Người câm điếc đi học luật

Sáng 16-8, như những cuối tuần thường lệ, tại Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) lại diễn ra lớp học luật của hơn 40 người câm điếc do Tổ chức cộng đồng điếc câm TP.HCM (DCOH) tổ chức.

Bà Phạm Cao Phương Thảo - Giám đốc kiêm cố vấn luật của DCOH là người đứng ra tổ chức lớp học. Con bà Thảo, anh Đoàn Phạm Khiêm - cũng là một người câm điếc đã vận dụng những kiến thức mình hiểu để truyền đạt lại cho những người câm điếc. Anh Khiêm đang say sưa ghi lại những điểm cần phải lưu ý trong luật lao động và luật dân sự trên bảng, phía dưới lớp có những tiếng ú ớ, những cánh tay giơ lên như muốn nói gì đó.

Lớp học không âm thanh

Với sự hỗ trợ phiên dịch của cô Phạm Cao Phương Thảo, tôi được nghe câu chuyện của anh Nguyễn Văn Thanh (30 tuổi, bị câm điếc bẩm sinh). Anh Thanh kể: “Trước khi tham gia vào Trung tâm DCOH, anh không có việc làm, thường đi trộm cắp để có tiền tiêu. Trong một lần người bạn của Thanh không mời Thanh đến dự sinh nhật, Thanh tức lắm, nghĩ mình bị phân biệt nên tìm hỏi cho rõ. Không nhận được câu trả lời, Thanh đã cầm viên gạch đập ba cái vào đầu bạn mình. Thanh không biết làm thế là phạm luật, là bị đi tù, Thanh thấy bị phân biệt đối xử nên tức thì đánh thôi”. Vừa ú ớ khẩu hình, vừa dùng tay để diễn đạt suy nghĩ của mình, anh Thanh xúc động đặt tay vào lồng ngực: “Ở trong tù, Thanh mới biết thời gian trước đây mình ngu quá, không biết đúng sai. Giờ được học luật nên hiểu ra nhiều chuyện, Thanh đi làm dọn dẹp quán ăn, phụ người ta rửa chén chứ không trộm cắp nữa”.

Lớp học mở ra nhằm hướng dẫn cho người câm điếc những kiến thức pháp luật cơ bản, những tình huống mà các bạn thường gặp hằng ngày. Lớp có từ 40 đến 45 người câm điếc từ nhiều tỉnh, thành khác nhau, đa số đều chỉ học đến lớp 1, 2, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Người mất cha, kẻ mất mẹ, có người bị bố mẹ bỏ rơi. Hiện tại họ đều đang đi làm thêm những việc tạm thời như phục vụ quán cà phê và quán ăn; một số người khéo tay thì làm handmade như móc khóa, lắc tay để bán…

Người câm điếc hào hứng tham gia lớp học về pháp luật. Ảnh: HOÀNG THƠ

Phạm tội vì không biết luật

Là người thường xuyên phiên dịch cho những tội phạm là người câm điếc, cô Trần Thị Ngời - Hiệu trưởng Trường Khuyết tật khiếm thính Hy Vọng 1 (quận 1) rưng rưng kể: “Cách đây vài tháng, khi tôi lên Tây Ninh dự một phiên xử, có ba người câm điếc cùng với sáu người biết nói giết chết một người, lúc đầu hỏi ba người câm điếc thì họ đều nói không biết mình làm vậy là sai trái, là vô đạo đức. Họ chỉ học tới lớp 4, lớp 5, vừa không có công ăn việc làm lại không hiểu biết về pháp luật. Khi tòa tuyên án, biết mức án phải ngồi tù, họ mới vỡ lẽ, vừa khóc vừa chắp tay cúi lạy cầu xin trước tòa”.

Bà Ngời cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng người câm điếc phạm tội là do họ ít học, trí não bị hạn chế, ít ngôn từ để diễn đạt và đặc biệt là thiếu hiểu biết về pháp luật. Người câm điếc không có ngôn ngữ nên họ rất khó khăn trong giao tiếp, nhận biết vấn đề.

Theo bà Ngời, cần phải tăng cường cung cấp những kiến thức pháp luật cho người câm điếc. Hiện tại Trường Khuyết tật khiếm thính Hy Vọng 1 sử dụng phương pháp đan xen giữa học luật vào kỹ năng sống và những câu chuyện pháp luật cụ thể từ báo chí. Thỉnh thoảng trường cũng đưa các em điếc câm đến dự những phiên tòa để rút ra những bài học cho bản thân. Hằng tuần đều có các chiến sĩ công an đến trường hỗ trợ giảng giải thêm về luật hình sự, dân sự.

Những vụ án đau lòng do người câm điếc gây ra

- Sáng 11-4-2013, TAND tỉnh Bình Thuận đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án giết người do ba bị cáo câm điếc bẩm sinh gây ra gồm Võ Kỷ, Vũ Anh Sang và Phạm Nhữ Chi. Theo cáo trạng, đầu năm 2012, Kỷ xảy ra mâu thuẫn với Lê Minh Trung và bị Trung dọa “cắt cổ”. Chiều 18-4-2012, khi uống cà phê với Sang và Chi, Kỷ nhắc lại chuyện đó rồi rủ Sang và Chi đi tìm Trung để trả thù.

Gặp Trung, Kỷ ra dấu hỏi Trung vì sao dám hăm “cắt cổ” mình, dù Trung ra hiệu để giải thích và xin lỗi hơn 30 phút nhưng vẫn không được chấp thuận. Sau đó Kỷ, Sang, Chi đã dùng dao đâm nhiều nhát, dùng côn đánh Trung đến chết.

HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Võ Kỷ, Vũ Anh Sang mức án 21 năm tù và 15 năm tù dành cho Phạm Nhữ Chi. Theo HĐXX, đây là mức án đã được giảm nhẹ bởi ba bị cáo đều là người khuyết tật bẩm sinh, khả năng nhận thức về pháp luật bị hạn chế, có nhân thân tốt.

- Ngày 11-9-2013, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên án Lê Huỳnh Vũ Kha bốn năm tù; Nguyễn Văn Tú, Phạm Quý Lâm và Mai Thy Dương mỗi người ba năm tù về tội cướp tài sản. Cả bốn bị cáo đều bị câm điếc bẩm sinh. Theo cáo trạng, ngày 12-11-2012, Kha, Tú, Lâm và Dương đến phòng trọ của Huỳnh Hữu Phước (cũng bị câm điếc bẩm sinh, tại phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, Bình Dương) đòi tiền phạt 3 triệu đồng vì Phước dám nói xấu Kha “có vợ rồi mà còn sex đứa này đứa kia”. Nhóm của Kha bàn bạc nếu đòi được tiền sẽ cùng nhau đi nhậu, còn không đòi được thì cùng đánh dằn mặt Phước. Khi đến nhà trọ, do Phước không có tiền nên Kha giảm số tiền phạt xuống còn 200.000 đồng nhưng Phước vẫn không đưa tiền. Bực mình, Kha dùng cục gạch men đánh vào đầu Phước gây thương tích (người bị hại từ chối giám định thương tật) rồi lên xe máy tẩu thoát.

Tại tòa, Kha nói rằng chỉ biết đánh cho bõ ghét và không biết như vậy là phạm luật.

l Ngày 26-3-2015, Lê Tuấn Anh (bị câm điếc bẩm sinh) đi trên đường thì gặp Bùi Thanh Trung (ngụ ấp 7, xã Phước Đông). Lúc này Trung đưa tay ra dấu rồi có cử chỉ chọc ghẹo Tuấn Anh. Dù muốn nhịn để đi tiếp nhưng Trung vẫn không buông tha mà lại đưa tay chỉ trỏ khiến Tuấn Anh bực tức dẫn đến xô xát. Ngay sau đó, Tuấn Anh rút dao giấu trong người ra đâm liên tục vào người Trung làm anh này bị thương nặng và chết trên đường đi cấp cứu.

_________________________________

Đa phần người câm điếc phạm tội đều có học vấn thấp và ít hiểu biết pháp luật, khó khăn trong giao tiếp. Tổ chức DCOH của cô Phạm Cao Phương Thảo và các trường dành cho người khuyết tật trên địa bàn TP.HCM mới chỉ mang tính chất hướng dẫn, chưa có chương trình dạy luật dân sự, hình sự rõ ràng. Tuy nhiên, điều này rất đáng khích lệ. Để mở được lớp dạy luật chính thức và bài bản thì cần phải có trường lớp hẳn hoi và người giảng dạy phải là cử nhân luật. Trong khi đó, chúng ta chưa có trường lớp riêng cho đối tượng này mà mới chỉ có khuyến khích người khuyết tật học luật.

Luật sư PHẠM VĨNH THÁI, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm