Mỹ nên bình thản tuần tra biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã gặp gỡ những người đồng cấp Úc là Julie Bishop và Marise Payne để thảo luận mở rộng hợp tác và tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc (TQ) xây dựng phi pháp ở Biển Đông. 

Trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM,bà Bonnie Glaser, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington, nhận định tuần tra trên biển là rất bình thường đối với Mỹ và nước này nên tiến hành mà không cần thông báo.

Mỹ không cần tuyên bố làm gì

. Phóng viên: Dù chưa công bố kế hoạch chi tiết nhưng giới quan sát đánh giá động thái tuần tra biển Đông của Mỹ sẽ làm leo thang căng thẳng tại điểm nóng biển Đông, đặc biệt là khi kế hoạch “cứng rắn” của Mỹ được đưa ra ngay sau chuyến thăm chính thức của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đến Mỹ. Bà nhận định như thế nào về kế hoạch lần này mà Mỹ đưa ra trước một TQ lấn lướt lâu nay?

+ Bà Bonnie Glaser (CSIS): Đến nay Mỹ vẫn chưa công bố nội dung bất kỳ một kế hoạch nào và tôi nghĩ Mỹ cũng không cần tuyên bố làm gì. Nước này đã tiến hành các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải trên phạm vi toàn thế giới trong suốt một thời gian dài. Yêu sách của TQ tại biển Đông là thiếu cơ sở, rất có vấn đề. 

Tôi nghĩ Mỹ nên đưa tàu vào phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể vốn là đá ngầm để kiểm tra xem liệu TQ có đang tuyên bố chủ quyền lãnh hải vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) hay không. Những cuộc tuần tra như vậy là rất bình thường và Mỹ hãy cứ im lặng tuần tra (mà không cần báo trước TQ - PV).

. Việc Mỹ (và các đồng minh) đưa tàu và trực thăng tuần tra vào các khu vực đảo nhân tạo của TQ có đồng nghĩa với việc Mỹ bắt đầu thể hiện quan điểm bác bỏ, không thừa nhận tuyên bố chủ quyền không dựa trên UNCLOS của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, rằng “TQ có chủ quyền đối với các đảo trên biển Đông từ thời xa xưa”?

+ Mỹ không có chủ quyền đối với tất cả đảo tại biển Đông. Việc tiến hành “các cuộc tuần tra tự do hàng hải” (gọi tắt là FONOPs) không cho thấy dấu hiệu của bất kỳ thay đổi nào về quan điểm trung lập của Mỹ trong việc xác định chủ quyền tại biển Đông. Các mối quan tâm của Mỹ vẫn giới hạn trong các vấn đề tự do hàng hải (gọi tắt là FON), luật pháp quốc tế và giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp tại khu vực biển Đông. Điều này là không thay đổi.

 
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Mỹ. Ảnh: ROF

Củng cố thực hiện các mục tiêu an ninh

. Bình luận trên tờ Wall Street Journal hồi cuối tháng 8-2015 về chiến lược an ninh mới của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương do Lầu Năm Góc công bố, PGS Andrew S. Erickson, Viện Nghiên cứu các vấn đề biển TQ, ĐH Hải chiến Mỹ, nhận định “chiến lược an ninh mới của Mỹ không thể đi đủ xa tại biển Đông”. Bà nhận định thế nào về chiến lược an ninh của Mỹ sau khi nước này tuyên bố tuần tra biển Đông? Liệu có phải Mỹ đang khắc phục các nhược điểm trước đây?

+ Tôi thấy Mỹ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong chiến lược hàng hải tại châu Á với nhiều mục tiêu khác nhau. Mỹ phải cố gắng thuyết phục TQ giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng bằng các biện pháp hòa bình, đồng thời phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, Mỹ phải tìm cách ngăn chặn TQ xây dựng sức mạnh quân sự (trái phép) ở biển Đông, đồng thời trấn an các quốc gia trong khu vực rằng Mỹ vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò đảm bảo an ninh cho khu vực. Việc tiến hành tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý quanh các đá ngầm trước đây (hiện nay đã bị TQ chiếm và xây đảo nhân tạo, cơ sở hạ tầng trái phép - PV) là một trong những hành động góp phần thực hiện được các mục tiêu của chiến lược an ninh tôi vừa nêu.

Nếu khôn ngoan, TQ sẽ không cản trở tuần tra

. Tờ Newsweek dẫn lời Eric X.Li, một nhà đầu tư TQ và cũng là một nhà khoa học chính trị, rằng “Mỹ muốn kiểm soát thế giới, còn TQ chỉ muốn ngăn cản Mỹ kiểm soát các nước láng giềng của TQ”. Bà có cho rằng TQ sẽ tiến hành các hoạt động phản pháo mạnh tay để phản ứng nếu Mỹ tuần tra biển Đông? Liệu hai bên có thể xảy ra xung đột hay không?

+ Tôi nghĩ nếu thật sự TQ không áp đặt chủ quyền đối với các vùng biển, ví dụ tại đá Vành Khăn và đá Subi thì TQ sẽ đủ khôn ngoan để không ngăn cấm hay cản trở các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ. Còn trái lại, nếu Bắc Kinh tiến hành gây cản trở thì điều đó cho thấy một điều rất rõ ràng rằng TQ đang cố tình áp đặt chủ quyền tại các vùng biển này và vi phạm UNCLOS. (Dù kịch bản nào diễn ra), tôi nghĩ rằng các nguy cơ để xảy ra xung đột là rất thấp.

. Một quan chức quân sự cấp cao TQ tuyên bố thẳng thừng rằng “có đến 209 thực thể vẫn chưa được bất kỳ nước nào cát cứ trên biển Đông và TQ có thể chiếm trọn vẹn các thực thể đó. Bắc Kinh có thể tiến hành trong vòng 18 tháng”. Khi Mỹ tiến hành gây áp lực với TQ tại biển Đông thông qua chiến lược an ninh mới, liệu các hoạt động cải tạo đảo trái phép của TQ vẫn sẽ tiếp tục diễn ra?

+ Mặc dù các quan chức quân đội TQ thường đưa ra các tuyên bố mang “khẩu khí của nước lớn” nhưng tôi nghi ngờ rằng TQ sẽ cố gắng tìm cách thâu tóm các hòn đảo bị nước này chiếm giữ thông qua các yêu sách khác nhau. Trong thời gian tới, tôi đoán rằng TQ sẽ tiếp tục hoàn tất toàn bộ các công trình hạ tầng theo kế hoạch trên bảy thực thể mà TQ chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa.

. Đối phó với một TQ không tuân thủ “luật chơi chung”, về dài hạn, các quốc gia nên có đối sách nào?

+ Các tuyên bố chủ quyền mơ hồ, thiếu cơ sở của TQ tại biển Đông chính là nguồn gốc cốt yếu gây bất ổn tại khu vực. Để kêu gọi TQ đưa ra các yêu sách chủ quyền hợp với quy định của UNCLOS, các bên còn lại liên quan tranh chấp biển Đông phải đảm bảo các yêu sách của họ cũng đúng quy định UNCLOS. Thế nên Việt Nam cũng nên cân nhắc, sẵn sàng đưa tranh chấp biển Đông ra tòa án quốc tế để giải quyết.

. Xin cám ơn bà.

 

Việt Nam nên làm gì?

Việt Nam nên tích cực theo sát tình hình và đưa ra các tuyên bố rõ ràng hơn về tầm quan trọng của một biển Đông hòa bình và ổn định. Việc Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho thấy vị thế của Việt Nam đã ngày càng gia tăng. 

Trên các diễn đàn song phương và đa phương, Việt Nam nên tích cực tận dụng “ngoại giao kênh hai” để kêu gọi sự ủng hộ và chia sẻ quan điểm hòa bình và cam kết các hành động theo luật quốc tế của Việt Nam trong vấn đề biển Đông. Việt Nam nên giữ thái độ bình tĩnh và thận trọng đối với tình hình biển Đông và nhất quán chính sách “ba không”.

Ba lựa chọn của Trung Quốc

Việc Mỹ tuyên bố đưa tàu và máy bay vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà TQ đang bồi đắp phi pháp hàm ý Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh chính sách “tái cân bằng” sang châu Á. 

Nếu Mỹ hiện thực hóa cam kết, Washington chứng minh vẫn đặt những ưu tiên chiến lược cao độ ở biển Đông, khẳng định tiềm lực và khả năng bảo vệ các đồng minh trong khu vực, đảm bảo quyết tâm thúc đẩy an ninh biển Đông. Nếu Mỹ tuần tra, TQ sẽ đứng trước ba lựa chọn cơ bản. 

Thứ nhất, TQ sẽ chấm dứt hoặc hạn chế phát triển các đảo nhân tạo. Trường hợp này là rất khó xảy ra vì đây là chỉ dấu cho một TQ đang ở “thế yếu”. Điều này dường như trái ngược với tính quyết đoán của ông Tập Cận Bình. 

Thứ hai, TQ sẽ điều tàu chiến đến bảo vệ các đảo nhân tạo, tăng nguy cơ phá vỡ cục diện tạm thời tại khu vực. Đây là lựa chọn khó khả thi vì tiềm lực của TQ vẫn chưa thể cân bằng với Mỹ. 

Nhiều khả năng TQ theo chọn lựa thứ ba, vẫn tiếp tục theo sát tình hình, phản đối trên các phương tiện truyền thông và các tuyên bố chính thức từ nhà nước.

PGS-TS TRẦN NAM TIẾN, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển Đông, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm