Nepal chia rẽ, cứu trợ trì trệ

Theo tờ The Washington Post, hàng chục nhóm tình nguyện viên quốc tế cùng hàng hóa cứu trợ đang lâm vào bế tắc, mất phương hướng tại Nepal. Họ không thể tổ chức chăm sóc hiệu quả cho các nạn nhân sau thảm họa động đất do thiếu sự hỗ trợ và điều phối từ chính quyền nước sở tại.

Hàng viện trợ bị... tồn

Tờ India Times nêu hàng hóa viện trợ đang tồn ứ nhiều ở thủ đô Kathmandu. Chúng không được vận chuyển đến những vùng làng quê nằm gần khu vực tâm chấn. Những phản ứng của chính phủ Nepal trong việc viện trợ cho người dân đang bị lên án là quá chậm chạp.

Ông Padam Bhadur Chand, một quan chức y tế dịch tễ của Nepal, nhấn mạnh: “Nepal đang cần được cung cấp lều trại. Đây là vấn đề cấp thiết”. Thế nhưng theo ghi nhận của PV quốc tế, các kiện hàng lều trại lại chất đống ở sân bay quốc tế Kathmandu từ ngày 27-4 đến nay vẫn chưa được chuyển đi phân phát. Các binh sĩ Nepal tại sân bay cho biết không một ai tại sân bay biết chính xác khi nào các kiện hàng này được chuyển đi cứu trợ. Tương tự, các nhân viên cứu trợ cho biết còn nhiều máy bay chở hàng hóa viện trợ tại quốc gia của họ đang nằm ở sân bay New Delhi (Ấn Độ), chờ Nepal cấp phép để bay đến Kathmandu. Những máy bay đã hạ cánh rồi cũng phải chờ cấp phép mới được dỡ hàng. Đơn cử, một chuyến bay tiếp tế đến từ Trung Quốc đã hạ cánh từ ngày 27-4 nhưng phải đến ngày 29-4 mới được phép lấy hàng khỏi máy bay.

Lý giải tình trạng này, các quan chức tại sân bay nói họ không có đủ phương tiện chở hàng đi. Trong khi đó, một số nhân viên cứu trợ quốc tế than phiền các máy bay quân sự của Ấn Độ chiếm quá nhiều diện tích đường băng của sân bay Kathmandu.

Một phụ nữ ở làng Pipaltar rầu rĩ trước đống đổ nát của căn nhà. Ảnh: CẨM TÚ

Sau thảm họa, nhiều người dân Nepal phải sống tạm trong cảnh màn trời chiếu đất. Ảnh: CẨM TÚ

Người đến cứu trợ không biết cứu ai

Một số nhóm cứu trợ quốc tế không nhận được bất kỳ chỉ dẫn nào cho biết cần đến đâu và làm việc với ai. Một bác sĩ thuộc cơ quan cứu trợ quốc tế của Đức cho biết ông đã đến Nepal được hai ngày nay nhưng vẫn không được bất kỳ ai chỉ dẫn địa điểm hỗ trợ. Một số tình nguyện viên quốc tế khi bước chân đến Nepal cũng lâm vào tình cảnh cứu người nhưng không biết phải… cứu ai. Câu cửa miệng của quan chức chính phủ mỗi khi lực lượng cứu hộ gặng hỏi thông tin thường là: “Thông tin sẽ sớm được chia sẻ với các bạn”. Thế nhưng thông tin về nhu cầu cứu trợ thì liên tục bị nhiễu loạn. Chính phủ khẳng định Nepal đã có đủ nhân viên y tế, thiếu chủ yếu là thuốc men. Trái lại, truyền thông địa phương lại nói nhiều nơi gặp nạn không có bác sĩ.

Ian Norton, giám sát viên điều phối các hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nepal, khẳng định các nhân viên quốc tế đang phải “tự lực cánh sinh”. Khi không được cơ quan chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể, các nhóm bác sĩ và nhân viên cứu hộ người Mỹ đã chủ động lấy thông tin từ người dân địa phương và tự tổ chức hoạt động. Andrew Lustig, nhà sáng lập tổ chức Bác sĩ Tiếp cận Toàn cầu, cho biết: “Thông tin về các địa điểm tìm kiếm cứu hộ từ người dân địa phương tốt hơn nhiều so với thông tin từ các quan chức chính phủ”.

Chia rẽ chính trị giữa lúc dầu sôi lửa bỏng

Theo hãng tin India Times, một nhóm thương nhân tại thủ đô Kathmandu công khai thông báo đã thu thập được một lượng hàng hóa cứu trợ đáng kể. Nhưng họ không muốn giao cho chính quyền mà sẵn sàng đưa cho “những người thật sự có khả năng phân chia hàng hóa công bằng”. Bởi lẽ có nhiều người dân không có quan hệ với chính quyền và các chính trị gia không nhận được những sự giúp đỡ cần thiết. Trong khi đó, những người có quan hệ quyền lực lại giật dây lấy trước lương khô, nước đóng chai, thuốc men và lều bạt. Tờ The Guardian cho biết đã có hàng trăm người dân phẫn nộ vì chưa nhận hàng hóa cứu trợ. Họ xông vào các cơ quan chính phủ đập phá bàn ghế, thậm chí hôi của.

Ông Yubaraj Ghimire, biên tập viên tờ Annapurna Post của Nepal, cho biết: “Hiện vai trò của chính phủ gần như bằng không. Quân đội đang gánh toàn bộ việc điều phối nhưng lại không nhận được những chỉ dẫn từ chính phủ. Điều này cho thấy sự chia rẽ giữa các chính trị gia giữa lúc khủng hoảng và đau thương này”. Một quan chức trả lời phỏng vấn của hãng tin India Times: “Mỗi khi một quyết định quan trọng cần được đưa ra thì một ủy ban gồm bốn đảng phái chính trị lại được thành lập. Mỗi đảng phái lại chỉ ủng hộ phương án của mình và điều này chẳng mang lại ích lợi gì trong những tình huống như thế này”.

Trước đó, khi động đất chưa xảy ra, chính phủ liên minh đảng phái của Nepal phải đương đầu các mâu thuẫn giữa đảng phái, sắc tộc và các di sản chính trị sau 240 năm dưới chế độ quân chủ. Sau khi xảy ra động đất, Thủ tướng Nepal Sushil Koirala đã lên tiếng yêu cầu gác lại bất đồng và hợp tác đối phó thảm họa. Tiếp đó, trong bài tuyên bố toàn quốc ngày 28-4, ông Koirala khẳng định các cơ quan chính phủ đang được điều động tiến hành cứu hộ và hỗ trợ nhưng không đưa ra kế hoạch hay chính sách cụ thể nào cho việc cứu trợ và tái thiết. Ông nói: “Chính phủ sẽ học từ những yếu kém hiện nay và tiếp tục tìm cách đối phó với thảm họa. Tấn bi kịch lần này là bài học đắt giá về cách quản lý có tổ chức trước các thảm họa thiên nhiên”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm