Huyền thoại Lý Quang Diệu - Bài 2: Bản sắc riêng của 'người khổng lồ'

Trước sự ra đi của Thủ tướng đầu tiên Singapore Lý Quang Diệu, Tổng thống Mỹ Obama gửi lời chia buồn đến đảo quốc sư tử, đồng thời ca tụng vị “cha đẻ” của Singapore rằng: “Ông ấy là một người có tầm nhìn xa, lãnh đạo đất nước Singapore kể từ khi độc lập vào năm 1965 để xây dựng một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới hiện nay. Ông là một “người khổng lồ đích thực””.

Lãnh đạo “không nhìn” Mỹ và châu Âu

Cho đến khi ông Lý Quang Diệu nhắm mắt xuôi tay, cuộc tranh luận về “giá trị của tự do, dân chủ” của Singapore chưa bao giờ nguội lạnh. Trong suốt ba thập niên nắm quyền thủ tướng (từ 1959 đến 1990) và sau đó là bộ trưởng cao cấp ở nội các, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc ban hành và thực thi các chính sách của Singapore, ông Lý Quang Diệu đối diện với không ít chỉ trích về việc can thiệp quá sâu vào đời sống cá nhân của người dân nước này. Đó là chưa tính đến những phàn nàn về tự do ngôn luận báo chí ở mức thấp, hay các cáo buộc về việc Lý Quang Diệu duy trì một chế độ “gia đình trị” khi con trai cả của ông - Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long đã cầm quyền từ năm 2004 đến nay.

Những người cáo buộc Lý Quang Diệu “độc tài” thường dựa vào học thuyết quản trị đất nước của Mỹ và phương Tây làm chuẩn. Theo đó, Mỹ được xem là “ngọn hải đăng” của tự do cá nhân trong suốt hơn hai thế kỷ 19 và 20 - được thành lập trên nguyên tắc “quyền tự do cá nhân” là bất khả xâm phạm, bao gồm cả quyền riêng tư, tự do ngôn luận bằng bất kỳ hình thức nào. Trong khi đó theo nhiều nhà nghiên cứu, phong cách lãnh đạo Lý Quang Diệu có hơi hướng cổ điển từ thế kỷ 18 - tức dựa vào luật để chỉnh hành vi con người.

Ông Lý Quang Diệu chưa từng tránh né dư luận về những cáo buộc cách quản lý đất nước của mình, cũng không lên án mô hình quản trị “tự do kiểu phương Tây”. Tuy nhiên, hãng tin BBC dẫn lại lời phản biện thẳng thắn của Lý Quang Diệu rằng cách tiếp cận “quyền tự do” một cách thái quá của Mỹ và phương Tây sẽ khiến họ trả giá bằng một xã hội thiếu tính trật tự.

Trên tờ Foreign Affairs vào năm 1994, Lý Quang Diệu nhấn mạnh quan điểm: “Ở phương Đông, mục tiêu chính là có một xã hội trật tự để mọi người có thể hưởng tự do tối đa. Tự do này chỉ có thể tồn tại trong một quốc gia có trật tự chứ không phải trong tình trạng vô chính phủ”. Đồng thời, Lý Quang Diệu không ngần ngại bày tỏ mong muốn đảng Hành động Nhân dân (PAP) tiếp tục nắm giữ quyền lực.

Tổng thống Mỹ: “Ông Lý Quang Diệu là người khổng lồ đích thực”. Ảnh: REUTERS

Ông Lý Quang Diệu là người tạo dựng Singapore phồn thịnh. Ảnh: AFP

Ba lý do trở thành “người khổng lồ”

Tạp chí Time trích dẫn lời Lý Quang Diệu khi luận về việc lãnh đạo một quốc gia: “Tôi chưa bao giờ là tù nhân của bất kỳ học thuyết nào. Chỉ có lý trí và tính thực tế mới có thể dẫn dắt hành động của tôi”. Thay vào đó Lý Quang Diệu áp dụng bất kỳ công việc, chính sách nào của chính phủ đều dựa vào kết quả và hiệu quả chứ không phải những lời hứa “chót lưỡi đầu môi”. “Chỉ cần các nhà lãnh đạo hết lòng để tâm đến người dân thì người dân sẽ làm theo lệnh của họ” - Lý Quang Diệu nhấn mạnh.

Học giả người Mỹ Gerry Smedinghoff đã đưa ra ba tiêu chí để đánh giá “tính vĩ đại” trong việc lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu trong suốt thời gian ông cầm quyền Singapore. Thứ nhất là “xuất phát điểm”. Nếu như Calvin Coolidge - một trong những tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ thừa kế được những thành tựu to lớn từ một nhà nước hợp hiến mà người tiền nhiệm để lại thì bản thân Lý Quang Diệu đứng lên từ một vùng thuộc địa nghèo khó. Thậm chí ngay cả khi Singapore được Anh quốc trao trả quyền độc lập năm 1959 (ngoại trừ vấn đề ngoại giao và quốc phòng) thì một lần nữa Singapore bị bỏ rơi sau khi sáp nhập Singapore vào Liên bang Malaya chưa đầy hai năm.

Tiêu chí thứ hai chính là thành tựu Lý Quang Diệu để lại cho Singapore và thế giới. Gerry Smedinghoff nhấn mạnh rằng “đánh giá một lãnh đạo phải dựa vào thành tựu chứ không phải học thuyết hay niềm tin của người đó”. Thật dễ nếu hình dung ra một xã hội mà tự do của người dân dựa trên việc xây dựng nề nếp, trật tự xã hội một cách cổ điển như Lý Quang Diệu đã làm. Tuy nhiên, trong một xã hội hiện đại và chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Mỹ và phương Tây ở thế kỷ 20 thì việc tạo ra, duy trì một trật tự xã hội có nề nếp như vậy trong vòng ba thập niên không phải là một chuyện dễ làm.

Cuối cùng, theo Gerry Smedinghoff, Lý Quang Diệu đã để lại một di sản lớn không chỉ cho Singapore mà còn cho thế giới. Di sản đó không chỉ thể hiện ở một mô hình phát triển đầy tính thuyết phục, một Singapore phồn thịnh từ một làng chài bị bỏ rơi, mà còn là “của hồi môn” mà ông Lý Quang Diệu để lại - một xã hội trật tự, nề nếp, lành mạnh cho thế hệ tương lai.

Dù nhỏ nhưng ai cũng “ngước nhìn”

Khi đối chiếu phong cách và phương pháp lãnh đạo của tầng lớp tinh hoa giữa nhiều quốc gia, Gerry Smedinghoff mô tả ông Lý Quang Diệu là nhà lãnh đạo chính trị thời bình vĩ đại nhất trong thế kỷ 20, đồng thời là nhà lãnh đạo hình mẫu của thế kỷ 21. “Nếu không phải là ông ấy - người khai sinh ra một quốc gia, giúp nền chính trị hỗn loạn biến chuyển thành một hình mẫu mà thế giới phải học hỏi - sẽ không có bất kỳ ứng viên nào xứng đáng cho danh hiệu này” - Gerry Smedinghoff khẳng định.

Rất nhiều nhà lãnh đạo Đông-Tây tỏ ra nể phục những gì mà Lý Quang Diệu đã tạo ra và để lại. Gerry Smedinghoff nhận xét: “Lý Quang Diệu đã làm được những điều mà rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới chỉ dám mơ tới. Ông ấy là ví dụ chói sáng của một nhà lãnh đạo phi thường”. Gerry Smedinghoff nói thêm Singapore xứng đáng là một trong những quốc gia tự do và thịnh vượng nhất Đông Nam Á.

Thủ tướng Anh Margaret Thatcher nhận xét ông Lý Quang Diệu: “Bằng sự minh bạch khác biệt đã diễn giải những vấn đề mang tính thời đại của chúng ta và giải pháp cho những vấn đề đó”. Trong khi đó nhà ngoại giao Henry Kissinger của Mỹ thẳng thắn nói rằng không một nhà lãnh đạo trên thế giới nào giúp ông học hỏi được nhiều bài học như Lý Quang Diệu. Năm 2009, trong chuyến công du đến Singapore, Barack Obama miêu tả Lý Quang Diệu như một trong những “nhân vật huyền thoại của châu Á trong thế kỷ 20 và 21”.

Một trong những sự kiện khiến uy tín của Lý Quang Diệu càng thêm tăng chính là việc áp dụng mô hình phát triển kinh tế kiểu Singapore tại nhiều nước, trong đó phải kể đến Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Trung Quốc… mang về hiệu quả rõ rệt. Theo BBC, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã từng thăm Singapore năm 1978 với mục đích học hỏi thêm về mô hình phát triển của nước này - mô hình phát triển kinh tế dựa trên đầu tư nước ngoài được áp dụng tại Trung Quốc hết sức thành công.

Một góc nhìn khác của Lý Quang Diệu về bầu cử

Tôi không coi việc bỏ phiếu là một phương thức lãnh đạo. Nó thể hiện sự yếu kém trong suy nghĩ, thiếu khả năng đưa ra các quyết định độc lập, không quan tâm những ý kiến trái chiều. Truyền thông hướng người dân như thế nào, anh lại theo thế ấy. Nếu anh không thể - hoặc không muốn - buộc người dân ủng hộ anh, thậm chí bằng cách đe dọa họ, anh không phải là một nhà lãnh đạo. (…) Một người một phiếu (để quyết định công việc) là một mô thức khó nhất cho một chính phủ. Theo thời gian, kết quả của những lá phiếu có thể bị méo mó bởi lẽ con người nhiều khi bất ổn. Thậm chí thỉnh thoảng họ chán ghét sự ổn định, chắc chắn sẽ tìm cách thay đổi một điều gì đó. Và trong một phút thiếu thận trọng, họ sẵn sàng bỏ phiếu (theo cảm xúc), chỉ là vì mục đích của họ là phá vỡ sự ổn định (chứ không phải vì một mục tiêu tốt đẹp).

LÝ QUANG DIỆU (Theo tạp chí Time)

Kỳ cuối: Sau Lý Quang Diệu, Singapore về đâu?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm