Nỗi đau giằng xé của một người mẹ

Và sự giằng xé đó càng nhân lên gấp nhiều lần khi người con phải nhận án cao nhất: tử hình.

Đưa con về chịu tội

Người mẹ ấy tên Vương Thị Thu Trang (46 tuổi), đang sống tại một khu nhà trọ dành cho công nhân gần Khu công nghiệp (KCN) Thanh Điền (Châu Thành, Tây Ninh). Sau cuộc hôn nhân tan vỡ cách đây hơn 10 năm, bà ra mướn nhà gần các KCN để buôn bán nhỏ. Gần đây có người chỉ cho nghề làm chổi chỉ (chổi lông nhân tạo) để bỏ mối cho tiểu thương, bà chuyển sang nghề làm chổi. Hơn nửa đời người, bà vẫn ở nhà thuê, tài sản không có gì đáng giá.

Hai con bà đến tuổi trưởng thành, đã mướn nhà ở riêng. Sợ con lêu lổng, bà gọi con về ở trọ chung với mình. Nhưng được một thời gian, các con đều bay khỏi tầm tay của mẹ. Con gái bà lấy chồng bên Malaysia. Con trai thuê nhà trọ trong TP Tây Ninh để đi làm.

Trong căn phòng trọ nhỏ xíu, bà Trang gượng dậy làm việc. Ảnh: TIM

Con trai bà tên Nguyễn Tấn Lợi, năm nay 19 tuổi. Theo lời của nhiều người, lúc nhỏ Lợi rất ngoan, lễ phép. Nhưng đến tuổi thiếu niên và trưởng thành, Lợi có nhiều diễn biến tâm lý phức tạp, hay hành động bột phát. Lợi từng có một tiền sự về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và một tiền án về tội cố ý gây thương tích.

Bà Trang đã cố kéo con về ở gần nhưng không được. Bà lúc nào cũng lo lắng, sợ có chuyện chẳng lành. Bà khóc: “Gia đình tôi đổ vỡ, có nhiều chuyện buồn, tôi biết ảnh hưởng tới con. Nhưng tôi luôn nhắc nhở con, gia đình hai bên đều có nhiều người tốt, sống mẫu mực, mình nghèo cũng phải ráng giữ mình. Ai ngờ lại đến nông nỗi này…”.

Đó là một ngày cuối năm 2013, sau khi bị mẹ rầy la về một việc riêng, Lợi bỏ đi uống bia với bạn ở một quán bar. Rồi nhóm của Lợi xảy ra xô xát với một nhóm khác. Lợi đã chạy đi lấy một cây sắt nhọn đâm một người tử vong ngay tại quán. Sau đó Lợi bỏ trốn.

Những ngày Lợi bỏ trốn là những ngày bà Trang sống trong lo lắng, đau khổ tột cùng. Bà gầy xọp đi. Bà gọi điện thoại cho Lợi nhưng không liên lạc được. Lợi chỉ một lần nhắn tin cho mẹ: “Con xin lỗi má, con có lỗi rất nhiều. Con chưa trả hiếu ngày nào mà đã gây ra chuyện”. Sau đó Lợi liên lạc với chị gái, cho biết mình đang đi trốn, làm mướn ở Campuchia và rất hoảng sợ.

Công an đến vận động gia đình phối hợp truy tìm hoặc đưa Lợi ra đầu thú, sẽ được hưởng khoan hồng. Bà Trang nói: “Nó có tội giết người, sao trốn được. Càng trốn tội càng nặng, giờ đưa con ra chịu tội, hy vọng con sẽ còn một con đường sống”. Bà đã đi dò hỏi khắp nơi để tìm con.

Cuối cùng bà cũng biết được Lợi đang làm cho một quán cóc ở gần chợ Bavet. Cả đêm trăn trở, cuối cùng bà quyết định báo công an vào sáng hôm sau.

Đúng mùng 10 tết, bà Trang cùng công an sang Campuchia, đến nơi Lợi đang tá túc. Lợi đứng nhìn mẹ, không bỏ chạy. Bà Trang thì òa khóc. Lợi nói: “Con sẽ về vì mẹ”.

Nếu con hiểu lòng mẹ

Bà Trang đã đến nhà bị hại để cầu xin sự tha thứ. Bà gom hết được 15 triệu đồng xin khắc phục một phần hậu quả. Gia đình bên bị hại từ chối gặp, từ chối việc xin ân giảm trước tòa. Bà đứng ngoài hàng rào gia đình bị hại cố thanh minh rằng bà đã đưa con về chịu tội, xin được tha thứ. Nhưng có được sự tha thứ từ gia đình đã mất con dưới tay con trai mình có lẽ là không thể.

Ngày 20-6, TAND tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm, tuyên Lợi mức án tử hình. Bà Trang như khuỵu xuống. Nhiều ngày qua, bà nằm trong phòng trọ, khóc cạn nước mắt. Bà day dứt bởi lỗi lầm con trai gây ra. Bên cạnh đó là sự dằn vặt đau đớn: “Con có oán trách mẹ đã bắt con về chịu tội không?”.

Bà nhớ lại: “Khi ra trước tòa, nó vẫn nói xin lỗi đã làm khổ mẹ. Khi công an đưa nó đi, nó vẫn nói con không sao đâu mẹ. Chắc là nó không hận tôi báo công an bắt nó”.

Khi được hỏi nếu biết Lợi sẽ lãnh án tử, bà có báo công an không, bà lại bật khóc: “Con có tội con phải chịu tội nhưng tôi không dám nghĩ là án tử. Có người mẹ nào có thể nhìn con mình đi tới chỗ chết không”. Và bà thiết tha nhờ chúng tôi nhắn gửi: “Tôi không gặp được gia đình bên đó. Tôi nhờ cô gửi đến họ lời xin lỗi, mong rằng được tha thứ một phần nào”.

Bà đã nhờ người viết giúp đơn kháng án, xin giảm nhẹ hình phạt. Đó là điều cuối cùng bà có thể làm để bảo vệ con. Trong những ngày dài đằng đẵng này, bà vẫn gượng dậy làm chổi chỉ với hy vọng mong manh: “Biết đâu nó sẽ được giảm án. Tôi sẽ làm chỗ dựa cho nó, động viên nó cải tạo tốt…”.

Giá như những đứa con có thể hiểu được nỗi đau của các bà mẹ trước khi định gây ra những điều lầm lỗi…

HỒNG MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm