Nông dân Bến Tre xây đền thờ Bác

Nông dân Bến Tre xây đền thờ Bác ảnh 1Dù ngôi nhà hiện nay khá cũ kỹ, nhưng số tiền kiếm được, anh Bạch đều ưu tiên cho việc xây đền thờ. Ảnh N.H-T.L 

    Chắt chiu để xây đền

    Năm 2009, khi thấy ngôi nhà cũ kỹ của anh Nguyễn Văn Bạch (46 tuổi, ở ấp Phước Trung, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) được sửa chữa, xây dựng, người dân xung quanh ai cũng mừng. Mừng là bởi, sau bao năm làm lụng vất vả, tích cóp, cuối cùng, anh nông dân hiền lành cũng tạo dựng được cho gia đình một mái ấm khang trang. Thế nhưng, vài tháng sau, bà con ai cũng ngạc nhiên khi biết anh Bạch không phải cất nhà mà giống như đang xây dựng một đền thờ.

    Anh Bạch sinh ra và lớn lên ở quê hương Bến Tre anh hùng. Một vùng đất được xem là cái nôi của cách mạng trong thời kháng chiến chống Mỹ. Thuở nhỏ, tâm hồn anh đã được nuôi dưỡng bằng những chuyện kể, trang sách hào hùng của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trước đây, cha và ông nội anh Bạch từng được Chủ tịch UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có công trong kháng chiến chống Mỹ. Gia đình anh còn có chú ruột, cậu ruột là liệt sĩ nên anh hiểu rõ thế nào là những đánh đổi máu xương của bao lớp người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của tổ quốc.

    Anh Bạch từng suy ngẫm: Là thế hệ đi sau, được hưởng nền hòa bình no ấm, bản thân mình phải làm việc gì đó để tưởng nhớ đến công ơn của các bậc tiền nhân đã khuất, và tất nhiên, Bác Hồ là người vĩ đại nhất. Anh tâm sự với chúng tôi: “Chính từ lòng ngưỡng mộ, tôn kính vô hạn đối với vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, nhớ công ơn Bác đã đem lại cho đất nước, cho gia đình và bản thân tui được tự do, nên tui quyết định chắt chiu từng đồng tiền lãi từ việc nuôi heo để xây dựng đền thờ Bác Hồ. Vì thế, từ năm 2009, tui bắt tay vào xây đền thờ Bác Hồ trước cửa chính nhà mình. Nói thiệt là tui không rành về các quy định pháp luật, nên không biết việc xây đền thờ Bác như vậy có được cho phép hay không. Đến một hôm, có mấy anh ở xã đến “kiểm tra”, may sao họ không la rầy mà còn khuyến khích việc xây đền thờ. Từ lúc đó, tui mừng lắm và như có thêm động lực để thực hiện ước mơ của mình”.

    Tự thiết kế và làm "cu li"

    Do gia cảnh không khá giả, mọi kế sinh nhai của gia đình đều trông cậy vào việc nuôi heo, nên tích cóp được tới đâu, anh Bạch tiến hành xây dựng tới đó. Anh nói: “Gia đình tôi có 9 anh, chị em, riêng tui được cha mẹ cho mấy công đất để trồng dừa và các cây tạp. Sau đó tôi nuôi heo để có thêm thu nhập, tích góp từ từ kinh tế mới đỡ hơn. Cứ sau mỗi lứa heo xuất chuồng, tui lại dành dụm một số tiền mua vật tư để hoàn thành từng công đoạn đền thờ Bác”. Ý tưởng là một chuyện, nhưng bắt tay vào thực hiện lại là một chuyện khác. Anh Bạch không phải kỹ sư, cũng chưa từng học qua trường lớp về xây dựng, nên anh tự nghĩ ra những kiểu mẫu theo từng công đoạn rồi kêu thợ làm theo. Những ngày bận rộn nhất chỉ có 2 người làm, anh trả tiền cho thợ theo ngày công, lúc rảnh rỗi, anh vừa làm “cai” vừa kiêm luôn phụ hồ, "cu li" cho mau việc. Sau 5 năm xây dựng, công trình đã dần hoàn thiện.

    Gian thờ Bác có diện tích 25m2 nằm trong khuôn viên khu đền rộng 600m2 được xây dựng bằng bêtông, nền lát gạch men. Tượng Bác bằng thạch cao được anh Bạch đặt ở một tầng cao nhất thật trang trọng. Bên cạnh là những chiếc tủ trưng bày hình ảnh, sách tư liệu của Bác Hồ cùng các vị lãnh tụ, anh hùng trên thế giới và dân tộc: Karl Marx, Lê-nin, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… để khách đến có thể ngồi trò chuyện, đọc sách tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Phía trước đền, anh Bạch xây một hồ sen với búp măng non lớn ở giữa. Anh nói: “Măng non là hình ảnh các em thiếu nhi - thế hệ mà Bác luôn luôn quan tâm. Còn sen là hình ảnh gắn liền với câu thơ nổi tiếng mà mỗi con người Việt Nam cũng thuộc nằm lòng, “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Điểm nổi bật của công trình là hầu như chỗ nào cũng rực rỡ màu sắc. Anh Bạch nói: “Đó là bảy sắc cầu vồng, tui chọn những gam màu đó để tượng trưng cho ánh hào quang không bao giờ tắt của Bác”.

    Theo tính toán của anh Bạch, đến nay, tổng số tiền anh bỏ ra để xây dựng đền thờ đến gần 1 tỉ đồng nhưng chưa hoàn thiện. Bước vào nhà anh Bạch, sẽ thấy ngay một khu đền thờ khang trang, nhưng ngay phía sau là “mái ấm” của gia đình anh lại khá cũ kỹ, tuềnh toàng. Anh tâm sự: “Vườn cây tạp sau nhà không cho hiệu quả kinh tế cao, nên mọi kế sinh nhai của gia đình đều phụ thuộc vào các lứa heo. Số tiền dành dụm được, tui đều ưu tiên cho việc xây đền thờ. Mình là nông dân, ăn ở xuề xòa riết rồi cũng quen”. Vợ anh Bạch cho biết thêm: “Hồi đó, hoàn cảnh gia đình cũng chẳng khá giả gì, nhưng khi nghe ảnh đề xuất ý tưởng xây đền thờ Bác, tui không ngăn mà rất ủng hộ. Tiền có thể kiếm được, mình bỏ ra chút công sức xem như làm một việc có ý nghĩa để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân. Đó cũng là cách để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, những người đã hy sinh để con cháu đời sau được hưởng ấm no, hạnh phúc”.

    Vợ chồng anh Bạch hiện có 3 người con. Đứa nhỏ đang học lớp 2, con gái lớn học lớp 12, và con trai cả đang tham gia nghĩa vụ quân sự. “Tui cho thằng con trai lớn đi nghĩa vụ để nó trưởng thành hơn, quan trọng nhất là thanh niên trai tráng phải góp một phần sức cho xã hội, tổ quốc”.

    Lưu dấu cho đời

    Từ những ngày đầu xây dựng đến nay, có nhiều đoàn cán bộ và bà con ở địa phương, đặc biệt các em học sinh đến dâng hương tưởng niệm tại đền thờ nhà anh Bạch. Chị Nguyễn Kim Tha - Bí thư Xã đoàn - cảm nhận: “Không chỉ riêng lứa tuổi thanh niên, mà tất cả người dân nơi đây đều rất tự hào về việc làm của anh Bạch. Tuy là một người nông dân, điều kiện gia đình không thật sự giàu có, nhưng tấm lòng thành kính Bác Hồ trong anh thật đáng khâm phục và trân trọng. Mỗi khi đến dịp lễ, Xã đoàn đều tổ chức đưa học sinh, đoàn viên về nhà anh để nghe anh và các cụ kể những câu chuyện về Bác”… Mỗi ngày, anh Bạch đều thắp hương trước tượng Bác, đọc những cuốn sách viết về Bác để nhìn lại bản thân mình, nỗ lực phấn đấu sống theo gương của vị lãnh tụ. Người nông dân ấy vẫn luôn khắc ghi hình bóng và lời dạy của Người, nhất là trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang “Học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cần - Kiệm - Liêm chính - Chí công - Vô tư”.

    Ngôi đền thờ giờ đây đã trở thành nơi sinh hoạt của nhiều đoàn thể trong địa phương. Nhiều người dân trong ấp cũng rất phấn khởi khi con đường bêtông từ ngoài lộ lớn dẫn đến đền thờ Bác dài 300m cũng được gia đình anh Bạch phát động xây dựng. Kinh phí một phần kêu gọi ủng hộ và bà con trong xóm đóng góp gần 7 triệu đồng, phần còn lại gia đình anh tự bỏ ra. Dịp sinh nhật Bác 19.5 năm nay, anh Bạch sẽ tổ chức lễ tại đền thờ để tưởng nhớ công ơn của Bác. Hiện tại gia đình anh đang tất bật mua vật tư xây dựng, hoàn thiện một số công trình cho kịp lễ. Theo tính toán của anh, số tiền phải lên tới cả trăm triệu đồng.

    Chú Nguyễn Văn Năm - chạy xe ôm ở khu vực Ba Vát, cách nhà anh Bạch khoảng 1km - kể: “Do đường vào nhà thằng Bạch hơi khó đi, nên tui vừa chạy xe ôm, vừa kiêm luôn “hướng dẫn viên” chỉ đường. Rất nhiều khách phương xa đến đây đều có ghé qua thăm đền thờ, tấm lòng thơm thảo của thằng Bạch làm ai cũng quý”. Sinh nhật Bác năm nay, tại một vùng quê sông nước Cửu Long có thêm một đền thờ được khánh thành. Một đền thờ Bác Hồ hoàn toàn không có trong quy hoạch của Bến Tre và cả ĐBSCL, nhưng đây là tấm lòng của anh Bạch, của người dân nơi đây mãi hướng về Người.

    Theo NHẬT HỒ - TRẦN LƯU (Lao Động)

    Đừng bỏ lỡ

    Video đang xem nhiều

    Đọc thêm