Khổ vì người nghiện - Bài 3: ‘Không đi cai, con tôi sẽ chết sớm!’

Cha mẹ đã thử tìm mọi cách giúp đỡ con cai nghiện nhưng đều bất thành. Giờ họ chỉ mong đưa con vào trại cai nghiện bắt buộc để con được chữa bệnh và làm lại cuộc đời trước khi quá muộn.

Cai tự nguyện không ăn thua

Đó là lời ta thán của bà Phượng (ngụ phường Phước Long B, quận 9) khi nói về nguyên nhân đứa con trai dính vào ma túy. Bà cho biết mặc dù chỉ là mẹ kế nhưng do không có con nên bà thương S. như con ruột. “Tôi sợ nó mặc cảm khi sống với mẹ kế nên lo cho nó không thiếu thứ gì, mong cho nó bằng bạn bằng bè, thế là bạn bè nó thấy nó có tiền nên rủ rê chơi cái thứ chết người ấy. Có bao nhiêu thứ ở trên người như nhẫn, dây chuyền, đồng hồ… nó đều lột sạch mang đi bán để mua ma túy”.

Năm năm trời bà cho con đi cai nghiện tự nguyện tại các trung tâm hy vọng con sẽ dứt được làn khói trắng. Bà kể: “Dù vợ chồng tôi người thì buôn gánh bán bưng, người chạy xe ôm chắt bóp từng đồng nhưng khi nghe con nói muốn vô trung tâm điều trị, ai nấy đều mừng rỡ, cố gắng chắt chiu tiền để đóng cho con. Ở nhà thì nó đòi đưa đi cai nhưng lần nào vô đó được vài ngày nó lại giật ngược kiên quyết đòi về, tôi thật chẳng biết tính sao”. Có lần để thử sức chịu đựng của con, bà Phượng còn khóa cửa nhốt S. ở trong nhà nhưng khi cơn nghiện nổi lên, S. chịu không nổi đã phá cả mái nhà trốn ra ngoài.

Sau khi cắt cơn ở trung tâm để về điều trị ngoại trú, S. bỏ ma túy được một thời gian nhưng mỗi lần bị thất tình thì lại tái nghiện. Đáng nói, cũng vì thương con, mẹ ruột của S. còn chu cấp cả tiền cho S. chơi ma túy. “Không biết nó nói ngon ngọt sao mà dù mưa gió thế nào, mẹ ruột thằng S. cũng lặn lội từ tít quận 8 chạy qua đưa tiền cho con. Cứ cái đà này thằng S. sẽ chết sớm mất thôi…” - bà Phượng gạt nước mắt.

Bà LKN đau lòng mỗi khi nhìn cái tủ chén trong nhà bị người con trai lên cơn đập bể hết kiếng và đồ đạc. Ảnh: H.LAN

Con tôi bị điên rồi

Đã bảy tháng nay, ít ai dám bén mảng đến nhà bà LKN (ngụ phường 12, quận 4) vì lo sợ đứa con trai bà đang phê thuốc trong nhà. LHT 24 tuổi, đã đi cai nghiện tập trung hai năm nhưng về liền tái nghiện. T. đã bỏ nhà đi khoảng nửa tháng nay, để lại một mình bà N. trong căn nhà hiu quạnh. Hỏi về tình trạng con trai, bà N. cho biết: “Bình thường con tôi nói năng đàng hoàng lắm nhưng khi lên cơn nghiện thì rất dữ dằn. Bao giờ tôi cũng phải phòng hờ 100.000 trong túi để đưa cho nó ngay khi nó cần, không thì nguy. Mấy tháng trước tôi còn cho khách thuê nhà nhưng họ biết nó nghiện liền bỏ đi”.

Kể về nguyên nhân vướng vào ma túy của T., bà N. chỉ biết trách bản thân người làm mẹ đã không quan tâm, theo dõi sát con. T. vốn thiệt thòi từ nhỏ vì cha mất sớm, mẹ lại đi làm ăn xa ở Cần Giờ nên T. ở với bà nội đã già yếu. T. bị đám bạn ở đường Cô Giang, quận 1 rủ rê hít bồ đà. Trong thời gian đó T. bị bạn gái bỏ vì gia đình chê T. không có cha. “Thế là T. buồn, đi với đám bạn xấu. Bạn nó khuyên không có con này thì quen con khác, buồn thì hít heroin cho quên chuyện” - bà N. nhớ lại.

Ngày bà tất tả bỏ việc về lại thành phố thì T. đã hít lậm, không dứt ra được. Sợ con làm liều đi giựt dọc bị bắt, bà phải lén báo công an khu vực bắt đưa T. đi cai nghiện bắt buộc.

Tuy nhiên, niềm hy vọng của bà N. không kéo dài được lâu khi T. hồi gia và dẫn về nhà bạn gái chơi hàng đá. “Tôi thường ngủ ở nhà trên để 3 giờ sáng dậy đi làm nên thấy nó không ngủ mà cứ đi ra đi vô hoài. Tôi canh và bắt gặp hai đứa đang hít ống thì từ đó tụi nó công khai luôn, chẳng giấu giếm gì nữa. Có lần giận nhau, T. và bạn gái khóa cửa lại rồi ném đồ lung tung, bể hết cửa kính, quạt máy, rồi lật úp cả tủ chén, tôi phải tìm chìa khóa mở cửa chạy thoát thân” - bà N. kể. Sự việc chưa dừng ở đó khi T. và bạn gái còn tự hành hạ mình. “Thằng T. và bạn gái nó tự nhiên lấy ly và bình hoa đập bốp bốp vào đầu, máu chảy ròng ròng rồi còn dọa mở khóa bình gas khiến tôi đứng tim. Tôi sợ có ngày nó không biết mẹ ruột là ai nên hễ nó có ở nhà là tôi dọn đồ ra nhà bà chủ ngủ rồi đi làm luôn”.

Nửa tháng nay, do sợ công an hỏi thăm nên T. đã bỏ nhà đi nhưng vẫn còn gọi điện thoại xin tiền bà N. “Hai tháng trước, nó bị bắt vì sử dụng ma túy ở phường khác, tôi mừng vì tưởng công an đưa nó đi luôn, ai dè phải bảo lãnh nó về. Ở ngoài này, chắc thằng T. sẽ không sống nổi mất vì tiền đâu mà chơi. Chỉ mong Nhà nước sớm đưa nó đi chữa bệnh chứ tôi đã lực bất tòng tâm rồi” - bà N. đau đớn nói.

Khi bị phát hiện, người nghiện thường đối phó bằng cách xin cai tự nguyện. Đặc biệt đối với người đã từng bị đưa đi cai nghiện, ấn tượng về hội chứng cai sẽ rất khủng khiếp đối với họ nên chỉ cần nghe nói đưa đi cai là họ thường sợ hãi, bỏ trốn hoặc tìm mọi cách bỏ dở chương trình điều trị, nên người nghiện phải thực sự quyết tâm. Không nên so sánh họ với những trường hợp đã cai nghiện thành công vì làm như thế sẽ tạo tâm lý ỷ lại như chơi cho đã rồi cai cũng không muộn.

Ông TRẦN HỮU HÙNG, cán bộ quản lý sau cai
phường 12, quận 4

LHT là đối tượng quản lý sau cai của địa phương. T. bị đưa đi cai nghiện tập trung hai năm, hồi gia vào tháng 4-2014 nhưng sau một tháng là tái nghiện, gây nhiều phiền toái cho bà N. Khi cảnh sát khu vực xuống tiếp cận để tư vấn cho T. điều trị bằng methadone thì T. bỏ trốn vì sợ bị tập trung vào trại.

Chị VÕ NGỌC QUỲNH NHƯ, cán bộ quản lý sau cai
phường 12, quận 4

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm