Mang thai hộ: Được, không?

LTS: Bộ Y tế đang hoàn tất dự thảo nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ sau khi nội dung này được thông qua trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi. Nhân dịp này, Pháp Luật TP.HCM xin gửi đến bạn đọc tổng quan các quy định pháp luật về hoạt động mang thai hộ tại một số quốc gia trên thế giới.

Hội thảo Tư pháp Quốc tế Hague (HCCH) được tổ chức tại Hà Lan vào năm 2012 rút ra kết luận: Các thiết chế trên thế giới quy định về mang thai hộ đang được chia ra làm bốn nhóm. Cụ thể: Nhóm nước chưa có quy định, nhóm nước phản đối, nhóm nước cho phép vì mục đích nhân đạo và nhóm các nước chấp thuận thương mại hóa.

Vẫn bế tắc trong hoàn thiện pháp luật

Tại một số quốc gia có nền y tế và pháp luật tiến bộ như Thụy Điển, Tây Ban Nha, Pháp hay Đức, việc mang thai hộ là bất hợp pháp. Năm 1991, tòa án tối cao Pháp tuyên bố: “Cơ thể con người là không phải để cho mượn, cho mướn hay để bán đi”. Quyết định này cấm tuyệt đối mọi hình thức mang thai hộ dẫu là tự nguyện hay được thương mại hóa. Mọi trường hợp bị phát hiện sẽ phải hầu tòa, thậm chí bị buộc tội hình sự.

Các quốc gia đã hợp pháp hóa việc mang thai hộ lại được chia ra làm hai nhóm nước: Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại. Đối với các quốc gia thuộc nhóm vì mục đích nhân đạo, chẳng hạn như Anh hay Hy Lạp, các thỏa thuận mang thai hộ chủ yếu được tiến hành trên cơ sở tự nguyện.

Tại Pháp, hàng ngàn người từng xuống đường biểu tình phản đối việc mang thai hộ. Ảnh minh họa: Getty Images

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Đạo đức Sinh học ĐH Stanford (Mỹ) Hank T. Greely cho biết: Chính phủ các nước này phải lập ra các ủy ban đạo đức độc lập để xét duyệt các đơn xin mang thai hộ trên nguyên tắc thẩm tra từng trường hợp một. Pháp luật các nước nói trên không thừa nhận tính hợp pháp của các thỏa thuận mang thai hộ có trả tiền công. Các đối tượng được phép mang thai cũng chỉ được giới hạn trong những tiêu chuẩn nhất định, trong đó người mang thai hộ phải được xét lý lịch.

Một số quốc gia còn quy định việc thương mại hóa mang thai hộ là vi phạm pháp luật. Tại Anh, trừ phi được tòa án yêu cầu, người nhờ mang thai hộ không được phép chi trả bất kỳ khoản tiền nào đối với người mang thai vượt quá “các chi phí hợp lý” trong quá trình thai kỳ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có cách giải thích cụ thể nào về “các khoản chi phí hợp lý” này có tính xác thực như thế nào. Theo luật pháp Anh, mọi khoản chi trả của người mẹ phục vụ cho quá trình mang thai đều được xem là “chi phí hợp lý”.

Hiện đã có một số quốc gia cho phép công dân nước mình mang thai hộ vì mục đích thương mại. Những quốc gia nổi bật trong danh sách này có thể kể đến Ấn Độ, Ukraine hay Thái Lan. Luật pháp các nước này thường không bắt buộc cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ phải là công dân của nước đó. Thậm chí một số nước chỉ đơn giản hợp pháp hóa mang thai hộ vì mục đích chứ không xây dựng hoặc chưa hoàn thiện các văn bản luật để kiểm soát và hướng dẫn hoạt động này. Đối với nhóm nước này, thị trường chợ đen và nạn lạm dụng cơ thể phụ nữ để sinh lời vẫn là một mối lo ngại lớn.

Tại Ấn Độ, việc mang thai hộ đã được xác nhận là hợp pháp từ năm 2002. Chỉ mới có Hội đồng Nghiên cứu y tế Ấn Độ là đơn vị đưa ra các hướng dẫn về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và cách giải quyết các trường hợp mang thai hộ tại các trung tâm y tế.

Mãi đến năm 2008, Bộ Phát triển Phụ nữ và Trẻ em của Ấn Độ mới bắt đầu cân nhắc xây dựng bộ luật quản lý hoạt động mang thai hộ. Tuy nhiên, bộ luật này bị trì hoãn mãi đến nay vẫn chưa xây dựng xong. Theo BS Anirruddha Malpani, Giám đốc BV Phụ sản Malpani, những lỗ hổng pháp lý này sẽ làm hại nhiều nhất đến những phụ nữ vùng thôn quê vì họ thiếu kiến thức. Những vụ kiện tại Ấn Độ xoay quanh vấn đề mang thai hộ có thể phải mất đến 10-12 năm để giải quyết. Thế nhưng quyền lợi chính đáng của các bên thỏa thuận dường như vẫn là một dấu chấm hỏi quá lớn đối với chính quyền, khi cơ quan chức năng không có bất kỳ một bộ luật hoàn thiện nào trong tay.

Chỉ được làm cha mẹ sau khi con chào đời

Tại nhiều quốc gia đã cho phép hoạt động mang thai hộ, vấn đề nhân thân của đứa trẻ được sinh ra cũng được nhà lập pháp nhiều nước đặc biệt quan tâm chú trọng. Việc mang thai hộ đã được Anh hợp pháp hóa từ năm 1985 với đạo luật về thỏa thuận mang thai hộ.

Tuy nhiên, pháp luật nước này không thừa nhận bất kỳ thỏa thuận nào khác giữa hai bên chi phối thai kỳ của người mang thai hộ về nhân thân của đứa bé vào thời điểm vừa mới sinh. Như vậy, mặc dù có thể đứa trẻ được thụ tinh nhân tạo mang huyết thống của một người hay cả hai vợ chồng nhờ mang thai hộ thì người “cho mượn bụng” vẫn được công nhận là mẹ của đứa trẻ cho đến khi nó ra đời. Cặp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ sẽ không thể khẳng định “vị thế” cha mẹ của mình đối với đứa bé cho đến khi hai bên hoàn thành các thủ tục “chuyển giao” quyền làm cha mẹ đối với đứa trẻ.

Sáu tuần sau khi đứa trẻ ra đời, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ sẽ nộp đơn xin Án lệnh Nuôi dạy con (Parental Order) để tòa án thông qua. Chỉ đến lúc này, cặp vợ chồng mới có đầy đủ các quyền làm cha mẹ đối với đứa trẻ được mang thai hộ. Người mang thai hộ cũng từ bỏ tất cả quyền làm mẹ đối với đứa trẻ. Tuy nhiên, luật pháp của Anh vẫn mở ra một cánh cửa để cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ giám sát khoảng thời gian sáu tuần ngắn ngủi sau khi sinh của đứa trẻ. Ngay khi đứa trẻ sinh ra, tên của người chồng sẽ được viết làm tên cha của đứa trẻ và người chồng cũng sẽ có các quyền tương đương với người mẹ “mang thai hộ” của đứa trẻ.

Dạy con từ thuở còn trong “bụng người khác”

Trong khi đó, tại bang California (Mỹ), cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ có thể nộp lên tòa án một giấy “Xin nuôi dạy con” trước khi đứa trẻ được sinh ra.

Giấy tờ này cũng bao gồm các chỉ dẫn gửi đến cơ sở y tế chịu trách nhiệm theo dõi và chăm sóc cho người mang thai hộ trong thời gian thai kỳ. Người nhờ mang thai hộ sẽ được trao quyền quyết định từ trước khi đứa trẻ được sinh ra. Đồng thời, giấy này cam kết tên cả hai vợ chồng đều sẽ được viết làm tên cha mẹ trên giấy khai sinh của đứa trẻ.

Năm 2002, Hy Lạp cũng đưa ra điều luật cho phép cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ được hưởng toàn bộ quyền được làm cha mẹ của đứa trẻ được sinh ra nhờ biện pháp này. Tuy nhiên, điều luật này chỉ có thể được áp dụng khi “người mẹ” sinh ra đứa trẻ chỉ đơn thuần là người “cho mượn bụng”, không có bất kỳ mối liên hệ gì về mặt di truyền đối với đứa trẻ được sinh ra.

Nhiều vụ án mang thai hộ vẫn khó giải quyết

Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề nhân thân của đứa trẻ sinh ra từ quá trình mang thai hộ. Các khúc mắc thường nằm ở thủ tục để người phụ nữ sinh ra đứa trẻ từ bỏ quyền làm mẹ của mình. Trong một số trường hợp thỏa thuận mang thai hộ, các thủ tục “chuyển giao” quyền nuôi dạy thậm chí phức tạp đến mức cặp vợ chồng không được xác nhận danh phận cha mẹ của mình đối với đứa trẻ trên giấy tờ khai sinh. Họ buộc phải nhận đứa trẻ làm con nuôi thay vì là con ruột của mình.

Ngành “du lịch mang thai hộ” của Ấn Độ

Hội đồng Nghiên cứu y tế của Ấn Độ ước tính ngành “du lịch thuê mang thai hộ” tại quốc gia này đáng giá hơn 450 triệu USD/năm và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng mạnh. Tổng giá trị ngành phụ sản của Ấn Độ lên đến 7,5 tỉ rupee. Trong đó, việc kinh doanh mang thai hộ đã chiếm gần 7% tổng giá trị, tương đương 540 triệu rupee. Hiệp hội Công nghiệp Ấn Độ (CII) ước tính, trong một năm Ấn Độ có thể thu đến 2,3 tỉ USD nhờ ngành “du lịch mang thai hộ”. CII cũng tiết lộ rằng đã có hơn 10.000 lượt khách du lịch đến nước này để tiếp cận các dịch vụ mang thai hộ, hơn 30% trong số đó là những người độc thân hoặc các cặp đồng tính ao ước có con.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm