Người Sài Gòn tử tế - Bài 1: Những bữa chay ngon từ tay chú Kiếm

Gần sáu năm qua, anh Lê Hoàng Kiếm (quận 6) lặng lẽ chăm sóc các cụ già neo đơn, trẻ em mồ côi bằng những bữa ăn ngon anh tự nấu.

Cứ vào ngày thứ Sáu cuối tháng, các em nhỏ ở mái ấm Kim Chi, chùa Long Thạnh (Long An) lại trông ngóng chú Kiếm. Đến giờ ăn trưa, đứng xếp hàng chỉnh tề nhưng dường như các em không giấu nổi sự háo hức. Các em nhao nhao hỏi: “Chú Kiếm ơi, bữa nay chú nấu món gì?”.

Một mình một xe

Suốt sáu năm qua, dù có bận bịu cỡ nào, anh Lê Hoàng Kiếm (quận 6) cũng dành ra hai ngày trong tháng để nấu bữa ăn chay cho trẻ em và người già có hoàn cảnh đặc biệt. Anh nghĩ ra món ăn, vận động bạn bè gom góp tiền đi chợ, hoặc không có ai thì anh tự bỏ tiền túi. Anh vốn là người ít nói, chỉ lẳng lặng làm.

“Khởi nghiệp” từ chùa Lâm Quang (quận 8) đến các mái ấm ở Củ Chi, Hóc Môn đến nay, anh Kiếm thường nấu định kỳ tại mái ấm Kim Chi và chùa Bình An (Bình Tân). Ban đầu anh Kiếm cũng rủ được một nhóm bạn yêu thích công việc thiện nguyện đi theo phụ bếp cho anh. Nhưng càng về sau, mọi người “rơi rụng” nghỉ dần dần. “Một phần do lịch nấu ăn của anh rơi vào thứ Sáu nên mọi người bận đi làm. Một phần do đi xa nên mọi người không có sức chạy xe máy” - anh Kiếm giải thích.

Niềm vui của các cụ già chùa Lâm Quang khi được anh Kiếm chăm sóc bữa ăn ngon. Ảnh: TRÀ GIANG

Không có hội nhóm nào, anh Kiếm vẫn âm thầm một mình một xe máy chở lỉnh kỉnh nào rau củ quả, bún, gia vị chạy tuốt xuống Long An nấu ăn. “Đôi khi rủ được người theo phụ thì đỡ tất bật, còn không thì phải tranh thủ đi sớm một chút, riết rồi cũng quen” - anh nói. Do chỉ có một mình nên hiếm khi nào anh Kiếm dám nấu cơm. Bởi nấu cơm phải nấu rất nhiều món thức ăn kèm theo. Anh thường nấu những món chay nước như bún bò, bò kho, cà ri, hủ tíu, phở, bún giò… mới kịp thời gian phục vụ các thực khách đặc biệt.

Công việc hiện tại của anh Kiếm không liên quan đến nghề bếp. Anh là người kinh doanh tự do nhưng thích nấu ăn, thích làm việc thiện nguyện và ưa ăn ngon. “Tôi không có nhiều tiền, cho nên phải suy nghĩ ra cách nào với số tiền ít ỏi mà có thể giúp được nhiều người nhất. Với 1 triệu đồng, tôi chẳng thể mua món quà nào trị giá năm hay 10.000 đồng tặng vài trăm người nghèo khó. Sẵn có chút năng khiếu nấu ăn, mình chịu khó lăn vô bếp hy vọng đem lại một bữa ăn ngon như một món quà từ lòng thành của mình cho các em, các cụ” - anh Kiếm bộc bạch.

Đặt tình cảm vào từng món ăn

Có đi cùng, chứng kiến công việc nấu ăn của anh Kiếm mới thấy rõ anh có tâm với công việc này chừng nào. Buổi chiều hôm trước, anh đã lo đi chợ. Chìa ra một mảnh giấy chi chít gạch đầu dòng, anh nói: “Nhiều thứ li ti phải mua, coi vậy lỡ quên thứ gì thì coi như không ra món”. Rồi anh tỉ mỉ lựa từng củ cà rốt, từng bó rau, cọng ngò. Tôi tỏ vẻ sốt ruột khi thấy anh cứ nâng lên đặt xuống, săm soi từng món rau củ. Anh cười: “Kiên nhẫn xíu, nấu món chay mà, rau củ không tươi ngon là thất bại cái chắc”.

Nồi nước dùng, dù là món gì, anh Kiếm cũng hầm cả bó mía to và vài ký củ sắn cho ngọt nước. Các gia vị: hành tím, củ gừng đều được nướng, gọt lớp than. Hoa hồi, quế, hột ngò, thảo quả… được anh sao vàng trên chảo nhỏ lửa cho dậy mùi thơm nhẹ. Anh chuyên nghiệp tới mức chuẩn bị sẵn luôn túi vải thưa để bỏ những thứ gia vị trên vào, cột miệng túi rồi cho vào nồi nước dùng. Nêm xong gia vị, anh thử nếm, lại nêm, nếm thêm cả chục lần mới an tâm hoàn thành món phở cho các cụ già của chùa Lâm Quang.

“Chú Kiếm nấu món phở chay mà ngào ngạt mùi… phở lắm. Nước dùng thì ngọt đậm đà. Mà chú Kiếm biết ý tụi tôi lắm. Củ thì hầm mềm nhừ. Rau, hành, giá, ớt là chú để riêng, hỏi ý từng người, ai thích ăn, ăn bao nhiêu, chú mới cho vô tô bi nhiêu” - cụ bà Nguyễn Thị Hai, chùa Lâm Quang chấm điểm món phở của đầu bếp Kiếm.

Khi tôi hỏi bí quyết nấu ăn ngon, anh Kiếm nói giản dị: “Có gì đâu, nấu riết, mỗi ngày rút kinh nghiệm một xíu. Tôi tin ai cũng vậy thôi, cứ để tấm lòng của mình vào món ăn, cẩn thận, trân trọng thì chắc món ăn cũng không đến nỗi nào”.

 

Chú Kiếm nấu ăn rất ngon và nhiệt tình. Ngoài những buổi chú Kiếm tình nguyện lỉnh kỉnh chở nguyên vật liệu đến nấu ăn cho các cụ già neo đơn tại chùa, thỉnh thoảng nhà chùa còn nhờ chú nấu ăn để bố thí cho bá tánh các dịp rằm, mùng 1.

Sư côTHÍCH TÙNG TÍNH,trụ trì chùa Lâm Quang (quận 8)

Chùa Long Thạnh là nơi nương tựa của hơn 200 trẻ em cơ nhỡ. Mỗi lần chú Kiếm đến, các em rất mừng vì được hưởng một bữa ăn ngon hơn, lạ miệng hơn ngày thường. Điều kiện nuôi dạy của chùa còn nhiều thiếu thốn. Do đó, việc anh Kiếm đều đặn tháng nào cũng đến nấu một bữa ăn ngon cho các em là sự động viên lớn cho chùa và cho các em.

Thượng tọa THÍCH QUẢNG TÂM,trụ trì chùa Long Thạnh - mái ấm Kim Chi (Long An)

Hạnh phúc là cho đi

1 - 15 năm trước, xót xa trước hoàn cảnh không nơi nương tựa, già yếu của bà Đỗ Thị Thanh (sinh năm 1925) nên bà Phạm Thị Kiều Nga (ngụ 644 Trường Chinh, quận Tân Bình) đã đón bà Thanh về nuôi và phụng dưỡng cho đến khi bà mất vào năm 2013. Không những thế, năm năm qua, bà Nga còn nuôi dạy 12 trẻ mồ côi tại nhà và vận động người thân nuôi các em nhỏ khác. Tấm lòng tương thân tương ái của bà đã lay động nhiều bàn tay góp sức từ chính quyền, khu phố. Bà tâm niệm: “Còn sống là còn làm việc thiện, hạnh phúc là sự cho đi”.

2 - Chồng mất sớm, một mình bà Vương Thị Hồng Nhiệm (khu phố 2, phường Tam Bình, quận Thủ Đức) phải bươn chải vất vả để nuôi nấng sáu đứa con. Giờ đây, khi các con đã nên người và thành đạt, người phụ nữ tảo tần này lại chăm lo cho những mảnh đời kém may mắn, đặc biệt là những cụ già neo đơn. Bà thường xuyên quyên góp tặng gạo, thẻ bảo hiểm y tế, học bổng, hỗ trợ ăn ở miễn phí cho các em học sinh yên tâm thi đại học… Nhiều năm nay, người dân cũng khá quen thuộc với hình ảnh bà Nhiệm tới lui dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh thân thể, lo cơm nước cho bà Nguyễn Thị Đại, 90 tuổi, nằm liệt một chỗ ở khu phố. Bà tâm sự: “Chỉ mong có sức khỏe để giúp đỡ thêm được nhiều hoàn cảnh, khi làm được điều gì đó, tôi cảm thấy niềm vui như được nhân lên gấp bội”.

HOÀNG LAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm