Phía sau các vụ ám sát 5 thị trưởng ở Philippines

Vào sáng thứ Hai đầu tuần trước, ông Antonio Halili, thị trưởng của thành phố Tanauan, tỉnh Batangas (Philippines), đã bị ám sát bằng súng, khi đang dự lễ thượng cờ đầu tuần tại tòa thị chính thành phố.

Lực lượng an ninh và y tế đã bắn trả và nhanh chóng chuyển ông đến bệnh viện nhưng vết thương ở ngực đã khiến ông không thể qua khỏi.

Chưa đầy một ngày sau, chiều ngày 3-7, người đồng cấp của ông tại thành phố General Tinio nằm ở phía Bắc thủ đô Manila, ông Ferdinand Bote cũng đã bị hung thủ đi xe máy bắn chết khi đang rời cơ quan trên xe hơi. 18 vỏ đạn đã được tìm thấy tại hiện trường.

Hai vụ ám sát trên đã nâng tổng số quan chức bị sát hại kể từ khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khởi xướng chiến dịch chống ma túy cách đây hai năm lên con số 12 và là thị trưởng thứ 5 thiệt mạng.

Ông Antonio Halili tại một sự kiện ở Tanauan năm 2017. Ảnh: AFP

Danh sách 3 thị trưởng còn lại bao gồm ông Samsudin Dimaukom của thành phố Datu Saudi Ampatuan, tỉnh Maguindanao; ông Rolando Espinosa của thành phố Albuera, tỉnh Leyte; và ông Reynaldo Parojinog Sr. của thành phố Ozamiz, tỉnh Misamis Occidental.

Cả ba ông đều bị cảnh sát bắn hạ do cố ý chống trả trong các hoạt động truy quét quan chức chính phủ có lên quan đến hoạt động buôn bán ma túy, lần lượt vào tháng 10 và tháng 11 năm 2016, tháng 7 năm 2017.

Tuy nhiên, vụ ám sát 2 thị trưởng gần đầy nhất hiện vẫn đang còn rất nhiều khoảng trống để có thể xác định được động cơ gây án.

“Giết người diệt khẩu”, trả thù cá nhân, hay lý do khác?

Ông Halili, nạn nhân đầu tiên của vụ ám sát, giữ chức thị trưởng một cách đầy tranh cãi. Ông là người có quan điểm ủng hộ chiến dịch càn quét tội phạm ma túy, như thành lập một nhóm hành động “chống tội phạm” gồm 70 người với nhiều quan chức chính quyền Tanaguan.

Tuy nhiên, vào năm sau, tên của ông lại xuất hiện trong danh sách quan chức chính phủ tình nghi có dính dáng tới ma túy. Theo tờ Inquirer, ông nằm trong số 1000 quan chức khác đã gặp riêng tổng thống tại Malacanang hồi tháng 1 năm 2017 nhằm đưa tên mình ra khỏi danh sách.

Không lâu sau, ông cũng bị tước quyền chỉ huy cảnh sát do các tranh cãi về nạn buôn bán ma túy tăng lên ở thành phố của ông, mặc cho ông từ chối mọi báo cuộc liên quan.

Như vậy, trong trường hợp ông Halili thực sự có liên quan, có thể nguy cơ bại lộ các thông tin đã khiến mạng lưới buôn bán ma túy đã quyết định ra tay với ông. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, khi trước đó, thị trưởng Espinosa trước khi bị cảnh sát lục soát khẩn cấp, đã khai nhận một danh sách hơn 225 quan chức chính phủ và một thượng nghị sĩ có liên quan đến hoạt động ma túy của con trai mình.

Tuy nhiên, trả thù cá nhân cũng là một nguy cơ rất hiện hữu. Ông Bote, nạn nhân của vụ ám sát gần nhất, lại không có liên hệ đến các chiến dịch chống ma túy của chính phủ.

Nhưng giống như ông Halili, ông cũng đã cho thi hành lệnh trừng phạt bắt tội phạm ma túy trộm cướp phải tuần hành mang theo biểu ngữ ghi tội trạng vào năm 2016 tại thành phố của mình, một chính sách bị nhiều tổ chức nhân quyền lên án vì đã đánh vào danh dự và nhân phẩm của con người.

Nguyên nhân chính trị cũng đang được cảnh sát Philippines (Napocom) điều tra kỹ lưỡng. Phát biểu trước báo giới hôm thứ năm, tướng Oscar Albayalda, tổng chỉ huy cảnh sát quốc gia, cho biết, “ông Halili đã từng có mâu thuẫn với một cực chi huy cấp cao”.

Thủ trưởng cảnh sát khu vực 3, ông Amador Corpus, cũng nghi ngờ yếu tố chính trị trong vụ ám sát ông Bote, với nhiều khả năng nằm ở các mâu thuẫn giữa công việc kinh doanh xây dựng của ông Bote với các dự án của chính phủ.

Chiến dịch chống ma túy sẽ còn gây ra nhiều bất ổn ở Philippines

Mặc dù phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines, Harry Roque đã tuyên bố, Manila sẽ dùng mọi biện pháp để truy tìm và xét xử thủ phạm. Tuy nhiên, nỗi lo ngại mà các quan chức chính phủ đang phải đối mặt là không hề nhỏ.

Các quan chức chính quyền địa phương hối thúc các cơ quan thực thi pháp luật cho phép họ tham gia làm rõ danh sách Tình nghi liên quan đến ma túy của chính phủ, thông qua Liên minh các nhà chức trách địa phương (ULAP) và hiện đang được xem xét bởi Bộ Nội vụ và Cảnh sát quốc gia Philippines (PNP).

Người phát ngôn đảng đối lập Akbayan, Tom Villarin, hôm thứ tư đã đổ lỗi cho chính phủ về hai vụ ám sát trên vì lý do tổng thống Duterte cam kết bảo đảm an ninh và cho phép các sĩ quan nổ súng với tội phạm ma túy mà không qua xét xử.

Kể từ tháng 7 năm 2016, cảnh sát Philippines đã bắn hạ hơn 4.200 người trong chiến dịch chống ma tuý, với 2.500 nghi phạm bị thủ tiêu hoặc bị ám sát trong cùng thời kỳ. "Việc ông Duterte bỏ qua các thể chế luật pháp đã khiến năng lực chính phủ suy yếu và khủng hoảng an ninh trong nhân dân, mọi người phải tự tìm cách bảo vệ chính mình và có thể dẫn đến các vòng xoáy bạo lực gây tàn phá xã hội."

Với số lượng tội phạm ma túy đầu hàng hoặc đầu thú tại các nhà giam đến mức quá tải như hiện nay, không thể không công nhận nỗ lực và quyết tâm cứng rắn của ông Duterte trong việc triệt hạ vấn đề ma túy ở nước mình.

Tuy nhiên, để có thể đảm bảo an ninh quốc gia, ngoài vấn đề dai dẳng của nạn buôn bán ma túy, vấn đề kiểm soát súng đạn cũng phải được chú trọng để ngăn ngừa các hành động tấn công có vũ trang và đảm bảo an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, việc các quan chức, nhất là các quan chức cấp cao của chính phủ, cần phải được đánh giá năng lực và giám sát chặt chẽ hơn trong các hoạt động của mình tại địa phương cũng phải được chú trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm