Lạ lùng với họp bản đêm ở Khao Mang

Tôi đã dự một cuộc họp bản như thế tại bản Páo Sơ Dào - bản nghèo đói nhất của xã Khao Mang - huyện Mù Cang Chải - tỉnh Yên Bái.

Đốt đuốc đi họp bản đêm.

    Đốt đuốc đi họp bản

    Lúc chiều, nghe có cán bộ xã lên họp bản, trưởng bản đã đánh 3 hồi kẻng. Cái kẻng ấy là từ vỏ của quả bom trong chiến tranh ngày xưa, đánh vào kêu boong boong, vang xa lắm. Nghe cái tiếng ấy, cả bản đều biết là có họp vào buổi tối. Trong tiếng kẻng gõ liên hồi, có một anh chàng người Mông chạy tấp tểnh, chân thấp chân cao cứ đứng nhấp nhô trên bờ ruộng mà chí choét thông báo họp bản khắp ruộng trên ruộng dưới. Mãi tám, chín giờ tối, người Mông mới mang trâu, vác cày về đến bản. Họ ăn cơm, cho con cái ngủ rồi thung thăng đốt đuốc đến nhà trưởng bản. Với một kẻ “lạ nước lạ cái” như tôi thì khung cảnh ấy vừa lạ lẫm, vừa nên thơ và bình dị.

    Nhưng chẳng như những cảm nhận lãng mạn ban đầu của tôi, đường lên bản Páo Sơ Dào khó hơn cả lên trời. Nó khấp khểnh, nhầy nhụa, trơn thuồi luội. Chủ tịch UBND xã Khao Mang Trương Văn Hùng cưỡi con xe máy Honda Dream khỏe như con ngựa sắt mà đôi dép vẫn bê bết đất vì không lúc nào là đôi chân không làm… chân chống cho cái xe. Tôi cuốc bộ, cứ bám riết mười đầu ngón chân xuống lớp bùn nhão mà lết từng bước, liên tục ngước cổ lên đỉnh dốc mà mong cho nhanh đến nơi. Ông chủ tịch vừa thở hổn hển vừa nói: “Không phải người đi xe máy mà là xe máy đu trên người đấy. Nhận chức chủ tịch xã xong, mỗi lần đi họp bản, tôi mới thấu hiểu là đời sống bà con lại khó khăn đến thế nào”.

    Gia đình trưởng bản mổ lợn đãi khách.

    Gia đình trưởng bản mổ lợn đãi khách.

    Mùa gặt, đồng bào Mông ở cả trên ruộng. Bà con gặt lúa chín vàng ruộm trên những khoảnh ruộng bậc thang như người ta đang cắt từng miếng bánh ngọt. Mùi thơm lúa chín và màu sắc rực rỡ, óng ả hấp dẫn mọi khách đi đường. Tiếng cắt lúa xoèn xoẹt, tiếng đập lúa rầm rập, rồi cả tiếng chí chát gọi nhau khiến khung cảnh trở nên nhộn nhịp lạ thường. Ở bản thì vắng vẻ và im ắng. Dưới những mái nhà pơ mu lún phún rêu, chỉ có người đàn bà già nua ngồi khâu áo, vài ba đứa trẻ con chơi đùa lấm lem. Họp bản đêm nay, mỗi nhà cũng chỉ có một, hai người tham gia.

    Trưởng bản Giàng A Xà (SN 1977) đón chúng tôi ở đầu bản. Đàn dê kêu be be chạy xuống sườn dốc chen dưới chân người. Mỗi người Mông đi họp, tay đều cầm một bó đuốc pơ mu cháy rừng rực, thơm lựng cả một vùng, xua đi bóng tối đen kịt và lạnh giá. Gỗ pơ mu là thứ vật liệu không thể thiếu được của đồng bào Mông ở vùng cao. Họ lợp nhà bằng pơ mu, đốt đuốc bằng pơ mu, làm các đồ dùng gia đình bằng pơ mu, đến cả cái máng cho gà lợn ăn cũng làm bằng gỗ pơ mu. Gỗ pơ mu thơm nồng, bền chắc đã trở thành một nét văn hóa vùng cao đặc sắc ở xứ Mù Cang Chải. Đến nhà trưởng bản, ai nấy đều dụi bó đuốc xuống nền đất, khói mịt mù khắp nhà, những vụn than pơ mu tung tóe như hoa lửa.

    Chủ tịch xã Khao Mang tuyên truyền vận động bà con trong buổi họp đêm.

    Chủ tịch xã Khao Mang tuyên truyền vận động bà con trong buổi họp đêm.

    Trong lúc đợi dân bản đến họp cho đông đủ, trưởng bản đã hò anh em đi bắt lợn ở đầu nhà. Tôi thốt lên: “Ôi, hôm nay trưởng bản liên hoan sắp có trường mới à?”. Giàng A Xà cười lớn: “Chưa đâu. Đây là làm cơm mời cán bộ ăn. Không có đi họp đêm thì đói quá mà”. Thế rồi, cả gia đình trưởng bản húm vào, họ cứ lặng lẽ, nhẹ nhàng túm cổ chú lợn “cắp nách” bé bằng quả dưa, cắt tiết rồi làm đủ 2 mâm cỗ thịnh soạn để mời cán bộ. Có trực tiếp chứng kiến thì mới thấy người Mông hiếu khách thế nào. Cô bé nhỏ con gái A Xà cầm đèn pin rọi vào chú lợn nhưng đôi mắt em thì hấp háy, cứ lạ lẫm nhìn tôi. Bố của A Xà ngồi hút thuốc lào bên bếp lửa, ông cụ theo dõi những ngạc nhiên của tôi trong căn nhà người Mông rồi giảng giải: “Cái này giống như bùa bình an của gia đình tôi, còn cái này là cái tổ ong thằng Xà nó lấy ở trên rừng về đấy…

    Chính những người phụ nữ Mông lại rất mong muốn có trường mới cho con cái mình đi học.

    Chính những người phụ nữ Mông lại rất mong muốn có trường mới cho con cái mình đi học.

    Làm từ thiện cũng gặp khó khăn

    Gần 22h đêm, cuộc họp mới bắt đầu. Chủ tịch xã và phó chủ tịch xã Khao Mang trực tiếp nói chuyện với bà con. Chàng trai trẻ phó chủ tịch xã Giàng A Hù là một nhân sự mới trong dự án 600 phó chủ tịch xã trẻ cho vùng cao của chính phủ. Anh hăng hái và hiểu bà con như hiểu cha mẹ mình, anh nhanh nhẹn dịch lại những gì chủ tịch xã nói rồi giải thích cho bà con về cuộc họp bản lạ lùng và hết sức quan trọng ấy. Một nhóm thiện nguyện ở Hà Nội đã lặn lội lên tận Khao Mang mong muốn được góp tiền của vật liệu xây trường mới cho các cháu học sinh ở bản Páo Sơ Dào. Họ đã lên kế hoạch từ lâu nhưng vì đường lên Páo Sơ Dào quá hiểm trở, không thể vận chuyển được vật liệu xây dựng lên.

    Số tiền quyên góp được thì có hạn, thế mà, để xây dựng được một điểm trường bằng bêtông cốt thép, gạch ngói tại cái bản tít hút trên núi cao ấy là một điều không tưởng, tốn kém đến cả tỉ đồng chứ chả chơi. Vì thế phương án dựng trường bằng các vật liệu dễ vận chuyển hay sẵn có tại bản như tôn, cột gỗ được đưa ra, cốt làm sao các cháu có trường lớp mới để học chữ. Ngôi trường tranh tre nứa lá vỏn vẹn có 2 gian phòng nay đã không còn đủ sức chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, giá lạnh của mùa đông núi cao nữa. Với phương châm nhà từ thiện cùng làm với dân, cán bộ xã Khao Mang đã mất nhiều ngày trời bám bản, vận động nhân dân cùng góp công, góp sức cho công cuộc dựng trường mới cho các cháu học sinh. Họ phải in cả những hình ảnh của ngôi trường mới ra rồi phát cho bà con để bà con hiểu.

    Tuyên truyền vận động bà con Páo Sơ Dào đóng góp công để san bằng vạt núi lấy chỗ dựng trường, góp thêm vật liệu tự kiếm được như cát, gỗ để làm trường lớp tại bản cũng không phải là việc dễ một khi bà con chưa được giải thích cặn kẽ. Giàng A Mua bảo: “Ruộng chưa làm xong mà, nếu làm trường bây giờ thì chỉ có vợ và con đi giúp góp công được thôi, còn mình phải đi cày bừa làm ruộng chứ”. Phó chủ tịch xã lại giải thích: “Làm ruộng cả đời còn làm trường chỉ một ngày thôi anh Mua à. Anh cố gắng ở lại bản giúp chúng tôi làm trường chứ”. A Mua gật gật.
    Niềm vui của ông khi cháu mình được đi học ở trường lớp mới.

    Niềm vui của ông khi cháu mình được đi học ở trường lớp mới.

    Bố mẹ Giàng A Mua nhăn nhó: “Đất của tôi ở gần khu vực định xây trường, đề nghị cán bộ phải xây trường lên phía trên để không lấn chiếm vào đất của nhà tôi nhé”. Phải mất hồi lâu, cán bộ xã mới thuyết phục được gia đình Giàng A Mua nhường đất cho trường học. Cuối buổi họp, cả gia đình Giàng A Mua bắt tay cán bộ xã dặn dò: “Các anh phải làm trường thật đẹp để cho con cháu chúng tôi đến học nhé”. Công việc vận động, tuyên truyền trong dân bản tưởng chừng đơn giản nhưng lại không hề dễ dàng bởi nhận thức của bà con còn hạn chế. Cán bộ xã đi họp bản vận động nhân dân cũng phải nắm rõ được tập quán canh tác của bà con. Ban ngày, bản vắng tanh không một bóng người vì đang mùa lên nương làm rẫy. Mãi đến đêm tối mịt, bản mới râm ran tiếng người. Sùng Thị Si, cô kế toán xã Khao Mang đi sát bên tôi thì thầm: “Dân bản cũng “hợp tác” lắm, vì họ biết cán bộ đi đêm về hôm vất vả là vì muốn bản giàu có lên, bớt đói nghèo mà”.

    Phụ nữ Mông vô tư quấn tóc trong buổi họp.

    Phụ nữ Mông vô tư quấn tóc trong buổi họp.

    Cuộc họp kết thúc đã quá nửa đêm. Mai mốt, các em học sinh Páo Sơ Dào sẽ có trường mới để học, sẽ không còn cảnh các em ngồi học cái chữ mà chân bấm xuống bùn nữa. Dân bản đốt đuốc pơ mu ra về, khói lại mù mịt. Có chị đang bế đứa con say ngủ cũng lật thằng bé con ra đằng sau, địu nó trên lưng rồi quấn mảnh chăn thổ cẩm khắp người, rời nhà trưởng bản. Có mấy người ở lại, dọn mâm mời chúng tôi ăn cơm. Bữa cơm giữa đêm miền núi sao mà ấm cúng quá. Chủ tịch xã Khao Mang đẩy chén rượu về phía tôi: “Uống đi cô, uống là nhận cái tình của đồng bào miền núi”.

    Gần 2h sáng, Si và tôi mới tuột khỏi những con dốc cao, rời bản về đến nhà mẹ của Si. Chếnh choáng hơi men, nhưng cô kế toán xã người Mông tháo vát và hiền hậu vẫn còn ròng nước suối vào chậu cho tôi rửa chân rồi giục tôi lên giường ngủ. Tôi chui vào ngôi nhà lợp pơ mu ấm áp ấy, quên đi cái lạnh tê tái của miền sơn cước, nằm nghĩ thương Si đang lấm lức khóc vì nhớ đứa con trai nhỏ xa mẹ. Đêm Khao Mang, sương mù dày đặc len lỏi vào khe cửa, len cả vào trong giấc ngủ mơ màng khi tiếng gà đâu đó vừa vội gáy.

    Theo GIANG THÙY LINH (Lao Động)

    Đừng bỏ lỡ

    Video đang xem nhiều

    Đọc thêm