Kỳ nhân trẻ đất Bắc - Bài 7: ‘Đường’ Hán Nôm phải đi cho… đã!

Chàng sinh viên Trần Trọng Dương thích ca hát 15, 16 năm trước bây giờ đã là TS Trần Trọng Dương của Viện Hán Nôm. Thế nhưng con người anh vẫn gần như nguyên thế. Anh có độ bền bỉ đáng kinh ngạc, một người hầu như rất ít đổi thay sau ngần ấy năm tháng.

“Xỉa” thơ và “gây hấn” với thư pháp đương đại

Mê văn chương thì đã sẵn, Dương làm thơ từ lâu, hồi sinh viên viết nhiều câu bây giờ vẫn nguyên vẻ duyên dáng: Chờ mây về ngang qua ngõ/ Giăng mưa trên những lối vàng/ Ta chờ một người nhung nhớ/ Mắt nai thả màu thu lam… Dương về sau giảm làm thơ, chuyên chú vào thư pháp, dù đôi lúc vẫn “xỉa” ra những câu thật lôi cuốn như Kìa ni cô áo ướt/ Chạy trốn vào cơn mưa và vẫn cất nguyên bản thảo tập thơ 9X cùng với Bùi Việt Phương đang làm văn nghệ ở Hòa Bình, chưa in. Với thư pháp, Dương cũng đắm đuối từ trong trường, khi học hết hai năm đầu chương trình chung của khoa Văn học rồi chuyển sang bộ môn Hán Nôm. Theo đường lối truyền thống, nét chữ Dương thanh mảnh, thoáng đãng.

Ra trường, xu hướng “phá phách” “lộ mặt” dần dần khi Dương càng đi theo hướng cách tân. Dương vào trong nhóm The Zenei Gang of Five với họa sĩ Lê Quốc Việt và các anh em Hán Nôm Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Đức Dũng, Phạm Tuấn. Lúc thì cả năm, lúc ba người, hai người tổ chức những chương trình thư pháp đương đại rất “gây hấn” và gây chú ý, gợi cả hứng thú cho nhiều người quan sát. Triển lãm Chữ ở Studio Thọ - Mã Mây năm 2007; triển lãm - sắp đặt Điện tâm đồ ở L’espace; triển lãm - sắp đặt Vô ngôn ở Art Vietnam gallery… Nhiều hoạt động viết chữ, trình diễn chữ ở các nơi khác nữa, mỗi người một vẻ, đều hăng say đổi mới.

Cả hai chặng đường ấy, Trần Trọng Dương đều mải miết như lao vào những “cơn” biến ảo đầy hào hứng để mở thêm những tài hoa trong mình.

 
TS Trần Trọng Dương trình diễn viết chữ trong một cuộc giao lưu với các nhà thư pháp Nhật tại chùa Cót (Hà Nội) năm 2008.

Tan chảy vào văn hóa dân tộc

Nhưng rồi với Dương, những “bay bướm”, những “long lanh” đều không thỏa mãn và cán bộ nghiên cứu trẻ, ngoài mối chăm lo cho gia đình đã gửi hết tâm sức vào đường khoa học nhọc nhằn. Con đường này vốn Dương cũng chưa bao giờ rời bỏ, từ khi bắt tay vào làm khóa luận tốt nghiệp giữa kho tư liệu Hán Nôm ngập đầu ở Huế, cho đến đều đặn sau này, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đi sâu vào tác phẩm Thiền tông khóa hư ngữ lục qua bản dịch Nôm của thiền sư-y sư Tuệ Tĩnh. Rồi những bài viết khoa học, các tiểu luận… Đó chính là cái nền vững chắc về chuyên môn, học thuật cho những cuộc chơi thư pháp tưng bừng. Cho đến khi hai chữ “nghiên cứu” càng căng ra, đầy lên và lấn lướt tất cả, Dương cặm cụi vào khoa học.

Tôi thấy bạn mình những năm này lao vào nghiên cứu trong các kho tư liệu, qua những chuyến đi như một nhu cầu cho ý nghĩa sống, nhất là từ sau khi rời Trường ĐH Văn hóa Hà Nội về Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Dương coi đó là một sung sướng được khám phá, được lắng nghe di sản Hán Nôm, được tan chảy vào văn hóa dân tộc, để rồi tìm mọi cách đưa những hiểu biết phong phú mà mình thu gom, tích trữ được đến với mọi người.

Phẫn nộ với những “ác mộng có thật”

Việc tìm cách đưa đến những thông tin, kiến thức ấy cho xã hội, nhiều lúc không khỏi bắt nguồn từ những băn khoăn, những xót xa, kể cả phẫn nộ về hiện trạng phản văn hóa đầy rẫy, kể cả những câu chuyện u buồn của một thời đã qua rồi. Dương có lúc đã nhắc lại câu chuyện tượng con cừu dưới chân tháp chùa Dâu ở Bắc Ninh bị mòn võng hẳn lưng xuống sau những năm bị dùng để… đập lúa và mài dao; chuyện pho tượng Phật Bà ngàn mắt ngàn tay ở chùa Bút Tháp bị ai đó… bẻ đi một ngón tay; lại cả những “ác mộng có thật” như chuyện ở quê nội Dương mạn Hải Dương ngày trước từng có những pho tượng bị xích, bị “giải đi” trên xe cải tiến đưa ra… hố. Hay như cách đây chưa lâu, đúng vào trước ngày người ta đón nhận danh hiệu bảo vật quốc gia cho tấm bia lớn chùa Long Đọi ở Hà Nam, Dương đã đến và bàng hoàng thấy bia được làm vệ sinh bằng… bàn chải sắt. Những bức ảnh và thông tin ban đầu được tiến sĩ trẻ đưa ngay lên báo mạng để nhiều báo và dư luận ngỡ ngàng.

Dương lành tính, sống giản dị với nhiều suy tưởng lãng mạn, những đau xót văn hóa cũng không bùng lên dữ dằn, không khoa trương. Mà chúng nóng bỏng ngậm vào trong để biến thành những hành động bền bỉ, thành những tháng dài cắt điện thoại, “giam” mình vào một góc để thâu đêm nghiên cứu, viết lách. Rồi nói, diễn giải, trả lời phỏng vấn, dự hội thảo, tọa đàm, đăng tải bài vở, mong sao giúp thêm cho cộng đồng những cách nghĩ, cách đến với di sản, với văn hóa, với lịch sử một cách nhân văn hơn, văn minh hơn. Càng làm Dương càng nuôi thêm ý tưởng và những kế hoạch “tác động xã hội” bằng nền tảng, thế mạnh nghề nghiệp của mình và bạn bè, điều rất quý và rất hay để kéo gần lại khoảng cách giữa những nghiên cứu chuyên sâu với công chúng phổ thông, giữa những vòm cổng học thuật cao vòi vọi và công chúng còn đang mải miết lao đi trong chốn “trần ai”.

Tôi thấy “ông đồ” trẻ đang thêm hăm hở với những ước vọng ấy và tìm cách thực hiện chúng bằng sự quả cảm cũng không hề màu mè, phô diễn. Dương nêu ra và có những lý giải công phu về giả thuyết không có “loạn 12 sứ quân”; không có công trình gọi là chùa Một Cột, mà đó là liên hoa đài trong tổng thể kiến trúc chùa Diên Hựu. Dương cũng đưa ra thêm giả thuyết, nhận định về thời điểm thoát khỏi ngàn năm Bắc thuộc mà theo Dương là sớm hơn năm 938 khi Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Cả cách hiểu mới về tên nước Đại Cồ Việt, không phải là nước Việt to cồ mà là nước Việt của đức Đại Cồ Đàm...

Những công trình...

Cuốn Nguyễn Trãi quốc âm từ điển, NXB Từ điển bách khoa 2014, mở ra các ý nghĩa, liên hệ xung quanh các nguyên liệu từ của những bài thơ lấp lánh tình yêu nước thương dân trong sáng. Từ đó làm bừng lên vẻ đẹp của những ngôn ngữ cổ xưa trong cách viết, trong lời ăn tiếng nói của người Việt sáu thế kỷ trước. Dù chữ Nôm đã trở thành “tử ngữ” như chính Dương nhận định, dù lời ăn tiếng nói của người dân ta đã biến đổi, phát triển quá nhiều nhưng như Dương chia sẻ, chẳng có gì ngăn cản chúng ta thưởng lãm vẻ đẹp lấp lánh của hào quang ngôn ngữ trong quá khứ, khi mà chúng vẫn có thể làm giàu thêm cho nhận thức và tâm hồn người Việt trong hiện tại.

Và với “ham hố làm giàu” ấy, sau cuốn từ điển được đánh giá cao cùng các công trình in trước đó như Thiền tông khóa hư ngữ lục, Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt qua các bản dịch Khóa hư lục, Dương lại đang lao vào biên soạn cuốn Từ điển nguồn từ tiếng Việt với dự kiến độ dày lên đến 2.000-3.000 trang, đó hẳn sẽ là một dấu son nữa trên đường nghiên cứu, soạn từ điển, trên đường Hán Nôm mà Dương tin sẽ phải đi cho… đã đời.

Kỳ nhân trẻ đất Bắc - Bài 7: ‘Đường’ Hán Nôm phải đi cho… đã! ảnh 2
 

Cuốn Nguyễn Trãi quốc âm từ điển của Trần Trọng Dương, do NXB Từ điển bách khoa ấn hành năm 2014 gây tiếng vang.

____________________________________________

Thời thanh niên sôi nổi của Trần Trọng Dương là dày đặc những chuyến điền dã. Đó là những ngày đi núi Trầm, núi Vô Vi, ăn cơm chay ở chùa Long Tiên, cả buổi rong xe xuyên qua làng này làng nọ; rồi lang thang sang chùa Đồng Kỵ Bắc Ninh; ngồi nhâm nhi rượu với nộm sứa ở quán Cỏ cú bên chân tường thành Huế; những ngày tụ họp pha ấm trà thơm hay uống chén rượu trong vắt, rồi hát quan họ, tán đủ chuyện văn nghệ và đêm hôm, mưa phố đầm đìa còn rong xe dưới những hàng cây ngậm nước tối đen; lại cả những ngày đại học, đạp xe nhong nhong đường Láng từ trường Nhân văn về nhà Dương ở tận Chèm, luộc ăn hết cả rổ cải cúc vườn nhà…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm