Nhật Bản có thể tuần tra trên biển Đông

Ngày 29-3, đạo luật trong đó cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) triển khai tác chiến ở nước ngoài chính thức có hiệu lực. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ II, Nhật Bản có khả năng thực hiện các hoạt động quân sự tại nước ngoài. Trước đó, JSDF chỉ chủ yếu tham gia vào các hoạt động nhân đạo.

Các nước láng giềng lo lắng

Đạo luật này được Quốc hội Nhật Bản thông qua vào tháng 9-2015. Việc thông qua đạo luật này là động thái nối dài các nỗ lực được một bộ phận giới quan sát cho là “tái quân sự hóa” của Nhật Bản. Trước đó, trong một thời gian dài, chính quyền Abe từ khi tái đắc cử đã nỗ lực diễn giải lại Điều 9 Hiến pháp nước này nhằm tạo tiền đề cho việc JSDF tham gia vào các hoạt động phòng vệ tập thể.

Kể từ khi được thông qua, đạo luật này đã nhận được các phản ứng khác nhau từ nhiều phía. Công luận Nhật Bản hầu hết phản đối động thái này, cho rằng đây là các bước tái vũ trang, gợi nhớ đến thời kỳ quân phiệt vốn đã đem lại nhiều mất mát cho đất nước, theo tờ Japan Today. Trung Quốc (TQ) là nước phản ứng tương đối gay gắt với khả năng mới của JSDF.

Trong một phát biểu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ, bà Hoa Xuân Oánh, bày tỏ quan điểm hoài nghi và quan ngại về các toan tính thật của Nhật Bản: “Cần thiết phải đặt câu hỏi liệu Nhật Bản sẽ từ bỏ hoàn toàn chính sách quốc phòng thiên hướng phòng thủ của mình hay không. Chúng tôi nghiêm túc kêu gọi Nhật Bản kiềm chế, không phá hoại chủ quyền và lợi ích an ninh của TQ, cũng như đe dọa hòa bình và ổn định khu vực” - theo trang tin The Guardian. Trong khi đó, Washington lại có thái độ hoàn toàn khác với Bắc Kinh. Mỹ tuyên bố hoan nghênh chuyển biến mới trong chính sách an ninh của Nhật Bản. Hầu hết các quốc gia trong khu vực cũng đón nhận thay đổi này một cách tích cực, trừ Hàn Quốc, Triều Tiên và TQ là những quốc gia láng giềng.

Chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang chủ trương mở rộng khả năng hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: AFP

Môi trường an ninh thay đổi

Phản ứng của hai cường quốc TQ và Mỹ trước các thay đổi trong chính sách an ninh của Nhật Bản cũng phần nào phản ánh bối cảnh an ninh hiện tại ở khu vực.

Sự trỗi dậy của TQ ở châu Á-Thái Bình Dương là một thực tế ngày càng rõ nét. Năm 2014, TQ công bố chi quốc phòng nước này đã tăng bốn lần trong thập niên qua (con số đưa ra là gần 132 tỉ USD thời điểm đó). Con số này lớn hơn mức chi của cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cộng lại, theo trang bình luận The Diplomat.

Các động thái của TQ ở biển Đông lẫn biển Hoa Đông đều cho thấy mức độ xác quyết tăng dần. Việc TQ tiến hành bồi đắp trái phép, ngang nhiên xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, triển khai hệ thống tên lửa trái phép ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đều là các động thái gây căng thẳng và đe dọa an ninh khu vực. Theo trang The Diplomat, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản năm 2015 gần như xem TQ là mối đe dọa an ninh chính khi gọi các hành động của TQ trên biển là “một chiều”, “cưỡng buộc”, “gây bất ổn” (1).

Trong khi đó, đáp lại sự trỗi dậy của TQ trong khu vực, Mỹ vẫn đang tiếp tục cụ thể hóa chiến lược tái cân bằng về châu Á-Thái Bình Dương. Một trong ba trụ cột lớn trong chiến lược tái cân bằng đòi hỏi Mỹ đẩy mạnh quan hệ với các đồng minh truyền thống trong khu vực. Không khó để lý giải phản ứng tích cực từ phía Mỹ trước các chuyển biến mới trong khả năng quốc phòng của Nhật Bản.

Theo Rupakjyoti Borah, nghiên cứu viên cộng tác tại Diễn đàn Nghiên cứu chiến lược Nhật Bản, nội hàm của đạo luật an ninh mới cho phép khả năng hỗ trợ cao hơn về nhiều mặt của JSDF với các hoạt động của quân đội Mỹ tại khu vực, đặc biệt là nhằm kiềm chế TQ. Nói cách khác, bản chất của đạo luật mới chính là nhằm củng cố và gia tăng năng lực cho mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ trong bối cảnh mới (2).

Trực thăng Nhật Bản tham gia tập trận đối phó hải tặc với tàu Philippines. Ảnh: AFP

Nhật Bản công bố tàu sân bay trực thăng mới Izumo. Ảnh: AFP

Kịch bản nào cho biển Đông?

Nhìn chung, khuôn khổ mới cho hợp tác an ninh Mỹ-Nhật được tạo đà bởi các chuyển biến thể chế trong lòng Nhật Bản có ý nghĩa tương đối quan trọng tới các diễn biến ở biển Đông. Paul J. Leaf, đang công tác tại Hội đồng Các vấn đề toàn cầu Chicago, chỉ ra chiến thuật TQ đang theo đuổi là cố ý tránh gây hấn ở mức cao để vô hiệu hóa phản ứng của Mỹ trong khi ngày càng gia tăng áp lực lên các nước nhỏ trong khu vực.

Trong bối cảnh đó, khả năng hoạt động được cải thiện của quân đội Nhật Bản có khả năng giúp sức cho các nỗ lực an ninh đơn phương lẫn tập thể trong khu vực. Mỹ có thể tập trung phản ứng các động thái gây hấn ở mức cao trong khi Nhật Bản sẽ bổ sung tiềm lực cho các nước nhỏ đối phó với các căng thẳng ở mức thấp, chẳng hạn như hỗ trợ khí tài, tàu thuyền cho các lực lượng chấp pháp biển, phục vụ công tác tuần tra hay giám sát của các quốc gia nhỏ. Bằng cách này, theo trang The Diplomat, Nhật Bản cùng các nước trong khu vực sẽ không cho Bắc Kinh cái cớ để “gia tăng phòng thủ” nhằm biện minh cho các động thái quân sự hóa.

Bản thân Nhật Bản cũng hoàn toàn có thể trực tiếp tham gia vào các hoạt động tuần tra phi quân sự này. Hiện tại, Mỹ là nước tiên phong trong các hoạt động tuần tra, thực hiện quyền tự do hàng hải tại biển Đông. Theo trang tin quốc phòng Mỹ Stripe, với dư địa được mở rộng trong khuôn khổ mới của hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật, Nhật Bản nên chủ động tham gia vào các hoạt động nói trên cùng với Mỹ và các quốc gia khác. Đây cũng là quan điểm của Tetsuo Kotani, học giả tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản về các vấn đề quốc tế. Ông cho rằng bên cạnh các động thái như cung cấp tàu tuần tra cho Philippines và Việt Nam trong thời gian gần đây, Nhật Bản cần trực tiếp tham gia tuần tra chung với Mỹ.

Hoạt động tuần tra tại biển Đông chủ yếu dựa trên lập luận về tự do hàng hải chứ không trực tiếp nhắm đến các tranh chấp đang tồn tại ở khu vực. Theo đó, Nhật Bản hoàn toàn có thể tham gia tuần tra với tư cách bảo vệ tự do hàng hải tại khu vực, nơi vốn được Tokyo xác định là lợi ích chiến lược.

Tất nhiên, để điều đó trở thành hiện thực, Nhật Bản còn cần vượt qua một số thách thức. Thách thức về mặt lập pháp quốc nội là rào cản đầu tiên khi việc thuyết phục hạ viện không đơn giản. Ngoài ra, Tokyo còn cần đạt thỏa thuận với Manila về việc tiếp cận các căn cứ quân sự Philippines nhằm phục vụ cho các hoạt động tuần tra. Bản thân năng lực để JSDF có thể duy trì một lịch tuần tra đủ thường xuyên cũng là dấu hỏi, theo Prashanth Parameswaran, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Tufts.

Không có cửa cho xung đột vũ trang

Công chúng Nhật Bản phản đối đạo luật này, chủ yếu vì e ngại Nhật Bản sẽ bị lôi kéo vào các cuộc đối đầu không cần thiết, hàm ý khả năng xảy ra một cuộc xung đột giữa Mỹ và TQ. Thực tế, một kịch bản như vậy trong hoàn cảnh hiện tại vẫn rất ít có khả năng xảy ra.

Theo tờ The Diplomat, ngay cả khi một cuộc đối đầu như vậy xảy ra, khả năng tham gia của JSDF vẫn còn nhiều giới hạn. Theo hai tác giả, dù khả năng tác chiến đã được mở rộng, các nhiệm vụ mới được cho phép của JSDF, đặc biệt là nhóm thuộc phạm trù quyền tự vệ tập thể, vẫn đòi hỏi sự thông qua của Hạ viện Nhật.

Quyền tự vệ tập thể, như nhiều lần được giới lãnh đạo Nhật Bản nhấn mạnh, sẽ được giới hạn chặt chẽ, chỉ nhằm đối phó với những trường hợp đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia. Ngay cả việc hỗ trợ quân đội Mỹ trong kịch bản khủng hoảng nổ ra ở bán đảo Triều Tiên cũng nhiều khả năng chỉ được giới hạn trong việc tiếp vận hậu cần. Kể cả vậy, quá trình thực hiện vẫn cần sự thông qua của Hạ viện Nhật với sự tham vấn của Mỹ và Hàn Quốc.

____________________

(1)http://thediplomat.com/2015/07/surprise-japan-sees-china-as-its-main-national-security-threat/

(2)http://thediplomat.com/2015/09/japans-controversial-security-bills-pass-in-the-upper-house-now-what/

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm