Làm thuê nuôi cháu

Hỏi bà con ở ấp Cây Chặt (Lộc Tấn, Lộc Ninh, Bình Phước) ai cũng biết bà Trần Thị Hoa chuyên đi làm thuê làm mướn, có con trai mất vì tai nạn lao động, con dâu bị bệnh ung thư hiện đang nuôi ba con nhỏ.

Đi giúp việc xa kiếm tiền nuôi cháu

Trước kia hai vợ chồng bà Hoa cũng có vườn trồng điều cho thu hoạch mỗi năm hơn một tấn, phần nào yên tâm tuổi già. Nhưng từ ngày con dâu đổ bệnh, vợ chồng con trai phải bán nhà để chữa chạy mà vẫn không đủ. Hai ông bà đã chạy vạy khắp nơi và lần lượt xẻ bán mảnh vườn hơn 1 ha lo cho con. Từ đó gia đình con trai về ở hẳn với ông bà, “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”, trông cậy vào nguồn tiền trợ cấp thương binh hạng 4/4 hơn 600.000 đồng/tháng của ông Phan Văn Tâm, chồng bà Hoa. Từ chỗ có đất, có vườn, gia đình vợ chồng bà Hoa và gia đình con trai lâm vào cảnh cảnh chạy ăn từng bữa. Tài sản quý giá nhất ông bà có được là mấy đứa cháu lần lượt ra đời.

Ông Tâm mắc bệnh huyết áp cao, một tay bại liệt, làm việc nặng một lát là mệt đỏ mặt tía tai nên không ai dám thuê, đành ở nhà chăm cháu. Còn bà Hoa ai thuê gì làm nấy, hái tiêu, lượm điều, làm cỏ vườn cao su... Một thời gian sau, bà Hoa bị viêm khớp tay, chân, sức khỏe yếu hẳn, uống thuốc điều trị dồn dập nhưng không khỏi đành thôi làm vườn. Sau này nhờ người quen giới thiệu, bà Hoa chấp nhận đi giúp việc nhà tận thị trấn Lộc Ninh để chắt chiu tiền gửi về lo cho mấy đứa cháu và một phần để trả nợ.

Cả nhà sáu miệng ăn trông cậy vào phần lớn tiền làm thuê của bà Hoa. Ảnh: HL

“Đi giúp việc cho nhà người ta, mấy tháng bà Hoa mới về nhà một lần. Gần tháng nay, bà phải chăm cháu nhỏ bị viêm phế quản cho mẹ nó đi Sài Gòn chữa bệnh nên chưa đi làm lại. Tội nghiệp bà Hoa, cả đời làm lụng vất vả không biết xài tiền cho riêng mình là gì” - chị Phan Thị Mùi, hàng xóm của bà Hoa, cám cảnh.

Bà Hoa nhỏ thó, hốc mắt trũng sâu, đầu tóc bạc trắng khiến bà già hơn nhiều so với tuổi 59. Phòng khách đơn sơ, không vật dụng gì giá trị ngoài bàn thờ của anh con trai đã mất một năm trước (khi vợ anh đang mang bầu tháng thứ chín). “Con trai tui nói ráng làm để đưa mẹ về phụng dưỡng, không ngờ con lại đi trước mẹ. Con dâu lại mang bệnh khó chữa nữa. Không biết tương lai của mấy đứa cháu sẽ ra sao” - bà Hoa nhìn lên bàn thờ rồi đưa tay quệt nước mắt.

Còn sống là còn lo cho cháu

Ông Tâm (71 tuổi) - chồng bà Hoa đang giữ hộp sữa cho đứa cháu nội 11 tháng tuổi hút. Thỉnh thoảng đứa bé lại khóc ré lên. Ông Tâm trầm ngâm kể: “Gần một tuổi rồi mà nó chưa có cái răng nào. Mẹ nó bệnh nên không cho nó bú được. Cha thằng bé mất buổi sáng thì buổi chiều bác sĩ mổ bắt nó ra. Ngày giỗ của cha nó tới đây cũng là ngày nó tròn một tuổi.

Cực chẳng đã tui mới cho vợ đi giúp việc nhà. Nhiều lúc hai vợ chồng tâm sự với nhau mà muốn rớt nước mắt. Số bả khổ từ nhỏ, nhà đông anh em, mình bả là con gái nên từ 14, 15 tuổi đã gánh nước mướn cho người ta để phụ giúp gia đình”.

Được cái ba đứa cháu nhỏ nhà bà Hoa thì hai đứa đã hiểu chuyện. Mẹ bệnh xanh xao, đi bệnh viện liên tục, đứa lớn chăm sóc đứa nhỏ, đứa nhỏ chăm sóc đứa nhỏ hơn. Hàng xóm ai cũng thương hoàn cảnh gia đình bà Hoa, người cho mượn tiền, người góp ít gạo để bà lo cho con cháu.

Hai đứa cháu gái Hương Trà và Minh Vy năm nay học lớp 7 và lớp 2 đều rất ngoan và học khá. Bé Trà đòi nghỉ học thêm ở trường vì sợ tốn kém nhưng bà nội không cho. Minh Vy biết giữ em, rửa chén, lau nhà sau khi tan trường về nhà. “Ngày thường ông nội chở hai cháu đi học bốn lượt để tiết kiệm tiền ăn trưa. Bao giờ đi ngang qua mộ cha ở ven đường, Vy cũng chào: “Thưa cha, con đi học!” rồi “Thưa cha, con học về!” thật to làm người đi đường mủi lòng. Cha mẹ nó thất học nên đã khổ rồi, tui còn sống ngày nào thì phải lo cho tụi nó ngày đó. Nhưng tụi tui già yếu rồi, chẳng làm ra tiền, không biết ra đi lúc nào, chỉ mong con dâu sống được thêm 5-10 năm với tụi nhỏ. Ngày sắp sinh đứa út nó vẫn đi cạo mủ cao su cáng đáng gia đình” - bà Hoa ngậm ngùi kể.

HOÀNG LAN

 
Bà Nguyễn Thị Kim Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Tấn, cho biết: “Địa phương đã nắm được hoàn cảnh éo le của gia đình bà Hoa và có sự quan tâm, động viên gia đình vượt qua khó khăn (đưa gia đình vào diện hộ nghèo để hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, đề nghị các trường hỗ trợ học phí và các khoản chi phí khác cho các em). Chúng tôi đang nghiên cứu làm hồ sơ để các em được hưởng chính sách bảo trợ xã hội, đồng thời vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ gạo, tiền, quà… giúp gia đình có thêm chút tiền trang trải cuộc sống”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm