BỘ MẶT ĐÔ THỊ TRÊN CÁC CON ĐƯỜNG MỚI MỞ - BÀI CUỐI

Nên giao việc mở đường cho tư nhân

Thưa ông, ông nghĩ sao về ý tưởng bán đấu giá đất hai bên đường mới mở để vừa có tiền vừa tạo bộ mặt đẹp cho con đường?

+ TS KH-KTS Ngô Viết Nam Sơn: Đây là điều mà tôi thấy lấn cấn nhiều năm qua. Theo phương thức này khi làm đường Nhà nước bỏ tiền, sau khi bán đấu giá có tiền trang trải mà còn có lời, tức là vừa cải tạo hạ tầng đẹp, dùng kinh phí ban đầu để làm dự án chuyển đổi, theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”. TP.HCM có những con đường mới mở như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng… đều có cơ hội để làm mà người ta không làm.

Cơ chế phải trung ương đi xuống hoặc một TP muốn làm, người lãnh đạo phải rất mạnh dạn, cơ chế này đến nay vẫn chưa trở thành chính sách chung nhưng đây không phải chuyện xa vời.

Bên giao thông chỉ quan tâm chuyện giải tỏa để mở đường mà thôi

 . Theo ông, những lý do nào khiến ý tưởng này quá chậm để đi vào thực tiễn?

+ Đầu tiên là phải có tư duy đa ngành nhưng từ giáo dục đại học, sinh viên khi ra trường chỉ có tư duy đơn ngành. Họ học trường đại học nào chỉ biết trường đó, bộ nào cũng chỉ có trường đại học theo chuyên ngành đó. Trong khi ở nước ngoài nếu học giao thông vận tải là phải học tổng hợp nên khi ra trường, các giải pháp sẽ nhìn từ góc độ đa ngành.

Trong khi ở Việt Nam, đi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường vẫn mang nặng cách quản lý đơn ngành. Khi mở rộng giải tỏa đường, bên giao thông chỉ quan tâm điều duy nhất là giải tỏa để mở đường mà thôi. Không thể để một “ông” giao thông làm mà cần sự phối hợp cả kiến trúc, tài chính... do UBND đứng đầu. Ban đầu Nhà nước chỉ ứng vốn, còn quy hoạch chung do bên kiến trúc, Sở Xây dựng cấp phép, các bộ phận ráp nối với nhau… nhưng đến nay UBND hoặc Thành ủy vẫn chưa chính thức đứng ra lãnh trách nhiệm này.

Thứ hai, một người bạn của tôi - TS Huỳnh Thế Du đã làm một nghiên cứu xã hội thú vị, cho thấy tư duy của cán bộ nhà nước hiện nay để thăng tiến, để cấp trên đề bạt không cần sáng tạo mà chỉ cần không làm sai là được.

Nếu làm cái mới như trên, tuy ích nước lợi dân nhưng chỉ cần sai sót thì ảnh hưởng lớn đến thăng tiến. Điều này dẫn đến nếu có sáng kiến, làm lợi cho Nhà nước, cho dân thì không được gì nhưng chỉ cần có sự cố là rầy rà, nên họ chỉ tìm cách chắc ăn dù cách đấy không có lợi.

Đường Phạm Văn Đồng là một trong những con đường mới mở nhưng hai bên đường tạo ra nhiều nhà hộp quẹt, gây mất mỹ quan đô thị. Ảnh: HTD

Nếu giao cho tư nhân, Nhà nước không mất tiền mà đường lại đẹp...

 . Theo ông, cần phối hợp nhiều ban ngành, đơn vị với nhau nhưng thực tế cho thấy nhiều đơn vị hay giẫm chân lên nhau, hoặc trống đánh xuôi kèn thổi ngược, thiếu sự phối hợp đồng bộ, mạnh ai nấy làm, như chuyện đào đường với làm đường chẳng hạn…

 + Sẽ lý tưởng nếu các sở, ban ngành phối hợp nhau làm, còn nếu Nhà nước không làm được thì nên đấu giá cho tư nhân làm. Ở Việt Nam hay có tư duy việc mở đường phải là do Nhà nước, trong khi ở nước ngoài, như ở Mỹ chẳng hạn, chủ yếu tư nhân làm đường chứ nhà nước chỉ tạo cơ chế. Theo tôi, sắp tới nên đấu giá giao cho tư nhân cải tạo con đường và khu vực hai bên đường, đảm bảo Nhà nước không mất tiền mà được con đường rộng thoáng, người dân tại chỗ không thiệt mà có nơi ở khang trang hơn và nhà đầu tư sau khi trang trải các chi phí vẫn có mức lời cao hấp dẫn.

Nhà nước đưa ra giá ban đầu rồi đấu thầu, giao thầu cho tư nhân, kêu gọi đầu tư, ký quỹ, quản lý về mặt thời gian thực hiện. Nhà nước chỉ giúp chuyện giải tỏa hoặc đứng ra làm trọng tài vì ở Việt Nam tư nhân giải tỏa sẽ hơi khó. Việc giải tỏa phải phù hợp với giá thị trường thực tế, lấy trung bình của giá mua bán trong khu vực, không ép giá dân nhưng cũng không để một số cá nhân nâng ép giá vô lý.

GS ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT:

Có nhiều cách giải quyết việc mở đường...

Nên giao việc mở đường cho tư nhân ảnh 3

Một trong những kinh nghiệm của Đà Nẵng là thu hồi đất hai bên đường, đồng thời quy hoạch lại đẹp hơn. Tuy nhiên, có một số quan điểm khác như của Ngân hàng Thế giới (WB) không ủng hộ thu hồi đất hai bên đường. Họ đưa ra nguyên tắc người dân hai bên góp đất, nhà nước điều chỉnh thửa đất hai bên đường, đất có hẹp hơn nhưng vẫn đảm bảo địa thế đất. Đó cũng là phương án đảm bảo lợi ích của người dân không phải rời đi mà còn giảm ngân sách nhà nước làm con đường đó.

Cơ chế góp đất ở Việt Nam với Nghị định 01 vừa rồi cho các tỉnh áp dụng, đây là cơ chế mà các tổ chức quốc tế ủng hộ, vừa có Nhà nước vừa có đóng góp của người dân. Tôi cho rằng đây là một phương thức khả thi ở đô thị Việt Nam hiện nay.

Hiện nay ở quận 2, Thủ Đức, Phú Nhuận cũng động viên sự đóng góp đất của người dân nhưng lại chưa điều chỉnh lại đất đai dẫn đến người góp ít góp nhiều. Cần đồng thời quy hoạch lại hai bên đường, đất nhỏ quá phải bồi thường và tổ chức tái định cư.
Có thể thấy một phương án đưa ra không phải tất cả người dân đều đồng ý. Chúng ta cần phải có cơ chế, nếu đại đa số người dân đã đồng ý thì thiểu số phải theo. Điều này tương tự phương pháp tập trung dân chủ nhưng pháp luật lại chưa làm vậy để tách bạch ra, mà để cho Nhà nước can thiệp hoặc thị trường can thiệp.
Hiện cách TP.HCM vẫn động viên người dân cũng giống nông thôn mới nhưng có người góp người không, cơ chế này chưa hiệu quả.

Tôi mới biết TP.HCM có đề ra sáng kiến thu hồi đất sâu phía sau để cấp lại cho người có nhà mặt tiền bị giải tỏa, tức là đẩy mặt đường lùi lại về phía sau để mở đường mà người dân ở mặt tiền không mất đất, đường được mở mà quy hoạch lại mặt đường đẹp hơn. Tôi thấy đây cũng là một sáng kiến rất tốt.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM:

Người có đất thiệt hại đủ đường

Nên giao việc mở đường cho tư nhân ảnh 4

Mô hình mở rộng đường bán đấu giá đất hai bên không phải chuyện mới. Nhiều năm trước, khi còn ở Sở Nhà đất, chúng tôi đã làm phố chợ cải tạo đầu tiên cả nước từ cũ thành khang trang là chợ Bình Chánh, xây khu chợ to đẹp và bán phố chợ xung quanh để bù đắp cho kinh phí giải tỏa xây dựng, mô hình này đã rất thành công. Rồi Sở Nhà đất làm khu dân cư đầu tiên là Bàu Cát, vốn là ruộng trong đô thị…

TP cũng đã từng đấu giá đất dự án đầu tiên là dự án Saigon Pearl, đấu giá 800 tỉ đồng, tiếp theo đấu giá trường đua Phú Thọ được 660 tỉ đồng, rồi dự án Phú Long… việc bán đấu giá tạo ra sân chơi công bằng và bình đẳng. Các doanh nghiệp ước mơ được tham gia đấu giá, các khu đất vàng hiện nay đều chỉ định mà không đấu giá, như vậy không phù hợp với cơ chế thị trường.

30 năm trước chúng tôi đã sang một số nước phát triển nghiên cứu việc quy hoạch, khi nhà nước trưng thu, trưng dụng đất người dân rất hào hứng, họ còn mong đất của họ được giải tỏa vì khi giải tỏa họ được bồi thường thỏa đáng, còn cao hơn giá thị trường, ngoài ra họ được nhận tiền mặt và được ưu đãi về thuế…

Trong khi ở Việt Nam người có đất thiệt hại đủ đường, giá bồi thường chưa thỏa đáng mà trong một khu vực đất đai, dự án kinh doanh bồi thường cao, còn dự án công cộng, làm đường thì bồi thường rất thấp khiến người dân cảm thấy bị tước đoạt, bất công. Theo tôi, cần giao cho trung tâm phát triển quỹ đất lo giải phóng mặt bằng, họ sẽ bồi thường cả thửa đất giống nhau cùng một giá.

Cần phải giao cho anh này đủ tiền, đủ quyền, vận hành linh hoạt, có cơ chế kiểm tra, giám sát chống tham nhũng. Phải xem trung tâm phát triển quỹ đất là một đơn vị sự nghiệp có thu, quy chế vận hành như tư nhân. Phải có vốn ban đầu, với TP.HCM phải có ít nhất 5.000 tỉ đồng để khai thác quỹ đất ban đầu, sau đó theo quy hoạch, tùy việc đất xây trường học hay nhà cao tầng có giá trị khác nhau, những chênh lệch địa tô này rơi vào ngân sách nhà nước mà người dân lại không bị thiệt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm