Những bàn tay đánh thức nhịp đập trái tim

Hàng chục tiếng đồng hồ đứng mổ, cộng lại với hàng ngàn ca mổ, tính ra cuộc đời của những bác sĩ mổ, thời gian đứng trong phòng mổ chính là “cuộc sống” ngoài đời. Và niềm hạnh phúc lớn lao mà người bác sĩ nhận được không phải tiền bạc. Đó là cái ôm hôn của em bé vừa được chữa khỏi, là món quà ý nghĩa và xúc động nhất của người thầy thuốc.

10 năm với 3.000 ca phẫu thuật tim trẻ em

Hoạt động mổ tim nhi trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam luôn phải bù lỗ. Thế nhưng BV ĐH Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) suốt 10 năm qua đã mổ tim miễn phí cho hơn 3.000 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh. Đó chỉ có thể gọi là hành trình của trái tim đến trái tim. Hành trình của những đôi bàn tay vàng đánh thức nhịp đập của trái tim.

Theo TS-BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch BV ĐHYD, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD: “Nghề y cần sự đam mê nhưng với nghề mổ tim thì cần nhiều điều hơn nữa. Niềm hạnh phúc của những bác sĩ mổ tim hơi đặc biệt hơn vì chúng tôi chứng kiến sự khỏe mạnh hoàn toàn của bệnh nhân. Chúng tôi được chứng kiến những em bé lớn lên, khỏe mạnh, lập gia đình, sinh con đẻ cái với một cuộc đời thực sự khỏe mạnh”.

Đây không phải là chương trình mổ tim theo chiến dịch mà công việc mổ tim từ thiện đã trở thành hoạt động thường xuyên nhiều năm. “Hằng tháng chúng tôi đi đến các vùng sâu vùng xa, sau đó lên danh sách. Các cháu bệnh nặng cần phải mổ sớm, bé nào nhẹ hơn thì có phác đồ điều trị sau. Dựa trên danh sách đó chúng tôi gặp gỡ các nhà tài trợ và tìm kinh phí mổ cho các cháu. Còn nhớ vào năm ngoái chúng tôi gặp cháu bé sáu tháng tuổi với bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi toàn phần có tắc nghẽn tại BV tỉnh Đắk Lắk. Ngay sau đó bé được đưa về BV ĐHYD kịp thời mổ cấp cứu thành công. Người làm trong ngành phẫu thuật tim có được hạnh phúc đặc biệt so với những ngành khác, đó là phẫu thuật đưa bệnh nhân ra khỏi chỗ chết và cho họ một cuộc sống hoàn toàn mới. Đó là phần thưởng lớn nhất” - BS Định nói.

Ca mổ điều trị phình động mạch chủ ở bệnh nhân 84 tuổi bằng kỹ thuật mới. Ba ngày sau bệnh nhân xuất viện.

Mỗi ca mổ tim có thể lên tới 500-800 triệu đồng

Hằng tháng các bác sĩ phải đi khắp các vùng miền, phối hợp với huyện/quận/tỉnh thăm khám cho các trẻ em để phát hiện sớm bệnh tim. Công việc ấy không chỉ cần thời gian, tâm sức mà tốn kém chi phí rất nhiều. Với hàng ngàn ca mổ tim bẩm sinh miễn phí, chi phí lên tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng ở đâu ra?

BS Định cho biết dù rất tốn kém nhưng tại Việt Nam nguồn nhân lực liên quan đến lĩnh vực tim mạch còn quan trọng hơn chuyện tiền bạc. Phẫu thuật tim nhi rất phức tạp và cần các chuyên gia được đào tạo rất bài bản. Bởi vì trong các ca giải phẫu, ngoài phẫu thuật viên thì còn cần đến bác sĩ tim mạch nhi, bác sĩ gây mê hồi sức chuyên cho nhi, bác sĩ can thiệp tim mạch nhi, kỹ thuật viên phòng mổ, điều dưỡng hồi sức… Công việc cần phải kết hợp rất nhiều chuyên khoa và các bác sĩ khác nhau. Phải giải được bài toán nhân sự rồi sau đó mới bàn đến vấn đề như đầu tư cho trang thiết bị đắt tiền: phòng mổ, phòng hồi sức sau mổ tim chuyên biệt cho mổ tim nhi cần rất nhiều trang thiết bị, máy móc rất hiện đại và đắt tiền so với các chuyên khoa khác. Các vật tư y tế sử dụng trong ca mổ cũng rất chuyên biệt và có giá rất cao. “Tất cả khó khăn đó chúng tôi đã làm được với sự chung tay của cộng đồng” - BS Định tâm sự.

Hiện nay Nhà nước có chính sách chi trả 100% BHYT cho mổ tim đối với trẻ dưới sáu tuổi. Tuy nhiên, trong chi phí có những dịch vụ không có trong danh mục BHYT nên gia đình vẫn cần phải chi trả phần phát sinh, có khi 20-40 triệu đồng mỗi ca. Có những trường hợp phức tạp chi phí có thể lên 500-800 triệu đồng/ca. Phần phát sinh này sẽ được các tổ chức từ thiện giúp đỡ.

8 tiếng đồng hồ với trái tim của em bé nằm ngoài lồng ngực

Mỗi ca mổ tim thường kéo dài 8-10 tiếng và có thể lâu hơn nữa. Theo BS Định, chẳng có ca nào giống ca nào, cảm xúc đều khác nhau nhưng yêu cầu cả êkíp mổ đều chỉ có một sự tập trung cao độ, chính xác và niềm tin vào sự thành công nhất. “Một trong những ca mổ nhi khó khăn và kéo dài nhất chúng tôi thực hiện với êkíp chuyên gia nước ngoài vài năm trước. Đó là em bé có trái tim nằm ngoài lồng ngực. Ca mổ kéo dài hơn tám tiếng, hồi hộp, căng thẳng và đầy xúc cảm. Sau đó niềm hạnh phúc cũng như vỡ òa khi em bé hồi phục rất nhanh” - BS Định tâm sự.

Nhưng đó là ca mổ với trẻ em, có các trường hợp bệnh nhân là người lớn, bệnh lý động mạch chủ cần phẫu thuật cấp cứu thường nặng nề, vất vả nhất, phẫu thuật kéo dài có thể 12-13 tiếng đồng hồ. Phẫu thuật viên phải đứng mổ và tập trung căng thẳng suốt thời gian đó. BS Định kể: “Một ca mổ cũng rất đáng ghi nhớ là một bệnh nhân người Mỹ, đang trên đường ra sân bay về nước đón Tết thì bị bất tỉnh do bóc tách động mạch chủ. Bệnh nhân đã có tiền căn mổ tim trước đó, cả cơ thể và lồng ngực biến dạng do bệnh lý bẩm sinh. Sau khi được chuyển về khoa của chúng tôi, ca mổ diễn ra xuyên đêm qua giao thừa cho tới sáng. Sau đó là những ngày liên tục điều trị, phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân”.

Trong hàng trăm, hàng ngàn ca mổ đã trải qua, BS Định nói rằng ca mổ kéo dài nhất tới… hai năm. Đó là trường hợp của một bệnh nhi người Gia Lai, bệnh tim bẩm sinh rất nặng tưởng không thể qua khỏi. Em là Cao Hùng Vỹ, chỉ mới tám tuổi, bệnh nặng, gia đình quá nghèo, không có cả tiền để đi xe đến bệnh viện mà hai mẹ con phải dắt bộ đến xin điều trị. Họ đi nhiều nơi nhưng đều bị từ chối vì nhiều lý do, trong đó có yếu tố… bệnh không thể qua khỏi.

“Lúc ấy Quỹ VinaCapital Foundation tài trợ miễn phí. Khi hai mẹ con tới gặp tôi và tôi cảm thấy rất đau lòng. Không cần nghĩ gì hơn ngoài việc phải làm hết sức để cứu em bé này. Và tôi và cả các bác sĩ đã tiến hành lên phác đồ điều trị để bắt tay vào ngay và mổ” - BS Định nói.

Cuối cùng, sau ba cuộc mổ cách nhau đến hai năm, cậu đã vượt qua bệnh tật và đã có gia đình với hai cháu bé rất kháu khỉnh. Đây cũng là nhân vật mà nghệ sĩ Ngô Thanh Vân… đã làm dự án “vết sẹo cuộc đời” sau này, BS Định cho biết.

Bắt đầu trễ nhưng là hành trình của cuộc đời

Bắt tay vào mổ tim ở năm 32 tuổi. Nhưng bù lại trước đó BS Định làm chuyên ngành phẫu thuật tổng quát và gan mật tại BV ĐHYD. Vào những năm 2002, chuyên ngành này còn rất mới mẻ ở Việt Nam, xã hội còn thiếu nhiều phẫu thuật viên tim mạch và các bệnh nhân bệnh tim người lớn và trẻ em cần phải mổ có rất nhiều. Đó là lý do khi đang làm bác sĩ nội trú bộ môn ngoại tổng quát ĐHYD TP.HCM năm 1998-1999, anh lại lên đường sang Pháp làm thực tập sinh ghép tạng, gan mật tụy BV Hautepierre, Cộng hòa Pháp. Và ba năm sau anh lại cắp sách tiếp tục sang BV Bichat, Paris, Cộng hòa Pháp làm thực tập sinh phẫu thuật tim mạch từ năm 2002 đến 2004.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm