Nhận trực tuyến hồ sơ dự tuyển công chức

Trong việc tuyển dụng công chức, chính phủ nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Ấn Độ hay gần hơn là Singapore… sử dụng hệ thống trực tuyến thông qua mạng Internet. Các nước này cũng thành lập hội đồng tuyển nhân sự độc lập nhằm tìm kiếm nguồn công chức chất lượng nhất.

Công bố thông tin tuyển dụng trên mạng

Hầu như các nước phát triển đều chú trọng xây dựng hệ thống quản lý hành chính bằng điện tử (chính phủ điện tử) nhằm tăng cường khả năng minh bạch thông tin. Việc tuyển dụng công chức nhà nước cũng không ngoại lệ.

Chẳng hạn, các nước công nghiệp như Hoa Kỳ, Canada, Úc hay Singapore đều có một trang web của chính phủ chuyên đăng tải các cơ hội nghề nghiệp ở các cơ quan nhà nước. Các website này được thiết kế bắt mắt, không kém gì những chuyên trang việc làm của các công ty tư nhân.

Ở Singapore, một sinh viên mới ra trường không quá khó khăn trong việc tìm kiếm các cơ hội việc làm tại các cơ quan nhà nước về các ngành luật, giáo dục, y tế, marketing, quản lý dự án công… tại trang web của Ủy ban Dịch vụ công Singapore. Nội dung đăng tải trên trang web việc làm công chức này có đầy đủ các mô tả công việc, những yêu cầu tối thiểu về đối tượng dự tuyển, bằng cấp, kinh nghiệm và những yêu cầu khác. Khi các ứng viên chọn được một vị trí phù hợp và quyết định nộp hồ sơ thì họ sẽ được website thông báo rõ ràng ngày, giờ thi công chức. Đồng thời, website cũng cung cấp các thông tin về quá trình thi, hình thức thi, cách thức và quá trình xét duyệt hồ sơ để các ứng viên tường tận.

 
Thông tin tuyển công chức được công bố rộng rãi, minh bạch trên Internet với đầy đủ yêu cầu, quyền lợi của công việc để toàn thể người dân biết và tham gia ứng tuyển. (Ảnh minh họa: batteries-company.co.uk)

Tương tự, tại Hoa Kỳ việc thi tuyển công chức cũng được công bố minh bạch và rộng rãi trên trang web chuyên về tuyển dụng công chức của Hoa Kỳ như những công việc bình thường của các ngành khác. Mỗi vị trí công chức đều có miêu tả công việc vô cùng rõ ràng, cũng như những yêu cầu đối với ứng cử viên.

Ví dụ, trang web tuyển công chức của chính phủ Hoa Kỳ công bố rõ “với vị trí kỹ sư xây dựng dân dụng thì sẽ có mức lương, các yêu cầu chung về sức khỏe, bằng cấp được liệt kê hết sức cụ thể…”. Quan trọng nhất là các cơ quan tuyển dụng không chú trọng đến bằng cấp tiến sĩ hay thạc sĩ mà yêu cầu tối thiểu là năm năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng dân dụng đối với ứng cử viên.

Canada cũng áp dụng hình thức công bố tuyển dụng công chức như các nước nêu trên. Đơn cử, tại bang Ontario nước này, trên trang web nghề nghiệp lĩnh vực công hay công chức, gần như 100% thông tin tuyển dụng đều được công khai với các yêu cầu kèm theo và không có chuyện gửi riêng đến một cá nhân, tổ chức nào. Thậm chí thông tin tuyển công chức còn được chuyển đến hộp thư điện tử riêng theo yêu cầu của các ứng cử viên và có sự hướng dẫn kỹ lưỡng về cách viết, nộp hồ sơ một cách tốt nhất. Sau vòng hồ sơ, ứng cử viên sẽ được tham gia vào quá trình đánh giá bao gồm các đánh giá kiểm tra chuyên môn và phỏng vấn. Bấy giờ ứng cử viên sẽ có cơ hội trình bày và thể hiện để thuyết phục với đơn vị tuyển dụng rằng họ là người tốt nhất cho công việc.

Nộp hồ sơ trực tuyến để không tiêu cực

Singapore, Mỹ, Canada hay nhiều quốc gia khác còn đặt ra yêu cầu tất cả ứng cử viên dự tuyển đều phải nộp hồ sơ qua hệ thống mạng Internet. Họ không cho phép các ứng cử viên nộp trực tiếp cho cơ quan tuyển dụng hoặc gặp riêng cá nhân nào và không có trường hợp ngoại lệ cho bất kỳ ai.

Ví dụ, tại Hoa Kỳ, các trường học công lập khi tuyển nhân viên ở bất kỳ vị trí nào đều công bố trên trang web nguồn nhân lực của trường. Các ứng cử viên truy cập vào nhận thông tin, rồi trực tiếp nộp hồ sơ qua mạng theo các yêu cầu của trang web (điền vào hồ sơ xin việc theo mẫu trên máy tính).

Canada cũng sử dụng phổ biến việc nộp hồ sơ trực tuyến và các ứng viên sẽ nhận được thư điện tử xác nhận đã hoàn tất quy trình nộp đơn trực tuyến. Cũng tại Canada, dù hồ sơ được chấp nhận hay không thì phía tuyển dụng công chức đều đưa ra những giải đáp minh bạch cho người dự tuyển.

Hệ thống nộp hồ sơ được giám sát bởi nhiều cơ quan chức năng có quyền hạn độc lập, thế nên sẽ khó có chuyện hồ sơ “đi tắt” hay không phải qua tuyển chọn. Các hồ sơ được hệ thống điện tử kiểm soát gắt gao, thông báo tín hiệu hợp lệ hoặc không hợp lệ đến nhiều cơ quan liên quan cùng một lúc nhằm đảm bảo tính hợp pháp của các ứng cử viên.

 
Việc tuyển chọn công chức diễn ra minh bạch do cơ quan chuyên trách độc lập về tuyển nhân sự kiểm tra và chọn lựa. (Ảnh minh họa: peachic.com)

Hội đồng tuyển chọn nhân lực độc lập

Tại Ấn Độ, việc tuyển chọn công chức cho một số doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề đặc thù, yêu cầu chất lượng cao được một hội đồng tuyển chọn trực thuộc chính phủ xét duyệt, đào tạo và đề cử. Nguyên nhân là trong các ngành này, việc chọn công chức vừa có năng lực chuyên môn vừa có khả năng quản lý là không dễ.

Cụ thể, mỗi ngành nghề trực thuộc chính phủ quản lý đều được hội đồng tuyển chọn nhân viên cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện việc tuyển dụng. Hội đồng này được chính phủ thành lập từ năm 1987, hoạt động độc lập với doanh nghiệp nhà nước (nơi nhận công chức làm việc). Nhân sự hội đồng do chính phủ trực tiếp bổ nhiệm để đảm bảo năng lực. Hội đồng sẽ chịu trách nhiệm về việc lựa chọn, đào tạo và sắp đặt các nhân viên trong các vị trí quan trọng như chủ tịch, giám đốc hoặc chủ tịch kiêm giám đốc điều hành, giám đốc chức năng cũng như ở các vị trí khác trong các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của chính phủ.

Không dừng ở đó, hội đồng này còn có trách nhiệm nghiên cứu và tham mưu những mô hình, cấu trúc nhân sự hợp lý cho những doanh nghiệp công. Từ đó lập chiến lược đào tạo, xây dựng quy tắc ứng xử, đạo đức cho nguồn công chức. Hội đồng còn hỗ trợ công tác giám sát, đánh giá hiệu suất làm việc của quan chức cấp cao, trên cơ sở đó tham mưu các vấn đề về quyền lợi, thời gian đảm nhiệm công việc hay nhiệm kỳ của công chức. Trong dài hạn, hội đồng xây dựng “ngân hàng” công chức để kịp thời điều chỉnh và thay thế những công chức làm việc không hiệu quả.

Nhờ có hội đồng tham gia vào việc xây dựng chiến lược nhân sự, đào tạo và tuyển chọn mà mỗi công chức đều nỗ lực là “người làm thuê cho nhà nước” với sự đóng góp bằng chuyên môn. Công chức cấp cao hay thấp luôn bị giám sát năng suất nên chất lượng đảm bảo. Công chức tuy có vị trí cao như giám đốc, chủ tịch nhưng quyền lực quyết định bổ nhiệm nhân viên phải do hội đồng đề xuất cho chính phủ quyết định. Ngược lại, nếu tuyển chọn nhân viên làm việc không hiệu quả, bị doanh nghiệp nhà nước phản hồi về chất lượng nhân sự được đề xuất kém thì hội đồng sẽ bị chính phủ xử lý theo quy định. Cơ chế độc lập và kiểm soát qua lại giữa người tuyển dụng và người sử dụng lao động hạn chế nguy cơ “chạy việc” hay hiện tượng lạm quyền của công chức cấp cao trong việc bổ nhiệm công chức cấp dưới.

ĐẠI THẮNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm