Ở một xã gần 20 năm không có ma túy

Toàn xã có 307 hộ, 1.287 khẩu, gồm 5 dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh ở trong 8 xóm. Tuy cuộc sống còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm hơn 34%, nhưng xóm làng sẽ sớm đổi thay hơn từ các chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và từ chính nội lực của người nông dân.

Trước đây, xã Bắc Hợp chỉ có hai xóm 100% là người Mông, nằm chót vót trên đỉnh Pù Lầu, mỗi lần đến với người dân, cán bộ chỉ có thể đi bộ, rất gian nan, vất vả. Được sự hỗ trợ từ Chương trình 134, từ năm 2005, cán bộ xã đến từng hộ dân ở bản Lũng Nặm để vận động bà con xuống núi lập xóm mới. Nơi ở mới của bà con người Mông được Nhà nước, chính quyền đầu tư đất, nhà ở, điện và công trình nước sạch.

Tiếp đó, trong 2 năm 2007-2008, xóm Pù Lầu cũng đã hạ sơn, thoát khỏi cảnh nằm cheo leo, bản mới nằm trải dài dọc sườn núi Pả Sa.

Ông Tuyến cho biết thêm: “Bà con người Mông dẫu gặp nhiều khó khăn trong thay đổi tập quán canh tác, nhưng rất phấn khởi. Bà con tin tưởng rằng cuộc sống sẽ đổi thay phụ thuộc rất nhiều vào việc quy hoạch lại làng, bản và thay đổi một số phong tục tập quán cho phù hợp việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bà con cũng tin rằng, ma túy là nguồn gốc của đói nghèo, tệ nạn xã hội, nên thực hiện rất nghiêm các chương trình phòng chống ma túy trong cộng đồng mà chính quyền xã, đặc biệt là lực lượng Công an xã triển khai”.

Để xóa đói giảm nghèo cho nhân dân, mấy năm trở lại đây, Nhà nước đã hỗ trợ cho Bắc Hợp các chương trình cụ thể như 135, 134… Bà Nông Thị Vơn, Chủ tịch UBND xã Bắc Hợp cho biết, ngoài ra, xã còn tiếp nhận chương trình cải thiện dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn (PS-ARD, do Hiệp hội Thụy Sĩ về hợp tác quốc tế Helvetas hỗ trợ) triển khai tại xã.

Ở một xã gần 20 năm không có ma túy ảnh 1
Trẻ em ở Bắc Hợp được giáo dục tránh xa ma túy.

Bà Vơn cho biết: “Như ở các bản mới của người Mông, trước đây đặc biệt khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Chương trình 135 đã giúp dân làm một bể chứa nước lớn trên núi, nhưng việc đưa nước từ núi về các xóm vẫn rất khó khăn. Người dân đã họp bàn với nhau và đề nghị triển khai hệ thống cấp nước sạch từ bể lớn trên núi về 4 bể nhỏ, chia theo từng cụm gia đình. Và để thực hiện nguyện vọng này của mình, người dân tự lập kế hoạch, góp công và một số vật liệu, còn dự án PS - ARD hỗ trợ tiền vật liệu xây dựng, ống dẫn nước, van... Tổng công trình ước tính trên 100 triệu đồng; trong đó phần hỗ trợ của PS-ARD là 63 triệu đồng. Số tiền không phải là lớn, nhưng góp phần quan trọng trong việc tác động đến bà con về tính chủ động tự xóa đói giảm nghèo, an cư lạc nghiệp”.

Bà Vơn cho biết thêm, xã Bắc Hợp đã đề ra hướng đi mới trong việc quy hoạch làng xóm trong thời gian tới, đó là sẽ tập trung các hộ ở 2 bên quốc lộ 34, đường liên xã, liên huyện và đan xen 2-3 đồng bào dân tộc trong cùng một xóm để có sự cạnh tranh lành mạnh trong việc phát triển kinh tế, xóa nghèo, tiến tới làm giàu. Nhờ mạnh dạn đầu tư vào đường giao thông nông thôn, đến nay, việc đi lại của bà con, đồng bào trong xã đã tương đối thuận lợi.

Đường giao thông nội đồng bước đầu được kiên cố hóa, bê tông hóa đã tạo điều kiện cho nhiều cánh đồng trong xã như Khon Chỉa trước đây chỉ trồng được một vụ lúa, thì đến nay đã trồng được 2 vụ lúa và một vụ màu. Trong đó, bà con góp công, của hơn 50%, chỉ có một khoản vốn nhỏ “kích thích” từ các dự án, nhưng công việc rất trôi chảy, đồng thuận.

Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Đức Hòa (Sở Nội vụ Cao Bằng) cho biết, việc sử dụng đồng vốn khiêm tốn để thực hiện công việc cụ thể do người dân yêu cầu hỗ trợ, thực chất phát huy cao vai trò của nó. Chúng tôi đã triển khai mở rộng mô hình này đến 37 xã của hai huyện Quảng Uyên và Nguyên Bình. Người dân tại các xóm vùng cao, vùng sâu chủ động tham gia thể hiện nhu cầu phát triển, đồng thời thể hiện được quyền làm chủ khi cùng góp công, góp của tham gia dự án. Các xã tham gia dự án được cấp bình quân mỗi xã 100 triệu đồng, xã đặc biệt khó khăn được phân bổ 120 triệu đồng, nhưng chênh lệch đó chỉ là phụ vào việc vận chuyển, hoặc hỗ trợ kỹ thuật chứ không phải “ưu tiên” vốn.

“Trên cơ sở kỹ thuật mới và kinh nghiệm bản địa, nhiều người dân ở Bắc Hợp đã nhìn thấy sự phát triển, đổi thay trong gia đình mình, và xóm giềng. Việc người dân yên tâm lao động sản xuất, thì cũng yên tâm xóa bỏ các hủ tục làm kìm hãm sự phát triển. Cứ đà này, tôi tin rằng, không chỉ 20 năm, mà nhiều năm nữa, ở Bắc Hợp vẫn không có tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội khác. Tình hình an ninh trật tự và kinh tế xã hội ở Bắc Hợp sẽ phát triển, ổn định hơn rất nhiều”.

 
Theo Lê Quân (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm