Những cây bút cổ thụ của báo chí Việt Nam đầu thế kỷ 20

Kể từ ngày báo Thanh Niên (21/6/1925) ra đời số báo đầu tiên, báo chí Việt Nam đã trải qua 89 năm xây dựng và phát triển. Trong suốt quá trình ấy, báo chí luôn là cánh tay đắc lực giúp Đảng và Nhà nước dẫn dắt toàn dân tộc đi tới thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. 
Trong đó, chúng ta không thể không kể tới sự đóng góp to lớn của những cây bút gạo cội trong làng  cách mạng dân tộc. Nhân 89 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, hãy cùng ngược dòng thời gian để hiểu hơn về cuộc đời những huyền thoại của báo chí dân tộc nước nhà.
 1. Nhà báo Nguyễn Ái Quốc - người đặt nền móng cho báo chí cách mạng 
Đối với nhà báo Nguyễn Ái Quốc (1890 - 1969), báo chí là công cụ sắc bén để bảo vệ chính nghĩa, đấu tranh để giành độc lập cho dân tộc, đất nước… 
Vì vậy, ngay từ khi còn trẻ, Nguyễn Ái Quốc đã ý thức trong việc sử dụng ngòi bút để đấu tranh chống thực dân Pháp, trở thành người đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam.
Chân dung của nhà báo Nguyễn Ái Quốc khi còn bôn ba ở nước ngoài.
Bài báo đầu tiên Nguyễn Ái Quốc viết là trên đất Pháp, đăng trên tờ L’Humanité (Báo Nhân Đạo) có tên “Yêu sách của nhân dân Việt Nam”. 
Bài viết này được gửi tới các nguyên thủ quốc gia dự hội nghị Versailles năm 1919 với nội dung tố cáo tội ác “khai hóa văn minh” ở thực dân Pháp và đòi lại quyền lợi của nhân dân An Nam. 
 
Bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.
Sau bài báo gây tiếng vang lớn, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục viết rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Dưới sự dìu dắt của người thầy là chủ bút tờ Đời sống Công nhân Gaston Monmousseau, kỹ năng viết báo của Nguyễn Ái Quốc ngày càng được nâng cao. 
Năm 1922, Người sáng lập và trở thành chủ bút kiêm phóng viên, biên tập viên của tờ Le Paria (Người cùng khổ) ngay trên đất Pháp. Ba năm sau, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam - báo Thanh Niên ra đời và Người là chủ bút. 
Tờ "Người cùng khổ" - tờ báo Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập năm 1922.
Những cây bút cổ thụ của báo chí Việt Nam đầu thế kỷ 20 ảnh 4
Tờ "Thanh Niên" - tờ báo cách mạng đầu tiên ở Việt Nam.
Dưới sự điều hành của Người, tờ Thanh Niên xuất bản được 88 số, hoàn thành mục tiêu tuyên truyền cách mạng cho chiến sĩ yêu nước ở Việt Nam khi ấy. 
2. Nhà báo Huỳnh Thúc Kháng viết hàng nghìn bài báo đấu tranh chống thực dân Pháp
 Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) là một chiến sĩ yêu nước sinh ra và lớn lên tại quê hương Quảng Nam. Cả cuộc đời cụ gắn liền với những hoạt động cách mạng chống thực dân Pháp, trong đó giai đoạn đấu tranh mạnh mẽ nhất cũng là lúc cụ làm chủ bút tờ báo Tiếng Dân (từ năm 1927). 
 
Tên tuổi của cụ Huỳnh Thúc Kháng gắn liên với tờ báo Tiếng Dân.
Duyên cớ tới với nghề báo của cụ Huỳnh Thúc Kháng khá lận đận. Sau 13 năm bị giam trong nhà tù Côn Đảo, năm 1919, Huỳnh Thúc Kháng được trả tự do và trở thành Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tuy nhiên, sau khi chống lại Khâm sứ Pháp, cụ từ chức và khi đó mới bắt đầu viết báo, lúc 51 tuổi. 
 Ngày 10/08/1927, số báo đầu tiên của tờ Tiếng Dân do cụ làm chủ biên xuất bản số đầu tiên tại Huế. Ngay trong số báo ấy, cụ đã tuyên bố: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”.
 
Sau 16 năm hoạt động, báo Tiếng Dân đã phát hành được hàng nghìn số.
Theo nhiều tài liệu, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã viết hàng nghìn bài trong vòng 16 năm và sở trường của cụ là viết tạp bút. Dưới sự lãnh đạo của cụ, tờ Tiếng Dân đã xuất bản được 1.766 số bằng chữ Quốc ngữ, góp phần vào công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp ở Trung Kỳ.
3. Nhà báo Hữu Thọ - cãi để tìm ra chân lý, để thức tỉnh, để xây dựng
 Nhà báo Hữu Thọ sinh ngày 08/01/1932 từng là một học sinh của trường Bưởi (trường THPT Chu Văn An ngày nay). Duyên cớ đến với làng báo của ông rất đặc biệt. 
Khi ngoài 20 tuổi, ông nhận được cùng lúc hai quyết định nghề nghiệp, một là về làm Bí thư Huyện ủy, hai là về làm việc ở báo Nhân dân. Thấy ông theo nghề báo, một người bạn vong niên đã gọi ông đến mắng: "Cái thằng, có ghế ngồi không yên…”. Thế nhưng ông vẫn quyết định chọn con đường làm nghề báo bởi thích đi, thích mở tầm nhìn. 
 
Ảnh chụp nhà báo Hữu Thọ (thứ hai từ bên trái) khi ông còn khỏe.
Nhà báo Hữu Thọ là cây bút chính luận xuất sắc của làng báo nước nhà, rất giàu tính chiến đấu nhưng luôn giữ được phong cách điềm tĩnh, mềm mỏng tới lịch thiệp. 
Về sau, khi gắn bó với nghề thì mới chớm yêu nghề báo. Bút danh của ông là Hữu Thọ, Nhân Nghĩa, Nhân Chính… Ông tham gia kháng chiến từ 19/12/1946, làm báo chuyên nghiệp từ tháng 8/1957. 
Dù tuổi đã rất cao nhưng nhà báo vẫn luôn có những đóng góp cho làng báo chí nước nhà.
Bạn đồng nghiệp thường gọi ông là NGƯỜI HAY CÃI (từ tên cuốn sách tiểu phẩm đầu tiên của ông xuất bản 1991), đồng thời như tính cách ngoài đời và phong cách báo chí của ông: cãi để tìm ra chân lý, để thức tỉnh, để xây dựng.

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 là ngày kỉ niệm ra đời của báo “Thanh niên” do vị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập vào 21/6/1925.

Nhận thấy vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định lấy ngày 21/6 hàng năm làm Ngày báo chí Việt Nam nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.

Nhân dịp kỉ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam (21/6/2000), theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

(Wikipedia)

Theo Việt Anh/Trí Thức Trẻ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm