Nước mắt voi rừng - Kỳ 1: Hoàng hôn ở vương quốc voi

Bản Đôn, nơi được mệnh danh là “vương quốc voi” với truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng tiếng tăm lẫy lừng giờ đang dần lùi vào quá khứ.

Nước mắt voi rừng - Kỳ 1: Hoàng hôn ở vương quốc voi ảnh 1
Những “gru” cuối cùng“Gru” là “dũng sĩ săn voi”, người được buôn làng kính trọng bởi sự dũng mãnh và gan dạ, họ là hình bóng của xứ sở đại ngàn Tây nguyên. Ở huyện Buôn Đôn, ngoài vua voi Ama Kông thì lác đác vài gru còn sống...Hỏi tìm nhà của gru Nay Phai Lào từng vang danh khắp vùng với tài bắt được 80 voi rừng, mọi người ở Bản Đôn đều lắc đầu bảo: “Mấy năm nay ông buồn chán bỏ đi ruộng rồi, không ở Bản Đôn nữa”. Ngược ra khỏi Bản Đôn rẽ vào con đường bụi mù mịt, rồi bỏ xe máy lại lội bộ qua mấy nương lúa rộng mênh mông chúng tôi gặp Nay Phai Lào - một ông lão râu tóc bạc phơ đang lủi thủi... chăn bò. Dù đã ở tuổi 80 nhưng ông vẫn lưng gùi tay rựa quắm, vóc dáng vững chãi như cây cổ thụ giữa đại ngàn. Đôi mắt buồn miên man của ông chợt bừng sáng khi tôi nói muốn nghe chuyện đi săn voi rừng. “18 tuổi già đã mình trần, đóng khố theo các gru trên lưng voi lao vào rừng sâu, bắt những chú voi con về thuần dưỡng. Voi như người trong nhà và được buôn làng yêu quý, có ai làm hại voi bao giờ... Giờ nhìn cảnh người ta giết voi sao buồn quá”, ông già nói mà hai hàng nước mắt chảy dài. Hồi đó trước mỗi chuyến đi săn voi, Nay Phai Lào và người làng đều phải làm lễ trang trọng để cúng thần rừng, cúng những con voi đi săn và cả những bộ dây thừng bắt voi. Mỗi cuộc đi săn khoảng 20 người. Mỗi voi có một gru ngồi trước điều khiển và một thợ phụ ngồi sau thả thòng lọng vào chân voi con. Gru - người đứng đầu trong cuộc đi săn - phải là người có kinh nghiệm, từng bắt được voi rừng. Thợ phụ thường là người trẻ chưa từng bắt được voi con, đi chủ yếu để học nghề. Khi ăn các gru ăn trước, khi ngủ các gru nằm trên lưng voi, thợ phụ nằm dưới chân. Khi đi săn phải tuyệt đối giữ im lặng như một quy ước với thần rừng. Và dù trong hoàn cảnh nào các gru cũng không được rời khỏi mình voi ngay cả khi cuộc đi săn đã kết thúc. Trong thời gian diễn ra cuộc săn, người nhà của các gru phải kiêng kỵ nhiều thứ: không dùng xà bông vì sợ voi nhà trượt chân, không được khâu vá vì sợ cây rừng đâm vào chân voi, cũng không được đi ăn đám cưới đám ma... Người Bản Đôn bao đời đã tôn thờ voi như thần linh, yêu voi như người trong gia đình.Tới nhà gru Ây Bê (tên thật là Y Thên Eban) lúc ông đang sửa lại căn nhà sàn. Ông già gần 70 tuổi cứ nâng lên, đặt xuống và bùi ngùi nhìn bộ đồ nghề săn voi của mình khi dọn dẹp căn nhà. Đối với Ây Bê đó là thứ đã cùng vào sinh ra tử với ông ở những cánh rừng xanh, đánh dấu một thời trai tráng của ông, là niềm tự hào không riêng gì của Ây Bê mà của cả dòng tộc. Bộ đồ nghề bao gồm sợi dây săn voi làm bằng da ba con trâu đực, dài 36 sải tay người; cây đam lốc làm từ hai thân cây ngheng nốt có gai cứng để kẹp cổ khống chế voi vừa bắt được, sào bắt voi, tù và, ống nước bằng sừng trâu, ống lồ ô... Chúng theo Ây Bê từ năm 1960, lúc ông 18 tuổi và có chuyến đi săn đầu tiên. Bộ đồ nghề là một thứ thiêng liêng trong cuộc đời mỗi gru. Thế nhưng trong thời thất truyền này nhiều gru đã mang bán những vật dụng linh thiêng. Ây Bê là một trong số ít ỏi những gru ở Bản Đôn còn giữ lại bộ đồ nghề săn voi.
Nước mắt voi rừng - Kỳ 1: Hoàng hôn ở vương quốc voi ảnh 2
Gru Ây Bê biểu diễn lại động tác bắt voi rừng bằng cây đam lốc - Ảnh: Đình Dân

Cõi già nuaCái đìu hiu ở xứ sở voi rừng càng ảm đạm trước cảnh những chú voi già nua ở đây bước đi mệt nhọc trong ánh chiều tà sau một ngày cõng khách du lịch. Cả Bản Đôn (nay là Buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) chỉ còn lại vài con voi nhà. Voi cái Kham On nhà Y Drăng đã hơn 50 tuổi nhưng vẫn đều đều một tuần cõng khách, một tuần nghỉ. Y Drăng kể: “Voi ở nhà cũng chẳng làm gì, lại tốn cả trăm ngàn tiền mua thức ăn nên dù sợ voi không có cây rừng sẽ yếu đi tôi cũng không dám cho voi nghỉ”. Chiều tàn, Ma Thiên dẫn voi Khăm Gụt từ khu du lịch Biệt Điện vào rừng để voi tìm thức ăn, đến tối mịt anh mới trở về nhà. Đã sáu năm nay từ khi Khăm Gụt về chở khách thuê cho khu du lịch Biệt Điện, chiều nào Ma Thiên cũng dắt voi vào rừng kiếm ăn, sáng 5 giờ anh đã phải đi bộ gần 4km đường rừng đón voi về tắm rửa, đóng bành chở khách. Phận voi, phận người đều khổ. Hôm nay là ngày cuối tuần, trời đã sẩm tối, Ma Thiên vừa dắt voi vào rừng vừa đổ quạu vì ngày mai lẽ ra Khăm Gụt được nghỉ nhưng công ty bắt phải đi trực nữa. Anh bực dọc: “Cả tháng nay cứ bắt nó trực liên miên lấy sức đâu nó sống”. Đã thế voi ở bản thường xuyên bị bọn trộm xoáy mất lông đuôi. Nghe tin bên huyện Lắk con voi nào cũng bị chặt trộm mất đuôi anh sợ quá. Ấy thế mà lông đuôi vẫn bị nhổ làm đuôi voi chảy máu... Cũng như Khăm Gụt và Khăm On, con voi đực Bạc Kham già nua nhà Ma Brôn đã 70 tuổi nhưng ngày nào cũng phải chở khách. “Mỗi giờ chở khách như vậy chủ voi được 100.000 đồng. Bạc Kham đã già lại bệnh tật, thỉnh thoảng từ trán nó chảy nước rất hôi” - Ma Brôn, chủ voi Bạc Kham, lên tiếng. Thương voi, có tháng nhất quyết anh không cho đi chở khách mà lặn lội năm, sáu ngày đường đưa voi đi ăn xa. Ma Brôn xót xa: “Bạc Kham già lắm rồi, phải cho nó vào rừng ăn cỏ, ăn cây thuốc nó mới khỏe được. Nhưng chắc nó cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa”. Ma Brôn trầm ngâm: “Con voi này là của gru ngày xưa săn về, giờ gru mất, già làng cũng mất, có lẽ đây cũng là con voi cuối cùng của buôn làng rồi...”. Với Y Drăng, Ma Thiên, Ma Brôn hay bất cứ người dân nào ở Bản Đôn, voi như người thân trong gia đình họ. Nếu voi vào cõi tuyệt chủng, cả một nét văn hóa của xứ sở đại ngàn cũng sẽ chết đi.

Theo báo cáo của các nhà khoa học tại hội thảo “Bảo tồn voi và giảm thiểu xung đột giữa voi và người”, do Cục Kiểm lâm tổ chức tại vườn quốc gia Cát Tiên cuối tháng 11-2009, hiện tại cả nước chỉ còn khoảng 80 con voi rừng, giảm gần 1/2 so với cách đây năm năm. Các chuyên gia dự đoán nếu cứ theo đà này khoảng 10-20 năm nữa voi rừng ở nước ta sẽ không còn.

Theo ĐÌNH DÂN - VŨ THỦY (TTO)
__________ Gần đây hàng loạt xác voi thối rữa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được cơ quan công an xác định chết do nhiều đầu đạn loại lớn găm vào đầu... Ở một góc khác, hàng trăm người dân đang quần nhau với đàn voi rừng để bảo vệ hoa màu và tính mạng.Kỳ tới: Thảm họa của voi rừng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm