Obama thăm Cuba: Chiến thắng của hai cựu thù

Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn chưa thể cắt bỏ hết những “xiềng xích” về kinh tế và chính trị bao lấy Cuba suốt hơn nửa thế kỷ qua. Hiện ông chỉ mới nới lỏng một số rào cản thương mại giữa hai nước. Chính Quốc hội Mỹ chứ không phải chủ nhân Nhà Trắng mới có quyền chấm dứt những lệnh cấm vận đối với Cuba. Di sản mang tính lịch sử mà ông Obama để lại chính là sự thay đổi trong tư duy đối ngoại của Mỹ khi loại Cuba khỏi danh sách thù địch ngang hàng với Triều Tiên hay Iran.

Chấm dứt hận thù của nước Mỹ

Tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước đã nhận được một cú hích cực lớn trong tuần qua với chuyến viếng thăm của ông Obama. Sau hơn 88 năm, kể từ khi cựu tổng thống Calvin Coolidge đến Cuba trên chiếc tàu chiến năm 1928 nay mới có thêm một tổng thống Mỹ bước chân đến TP Havana. Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes cho biết: “Chúng tôi xem chuyến thăm như một công cụ để thúc đẩy tiến trình bình thường hóa. Chúng tôi đang cố mở cửa thương mại nhiều hơn giữa Mỹ và Cuba, đồng thời thúc đẩy các giá trị mà chúng tôi quan tâm”.

Nước Mỹ với vị thế là một cường quốc đã “sống khỏe” trong hơn nửa thế kỷ cấm vận Cuba. Quyết định chấm dứt những thù hằn trong quá khứ mang đậm dấu ấn tầm nhìn của ông Obama. Tuy nhiên, đây không chỉ là quyết định mang tính nhân văn mà còn vì những lợi ích cụ thể của nước Mỹ.

“Sách lược của ông Obama đối với đảo quốc Cuba chắc chắn là sáng kiến táo bạo nhất từ trước đến nay của ông tại khu vực Tây bán cầu” - Susan Segal, Chủ tịch và CEO của tổ chức Xã hội châu Mỹ/Hội đồng châu Mỹ (AS/COA), nhận định. “Sách lược này chấm dứt hơn nửa thế kỷ cấm vận không chỉ làm hại dân thường Cuba mà cả những lợi ích thương mại của Mỹ”.

Bà cho rằng những cấm vận đối với Cuba chỉ mang lại bất lợi cho Mỹ trước các đối thủ thương mại và thậm chí “đầu độc” mối quan hệ giữa Mỹ và toàn bộ Mỹ Latin. Việc bình thường hóa quan hệ với Cuba trở thành một điều tất yếu đối với Washington.

Quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba sẽ mở thêm một hướng mới cho nền kinh tế Mỹ hiện đang lấy lại đà phát triển sau giai đoạn suy thoái. Không những thế, nó còn giúp giảm nhẹ bớt những căng thẳng lịch sử của Mỹ với các quốc gia Mỹ Latin. Những chuyển biến này sẽ giúp Mỹ giành lại sự áp đảo của mình tại “sân nhà” châu Mỹ trước sự xuất hiện ngày càng rõ của Nga và Trung Quốc, hay sự trỗi dậy mạnh mẽ của Brazil.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) trao đổi với  Chủ tịch Cuba - ông Raul Castro. Ảnh: AP

Ông Obama chào hỏi người dân trên đường phố Havana. Ảnh: REUTERS

Cuba sẽ chuyển mình

Chiến lược mới của Mỹ giờ đây là bắt tay hợp tác với Cuba thay vì chống lại đảo quốc này. Tiến trình bình thường hóa quan hệ hướng đến cải thiện chất lượng cuộc sống tại Cuba thông qua con đường đối thoại đàm phán và các ràng buộc thương mại. Washington sẽ chấm dứt những nỗ lực cô lập và trừng phạt kinh tế đối với Cuba nhằm lật đổ chính phủ Havana. Những thay đổi này sẽ mở đường cho Cuba dần dần chuyển mình.

Những dấu hiệu tích cực đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện trong lĩnh vực du lịch. “Lượng khách du lịch lớn sẽ mang lại lợi ích lớn cho những người kinh doanh nhỏ ở Cuba, đặc biệt là khu vực dịch vụ” - Michael Bustamante, nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Yale (Mỹ), cho biết. “Về kinh doanh quốc tế, một số công ty của Mỹ, điển hình là dịch vụ chia sẻ nơi ở Airbnb, cũng đang bắt đầu hoạt động tại Cuba. Nhiều công ty khách cũng đang tìm kiếm cơ hội và tiếp xúc với quan chức Cuba”.

Ông William LeoGrande, thuộc ĐH Mỹ ở thủ đô Washington, cho rằng tiến trình bình thướng hóa sẽ nối lại mối quan hệ “đối tác tự nhiên” giữa Mỹ và Cuba. Ông cho biết: “Trong lịch sử, Cuba và Mỹ có mối quan hệ văn hóa và kinh tế rất gần gũi. Nếu như Mỹ tiếp cận với sự tôn trọng, đảm bảo sự độc lập của Cuba, vô số cơ hội trao đổi văn hóa và phát triển kinh tế cho hai nước sẽ được mở ra”.

Tuy nhiên, những bước tiến mới cho nền kinh tế Cuba và quan hệ kinh tế hai nước sẽ cần thêm thời gian để “vào guồng”. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker cho biết Mỹ đã thông qua hơn 490 thỏa thuận kinh doanh giữa các công ty Mỹ và phía Cuba riêng trong năm 2015 với tổng giá trị hơn 4,3 tỉ USD. Tuy nhiên, bà Pritzker cho rằng phía Cuba chưa đủ hợp tác để những thỏa thuận này “đến đích”. Trong khi đó, bộ trưởng Bộ Đầu tư nước ngoài của Cuba lại cho rằng chính việc Mỹ giải quyết giấy tờ chậm trễ mới là nguyên nhân khiến hợp tác kinh doanh gặp trở ngại. Rõ ràng cả hai nước sẽ còn cần thêm nhiều thời gian hơn nữa để tìm được tiếng nói chung.

Di sản của Obama

Tháng 12-2014, Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố sẽ tiến hành bình thường hóa quan hệ với Cuba. “Hôm nay, chúng tôi tạo ra những thay đổi này vì đó là điều đúng đắn phải làm. Hôm nay, Mỹ chọn cắt đứt những xiềng xích của quá khứ để có một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân Cuba, nhân dân Mỹ, toàn bộ bán cầu và toàn thế giới” - Reuters dẫn lời ông Obama tại Nhà Trắng.

Ngay sau quyết định của ông Obama, dư luận thế giới đồng loạt hoan nghênh và cũng dành những lời ưu ái cho ông. “Chúng ta cuối cùng cũng có một vị tổng thống đưa ra được quyết sách đúng đắn, vì lợi ích của nước Mỹ, vì danh tiếng của Mỹ ở châu Mỹ Latin, vì nhân dân Cuba” - tờ New York Times dẫn lời bà Julia Sweig, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Mỹ Latin thuộc Ủy ban Quan hệ đối ngoại Mỹ.

Sự thay đổi về sách lược đối ngoại của ông Obama đối với Cuba đã mang lại nhiều biến đổi to lớn trong mối quan hệ hai nước trong suốt hai năm qua. Nổi bật nhất phải kể đến việc mở lại đại sứ quán Mỹ tại Havana hồi tháng 8-2015 và chuyến công du của chính ông Obama - tổng thống Mỹ đầu tiên đến Cuba kể từ năm 1928 đến nay. Quyết định bình thường hóa ngoại giao của ông Obama sẽ tác động đến hàng chục thế hệ người dân Mỹ và Cuba trong tương lai.

Cuba đã chính thức được điền vào danh sách dài những di sản ông để lại có tác động lâu dài đến tương lai của nước Mỹ. Trang phân tích và bình luận Vox đã bình luận với chuyến thăm Cuba, ông Obama chính thức trở thành tổng thống để lại nhiều hệ quả tương lai nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trang mạng đã liệt kê những chính sách mà ông Obama đã theo đuổi và bảo vệ thành công như: Chương trình bảo hiểm xã hội toàn quốc ObamaCare, chuyển hướng nước Mỹ sang nền công nghiệp năng lượng xanh, xoay trục chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương, hay chấm dứt bất đồng và đặt nền tảng ngoại giao với Iran,… Trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ đã và đang đặt những viên gạch nền móng mới mẻ và vững chắc cho tương lai của nước Mỹ.

Du khách Mỹ đổ xô sang Cuba

Số lượng du khách người Mỹ đến Cuba đã tăng đến 77% trong năm 2015, sau khi ông Obama tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ với Cuba. Trong năm 2015, số người đến Cuba đạt tổng cộng 161.000 người, chưa bao gồm hơn 40.000 người Mỹ gốc Cuba thường xuyên về thăm quê hương. Con số này sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Ông Obama đã tuyên bố dỡ bỏ gần như toàn bộ lệnh cấm du lịch cá nhân đến Cuba.

Gần như mọi hãng hàng không lớn của Mỹ đều tuyên bố sẽ mở đường bay thẳng từ Mỹ sang Cuba, theo trang USA Today. Thỏa thuận hàng không ký hồi tháng 2-2016 đã cho phép các hãng hàng không Mỹ thực hiện 110 chuyến bay khứ hồi/ngày đến Cuba, trong đó 20 chuyến đến thủ đô Havana.

Cựu tổng thống Mỹ “đánh rơi” cơ hội

Những cấm vận của Mỹ trong quá khứ đã không thay đổi được chính quyền Cuba và cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho Mỹ. Khi trở thành tổng thống Mỹ năm 1993, ông Bill Clinton cũng từng có ý định dỡ bỏ cấm vận. Tuy nhiên, ông Clinton đã chùn tay khi bị cộng đồng người Cuba tại Florida, vốn là những người Cuba bất đồng chính trị với chính quyền Havana, chỉ trích và gây sức ép.

Thời thế đã thay đổi khi thành phần người Cuba tại Mỹ hiện nay đa số là những người tìm kiếm các lợi ích kinh tế, công ăn việc làm hợp pháp để gửi tiền về quê nhà nuôi gia đình, theo trang bình luận phân tích Vox.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm