày hòa bình, vượt lên nỗi đau mất người thân, mẹ đã dành tâm huyết đến với số phận không may mắn của đồng đội, đồng chí. Mẹ giản dị hòa vào đời thường, lắng nghe những lời bức xúc của người dân, cùng chính quyền địa phương có những cách giải quyết thấu tình, đạt lý. Mẹ nói, để có ngày chiến thắng hôm nay, những người hoạt động trong lòng địch như mẹ mang ơn sâu sắc sự che chở, đùm bọc của nhân dân. Mẹ mang món nợ quá lớn trước những lời cuối cùng của đồng đội, đồng chí đã chọn cái chết cho mẹ được sống. Đó là những người lính Tiểu đoàn Đồng Nai trên đường tấn công vào mục tiêu tổng nha bị địch bao vây. Phút chót, các anh nói: “Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Chị ráng sống trả thù cho anh em. Sống để chăm sóc mẹ già, dìu dắt trẻ thơ…”. Mẹ đã hứa với những người lính trong giây phút cuối cùng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ…

    Chiến tranh kết thúc, với vai trò Phó Bí thư Đảng ủy Cầu Kho, mẹ lao vào công tác cứu đói, giải quyết những ngổn ngang những ngày hậu chiến. Người cựu chiến sĩ biệt động Mười Tùng, như bao bà mẹ khác ở Sài Gòn những năm sau chiến tranh, cũng chắt chiu từng hạt gạo, bán từng giọt dấm để giữ vững phẩm cách của người chiến sĩ cách mạng trước những cám dỗ của những “viên đạn bọc đường”. Với mẹ, lời hứa với những người đã chết rất thiêng liêng. Nên giờ đây, ở tuổi 80, còn nhiều vết đạn trong người, với trái tim đau, mẹ vẫn dũng cảm chiến đấu với bệnh tật, vẫn mong tận hiến cho đời đến giọt máu, hơi thở cuối cùng. Mẹ vẫn đau đáu từng ngày trước những trang thời sự nóng bỏng của đất nước, vẫn kịp thời có mặt trong các kỳ chính quyền địa phương tuyển quân, đưa thanh niên nhập ngũ, vẫn thao thức nhiều đêm không ngủ khi nhiều chiếc tàu ngư dân bị đe dọa ra khơi trên biển đảo quê hương. Và mới đây, mẹ bày tỏ niềm mong ước “bên cầu Rạch Chiếc nếu có được tượng đài đặc công hy sinh mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh, mẹ rất ấm lòng!”.

    TheoTRẦM HƯƠNG (Lao Động)

    Đừng bỏ lỡ

    Video đang xem nhiều

    Đọc thêm