Một làng có 3 cụ cây gần 300 năm tuổi

Theo hồ sơ khảo sát của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa (lưu giữ tại chùa Thiên Bửu) và qua những tài liệu lịch sử đã thu thập được cho thấy ngôi chùa Thiên Bửu, tọa lạc tại thôn Điềm Tịnh hiện có diện tích khoảng 4.000 m2, do cố Hòa thượng Tế Hiển, pháp danh Bửu Dương là người phát tâm xây dựng chùa vào những năm trước 1763 và được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2013. 

Bảo tháp và gốc cây gạo.

Điều đặc biệt là ngay trong khuôn viên chùa có cây me cổ được người dân trong vùng rất tự hào. Cây cao trên 20 m, khoảng sáu người ôm mới xuể, tán lá cây rất rộng, trái sai quanh năm. Cạnh chùa có miếu thờ và cây thị cổ được xác định trên 200 tuổi. Phía cạnh bảo tháp, cách ngôi chùa cổ Thiên Bửu chỉ 200 m (phía tây bắc) có cây gạo cổ, nằm trong khuôn viên đình làng Điềm Tịnh cùng tuổi đời với cây me trong khuôn viên chùa.

Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Ninh Phụng nơi đây ghi nhận trước và trong những năm 1930, chùa là nơi thanh niên trong vùng tập hợp để luyện võ nghệ, sinh hoạt văn hóa và tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước. Qua đó, góp phần quan trọng trong cuộc biểu tình giành chính quyền ngày 16-7-1930 của Đảng bộ và nhân dân Ninh Hòa... 

Theo Đại đức Thích Nhuận Đăng, trụ trì chùa Thiên Bửu và ông Nguyễn Bích (gần 70 tuổi), Trưởng ban Hộ tự nhà chùa, cho biết các cụ qua mấy chục đời lưu truyền lại, rất có thể khi tổ Bửu Dương khai sơn ra chùa đã có cây me, thậm chí do cây đã to nên ngài giữ lại. Nếu đúng vậy thì cây me sẽ có niên đại trước khi tổ dựng chùa.

Khi chúng tôi tìm gặp những người cao niên tại làng và gặp những người hiểu biết về tầm quan trọng của cây cổ thụ, họ đều bày tỏ quan điểm: Nên đề nghị công nhận những cây này là cây di sản quốc gia.

Tuy nhiên, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Tỉnh chưa có chủ trương đề nghị tách việc công nhận cây me tại chùa Thiên Bửu là cây di sản Việt Nam. Cùng với bề dày lịch sử mấy trăm năm của ngôi chùa, việc công nhận ngôi chùa Thiên Bửu là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, trong đó có cây me là một bộ phần cấu thành của di tích”.

Cây me, cây thị và cây gạo cổ có độ tuổi trên dưới 300 năm ấy đều gắn với văn hóa đình, mếu, chùa Thiên Bửu và đều tọa lạc tại thôn Điềm Tịnh. Tất cả công trình này đã được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật độc đáo cấp tỉnh. Qua đó, không chỉ là niềm tự hào, ra sức giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân địa phương mà các công trình, cây xanh cổ còn được pháp luật của Nhà nước bảo vệ.   

Một số hình ảnh về ba cây:

Toàn cảnh cây gạo.

Gốc cây me.

Toàn cảnh cây me.

Cây me và bia di tích.

Cây thị.

Gốc cây thị.

Toàn cảnh cây thị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm