Người đàn ông 5 lần làm vua ở Hà Nam

Đọi Sơn là xã thuần nông thuộc huyện Duy Tiên (Hà Nam). Chính nơi đây, mùa xuân năm 987, vua Lê Đại Hành cùng bá quan văn võ trực tiếp lội ruộng đi cày, bất ngờ phát hiện một chiếc chum vàng và chum bạc nằm sâu dưới lòng đất. Sau này, thửa ruộng được vua đặt tên là Kim Ngân Điền (ruộng của vua).

Từ đó, hằng năm cứ mỗi dịp mùng 7 tháng Giêng, nhà vua lại xắn long bào cùng văn võ bá quan xuống đồng cày ruộng cầu cho dân chúng no ấm, hạnh phúc.

Lễ hội này được duy trì qua nhiều thế kỷ, nó bắt đầu lụi tàn khi vua Khải Định lên ngôi. Năm 2009, lễ hội Tịch Điền được khôi phục lại.

Sự kiện mở đầu bằng nghi thức nhà vua dắt trâu đi cày, thu hút rất đông người dân đến tham dự. Cụ Đinh Trọng Tế (85 tuổi, trú thôn Đọi Nhất) đã 5 lần được vinh dự đóng vua đi cày.

Một thời sát cánh cùng đồng đội

Cụ Tế sống trong ngôi nhà cấp bốn xập xệ, nằm ngay dưới chân núi Đọi, nơi đây từng in dấu chân vua Lê Đại Hành. Tuổi đã cao nhưng cụ Tế vẫn rất tinh anh, gương mặt hiền lành, phúc hậu.

Ngồi ôn lại quá khứ, cụ Tế cho biết cụ sinh ra trong một gia đình nghèo khó, tuổi thơ trải qua nhiều vất vả. Tròn hai mươi tuổi, chàng thanh niên Tế viết đơn xin nhập ngũ, hoạt động cách mạng tại địa phương.

Cụ Đinh Trọng Tế.
Cụ Đinh Trọng Tế.

Tháng 7/1952, cụ Tế bị giặc bắt, tra hỏi tung tích hồ sơ “bốt đệp”, nó là một cuốn tài liệu vẽ chi tiết hướng tấn công của cả hai phía.

“Chúng tôi thà chịu đòn tra tấn của kẻ thù, nhất định không để lộ thông tin mật vì bốt đệp là tài liệu cực kỳ quan trọng”, cụ Tế nói. Sau này, quyết không để cuốn tài liệu trên rơi vào tay giặc, đơn vị cụ Tế đã cử người âm thầm tiêu hủy.

Cụ Tế đăm chiêu, xã Đọi Sơn bị giặc chiếm đóng và càn quét trong 307 ngày. Hàng trăm dân thường vô tội bị giết hại, nhiều nhà cửa, ruộng vườn bị địch càn quét.

“Giặc dùng cớ sách thà giết nhầm còn hơn bỏ sót nên đã không ít người dân vô tội phải ngã xuống trước họng súng kẻ thù”, cụ Tế không khỏi xót xa khi nhắc lại một thời khói lửa.

Cụ Tế bị giặc đưa về giam ở một nhà tù thuộc tỉnh Nam Định trong 18 tháng. Chiến dịch biên giới 1950 thất bại, giặc Pháp buộc phải phóng thích tù nhân, cụ Tế được trả tự do.

Những năm tháng sau đó, cụ Tế tiếp tục tham gia phục vụ tại trận địa Điện Biên Phủ, sát cánh cùng đồng đội làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”.

Năm năm đóng giả vua đi cày

Kể từ năm 2009, lễ hội tịch điền được khôi phục. Từ đó đến nay, năm nào cụ Tế cũng đứng ra nhận trọng trách của cả làng: đóng giả vua đi cày.

Cụ Tế kể, đầu xuân 2009, bô lão trong làng họp bàn đã tìm ra người phù hợp đóng giả vua đi cày là cụ Ngụy Nguyên Chiều (82 tuổi). Trước ngày tổng duyệt, cụ Chiều đổ bệnh, 10 ngày sau cụ qua đời.

Cụ Tế (áo vàng, trái) đang đóng giả vua đi cày trong lễ hội Tịch Điền năm 2014.
Cụ Tế (áo vàng, trái) đang đóng giả vua đi cày trong lễ hội Tịch Điền năm 2014.

Để có người thay thế, cụ Tế đã tự ứng cử. “Ban đầu, nhiều người cười nhạt vì lo tôi không làm nổi. Con cháu ra sức khuyên từ bỏ ý định vì sợ đắc tội với bề trên”, cụ Tế nói. Vượt qua tất cả, cụ Tế đã xin lãnh đạo nhận trọng trách.

Vốn là người am hiểu sách thánh hiền, những nghi thức vua chúa thời xưa, cụ Tế nắm khá rõ. Tuy vậy, việc bắt chước động tác vua đi cày là một điều không hề dễ khiến cụ thức tập cả đêm, có hôm đang ngủ tay cụ vẫn giơ lên trời khiến cụ bà giật mình gọi dậy.

Ngày hội diễn ra, được khoác trên mình tấm long bào, đeo mặt nạ đóng giả vua, cụ Tế run run lo lắng. Sau một hồi lấy lại bình tĩnh, cụ bước chậm rãi song dứt khoát, một tay cầm roi, một tay giữ tay cày rồi thúc trâu cày thẳng tắp. Phía sau là đoàn người đi vãi hạt giống để cầu một năm mùa màng bội thu.

Sau màn đóng giả vua đi cày thành công, cụ Tế tiếp tục được ban tổ chức tin tưởng giao trọng trách đóng vua vào năm sau. Năm 2011, khi gần đến lễ hội thì cụ ngã bệnh rồi nằm liệt giường. Người được lựa chọn thay thế là cụ Phạm Lương Bì (74 tuổi). Điều lạ là mới tập dượt được vài ngày thì cụ Bì lại ngã bệnh rồi không thể tham gia. Gần đến ngày hội, cụ Tế tỉnh dậy quyết đóng vua đi cày bằng được.

Cụ Tế được lãnh đạo địa phương tặng nhiều bằng khen.
Cụ Tế được lãnh đạo địa phương tặng nhiều bằng khen.

Trải qua 5 lần khoác áo vua và tuổi đã cao, hàng ngày cụ vẫn đạp xe hàng chục cây số để rèn luyện sức khỏe. Con cái nhiều lần khuyên cha nghỉ ngơi tuổi già nhưng cụ nhất quyết không nghe.

Với những đóng góp to lớn, cụ Tế đã được UBND tỉnh Hà Nam trao tặng bằng khen. "Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến khi không còn sức lực nữa mới thôi", cụ Tế cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm