Mẹ già và đàn con suốt ngày chỉ biết ‘cười’

Bà là Đỗ Thị Mười (ngụ ấp Phú Khương, Phú Túc, Châu Thành, Bến Tre). Hơn 50 năm nay, bà sống với sáu người con tàn tật về mặt tinh thần.

“Bay nói gì má không hiểu…”

Bà có tất cả chín người con nhưng chỉ có ba người khá tỉnh táo. Sáu người còn lại (năm trai và một gái) luôn nhìn bà bằng những ánh mắt vô hồn và cười suốt ngày.

Người con trai lớn (anh Hai) đã bước qua tuổi 50, suốt ngày nằm đung đưa trên võng, tay xoa bụng, miệng lẩm bẩm, câu chữ không rành rọt. Nắng trưa oi bức, khung cảnh hoang tàn của ngôi nhà càng trở nên ảm đạm. Người mẹ già ngồi vắt chân lên ghế cần mẫn trả lời những câu nói ú ớ của con.

Anh Tám lủi thủi đi xuống nhà bếp rồi mang ra cái xoong, hì hục cột vào thanh tre. Sau đó anh Chín, anh Mười cũng đi ra với dụng cụ như vậy. Bốn anh em đứng quanh bờ đê rồi thay nhau tát nước. Các anh cứ mải miết tát, có lúc dội ngược trở lại ướt hết người… Nhìn họ như những đứa trẻ đang chơi trò chơi, chỉ khác là những nụ cười luôn thường trực trên môi cứ vô hồn.

Rồi tất thảy các anh chạy vào nhà và tranh nhau nói với bà Mười, tiếng ú ớ của các con càng khoét sâu vào nỗi đau trong trái tim người làm mẹ. Buông thõng hai tay trên ghế, bà Mười cố sức nói to: “Bay nói cái gì má không hiểu…”. Bà quay lưng đi, anh mắt người mẹ già 80 tuổi tràn đầy xót xa.

Bà Mười kể thời chiến tranh, nhà bà bị đốt trong một đợt càn quét của giặc, mấy đứa con mắc kẹt trong nhà nhiều giờ liền. Bà và chồng nỗ lực để cứu nhưng do bị ngạt khói quá lâu, các con bà trở nên không bình thường. Người chồng qua đời cách đây hơn hai năm khiến tuổi già của bà càng đơn chiếc. Ba người còn lại có gia đình riêng ở xa, cũng chỉ lo nổi thân mình nên không giúp gì được cho bà.

Bà Mười (bên phải) cùng năm người con trong bữa cơm chiều, anh Hai không có mặt vì đi lang thang chưa về. Ảnh: THANH TUYỀN

Cô đơn trong thinh lặng…

Mòn mỏi trong ngôi nhà ba gian là hình ảnh người mẹ già với đôi mắt mờ đục, khuôn mặt đượm buồn với nụ cười hiền nhưng không tròn. “Tui ngày càng yếu nhưng bản thân tụi nó không tự chăm sóc được, không thể bỏ mặc tụi nó” - bà tâm sự. Ngồi kế bên, anh Mười nhại lại lời bà trong vô thức: “Ngày càng yếu. Ngày càng yếu…”.

Chiếc áo anh Hai mặc trên người đầu cổ tay áo đã lấm bẩn nhưng anh vẫn nhất quyết không cho thay. Bà phải bảo ban nhiều lần anh mới chịu. Thay áo xong, anh đưa tay với lấy chiếc khăn lau bàn để lau mặt, bà Mười phải dỗ dành mãi anh mới thả chiếc khăn ra.

Bữa cơm chiều bà phải gọi từng người xuống ăn. Anh Tám không ăn, bà phải dỗ dành rồi đi đơm cơm, gắp thức ăn cho anh. Anh Mười bảo cơm gì khô rang, thức ăn gì mà khó ăn, bà cũng chỉ cười xòa: “Ăn đi không lại đói”.

Xong bữa cơm, bà tranh thủ giăng mùng để tối đến các anh nằm ngủ. Sàn nhà với ba chiếc chiếu mỏng cùng vài chiếc gối. Bà hì hục giăng từng tấm mùng, canh đều các góc rồi sửa sang ngăn nắp. Xong đâu vào đó, bà mới dành cho mình chút thời gian ngồi nghỉ, uống tách trà đã nguội trong chiếc gáo dừa cũ mèm.

Cứ ngỡ đêm đến bà Mười sẽ ngon giấc sau ngày dài quần quật, nhưng không. “Có hôm đang nằm ngủ, thằng Hai mở mắt ra thấy trăng sáng quá, tưởng đâu trời đã sáng nên bật dậy rồi đi lui đi tới từ sân trước ra sân sau, nó bảo trời sáng rồi nên phải dậy” - anh Hải, sống kế nhà bà Mười, kể.

Không ít hôm các anh đi mà không về, mở mắt ra không thấy dép các con đâu, bà lại đốt đèn ngồi trông. Chờ mòn mỏi cho đến sáng, người về người không, bà lại lục đục đi chuẩn bị buổi sáng.

Con bệnh, bà chăm, đút từng muỗng cơm, lo đến từng cái trở mình trong đêm nhưng khi bà đổ bệnh lại không ai hay biết. “Có hôm tui bệnh mà chẳng đứa nào biết hết, mà biết rồi nó cũng có làm được gì, may mà có anh hàng xóm kế bên biết được liền gọi điện thoại cho đứa con ở ngoài thị trấn chạy vào. Tui sống đây cũng nhờ hàng xóm cả” - bà ngậm ngùi, ánh nhìn xa xăm.

Thường xuyên lui tới thăm hỏi, gần gũi với bà Mười, cô Sáu hàng xóm tâm sự: “Có hôm thằng Tám bảo đi chơi, không biết đi đâu mà ba ngày trời không về. Bả già rồi, ốm yếu vậy đâu đi tìm nó được. Suốt ba hôm bả không ngủ, cứ ngồi trên ghế nhìn ra trước nhà. Mấy chú hàng xóm lấy xe chạy đi tìm, tìm miết hai ngày mới ra. Nó đi lang thang rồi không biết đường về, cứ đi miết tới thị trấn Bình Đại mà không ăn uống gì”.

Túng quẫn đến cùng cực, năm người con trai nhưng không ai làm được gì, cái khúc quanh trong cuộc đời bà Mười chẳng biết khi nào mới kết thúc. Rồi lỡ một mai trái tim người mẹ già yên nghỉ, ai sẽ lo cho các con bà với tình thương và sự bao dung như bà đã từng…

Mẹ già và đàn con suốt ngày chỉ biết ‘cười’ ảnh 2

Tôi chưa từng thấy ai khổ như bà Mười. Chỉ riêng việc phải lo nấu ăn cho đàn con thôi cũng đã khổ rồi, tụi nó ăn liên tục nên cứ phải nấu nướng suốt ngày (ảnh). Thấy bà Mười đã già mà khổ vì con cái, xung quanh đây ai cũng thương. Nhưng vì ai cũng có gia đình nên chỉ tranh thủ lúc nào xong việc mới chạy qua trò chuyện, nói với bà dăm ba câu cho vui nhà vui cửa. Nhiều khi thấy bà ngồi buồn một mình, tui kêu mấy đứa nhỏ qua chơi và phụ giúp cho bà khuây khỏa.

Anh TRẦN VĂN HẢI, hàng xóm của bà Mười

Cả gia đình chỉ trông cậy vào bà Mười

Mẹ già và đàn con suốt ngày chỉ biết ‘cười’ ảnh 3
Dù không nhiễm chất độc da cam nhưng các con của bà Mười vô tình trở thành gánh nặng của bà. Từ ngày người chồng mất đi, nhà có vườn nhưng không ai làm, không kiếm đâu ra được nguồn thu nhập. Phía chính quyền xã cũng đã cố gắng vận động các mạnh thường quân đến tìm hiểu và giúp đỡ. Hằng tháng địa phương hỗ trợ thêm gạo, thức ăn và trợ cấp cho gia đình hơn 1 triệu đồng.

Hiện cả gia đình chỉ còn biết trông cậy vào bà Mười nhưng bà ngày càng già yếu. Địa phương cũng đã nghĩ đến phương án chăm lo đời sống cho các con của bà khi bà mất. Trước mắt, chúng tôi dự định sẽ đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội.

Ông NGUYỄN VĂN HỮU (ảnh), cán bộ phụ trách TB-LĐ&XH xã Phú Túc, huyện Châu Thành, Bến Tre

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm