Mỹ đang thách thức Trung Quốc ở biển Đông

Rạng sáng thứ Ba (27-10), tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Lassen của hải quân Mỹ đã di chuyển vào khu vực 12 hải lý của đảo nhân tạo do Trung Quốc (TQ) xây dựng trái phép tại đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Đây là lần thứ hai trong năm Washington tiến hành hoạt động giám sát tự do hàng hải tại biển Đông. Nhiều chuyên gia quan hệ quốc tế đánh giá Mỹ đang thách thức thứ mà TQ ngang ngược tuyên bố là chủ quyền của nước này tại biển Đông.

Mỹ đang thách thức Trung Quốc ở biển Đông ảnh 1 

Mỹ đang thách thức Trung Quốc ở biển Đông ảnh 2 

Mỹ đưa tàu khu trục USS Lassen vào khu vực 12 hải lý quanh đá Subi. Ảnh: VICTOR ROBERT LEE và DIGITAL GLOBE

Mỹ không công nhận tuyên bố chủ quyền của TQ

Việc tuần tra phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do TQ xây dựng có ý nghĩa rất quan trọng. Theo Điều 121 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, chỉ có các đảo tự nhiên có hoạt động của con người và hoạt động kinh tế mới được hưởng vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, nơi nước có chủ quyền có thể đưa ra quy định, kiểm soát việc sử dụng và sử dụng mọi tài nguyên. TQ đã và đang biến các thực thể vốn là bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo được trang bị sân bay, cơ sở hạ tầng lưỡng dụng (dân sự lẫn quân sự), không chỉ nhằm cô lập các quốc gia láng giềng mà còn cố tình diễn giải lại luật quốc tế theo màu sắc TQ để được hưởng vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ và gần nhất là thăm Anh đã liên tiếp tuyên bố các đảo trên quần đảo Trường Sa thuộc về chủ quyền của TQ từ thời xa xưa, ngay cả khi Washington bày tỏ sự phản đối hành động bồi đắp của Bắc Kinh tại biển Đông. Hơn hết, việc xây dựng trái phép ở biển Đông của TQ cho đến lúc này chưa khiến Bắc Kinh phải “trả giá” một cách đáng kể, nếu không muốn nói rằng TQ đang chiếm ưu thế về mặt thực địa.

Raul (Pete) Pedrozo, hiện công tác tại Bộ Quốc phòng Mỹ, trong một bài viết mới đăng hôm qua (27-10) trên trang East Asia Forum cho rằng dù TQ tuyên bố chủ quyền tại hầu hết thực thể ở biển Đông nhưng không được Mỹ, các quốc gia liên quan và luật pháp quốc tế công nhận. Điều này có nghĩa là TQ không có quyền tuyên bố vùng lãnh hải 12 hải lý quanh các đảo tôn tạo trái phép tại Trường Sa; và Mỹ hay bất kỳ nước nào cũng có thể thực thi quyền giám sát tự do hàng hải theo quy định của UNCLOS.

Hành động đưa chiến hạm USS Lassen tiếp cận, áp sát vào khu vực 12 hải lý quanh đá Subi, Vành Khăn lần này của Washington, đúng như các cây bút trên tờ qz.com bình luận, dù không nói ra nhưng cũng đã cho thấy Mỹ không hề tôn trọng hay công nhận các tuyên bố về chủ quyền tại biển Đông mà Bắc Kinh đưa ra.

Không tuần tra thì Mỹ sẽ chịu thiệt hại

Bên cạnh ý nghĩa phủ nhận các tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Bắc Kinh tại quần đảo Trường Sa ở biển Đông, việc tuần tra lần này còn giúp Mỹ tránh được những thiệt hại về quyền lợi trong thời gian tới, gồm cả uy tín của “các cuộc tuần tra tự do hàng hải” (gọi tắt là FONOPs) trong lịch sử Mỹ, thậm chí là khả năng di chuyển của nước này tại khu vực biển châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng hung hăng, quyết liệt và mở rộng không ngừng phạm vi ảnh hưởng bất chấp sự kiểm soát của UNCLOS hay bất kỳ quốc gia nào.

Trước hành động hung hăng của TQ, bình luận trên tờ Wall Street Journal hồi cuối tháng 8-2015 về chiến lược an ninh mới của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương do Lầu Năm Góc công bố, PGS Andrew S. Erickson, Viện Nghiên cứu các vấn đề biển TQ, ĐH Hải chiến Mỹ, nhận định thời gian qua Mỹ vẫn còn tỏ ra “mềm mỏng” khi sử dụng các từ ngữ không rõ ràng, nhận định “các bên đều có lỗi” trong khi chính tài liệu Lầu Năm Góc cho thấy dù là nước lớn nhưng TQ hành xử tiêu cực nhất so với các nước láng giềng.

Gần đây, khi việc bồi đắp đảo của Bắc Kinh nhanh và mạnh đến mức “không thể tưởng tượng”, Mỹ bắt đầu tái khẳng định các cam kết giám sát tự do hàng hải. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thời gian qua đã nhiều lần tuyên bố Washington sẽ bay, giám sát và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. “Chúng tôi sẽ làm điều đó tại các địa điểm, vào những thời điểm do chúng tôi quyết định và không có bất kỳ ngoại lệ nào, kể cả biển Đông” - Ashton Carter nhấn mạnh.

Luôn có những rủi ro liên quan đến quá trình tuần tra kiểm soát tự do hàng hải. Các chuyên gia nghiên cứu TQ tại Mỹ cho rằng có khả năng tàu chiến của Mỹ sẽ đụng độ với hải quân TQ trong quá trình tuần tra. 

Tuy nhiên, Raul (Pete) Pedrozo khẳng định với tất cả những gì đã diễn ra, cũng như việc bày tỏ thái độ của cả Mỹ và TQ trong thời gian qua, thất bại trong việc thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý các đảo nhân tạo do TQ xây dựng trái phép sẽ khiến cả uy tín và việc tự do di chuyển trên biển mang tính chiến lược của Washington tại châu Á-Thái Bình Dương chịu những thiệt hải không thể khắc phục. 

Nó không chỉ cho thấy sự yếu đuối của Chú Sam, đồng thời sẽ làm dấy những nghi ngờ từ phía các đối tác lẫn đồng minh của Mỹ về cam kết của Nhà Trắng đối với an ninh của khu vực, đặc biệt là sau sự kiện TQ chiếm giữ bãi cạn Scarborough từ Philippines năm 2012 và hàng loạt các động thái gây hấn, leo thang của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng tại khu vực suốt thời gian qua nhưng không vấp phải phản ứng đáng kể từ phía Mỹ. 

Mỹ không vi phạm “sử dụng vũ lực”

Đã có nhiều dự báo cho rằng khi Mỹ tiến hành tuần tra, giám sát khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do TQ xây dựng trái phép ở biển Đông, Bắc Kinh sẽ lấy cớ “Mỹ đe dọa vũ lực”, từ đó tiến hành các hoạt động vũ trang cho các đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng. 

Trong một bài xã luận trên trang East Asia Forum, Mark J. Valencia, học giả thỉnh giảng cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc gia về biển Đông, Hải Nam, đã “minh họa” cho lập luận này khi cho rằng “tuần tra của Mỹ ở biển Đông là rất thiếu khôn ngoan và nguy hiểm”. Vị này nhận định việc đưa tàu giám sát vào vùng biển của nước khác để chứng minh quyền tự do hàng hải cũng có thể được hiểu là một mối đe dọa sử dụng vũ lực, vi phạm các quy định của UNCLOS.

Raul (Pete) Pedrozo đã có bài phản biện cho rằng lập luận của Valencia là không chính xác. Theo Điều 17 của UNCLOS 1982 thì tất cả tàu thuyền (bao gồm cả tàu chiến) và phương tiện bay của tất cả quốc gia có biển hay không có biển đều có quyền đi qua không gây hại trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển. UNCLOS phân biệt rõ ràng giữa khái niệm “mối đe dọa hay sử dụng vũ lực” với các hoạt động có liên quan đến quân đội thông thường, vốn không hề vi phạm các quy định chống các hoạt động xâm lược vũ trang. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) xác định rõ rằng các hoạt động quân sự hòa bình và không tạo ra xâm lược vũ trang, gồm cả hoạt động thu thập tình báo, diễn tập quân sự đều không bị cấm đoán theo quy định UNCLOS.

Những ai đồng thuận với quan điểm giải quyết tranh chấp biển Đông dựa theo luật pháp quốc tế dường như đều cho rằng hành động lần này của Mỹ, chẳng những không vi phạm chủ quyền mà TQ đơn phương tuyên bố, cũng không vi phạm các quy định về sử dụng vũ lực trên biển. Trái lại cho thấy uy tín của hoạt động của các cuộc tuần tra tự do hàng hải mà Mỹ thực hiện trong nhiều năm trước đây - một thách thức trực tiếp và quan trọng đối với chuỗi hành động quyết liệt của Bắc Kinh suốt những năm qua.

Mỹ sẵn sàng chiến tranh bảo vệ tự do hàng hải

Mark J. Valencia cho rằng Mỹ đã đánh giá thấp sự sôi sục của chủ nghĩa dân tộc tại TQ và việc tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông có thể dẫn đến một cuộc chiến vũ trang ở khu vực. 

Tuy nhiên, Raul (Pete) Pedrozo không đồng tình và cho rằng là một cường quốc biển, an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ luôn phụ thuộc vào sự an toàn khi sử dụng các đại dương trên thế giới. Mỹ thường tiến hành chiến tranh nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng trên biển hay tự do hàng hải của nước này theo luật quốc tế. Có chăng là TQ đã không đánh giá đúng quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ quyền giám sát biển của cường quốc số một thế giới, khuyến khích tự do hàng hải cho tất cả quốc gia theo luật quốc tế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm